LẠI BÀN VỀ THƠ LUẬT ĐƯỜNG
LẠI BÀN VỀ THƠ LUẬT ĐƯỜNG
Xin giới thiệu cùng bạn yêu thơ luật Đường những bàn giải về thơ luật Đường của Quách Tấn và Dương Quảng Hàm. để chúng ta có thể tạm thống nhất với nhau về khái niệm và phương cách sáng tác một bài thơ luật Đường, trong sân chơi thơ Đường đất Việt hiện nay.
- Phân biệt thơ Đường luật và thơ Đường Rất nhiều người làm thơ đã lầm lẫn gọi thơ Đường luật là thơ Đường. Thật sự thì đây là 2 ý niệm hoàn toàn khác nhau.
* Thơ Đường luật (ĐL) : là thơ làm theo Thi luật đặt ra từ đời nhà Đường bên Tàu.
Các bài thơ này bên Trung quốc được gọi là Luật thi. Sang Việt Nam, Thi luật gọi là thể thơ ĐL.
* Thơ Đường hay Đường thi : là những bài thơ của các thi sĩ Trung Hoa làm dưới thời nhà Đường, nổi tiếng nhất là 300 bài được gọi là Đường thi tam bách thủ. Trong số đó có một số được làm theo thể thơ ĐL, số còn lại làm theo các thể thơ khác, phần lớn là thơ cổ phong.
– Cho tới ngày nay những khái niệm trên cũng đã được dung hòa , cho dễ nhận biết ..Bởi ông cha chúng ta đã Việt hoá thơ luật Đường hàng ngàn năm nay. Thơ Đường là thể thơ làm theo luật Đường .và , nay ta gọi là Thơ Đường Việt Nam., hay Thơ Đường đất Việt . Khi nói tới thơ Đường Trung Quốc ta gọi là thơ Nhà Đường ., thơ Tàu , hay thơ Trung Hoa…….cho dễ phân biệt ..
- Phân loạiThơ Đường luật (ĐL) chia làm 2 loại : thất ngôn mỗi câu có 7 chữ, ngũ ngôn mỗi câu có 5 chữ.
Bài thơ nào có 8 câu thì gọi là bát cú, có 4 câu thì là tứ tuyệt, còn gọi là tuyệt cú.
Như vậy có các loại thơ ĐL sau đây:
– thất ngôn bát cú
– thất ngôn tứ tuyệt
– ngũ ngôn bát cú
– ngũ ngôn tứ tuyệt Trong số này, thơ ĐL thất ngôn bát cú (ĐLTNBC) là thể thơ phổ biến nhất.
Về hình thức, thơ tứ tuyệt được xem như là thơ bát cú đem giấu đi hai cặp câu và
thơ ngũ ngôn được coi là thơ thất ngôn cắt bỏ hai chữ đầu mỗi câu. Vì vậy chỉ cần
biết luật thơ ĐLTNBC thì có thể làm các loại thơ ĐL khác.
3. Các khái niệm dùng trong thơ ĐL ở Việt Nam
a/ Âm, thanh và vần trong tiếng Việt
Âm
Tiếng Việt có 29 mẫu tự, tạo thành 10 nguyên âm (a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y), 2 bán
nguyên âm (ă, â) và 16 phụ âm đơn (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, r, s, t, v, x), 9
phụ âm kép (ch, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr) không kể các phụ âm gh, ngh vì chữ
h thêm vào chỉ có hình thức mà không đọc.
Âm là cách đọc của một chữ, được cấu tạo bằng một mẫu tự, hoặc cụm mẫu tự, mà
không kể đến phụ âm đứng phía trước. Thí dụ: Hình, Tình, Tính, Tịnh, Vĩnh, Khinh ..
các chữ này đều mang âm INH, nhưng khác phụ âm đầu và dấu giọng.
