MỘT NGÀY TRÊN QUÊ BÁC – Bút ký của Nhà giáo Nguyễn Thị Thực

 

 MỘT NGÀY TRÊN QUÊ BÁC

Cứ mỗi lần đến ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh  lòng chúng ta lại xao xuyến nhớ Người vô hạn. Đã bao lần mong ngóng ra thăm quê Bác, hôm nay nhân dịp kỷ niệm ngày 19/5, tôi và các bạn thơ trên chiếc xe khách lại rong ruỗi trên con đường về thăm quê Bác.

Vùng làng Sen, Nam Liên nơi đây, thật là một khung cảnh thần tiên, đầy cây xanh, hoa thơm và quả ngọt.  Trong khu này các di tích, các kỷ vật đều được giữ nguyên vẹn và bảo vệ chu đáo, sạch gọn đẹp mắt, thật kỳ diệu. Trước sân nhà thờ là cây đa cổ thụ nổi tiếng tươi tắn, vững chãi như lòng người xứ Nghệ. Làng Sen, nơi dãi đất mật đường thân thương, nơi địa linh nhân kiệt đã sinh ra vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Làm tôi nghĩ đến một bà cụ công giáo nước Mỹ có phát biểu rằng: “Trước kia tôi thắc mắc tại sao thượng đế lại không ban cụ Hồ Chí Minh cho nước Mỹ, để cụ có đủ điều kiện phát huy tài năng xuất chúng để góp phần to lớn dành hạnh phúc cho loài người. Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng, thượng đế làm đúng. Nếu cụ Hồ không sinh ra ở Việt Nam thì ai sẽ lãnh đạo nhân dân trừng phạt bọn quỹ giữ xâm lược”.

Bác Hồ được lớn lên dưới bóng núi Chung Son, trong 3 gian nhà lá nhỏ đơn sơ, có hàng rào dâm bụt và bờ chè tàu như mọi nhà quê khác. Cảnh sắc nơi đây không hoang sơ, không kỳ bí; giản dị mà đẹp đẽ, thơ mộng và lý tưởng vô cùng. Du khách hằng ngưỡng mộ. Khu vườn của Bác, nhìn phong cảnh hữu tình mỹ mục, quyến rũ. Tôi sực nhớ câu thơ Tố Hữu:

“Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa

Có hồ nước lặng sôi tăm cá

Có bưởi cam thơm mát bóng dừa..”

Chúng tôi vào nhà thờ dâng hương. Ngắm nhìn bức ảnh Bác, tôi tưởng nhớ đến cái ngày nhà trường sư phạm xã hội Hà Tĩnh tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ 3/9/1969 tại xã Sơn Hòa. Khi nghe thầy Đoàn Diệu đọc lời di chúc của Bác, thầy trò toàn trường đều khóc. Giờ đây hồi tưởng lại mà mi mắt tôi vẫn rưng rưng xúc cảm. Tôi nhớ có một phụ lão Liên Xô cũng khóc Bác. Ông nói:

“Bình sinh đầu ngững tới trời xanh

Khuất bóng hồn thơm quyện đất lành

Anh hùng Hồ để gây nghiệp ấy

Tâm hồn giản dị, trí anh minh..”

Qua cái giọng ấm áp, của cô thuyết minh khu di tích, tôi càng thấm thía hơn về thân sinh Hồ Chủ tịch, về cội nguồn, gia phong… của Người. Trong căn nhà, nơi Bác sinh trưởng, mọi thứ đều giản dị. Bác cũng thật giản dị. Qua bao sự biến đổi thăng trầm, qua bao lớp bụi thời gian, mà các di tích các kỷ vật lưu niệm, vẫn trọn vẹn đơn sơ mà gợi cảm vô cùng. Mọi vật giản dị, hình ảnh Bác cũng thật bình dị như cuộc đời Bác vậy. Đúng như câu nói của thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là giản dị và lão thực; Vĩ nhân thực sự là vĩ nhân bao giờ cũng giản dị lão thực”. Tố Hữu đã từng viết:

Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên người người tỏa sáng trong ta

Ta bổng lớn ở bên Người một chút

Chúng tôi xuống thăm hồ Sen. Mặt nước hồ xanh xanh, dưới bóng nắng vàng chuyển màu bàng bạc, lấp lánh dưới làn gió nhẹ đưa ngang. Những cành sen uốn vẩy trước gió tạo nên một làn sóng hồng tuyệt mỹ. Vùng quê xứ Nghệ yêu thương, làng sen quê Bác cũng như bao làng quê Việt Nam thân thuộc.

Thăm quê Bác, thăm lại ngôi nhà đơn sơ mà Bác đã sinh trưởng, tôi cứ tưởng tượng Bác như còn bên ta, như còn tự tại trong căn nhà lá đầy thương yêu trìu mến này. Chúng ta càng thấm thía hơn về ơn sâu nghĩa nặng của Bác Hồ. Mấy câu thơ của Tố Hữu dưới đây nói hộ cho tấm lòng của tất cả chúng ta, gửi gắm muôn vàn trái tim thương nhớ đến linh hồn của Bác:

“… yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dãy Trường Sơn”

Một chuyến đi thật ngoạn mục, thật bổ ích, đầy ý nghĩa dạt dào tình thương yêu lưu luyến như không muốn chia xa. Nơi đây lòng người dân mộc mạc, chân chất, thơm thảo như cũ khoai lang vàng xứ nghệ.

Thăm lại quê Bác, chúng ta càng nhớ được sâu sắc hơn, về công ơn trời biển của Bác Hồ muôn vàn yêu dấu.

 

 Nhà giáo Nguyễn Thị Thực  ĐT 0392 754 904