MẤY CẢM NGHĨ VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI LÊ -Nguyễn khắc Mai-Trần thị Băng Thanh

      Phát huy kết quả đáng khích lệ của hai cuộc Hội thảo Thơ Đường thời Lý, Thơ Đường thời Trần, Trung tâm Minh triết thơ đường đề xuất tổ chức tiếp Hội thảo Thơ Đường luật thời Lê. Nhận thấy đây là một đề tài rất rộng lớn, bao gồm một không gian – thời gian thơ đến 350 năm của bốn thế kỷ đã qua, với biết bao chuyển động của lịch sử mà nhiều điều ta vẫn bằng lòng truyền lại với nhau, trong một tâm thế chưa được như Trần Nhân Tông: “Mỗi lần nêu ra là một lần mới.”

Hiện Ban tổ chức Hội thảo đã thu được trên 40 bài viết của nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu và các nhà yêu quý thơ Đường luật, một thể loại thơ mà tiền nhân của chúng ta ưa thích, có nhiều sáng tạo, và đã đạt đến những thành quả đồ sộ rất đáng tự hào. Xét ra để thực hện được trọn vẹn những vấn đề nội dung mà Ban tổ chức đã gợi ý trong bản hướng dẫn có tính tổng hợp ban đầu trước thời gian phát động Hội thảo để đi tìm một nền thơ Đường luật Thời Lê thì hiện Trung tâm chưa đủ điều kiện về thời gian và sức lực, vì thế đành bằng lòng với “Mấy nét chấm phá” coi như bước mở đầu.

Trên thực tế đó, với nhiệm vụ Trung tâm giao phó, lượng sức mình, chúng tôi xin nêu ra một số cảm nghĩ, rất chủ quan, chủ yếu vẫn là phương pháp luận mà nếu không chú ý, chúng ta sẽ rất phiến diện.

I.-Đánh giá thế nào là Thời đại Nhà Lê. 

Chúng tôi nghĩ đây là vấn đề có tính tiên quyết. Bởi nếu không đánh giá đúng thời đại nhà Lê, ta sẽ không thể hiểu thấu đáo thế nào là thơ đường luật thời Lê. Rồi ta cũng sẽ khiếm khuyết, chỉ sờ sẫm được chút ít, tạm coi như mới thấy chân voi, tai voi… mà chưa thấy voi, hay nói một cách nhẹ hơn là thấy cây mà chưa thấy rừng.

Ai cũng bảo được rằng Thời Lê là một thời kỳ lớn lao kỳ vĩ, kéo dài đến trên ba trăm năm mươi năm lẻ, không có thời đại nào trong lịch sử nước nhà đạt được như thế. Nó chứa đựng trong lòng ba thời kỳ:

Lê sơ, với một nền độc lập vững chắc, một giai đoạn thịnh trị chưa từng có, rực rỡ nhất là ở thời kỳ Lê Thánh Tông. Thời Lê Thánh Tông để lại cho lịch sử Việt Nam nhiều dấu ấn. Lần đầu tiên nhà vua cho khắc tên những người đỗ Tiến sĩ vào bia đá, một thứ sách kỳ vĩ của Việt nam, cùng với một triết lý: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia.” Thời Hồng Đức đã để lại cho chúng ta một gia tài luật học, đượm chất nhân văn của Đại Việt, của tinh thần Việt nho để khẳng định như Bình Ngô Đại Cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây nền độc lập, cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.”

Từ thời Lê sơ Đất nước Việt Nam đã có diện mạo mới đặc biệt với cuộc hành quân thắng lợi của Vua Lê Thánh Tông, mở rộng biên giới về phương nam đến tận Phú Yên.

Đạo luật Hồng Đức thật sự là một nỗ lực lịch sử nhằm thiết chế hóa, một đời sống vật chất và tinh thần theo hướng Thân dân, An dân, nhằm một mục tiêu vĩ đại, hiện thực hóa một Đạo Việt mang dấu ấn Việt Nho.

Kết thúc thời Lê sơ, là sự xuất hiện của nhà Mạc, một gạch nối ngắn giữa Lê sơ và Lê Trung hưng. Thời đại đã không cho phép nhà Mạc nối tiếp nhà Lê, mà chỉ duy trì như một khoảnh khắc lịch sử.

Thời Lê Trung Hưng kéo dài ngót 250 năm, chứa đựng trong lòng nó nhiều biến động lịch sử lớn lao. Nào “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”, cùng với việc mang gươm đi mở cõi, là cả một hùng khí, “Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.” Mà như Huy Cận một lần nói với tôi “Tôi sẽ chứng minh cho anh là tổ tiên ta đã vác cày đi mở cõi”. Thời Lê đã tiến hành một cuộc mở cõi lớn lao kỳ vĩ, và đã để lại cho con cháu sau này một giang sơn gấm vóc như hôm nay. Hai tiếng Việt Nam cũng lần đầu tiên vang vọng từ thời này.

Một thời kỳ “giữ chùa thì ăn oản”, tạo nên một hình thái “Lưỡng đầu chế” (Trần Ngọc Vương) rất Việt nam. Các thần dân trong nước vừa phục mệnh Vua Lê, vừa tuân lệnh Phủ chúa. Thời kỳ này Đàng ngoài phát triển ngoạn mục, với những cuộc giao lưu với Phương Tây, nhiều mặt. Đáng tiếc, một cuộc chuyển mình để con rồng Đại Việt bay lên trong một không – thời gian mới của ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII đã không thể xảy ra, dẫu những tiền đề lịch sử đã ngấp nghé xứ sở. (Thời kỳ này, người Nhật có được sự tiếp biến với văn hóa phương Tây sâu rộng hơn, nên họ đã có tiền đề lịch sử và xã hội để làm một cuộc đổi đời vào thời Minh trị cuối thế kỷ XIX).

II.Bước chuyển mới so với thơ Đường Luật thời Lý Trần

Suốt bốn thế kỷ hưng thịnh, khiến thời đại Nhà Lê đã để lại một bức tranh hoành tráng của nền văn hóa giáo dục nước nhà. Chỉ tính riêng các khoa thi, còn để lại dấu vết trên bia ở Văn Miếu, thì trong 82 tấm bia Tiến sĩ được khắc từ Lê Thánh Tông (1442) cho đến năm 1779, đã thống kê dược 1304 vị Tiến sĩ. Cứ theo thống kê của các nhà nghiên cứu về khoa bảng trong một số khoa thi, thì số sinh đồ đỗ được tam tứ trường ở các khoa thi hương, ta thấy như sau: Khoa thi năm 1442 có 450 thí sinh. Khoa năm1448 có 750 thí sinh. Khoa 1463 có 1400. Khoa 1466 có 1100 thí sinh. Khoa 1475 có 3000. Khoa 1481 có 2000, khoa 1510 có 5700 thí sinh. Khoa 1640 có 6000 thí sinh. Chỉ riêng tám khoa này đã có 21.400 thí sinh. Hàng ngàn ông Nghè cùng với hàng nhiều vạn ông cử, ông tú, ông đồ trở thành lớp người tinh hoa có học trong xã hội.

          Ta đã thấy sự xuất hiện những bộ sưu tập thơ ở thế kỷ XV, bộ Việt âm thi tập, như là bộ Sưu tập đầu tiên về thi ca cổ điển của Đại Việt thời kỳ đầu. Bên cạnh đó là hai bộ tinh tuyển thơ đường luật: Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập. Nhiều thi tập cá nhân ra đời như Ức Trai Thi tập, Quốc Âm Thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc âm thi tập, Thánh Tông Thi Tập của Lê Thánh Tông. Về sau này còn có những Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, của Phùng khắc Khoan, của các thi gia lớn tiêu tiêu biểu cho các Dòng văn như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm (Dòng Ngô Gia), Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự (Dòng Nguyễn Huy), Phan Huy Ích, Phan Huy Thực (Dòng Phan Huy), Lê quý Đôn,  v…v. Đặc biệt, Lê Quý Đôn đã làm được bộ Toàn Việt thi lục, một bộ Tổng tập thơ Việt Nam gần bảy thế  kỷ (từ thời kỳ độc lập cho đến hết thời Lê Sơ). Đây là bộ sưu tập đầu tiên lớn nhất, cho đến tận bây giờ (thế kỷ XXI) cũng chưa thể có công trình thứ hai dù chỉ dừng lại ở thơ thời Trung đại.