Thanh
Tiếng Việt có 5 dấu giọng (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) cùng với tiếng không có dấu
tạo thành 8 thanh, chia làm 2 nhóm:
– Thanh Bằng gồm có :
Phù bình thanh : gồm những chữ không mang dấu (thí dụ: đêm, vương)
Trầm bình thanh : gồm những chữ mang dấu huyền (thí dụ: sầu, tiền)
– Thanh Trắc gồm có :
Phù khứ thanh : gồm những chữ mang dấu ngã (thí dụ: nỗi, mỹ)
Trầm khứ thanh : gồm những chữ mang dấu hỏi (thí dụ: cỏ, chuyển)
Phù nhập thanh : gồm những chữ mang dấu sắc mà tận cùng bằng phụ âm c, t, ch
hay p (thí dụ: bích, sắc)
Phù thượng thanh : gồm những chữ mang dấu sắc còn lại (thí dụ: ám, chướng)
Trầm nhập thanh : gồm những chữ mang dấu nặng mà tận cùng bằng phụ âm c, t,
ch hay p (thí dụ: thiệt, mập)
Trầm thượng thanh : gồm những chữ mang dấu nặng còn lại (thí dụ: lạ, mệnh)
Vần
Những từ mang cùng âm và cùng loại thanh (trắc hay bằng) được gọi là vần với nhau.
Thí dụ chữ lồng vần với chữ ông, chữ đồng và chữ sông; chữ hỗ vần với chữ cố, chữ
lộ và chữ sổ; chữ mắt vần với chữ cắt, chữ chặt và chữ bặt, v.v… Trong thơ VN,
vần có thể gieo ở giữa câu hay cuối câu. Vần giữa câu gọi là yêu vận, vần cuối câu
gọi là cước vận.
b/ Niêm, luật, vần và đối trong thơ ĐL
Luật
Luật là sự quy định về thanh bằng hoặc trắc ở từng vị trí của mỗi chữ trong câu. Bài
thơ ĐL bát cú gồm 8 câu chia thành 4 cặp câu liên tiếp nhau.
Trong thơ ĐLTNBC vần bằng chỉ có 2 loại cặp câu (B=bằng, T=trắc):
– luật bằng:
BB TT BB T
TT BB TT B
– luật trắc:
TT BB B TT
BB TT T BB
Nếu cặp câu là hai câu 1-2 thì chữ thứ 7 của câu 1 có thể đổi thành bằng để gieo vần với các câu chẵn, khi đó chữ thứ 5 phải đổi lại thành trắc.
– luật bằng:
BB TT TB B
TT BB TT B
– luật trắc:
TT BB T TB
BB TT T BB
Niêm
Niêm có nghĩa là dính. Trong thơ ĐL niêm là sự dính líu & liên hệ về luật giữa các cặp câu liên tiếp nhau trong một bài thơ. Niêm được quy định ở chữ thứ 2 của câu.
Để đạt yêu cầu về niêm, trong bài thơ ĐL các cặp câu luật bằng và luật trắc phải đặt xen kẻ nhau. Nếu cặp câu đầu là luật bằng thì có bài thơ luật bằng:
BB TT TB B
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB
BB TT BB T
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB
Nếu cặp câu đầu là luật trắc thì có bài thơ luật trắc:
TT BB T TB
BB TT T BB
BB TT BB T
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB
BB TT TB B
TT BB TT B
Vần
Vần được gieo ở cuối các câu chẵn của bài thơ ĐL (cước vận). Chữ cuối câu 1 nếu cùng nhóm thanh với vần thì cũng phải vần, nếu khác nhóm thanh thì không vần. Trong toàn bài thơ chỉ dùng một vần duy nhất (gọi là đơn vận).
Vần có 2 loại: chính vận và thông vận.
– Chính vận là vần gồm những chữ có âm y hệt nhau, chỉ khác phụ âm đầu và dấu giọng. Thí dụ: trường, sương, dương, thương …
– Thông vận là vần gồm những chữ có âm tương tự. Thí dụ: lùng, chung, không, công, tòng, đông, hồng …
Nếu dùng chữ mà âm nghe không giống lắm, miễn cưỡng mà dùng tạm thì gọi là cưỡng vận. Thí dụ: an với ang, ươn với ương,…
Nếu dùng chữ có âm hoàn toàn khác nhau thì gọi là lạc vận. Thí dụ: ơ với ơi, a với ao …
Đối
Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau.
Trong thơ ĐL TNBC các câu 3-4 và 5-6 bắt buộc phải đối từng cặp một . Câu đối thì không hạn chế số chữ, nhưng trong thơ ĐL câu đối phải giữ theo đúng luật của bài thơ về số chữ và luật bằng trắc .
Về đại thể, hai câu thơ đối nhau phải đối cả về ý, từ và thanh.
* đối ý
Ý ngụ trong 2 câu đối phải mang tính cách tương phản (tức là tả 2 sự việc trái ngược nhau) hoặc tương đồng (tức là ý đi song song bổ túc nhau).
Thí dụ:
– tương đồng:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Bà huyện Thanh Quan)
– tương phản:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Trần Tế Xương)
* đối từ:
Các từ hoặc cụm từ trong câu trên và câu dưới phải đối nhau về từ loại, sự vật và ngữ pháp:
– từ loại: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối tính từ, v.v… từ đơn đối từ đơn, từ kép đối từ kép, từ lắp láy đối từ lắp láy, v.v…
– ngữ pháp: chủ từ phải đối với chủ từ, túc từ phải đối túc từ, v.v…
– sự vật: từ nhân xưng thì đối từ nhân xưng, cảnh vật thì đối cảnh vật, tên người đối với tên người, địa danh đối với địa danh, v.v…
Ngoài ra các từ tiếng Hán Việt phải đối bằng từ Hán Việt, từ thuần Nôm thì đối với từ thuần Nôm, điển tích đối với điển tích, v.v…
Thí dụ:
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
(Bà huyện Thanh Quan)
-còi với chài là những vật dụng để làm việc của mục đồng và ngư phủ,
-mục với ngư là danh từ người, ngành nghề, và là tiếng Hán việt
-thét và tung đều là động từ
-trăng với gió là danh từ, chỉ sự vật thiên nhiên
-miền với bãi là danh từ chỉ nơi chốn
-khoáng dã với bình sa là từ ghép Hán việt, khoáng với bình là tính từ, dã với sa là danh từ
* đối thanh:
Chữ thanh bằng đối với chữ thanh trắc và ngược lại . Nếu giữ đúng luật bằng trắc của thơ ĐL thì bắt buộc đã đối nhau về thanh rồi, không cần quan tâm nữa .
Tuy rằng đối thanh và đối từ góp phần quan trọng để tạo thành một bài thơ ĐL TNBC hay, nhưng nội dung ý tưởng mới là phần chủ yếu của bài thơ, nên cần phải đặt nặng vấn đề viết câu sao cho có ý nghĩa .
=
- KỸ THUẬT LÀM THƠ ĐL TNBC1. Hình thức bài thơ ĐL
Về mặt hình thức, một bài thơ ĐL gồm có 6 yếu tố, thiếu một yếu tố thì không phải bài thơ ĐL :
a. Số chữ, số câu hạn định
Một bài thơ ĐLTNBC tổng cộng có 56 chữ , gồm 8 câu mỗi câu 7 chữb. Đúng luật bằng trắc
Các câu trong bài thơ ĐLTNBC phải theo đúng quy luật bằng trắc rất chặt chẽ, như đã trình bày ở trên. Bài thơ không theo đúng luật bằng trắc là bài thơ thất luật.* Bất luận và khổ độc
Giữ đúng luật bằng trắc của bài thơ ĐL rất khó, nó làm hạn chế việc sử dụng từ ngữ và diễn đạt ý tưởng của người làm thơ nên trong thơ ĐL có thêm luật “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”, tức là trong 1 câu thơ ĐL không cần giữ đúng luật bằng trắc ở các chữ thứ 1, 3 hay 5, nhưng chữ thứ 2, 4 và 6 thì tuyệt đối không thể du di được .Tuy vậy khi sử dụng luật bất luận, chữ theo luật là trắc mà đổi sang bằng thường thì không sao, nhưng nếu bằng mà đổi sang trắc đôi khi đọc nghe không êm tai, phải nên tránh .
Những chữ thứ 5 của câu lẻ và chữ thứ 3 của câu có vần nếu theo luật đáng là bằng mà lại đổi thành trắc theo luật bất luận thì gọi là khổ độc .
Một bài thơ bị nhiều lỗi khổ độc sẽ kém giá trị !
c. Đúng niêm
Niêm cũng là yếu tố quan trọng trong bài thơ ĐL TNBC. Để xác định bài thơ đúng niêm hay không thì phải xem chữ thứ 2 của mỗi câu.
– Chữ thứ 2 của câu 2 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 3 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 4.
– Chữ thứ 2 của câu 4 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 5 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 6.
– Chữ thứ 2 của câu 6 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 7 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 8.
– Chữ thứ 2 của câu 8 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 1 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 2.
Nếu bài thơ không thoả mãn tất cả các điều kiện trênthì gọi là thất niêm.d. Đúng vần
Bài thơ ĐL chỉ dùng độc vận và vần được gieo ở cuối các câu chẵn. Trong 1 bài thơ ĐL có thể dùng cả chính vận lẫn thông vận, cưỡng vận chỉ dùng trong trường hợp bất đắc dĩ và nên dùng ít thôi. Nếu có lạc vận là bài thơ hỏng.e. Chỉnh đối
Trong bài thơ ĐLTNBC, các câu 3-4 và 5-6 đối với nhau từng cặp một . Đối phải bao gồm cả đối ý, đối từ và đối thanh. Bài thơ có phần đối không chỉnh thì chưa phải là bài thơ ĐLTNBC hoàn hảo, còn nếu không đối thì không gọi là thơ ĐL (có người gọi nó là thơ Thất ngôn bát cú).f. Đúng nhịp điệu
Thơ ĐL được ngắt nhịp ở chữ thứ 2 hoặc thứ 4 của câu, hoàn toàn khác với 2 câu bảy chữ trong thơ song thất lục bát của Việt Nam. So sánh:Bước tới đèo Ngang _ bóng xế tà
Cỏ cây chen đá _ lá chen hoa
hay:
Nhớ nước _ đau lòng con quốc quốc
Thương nhà _ mỏi miệng cái gia gia
(Bà huyện Thanh Quan)với:
Chìm đáy nước _ cá lờ đờ lặn
Lửng da trời _ nhạn ngẩn ngơ sa
(Ôn Như Hầu)Nước thanh bình _ ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ _ từ đây
(Đoàn Thị Điểm)Bài thơ ngắt nhịp không đúng cũng không gọi là thơ ĐL.
2. Bố cục bài thơ ĐLTNBC
Bài thơ ĐLTNBC có 4 cặp câu tạo thành 4 phần: đề, thực, luận, kết
– Đề: gồm 2 câu đầu. Câu 1 là phá đề dùng để mở bài, câu 2 là thừa đề tiếp nối với câu 1 nói lên đầu đề của bài.
– Thực hay trạng: 2 câu 3-4 dùng giải thích đầu bài, nếu là tả cảnh thì mô tả cảnh sắc, nếu vịnh sử thì nêu công trạng đức hạnh của nhân vật, v.v…
– Luận: 2 câu 5-6 nói lên cảm xúc, ý kiến khen chê hay so sánh, tán rộng ra thêm, v.v…
– Kết: 2 câu cuối tóm ý nghĩa cả bài.
a. Phá đề
Có 3 loại: thực phá, hư phá và phản phá
– Thực phá: đi thẳng vào đầu bài
Thí dụ:
Nọ bức dư đồ thử đứng coi (Vịnh bức dư dồ rách, Tản Đà)
Xỏ lá ai bằng cậu Sở Khanh (Vịnh Sở Khanh, Tản Đà)
Từ thuở duyên xe mối chỉ hồng (Ký nội, Phan Thanh Giản)
Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san (Đĩ già đi tu, Tôn Thọ Tường)
– Hư phá: mở ra khơi khơi, không mấy sát với đầu bài
Thí dụ:
Đi không chẳng lẽ trở về không (Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ)
Uổng sanh trong thế mấy thu đông (Vịnh cây vông, Nguyễn Công Trứ)
– Phản phá: nói trái ý của đầu đề
Thí dụ:
Ví chẳng đi chơi hội Đạp Thanh (Kiều chơi Thanh Minh, Nguyễn Khuyến)
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn (Đêm buồn, Trần Tế Xương)
b. Thừa đề
Nối ý với câu phá để đưa vào bài. Nếu câu Phá nhập đề ngay thì câu thừa chỉ bồi thêm ý, diễn giải rộng thêm cho câu phá trọn nghĩa và chuyển ý xuống hai câu thực.
Thí dụ:
Nọ bức dư đồ thư đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười (Vịnh bức dư dồ rách, Tản Đà)
Xỏ lá ai bằng cậu Sở Khanh
Kiếm ăn lại quẩn chốn lầu xanh (Vịnh Sở Khanh, Tản Đà)
Từ thuở duyên xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông (Ký nội, Phan Thanh Giản)
Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng (Đĩ già đi tu, Tôn Thọ Tường)
Nếu câu Phá nói khống tức là hư phá thì câu thừa phải nói rõ đề ra. Thí dụ:
Đi không chẳng lẽ trở về không
Gánh nợ cầm thư phải trả xong (Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ)
Uổng sanh trong thế mấy thu đông
Cao lớn làm chi vông hỡi vông (Vịnh cây vông, Nguyễn Công Trứ)
Nếu câu phá là phản phá, tức là nói trái ý đầu đề thì câu thừa phải bẻ lại cho hợp đề bài. Thí dụ:
Ví chẳng đi chơi hội Đạp Thanh
Làm chi mang lấy nợ ba sinh (Kiều chơi Thanh Minh, Nguyễn Khuyến)
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn (Đêm buồn, Trần Tế Xương)
c. Thực
Theo đề bài mà diễn đạt, trình bày rõ ràng trực tiếp (bình tự) hoặc gián tiếp (gián tự). Thí dụ:
Biết bao lúc mới công vờn vẻ
Sao đến bây giờ dáng tả tơi (Vịnh bức dư dồ rách, Tản Đà)
Mảnh tiên tích việt vừa khô mực
Con ngựa truy phong đã phụ tình (Vịnh Sở Khanh, Tản Đà)
Tài cán không già già khúc mắc
Ruột gan chẳng có có gai chông (Vịnh cây vông, Nguyễn Công Trứ)
Đài kính biếng soi màu phấn nhạt
Cửa không đành gởi cái xuân tàn (Đĩ già đi tu, Tôn Thọ Tường)
Kẻ còn người mất đôi hàng lệ
Trước lạ sau quen một chữ tình (Kiều chơi Thanh Minh, Nguyễn Khuyến)
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông (Đêm buồn, Trần Tế Xương)
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem than thế hẹn tang bồng (Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ)
Hoặc là:
Chợ lợi trường danh tí chẳng màng
Sao ăn không ngọt ngủ không an
Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn
(Thức khuya, Phan Bội Châu)
Lạnh lẽo song thu tiễn lá ngàn
Mây thu vờn vẽ khói trần gian
Có tơ ai nhớ công tằm khổ
Không mật đành mang kiếp bướm nhàn
(Lẻ điệu, Trường Xuyên)
d. Luận
Có nhiệm vụ bàn rộng ý tứ trong câu thực hoặc tiếp ứng bồi thêm ý mới. Có 2 cách phổ biến:
– Khai triển: mở rộng, phóng ra cho to, sâu thêm.
Thí dụ:
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà nay con cháu lấy làm chơi (Vịnh bức dư dồ rách, Tản Đà)
<giải thích vì sao bức dư đồ bị rách>
Thôi với thanh lâu người một hội
Chẳng qua hồng phấn nợ ba sinh (Vịnh Sở Khanh, Tản Đà)
<giảng giải vì sao Thuý Kiều bị lừa>
Tương tự với các bài khác:
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng (Ký nội, Phan Thanh Giản)
Hú hồn hoa liễu vài câu kệ
An cảnh tang du một chữ nhàn (Đĩ già đi tu, Tôn Thọ Tường)
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông (Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ)
Rường xoi cột xỉa không nên mặt
Giậu lỏng rào thưa phải cậy lòng (Vịnh cây vông, Nguyễn Công Trứ)
Nghĩ đến suối vàng thương phận bạc
Nỡ đem lá thắm phụ xuân xanh (Kiều chơi Thanh Minh, Nguyễn Khuyến)
– Phiên thế: dựng riêng một ý mới khác hẳn ý trong câu thực.
Thí dụ:
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn (Thức khuya, Phan Bội Châu)
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo dở tuồng (Đêm buồn, Trần Tế Xương)
Gió bấc mỉa mai lòng bạch nhạn
Bóng chiều ngao ngán phận hồng nhan (Lẻ điệu, Trường Xuyên)
=
- Kết
Đóng lại cho trọn vẹn bài thơ. Có nhiều cách kết:
– Hồi cố hay tựu đề: ngó lên đề mà kết, tóm tắt ý nghĩa toàn bài
Thí dụ:Thôi thôi chớ trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi (Vịnh bức dư dồ rách, Tản Đà)Ba mươi lạng bạc đời Gia Tĩnh
Mua lấy nghìn thu tiếng Sở Khanh (Vịnh Sở Khanh, Tản Đà)Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng (Ký nội, Phan Thanh Giản)Ngoảnh lại lầu xanh thương những trẻ
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan (Đĩ già đi tu, Tôn Thọ Tường)Trong lúc trần ai ai dễ biết
Rồi ra mới biết mặt anh hùng (Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ)Trong khuôn tài sắc trời hay ghét
Trăng gió xưa nay chẳng một mình (Kiều chơi Thanh Minh, Nguyễn Khuyến)– Khai nhất bộ: mở thêm một bước nữa.
Thí dụ:Ngủ quách sự đời thây kẻ thức
Bên chùa thằng trọc đã hồi chuông (Đêm buồn, Trần Tế Xương)Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng
Mưa gió bao phen gộc chẳng tàn (Thức khuya, Phan Bội Châu)Con thuyền bến lách không tri kỷ
Để lẻ canh khuya mấy điệu đàn (Lẻ điệu, Trường Xuyên)– Chước tiền liên ý: nhân theo ý của câu trước mà nảy ra ý mới để kết.
Thí dụ:Mới biết cây nào sanh trái nấy
Xuân về bớn tớn cũng đâm bông (Vịnh cây vông, Nguyễn Công Trứ)Hoặc là:
Kẻ chốn Chương đài người lữ thứ
Biết ai mà kể nỗi hàn ôn(Bà Huyện Thanh Quan)
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã chán chưa(Hồ Xuân Hương)
– Dụng sự: dùng điển cố để kết.
Thí dụ:Than thời loạn
Lửa hồng từ dậy mái thành đô
Đòi chốn lầm than chyện được thua
Xanh biếc thú quê người ẩn dật
Bạc đen đường thế khách bôn xu
Suy tường mỗi mỗi đau lòng trí
Tính quẩn trần trần nát dạ ngu
Muốn đến Vỵ Xuyên tìm hỏi Lữ
Rằng Thương xưa cũng thế này ư(Khuyết danh)
Qua cửa Hàn cảm tác
Rầm rầm ngựa lại lại xe qua
Nhượng địa là đây có phải à
Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ
Chạnh lòng tưởng tới nước non ta
Những trang hồ thỉ đi đâu vắng
Để cuộc tang thương tủi lắm mà
Há phải Đường Ngu mà trấp tổn
Nào vua Hạ Võ ở mô na(Bà Bang Nhãn)
– Diệm Khê trạo: mái chèo Diệm Khê, tức là kết đột ngột (theo tích thầy Tử Du đang đêm tuyết xuống sai bơi thuyền đi thăm bạn, gần đến nơi lại bảo quay thuyền lộn trở về khiến ai cũng kinh ngạc).
Thí dụ:Kiều đi Thanh Minh
Mùa xuân ai khéo vẽ nên tranh
Nô nức đua nhau hội Đạp Thanh
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối
Duyên may gặp gỡ khách ba sinh
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương song gợn tình
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi
Đường về chiêng đã gác chênh chênh(Chu Mạnh Trinh)
Ghẹo người vu vơ
Đầu ai sao tóc rối lung tung
Chắc hẳn vì chưng nỗi tưởng chồng
Cậu ấy đi đâu lâu thế nhỉ
Phòng riêng nay vẫn hãy còn không
Chẳng về xếp nếp trong buồng cửi
Mà đứng bơ phờ ngọn gió đông
Muốn nói chuyện chơi không có chuyện
Kìa đàn con sáo nó sang sông (*)Tản Đà
(*) ca dao:
Con sáo bay bổng qua song
Hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa
* Thơ Phú Đắc
Là loại thơ mà đề mục và đôi khi cả vận bị hạn định chặt chẽ. Đầu bài thơ thường là một câu thơ sẵn có, câu sách cổ hoặc ca dao tục ngữ. Vận có thể bị hạn hoặc không.
Phép phú đắc toàn bộ 8 câu phải diễn cho rõ và hết ý của đầu bài, theo đề thật sát mà không phạm đề và không phạm lỗi trùng ý.
Trong hai câu mở, nếu nói xa xôi không gần ý với đề bài sẽ mắc lỗi lậu đề mà nếu nói sát đề tài thì lại tranh hết ý của hai câu thực là hai câu giữ nhiệm vụ diễn thích nghĩa của đầu bài.
Bởi vậy người làm thơ phải xét những ý nào cần dành cho hai câu 3-4, và chỉ chọn ý chính của đầu bài mà đặt cho hai câu 1-2.
Trong hai câu thực, người làm thơ không được dùng chữ sẵn của đầu bài mà phải giải thích sao cho rõ ràng và hết nghĩa.
Hai câu luận cũng không được phạm đề, về ý thì không cần giải thích đầu bài như hai câu thực, nhưng cũng không được nói xa quá.
Hai câu kết người làm thơ cũng chỉ có thể nhắc tới ý chính của đầu bài.
Thí dụ:
Đề: Đêm xuân một khắc ngàn vàng khó mua
Trầm quyện hương đào toả gió đông
Vàng gieo bờ liễu nguyệt dòm song
Muốn soi hồng lạp tìm hoa chủ
Khôn đổi hoàng kim lấy giọt đồng
Sương trắng nhuộm đầu thôi mấy chốc
Tiền xanh chớp mắt cũng là không
Sá chi cừu mã cho thêm bận
Hãy đổ nguyên tiêu chén rượu nồng
(Khuyết danh)
Ở đây trong 8 chữ của đầu bài phải tìm cái ý chính nằm ở đâu. “Ngàn vàng khó mua” không quan trọng bằng “đêm xuân một khắc”, mà trong “đêm xuân một khắc” cái ý chính là “đêm xuân”, vì vậy tác giả dùng các chữ hương đào, gió đông, bờ liễu để chỉ mùa xuân và nguyệt dòm song để chỉ ban đêm. Như vậy tác giả đã không nói lảng xa cái đề bài mà vẫn để dành ý cho hai câu kế tiếp.
Trong hai câu thực, tác giả diễn tả đêm tối bằng hai chữ “hồng lạp” (nến hồng), nến chỉ đốt vào ban đêm để soi sáng. “Hoa chủ” để chỉ về mùa xuân trăm hoa đua nở.
“Ngàn vàng khó mua” thì thay bằng “khôn đổi hoàng kim”, “giọt đồng” chính là thời gian, “một khắc”. Tóm lại hai câu thực diễn tả hết toàn bộ ý của đầu bài.
Trong hai câu luận: “sương trắng nhuộm đầu thôi mấy chốc” ý nói thời gian qua mau, đời người chẳng mấy lúc không còn xuân xanh nữa. “Tiền xanh chớp mắt cũng là không” diễn tả cái ý rằng của cải vàng bạc nào ai giữ mãi được.
Hai câu này tán rộng ra, cũng cùng một ý mà vẫn không phạm trùng ý với hai câu trên.
Hai câu kết, cừu mã là áo cừu và ngựa, chỉ sự giàu có. Ý nói không nên bận lòng tìm sự giàu sang phú quý mà hãy hưởng trọn “nguyên tiêu” tức là đêm xuân với chén rượu nồng (và người tri kỷ, dĩ nhiên).
Vài bài thơ phú đắc:
Cái Cắng đánh nhau
Vừa mưa vừa nắng bởi vì đâu (*)
Cái Cắng làm sao lại đánh nhau
Vác gậy bà Chằn phang dưới gối
Vơ dùi ông Hểnh choảng trên đầu
Cha Căng mất vía bon lên trước
Chú Kiết kinh hồn lẩn lại sau
Cái Cắng từ rày còn thế nữa
Thì ta đi rủ cái bồ câu
(Quan Trạng triều Lê)
(*) Nguyên câu vè: “Vừa mưa vừa nắng, cái Cắng đánh nhau, bồ câu ra chữa, tí nữa thì tạnh”.
Bà già tuổi bảy mươi tư
Ngồi trong cửa sổ gởi thư lấy chồng
Đã trót sinh ra kiếp má đào
Bảy mươi tư tuổi có là bao
Xuân xanh xấp xỉ hàm răng rụng
Ngày trắng ân cần mảnh giấy trao
Chữ nhất nhi chung đành đã vậy (*)
Câu tam bất hiếu nữa làm sao (**)
May mà chim được ông chồng trẻ
Hoạ có sinh ra được chút nào?
(Nguyễn Khuyến)
(*) Phụ nhân tong nhất nhi chung: người đàn bà suốt đời chỉ theo một chồng
(**) Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại: tội bất hiếu có ba mà không con là lớn nhất
* Phú Đắc hạn vận
Thí dụ:
Không chồng trông bông lông
(Dĩ đề vi vận)
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng
Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ
Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông
Mua vui lắm lúc cười cười gượng
Bán dại nhiều phen nói nói bông
Mới biết có chồng như có cánh
Giang san gánh vác nhẹ bằng lông
(Nguyễn Khuyến)
Lẽ thường ắt có cớ sao không
Trong đục mơ màng khổ nỗi chồng
Gần ước tiện nơi xa cũng ước
Sớm trông gặp hội muộn càng trông
Thẹn thùng hiên nguyệt người chào bóng
Thắc thỏm vườn xuân khách bẻ bông
Ướm hỏi thế tình hay chẳng nhẽ
Trông bông lông vậy nhớ bông lông
(Nguyễn Trọng Trì)
Đôi ta chẳng mốt thời mai
Chẳng trong tháng chạp cũng ngoài tháng giêng
Hạn vận: xô cô vô ô rô
Đây đó trăng già khéo giục xô
Chẳng chầy thời kíp vội chi cô
Ngày kia bữa nọ duyên dù lảng
Đông cuối xuân đầu lễ rước vô
Có thuở chim cưu nằm ổ thước (*)
Lo chi sông Hán bắt cầu ô
Góc thành lẩn thẩn chờ ta vậy (**)
Chớ giống chim thuần giống nhảy rô (***)
(Đỗ Minh Tâm)
(*) Ô thước hữu sào, duy cưu cư chi: quạ có ổ, chim cưu ở nhờ
(**) Đãi ngã ư thanh ngung: đợi ta nơi góc thành (lời trai gái hẹn hò)
(***) Thuần chi bôn bôn: chim thuần bôn chôn nhảy nhót (chê kẻ đa tình không biết trì chí)
3. