Một Bài Thơ đầy giá trị Minh triết Của NguyễnDu Bài viết của G/s Nguyễn Khắc Mai
Một Bài Thơ đầy giá trị Minh triết
Của NguyễnDu
G/s Nguyễn Khắc Mai
Đây là bốn câu kết trong bài thơ thể cổ phong của Nguyễn Du, nhan đề : Lương Triều Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài,(Đài đá Phân kinh của Thái tử Chiêu minh, triều Lương). Nếu để tách riêng bốn câu này, nó đã là một bài tứ tuyệt, nghiêm chỉnh niêm luật, âm điệu hài hòa mà chữ nghĩa thật sâu sắc.
Ngã độc Kim cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh,
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh.
Dịch: Ta đọc kinh Kim cương ngàn lẻ biến,
(không nên dịch là ngàn lẻ lần.
Vì mỗi lần có thể đọc hay tụng nhiều biến.)
Mà những điều chính yếu sâu sắc, phần lớn không tỏ tường.
Cho đến khi đến dưới đài đá Phân kinh này,
Rốt lại mới biết được vô tự mới là kinh chân thật.
Tương truyền khi dựng đài ấy, tấm bia không có chữ.
Nhiều người khi đọc bài thơ này của Nguyễn Du chỉ chú ý đến khổ thơ tứ tuyệt này.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du làm bài thơ này khi còn là nhà sư pháp danh Chí Hiên, đi ngao du bên Tàu trong thờì Tây Sơn. Nhiều người khác cho rằng cụ làm bài này khi phụng mệnh vua Gia Long đi sứ vì nó nằm trong tập Bắc hành tạp lục.
Nguyên văn bài thơ bằng chữ nho, phiên âm như sau:
Lương Chiêu minh Thái tử Phân kinh Thạch đài
Lương triều Chiêu minh Thái tử phân kinh xứ,
Thạch đài do ký phân kinh tự
Đài cơ vu một vũ hoa trung,
Bách thảo kinh hàn tận khô tử.
Bất kiến di kinh tại hà sở
Vãng sự không truyền Lương Thái tử.
Thái tử niên thiếu nịch ư văn,
Cường tác giải sự đồ phân phân.
Phật bản thị không bất trước vật.
Hà hữu hồ kinh an dụng phân.
Linh văn, bất tại ngôn ngữ khoa.
Thục vi Kim cương, vi Pháp hoa.
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ.
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma.
Nhất môn phụ tử đa giao tế,
Nhất niệm chi trung ma tự chí.
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài.
Bạch mã triêu độ Trường giang thủy,
Sở lâm họa mộc trì ương ngư.
Kinh quyển thiêu hồi đài diệc dĩ.
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn.
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ,
Ngô văn Thế tôn tại Linh sơn,
Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ.
Linh sơn chi tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh.
Dịch nghĩa:
Đây là nơi phân phát kinh của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương.
Thạch đài còn ghi hai chữ “Phân kinh”.
Nền đài chìm mất trong mưa và hoa rừng.
Trăm loài cây cỏ chết rét, khô héo cả.
Chẳng còn thấy kinh sót lại ở chốn nào.
Chuyện Lương Thái tử đã qua truyền mơ màng.
Thái tử thời trẻ đắm đuối với văn chương,
Ham việc giải thích với phân tách.
(Thật ra) linh văn không tại khoa ngôn ngữ.
Đâu là Kim cương đâu Pháp hoa,
Cảnh giới sắc không, mơ màng không tỏ.
Tâm si mê quy Phật, thì Phật sinh ma,
Chỉ trong một niệm thì ma đã tới.
Lăng trong núi không dựng đài hoa sen.
Ngựa trắng một sớm vượt sông Trường giang.
Rừng Sở cháy họa cho cây mà cũng vạ lây cho cá trong ao.
Kinh cháy mà đài cũng sụp đỗ.
Lưu lại vô ích ngàn vạn lời nói,
(Để đám) ngu tăng đời sau tụng điếc cả tai.
Ta nghe đức Phật tổ tại Linh sơn,
Thuyết pháp độ người kể như cát sông Hằng.
Người nào hiểu cho cùng chữ tâm ấy thì có thể tự độ.
Linh sơn chỉ có trong tâm của mình.
Gương sáng và đài gương đều không có
Bồ đề vốn không là cây.
Ta đọc Kim cương ngàn lẻ biến,
Mà những điều chính yếu sâu xa trong đó rất ảo diệu đều không tỏ rõ.
Cho đến khi đứng dưới đài Phân kinh.
Rốt cùng mới biết Không chữ mới là chân kinh.
Ta có thể chia bài thơ này thành mấy khổ (đoạn) để tìm hiểu. Khổ thứ nhất từ câu “Đây là nơi phân phát kinh của Thái tử Chiêu minh nhà Lương” đến câu “Chuyện Lương Thái tử đã qua truyền mơ màng”. Nguyễn Du tả lại cảnh đài phân kinh đã hoang tàn, nền đài chìm lấp dươi mưa, trăm loại cây đều chết lạnh và héo khô. Hình ảnh tàn phế hoang lạnh khiến ta ngậm ngùi. Đài phân kinh đã mai một trong hoang lạnh. Thế thì kinh còn đến nay ở đâu?
Khổ thứ hai từ câu “Thái tử thời trẻ đắm đuối với văn chương” đến câu “Chỉ trong một niệm thì ma đã tới”. Nguyễn Du chê bai cả hai cha con Lương Vũ đế và Chiêu minh. Con thì chết đuối (nịch) trong văn chương, chăm chắm lo phân lo giải. Bản chất Phật là không dính mắc với vật. Đã là không thì làm gì có kinh để mà phân với phát. Đã là linh văn thì không tại nơi khoa ngôn ngữ. Nguyễn Du khẳng định một triết lý nhà Phật: “Ngôn ngữ đoạn đạo”. Nếu chấp vào ngôn ngữ sẽ làm đứt con đường đến với Đạo. Cả hai Cha con đều mơ màng không chứng ngộ được thế nào là cảnh giới sắc và không, Đem cái tâm ngu muội mà theo Phật thì Phật chỉ là ma. Cả một nhà, cha cùng con đều lầm lạc. Chỉ cần một niệm sai lầm thì ma đã tự đến. Đây là triết lý về sự sai lầm trong ý thức, khiến cho “ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tim những lối đoạn trường mà đi!”. Biết bao sai lầm trong xã hội ta đã khiến cho con người đang phải sống chen với ma quỷ.
Khổ thứ ba, từ “Sơn lăng không dựng đài hoa sen”, đến “Lũ ngu tăng đời sau tụng điếc tai”. Nguyễn Du chê việc làm vô ích của cha con nhà Lương mà cả đám tăng ngu ngốc đời sau.
Khổ thứ tư “Ta nghe Phật tổ tại Linh sơn” đến “Bồ đề bản vô thụ”. Nguyễn Du nhấn mạnh chữ Tâm trong kinh Kim cương.? Phật tức tâm Tâm tức Phật. Nhân liễu thử tâm nhân tự độ”.Tương truyền rằng một hôm trong pháp hội, Phật đến trước đại chúng bèn giơ lên một bàn tay. Chỉ mình Ca Diếp, vị đại đệ tử của Phật, nhìn Phật và mỉm cười. Phật cho là Ca Diếp đã ngộ được ý của mình.Từ đó xuất hiện phép “dĩ Tâm truyền Tâm” của thiền học, rất thâm thúy ảo diệu. Phương thức “Bất lập ngôn ngữ, Giáo ngoại biệt truyền” ra đời. Thiền sư Huệ Năng xuất hiện ở Trung Hoa với bài Kệ nổi tiếng Bồ đề bản vô thụ. Minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật, Hà sự nhạ trần ai. (Bồ đề vốn không cây. Gương sáng cũng chẳng phải đài. Xưa nay vốn không gì là một vât. Làm sao vướng bụi trần), Ngài khẳng định mạnh mẽ rằng, tu thiền không nhất thiết cứ bám vào kinh văn mà mắc dinh. Vấn đề chính yếu là cái Tâm. Làm cho có được cái tâm thanh tịnh, không còn vướng mắc vào cái tiểu ngã của mình. Hòa được vào cái đại ngã tâm linh của chúng sanh và vũ trụ. Làm được như thế thì trong cái sát na đốn ngộ ấy, ta sẽ đạt tới niết bàn. Trở thanh một Bohdhi Sástva (vị Bồ tát) có cái tâm thế của bâc chính đẳng chính giác (Anudala SamiatSambodhi), Nguyễn Du đã đọc ngàn biến kinh Kim cương, mà vẫn không tỏ (minh) cái gì là ảo diệu trong đó. Chỉ đến khi đến cái đài đó, ông bắt gặp một cái trống không và đột nhiên đốn ngộ rằng Vô tự mới là chân kinh.
Những ai đã đọc Kinh Kim cương bản dịch của Huyền Tráng đời Đường, mà chính văn viết bằng chữ Phạn trên lá bối nay đang lưu trữ ở một thiền viện bên Nhật bản, sẽ thấy mỗi câu kinh đều nói đến tính Không của cái Tâm, thì mới thấy Nguyễn Du đã truyền đạt cái giá trị minh triết Phật giáo ấy một cách rất thẳm sâu.
Giá trị minh triết của bài thơ vì thế thật không thể nghị bàn (“bất khả tư nghì”)./.
N.K.M