          Thời này cũng đánh dấu sự ra đời của những dòng văn chương như Ngô gia văn phái, Dòng Phan Huy ở Sài Sơn, Dòng Nguyễn Huy, Dòng Nguyễn Tiên Điền, Dòng thơ Nôm Phủ chúa Trịnh… Đã có những thi đàn có ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn hóa nước nhà. Tiêu biểu như Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do Lê Thánh Tông là Chủ soái. Hay như Tao đàn Quan Lan Sào (Chòi Ngắm Sóng) do Ngô Thì Sĩ chủ xướng. Nhiều lĩnh vực hoạt động mở ra phản ảnh vào thi ca sự mở rộng đề tài và lĩnh vực hoạt động… Riêng thơ Nôm cũng có một bước tiến dài. Từ việc mở đầu của đời Trần với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An và chính vua Trần Nhân Tông, Huyền Quang…, sự tiếp nối của Hồ Quý Ly, chắc còn nữa (?) nhưng di sản chẳng có bao nhiêu thì ngay đầu đời Lê Sơ, Nguyễn Trãi kế tục bước đường đó đã có một Quốc âm thi tập dày dặn và gần như đã hoàn thành tiếp thể Hàn luật từ đời Trần với những bài thơ Đường luật thất ngôn xen lục ngôn. Thể thơ này tiếp tục qua Hồng Đức Quốc Âm thi tập, qua Bạch Vân thi tập rồi đến thơ Nôm phủ chúa Trịnh mới kết thúc, khi nó đã nhường được sự liên kết 6, 7 ấy cho thể thơ trường thiên khúc ngâm với những danh tác Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm. Thơ Nôm Đường luật ổn định theo đúng luật đường, và đã xuất hiện tác giả đỉnh cao, nối tiếp Lê và Nguyễn, như Hồ Xuân Hương.   

Nhìn chung thơ Đời Lê nội dung và đề tài mở rộng, phong phú. Diện mạo của sinh hoạt tinh thần phong phú đa dạng. Thơ ngôn chí, Thơ thế sự, Thơ đề vịnh, Thơ tặng đáp. Thơ đi sứ, bang giao. Thơ trữ tình, Thơ vịnh sử. Thơ tình yêu và phụ nữ. Thơ nhàn dật. Thơ du ký, ký sự. Thơ trào lộng. Thơ huấn ca (dạy con), và răn dạy người đời (tiêu biểu là của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bĩnh Khiêm, Nguyễn Huy Oánh…).

Nhiều tác giả, là những nhà văn hóa lớn và những tác phẩm tiêu biểu của họ đánh dấu một thời vàng son trong văn hóa sử nước nhà. Chất triết- mỹ mang âm hưởng Đạo Việt, một tinh thần Việt nho bàng bạc trong thơ của họ. Ta thấy dường như có một nỗ lực ngầm, tựa như một bản năng, một tiềm thức, một hồn Việt đang trỗi dậy.

          III.- MẠCH NƯỚC NGẦM PHONG THỦY CỦA VĂN HÓA ĐẠI VIỆT THỜI NHÀ LÊ.

          Nhiều người quả quyết rằng, thời Hậu Lê đã tiêm nhiễm nặng Tống nho. Tôi cho rằng nhận định đó chưa thật xác đáng. Nó chỉ là cái nhìn bề mặt, mà chưa thấy tận chiều sâu của văn hóa thời này. Nếu với cách nghĩ đó ta sẽ hiểu và cảm về thơ Đường luật thời này rất hời hợt.

          Chúng tôi nghĩ rằng đã có một tâm thức đi tìm và thể hiện nó ra trong những hình thái sinh hoạt tinh thần của xã hội thời Lê, cái hồn cốt đó. Không phải ngẫu nhiên, ngẫu hứng, bất chợt mà Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo, đã bố cáo cho khắp xa gần cùng rõ cái đạo lý “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân.” Theo cách nói của thời nay, thì đã có một Chủ nghĩa an dân, mang đậm dấu ấn của Việt nho. Cái ý muốn nhấn tính Nam để sánh với Bắc quốc là rất rõ. Thật ra cái ý ấy đã nảy sinh thừ thời nhà Trần, khi Trần Dụ Tông khẳng định:




Đường Việt khai cơ lưỡng Thái tông.

Bỉ xưng Trinh quán, ngã Nguyên Phong.

Kiến Thành tru tử An sinh tại.

Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.

Cái Đức là sự thể hiện ra bên ngoài, thành cái tinh túy của hành động xã hội của con người. Cái Đức của Đại Việt đang được xây dựng, đang hình thành, đang thai nghén. Những đứa con đầu tiên của nó đang ra đời và lớn lên ở khắp các hoạt động xã hội, trong nội trị, trong bang giao, trong luật cả trong thi ca. (Nhân đây, tôi xin mở ngoặc nói một cảm nhận về thi ca cổ điển của nước nhà. Khác với các quốc gia khác trên hoàn vũ, họ hình thành triết lý, đạo lý hay đạo học trong một hình thức gọi là Triết học, thành những tác phẩm duy lý lô gich, hệ thống… Ở Việt Nam Thi ca không chỉ là thú tao nhã của chữ nghĩa của âm điệu. Nó là hình thức chủ yếu để diễn đạt triết lý, đạo lý. Về phương diện này cái tuyên ngôn “Thi dĩ tải đạo” cũng có thể nói đầy đủ điều đó. Vì thế nếu ta bỏ qua minh triết khi đi tìm hồn thơ cổ điển của nước nhà, chính ta sẽ gặp vô minh ngay trong bản thân ta. Mà đó cũng chính là cái lô gich để Khổng tử khẳng định: Bất học thi vô dĩ ngôn不学詩 無以言。

Không có gì chứng minh rõ hơn, cái hồn Việt nho trong đạo luật vĩ đại Hồng Đức. Giới luật học và giới trí thức nước nhà, trong đó có nhiều trí thức Mác Lê nin có lẽ nếu đã không nói là vô minh thì cũng rất vô tâm với một giá trị rất nhiều hàm lượng Việt nho.

Trong nền thơ Đường luật Lê ta cũng sẽ tìm thấy nhiều dấu vết của Đạo Việt – Việt nho như vậy. Một tác giả tiêu biểu của Ngô gia văn phái, Ngô Thì Sĩ từng viết khi ông nói tôn Bạch Cư Dị làm thày:

Thiếu Lăng tự đã là viên ngọc cổ.

Cư Dị thật là bực thày của tôi

Nhìn lại thấy tài năng của mình mỏng mảnh

Đâu dám ước được sánh cùng ông.

Duy có điều muốn nói,

Nhưng nói ra xin anh đừng cười:

Rất ghét việc lấy trộm áo cầu của thiên hạ

Chỉ thích làm nên khuôn thước một nhà.

Còn như đối với ông họ Bạch

Thì cớ gì lại cứ muốn theo như hệt?

Xin thêm một số bài thơ đại diện cho các đề tài và các tiểu loại thơ của một số nhà thơ tiêu biểu làm ví dụ:

Nguyễn Trãi: 

1. 





耀


                             Quan Duyệt Thủy Trận.

Bắc hải đương niên dĩ lục kình,

Yến an do lự cật nhung binh.

Tinh kỳ ỷ nị liên vân ảnh,

Bề cổ huyên điền động địa thanh.

Vạn giáp diệu sương tì hổ túc,

Thiên sưu bố trận quán nga hành.

Thánh tâm dục dữ dân hưu tức,

Văn trị ưng tu trí thái bình.

 

          Dịch thơ:             Xem duyệt thủy trận.

 

Biển Bắc năm xưa đã diệt kình,
Yên hàn còn nghĩ luyện quân binh.
Tinh kỳ phấp phới mây liền sắc,
Chiêng trống ầm vang đất
chuyển mình.
Hùm gấu oai nghi ngời vạn giáp,
Ngỗng ngan dàn trận dẹp nghìn mành.
Lòng trên muốn với dân cùng nghỉ,
Văn trị rồi nên nếp thái bình
.

                                   Bùi Hạnh Cẩn dịch

(Thăng Long thi văn tuyển, NXB Văn học, 2010)

                                      2.言志詩 十一

                             𦹵𨴦養底𢚸

                             竹立軒梅抉俗塵

業窭詩書恆薎職

緣初香火象𠄧

顏淵渃貯䕯群月

杜甫詩𢧚筆固神

女君親渚報特

鞋华群𫃚琰青雲

 

Ngôn chí, Thập nhất (Thơ Nôm)

Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân,

Trúc rợp hiên mai quét tục trần.

Nghiệp cũ thi thư hằng một chức,

Duyên xưa hương hỏa tượng ba thân.

Nhan Uyên nước chứa bầu còn nguyệt,

Đỗ Phủ thơ nên bút có thần.

Nợ quân thân chưa báo được,

Hài hoa còn bợn dặm thanh vân.        

          Lê Thánh Tông:

 

                             1.Bài thơ Đề núi bài thơ

 

          光順九年春, 二月, 余親率六師閱武於白滕江上. 是日風和景麗, 海不揚波, 乃泛黃海, 巡安邦, 駐六師於傳燈山下. 磨石一律云                  

                             巨浸汪洋潮百川

亂山棊布碧連天

壯心初感咸三股

信手遙提巽二權

北樞機森虎旅

海東烽燧息狼煙

天南萬古河山在

正是修文偃武年

御製天南洞主題  

Ngự Chế Thiên Nam Động Chủ Đề.

          Quang Thuận cửu niên xuân, nhị nguyệt, dư thân suất lục sư duyệt vũ ư Bạch Đằng giang thượng. Thị nhật phong hoà cảnh lệ, hải bất dương ba, nãi phiếm Hoàng hải, tuần An Bang, trụ lục sư ư Truyền Đăng sơn hạ. Ma thạch nhất luật vân.

                             Cự tẩm uông dương triều bách xuyên,

                              Loạn sơn kỳ bổ bích liên thiên.

                              Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ,

                             Tín thủ dao đề tổn nhị quyền.

                             Thần bắc khu cơ sâm hổ lữ,

                              Hải đông phong toại tức lang yên.

                             Thiên nam vạn cổ hà sơn tại,

                              Chính thị tu văn yển vũ niên. 

          Dịch thơ:

                   “Tháng 2, mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), trẫm chỉ huy sáu quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy, gió hoà cảnh đẹp, biển không nổi sóng, bèn lướt thuyền qua Hoàng Hải, đi tuần An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng, mài đá đề một bài thơ.

                             Biển cả trăm sông đổ góp vào,

                             Núi non bày thế thẳm trời cao.

                             Tráng tâm mới nhóm đành theo chúng,

                             Quyền nắm trong tay chí khí hào.

                             Ngưu Đẩu ba quân hùm hổ mạnh,

                             Hải đông đã bặt khói lang xao.

                             Trời Nam vạn cổ sơn hà đó,

                             Văn trị gầy nên bớt chiến bào.

                                                         ( Khắc Mai mạn dịch)

                            

                                      2.Lại bài viếng Vũ Thị

                             Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

                             Miếu ai như miếu vợ chàng Trương,

                             Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,

                             Cung nước chi cho lụy đến nàng.

                             Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

                             Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng.

                             Qua đây mới bàn bạc mà chơi vậy,

                             Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

                                      (Trích trong Lê Thánh Tông – Thơ văn và cuộc đời

                   Nxb Hội nhà văn, 1998; Mai Xuân Hải tuyển chọn, biên soạn)

 

Nguyễn Bỉnh Khiêm

                                      1.津館寓興,十二

                                     

                             弓餘地小絕纖埃

近水柴扉終日開

明月於人隨處有

白雲與我送閑來

吟多不覺秋容瘦

醉劇那知雪鬢推

借問饑寒誰與伴

一軒修竹一窗梅

         

                             Tân quán ngụ hứng, Bài 12

                            

                             Cung dư địa tiểu tuyệt tiêm ai,

                             Cận thủy sài phi chung nhật khai.

                             Minh nguyệt ư nhân tùy xứ hữu,

                             Bạch vân dữ ngã tống nhàn lai.

                             Ngâm đa bất giác thu dung sấu,

                             Túy kịch na tri tuyết mấn tồi.

                             Tá vấn cơ hàn thùy dữ bạn,

                             Nhất hiên tu trúc, nhất song mai.

          Dịc thơ:

                             Một doi đất hẹp khí trong lành,

                             Bên suối suốt ngày cửa mở banh.

                             Trăng sáng đưa người gần gũi bóng,

                             Mây nhàn cùng tớ luyến lưu tình.

                             Ngâm nga không biết thu gầy rạc,

                             Say khướt nào ngờ tóc bạc nhanh.

Hỏi lúc cơ hàn ai kết bạn?

Một hàng tre mượt, gốc mai thanh.

                                                         Lê Hữu Nhiệm dịch

          2.Thơ Nôm, Bài 32

Tóc đã thưa, răng đã mòn,

Việc nhà đã phó mặc dâu con.

Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc,

Bó củi cần câu chốn (trốn?) nước non.

Nhàn được thú vui hay bao nả,

Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon.

Chín mươi thì kể xuân đà muộn,

Xuân ấy qua thì xuân khác còn.

 

          Lê Quý Đôn:

                                      1.觀大悲寺

              蓮臺頹弊草蒙茸

法像無言証色空

香炷映残松葉月

禪關吹飽荻花風

竹林師弟留神外

即墨江山夢醒中

六百年來流水過

利名何事苦匆匆

 

Quan Đại Bi Tự.

 

                             Liên đài đồi tệ thảo mông nhung,

                             Pháp tượng vô ngôn chứng sắc không.

                             Hương trụ ánh tàn tùng diệp nguyệt,

                             Thiền quang xuy băo địch hoa phong.

                             Trúc Lâm sư đệ thần lưu ngoại,

                             Tức Mặc giang sơn mộng tỉnh trung.

                             Lục bách niên lai lưu thủy quá,

                             Lợi danh hà sự khổ thông thông.

          Dịch thơ:

                             Đài sen nghiêng đổ cỏ mông lung,

                             Tượng phật không lời chứng sắc không,

                             Hương thắp đỏ tàn trăng rọi lá,

                             Cửa chùa no gió bóng lau rung,

                             Trúc Lâm Tam Tổ hồn còn đó,

                             Tức Mặc cơ đồ mộng tỉnh chong.

                             Hơn sáu trăm năm sông chảy xiết,

                             Một đời danh lợi cứ long đong.

                                                             (Nguyên Hiệp mạn dịch)

                            

                            

                                      2.渡天德江

                      鳧雁謀稻粱

                      生民為衣食

                                 辛苦市肆人

                                    矻矻不遑息

                            

Độ Thiên Đức giang

Phù nhạn mưu đạo lương,

Sinh dân vị y thực.

Tân khổ thị tứ dân,

Ngột ngột bất hoàng tức.

                   Dịch thơ

                             Chim chóc tìm kê lúa,

                             Người ta tìm áo cơm.

                             Dân nghèo cay đắng thật,

                             Lật đạt sớm lại hôm.

                                                Đào Phương Bình dịch

                                                         

Ngô Thì Ức

                  

                             1.過古薛懷裴先生

                        此地先生曾卜築

                        向來小子幸從遊

                        如今此地再經過

                        欲訪先生何處求

 

                   Quá Cổ Tiết hoài Bùi Tiên sinh

 

                   Thử địa tiên sinh tằng bốc trúc,

                   Hướng lai tiểu tử hạnh tòng du.

                   Như kim thử địa tái kinh quá,

                   Dục phỏng tiên sinh hà xứ cầu!

Dịch thơ

                   Qua làng Cổ Tiết nhớ Bùi Tiên sinh

         

Cổ Tiết, năm xưa thày dựng nhà,

          May từng theo học những ngày thơ.

          Năm nay có dịp về qua đấy,

          Muốn đến thăm thày luống ngẩn ngơ!

                                      Hàn Vu Thủy dịch

 

                             2.雙童子載小舟

                   漠漠淮津渺渺流

                   雙雙童子濟扁舟

                   挑挑桂棹浮單鷁

                   泛泛蘋汀戯兩鷗

                   韻續滄浪聲細細

                   樂窮彭蠡興悠悠

                   江天風月歸吾載

                   堪笑滔滔枉白頭

 

                             Song đồng tử tái tiểu chu

 

                   Mạc mạc Hoài tân miểu miểu lưu,

                   Song song đồng tử tế biên chu.

                   Khiêu khiêu quế trạo phù đơn ích,

                   Phiếm phiếm tần đinh hý lưỡng âu.

                   Vận tục Thương Lang thanh tế tế,

                   Lạc cùng Bành Lãi hứng du du.

                   Giang thiên phong nguyệt quy ngô tải,

                   Kham tiếu thao thao uổng bạch đầu.

Dịch thơ

                   Hai chú nhỏ chèo thuyền con

 

                    Man mác dòng trôi quạnh bến Hoài,

                   Tiểu đồng, hai trẻ lái thuyền xuôi.

                   Thênh thênh chèo quế, thuyền lan lướt,

                   Nênh nổi bãi tần, âu giỡn chơi.

                   Nối điệu Thương Lang, ca nhỏ nhỏ,

                   Cực vui Bành Lãi, hứng chơi vơi.

                   Nước trời trăng gió đầy thuyền tớ,

                   Cười kẻ bon chen uổng một đời.

                                                          Hàn Vu Thủy dịch

Ngô T

                                    1.早起考場

                        黑地連忙早赴程

鼻風汗雨不曾停

頭當紅日蟣應死

腳帶田泥草欲生

任爾群蚊唇上集

憑他萬蟻腹中行

故人不認新模樣

立在旁邊問姓名

 

                    Tảo khởi khảo trường

         

                   Hắc địa liên mang tảo phó trình,

                   Tị phong hãn vũ bất tằng đình.

                   Đầu đương hồng nhật ki ưng tử,

                   Cước đới điền nê thảo dục sinh.

                   Nhậm nhĩ quần văn thần thượng tập,

                   Bằng tha vạn nghị phúc trung hành.

                   Cố nhân bất nhận tân mô dạng,

                   Lập tại bàng biên vấn tính danh.

Dịch thơ

                   Buổi sớm đến Trường thi

                  

                   Cất bước từ khi chửa sáng trời,

                   Mũi phun ra gió, mưa mồ hôi.

                   Đầu phơi nắng đỏ, chấy hết kiếp,

                        Chân vướng bùn đen, cỏ mọc chồi.

                        Mặc sức kiến đàn bò đáy bụng,

                        Thỏa lòng muỗi lũ họp trên môi.

                        Bạn xưa chẳng nhận ra mình nữa,

                        Đứng cạnh, tên mình hỏi mãi thôi.

                                                                        Trần Lê Văn dịch

 

                                    2.題徐式山

                        我來訪古巖溪間

不見徐郎空見山

仙女曷歸粧故在

幽僧無語境常閒

山於天地非根積

女郎均是夢中客

俗談無問贗耶真

有興不妨詩付石

      

                                       Đề Từ Thức sơn

                             Ngã lai phỏng cổ nham khê gian,

                             Bất kiến Từ Lang, không kiến san.

                             Tiên nữ hạt quy, trang cố tại,

                             U tăng vô ngữ, cảnh thường nhàn.

                             Sơn ư thiên địa phi căn tích,

                             Nữ, Lang quân thị mộng trung khách.

                             Tục đàm, vô vấn nhạn da chân,

                             Hữu hứng bất phương thi phó thạch.

          Dịch thơ

                                      Đề núi Từ Thức

 

                             Cổ tích, tìm thăm giữa suối ngàn,

                             Chàng Từ chẳng gặp, núi giăng màn.

                             Về đâu Tiên nữ, gương lược đó,

                             Lặng lẽ sư ông, cảnh vẫn nhàn.

                             Núi giữa đất trời, chẳng gốc tích,

                             Nàng cũng như chàng, trong mộng, khách

                             Người thế truyền nhau, mặc giả chân,

                             Dạt dào cảm hứng, thơ đề vách.

                                                                   Băng Thanh dịch

 

          Ngô thì Nhậm.

                                      1.  








西

                  

Tái kinh Thiền lâm tự.

 

                             Tướng phủ phồn hoa cục dĩ di,

                             Thôn cương cổ sát thượng y y.

                             Hàn tuyền cảnh thế đam quyền lợi,

                             Khô thụ trào nhân tác phúc uy.

                             Ký vãng thị phi vân biến hóa,

                             Như lai sắc tướng nguyệt minh huy.

                             Kinh qua cổ để trùng hồi thủ,

                             Vi điếu tây phong lỗi nhất chi.

                   Dịch thơ:   

                             Phồn hoa dinh tướng cuộc tàn rồi,

                             Chùa cũ làng quê cảnh lại tươi.

                             Suối lạnh nhường răn người hám lợi,

                             Cây khô như giu kẻ khoe oai.

                             Việc đời phải trái mây thay đổi,

                             Đạo Phật xưa nay nguyệt sáng ngời.

                             Chốn cũ dạo qua nhìn trở lại,

                             Gió tây một chén rót cho ai.

                                                               Đỗ Ngọc Toại dịch

 

                                      2.分茅嶺

              一帶青山楚粵交

黃茅驛路認分茅

天書不盡衡山界

地氣還浮鴈澤毛

徵側劍芒開洞府

尉陀桂蠧落山巢

風來解慍西南利

未許熊羆萬仞高

                             Phân Mao lĩnh

                   Nhất đới thanh sơn Sở Việt giao

                   Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao.

                   Thiên thư bất tận Hành Sơn giới,

                   Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao.

                   Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ,

                   Úy Đà quế đố lạc sơn sào!

                   Phong lai giải uấn tây nam lợi.

                   Vị hứa Hùng Bi vạn nhận cao.

 

Dịch thơ:

                             Núi Phân Mao

                   Một dải non xanh liền Sở Việt,

                   Hoàng mao, đường trạm nhận Phân Mao.

                   Sách trời ranh giới Hoành Dương định,

Khí đất, lông chim Nhạn Trạch vèo.

                   Trưng Trắc lưỡi gươm khơi động thẳm,

                   Úy Đà mọt quế đậu hang sâu.

                   Gió nguôi nóng bức tây nam thổi

                   Chấp cả Hùng Bi vạn nhận cao.

                                                Khương Hữu Dụng dịch.

 

Mấy điều nêu trên, nếu đã gợi lên trong lòng bạn đọc một gờn gợn nghĩ suy về một cách tiếp cận Thơ  Đường luật Thời Lê, chúng tôi nghĩ mình đã làm được một việc có ý nghĩa.

Trân trọng cảm ơn.

                                          Ô Đồng Lầm, Hà Nội

Tháng 8 -2023

N.K.M – T.H.B.T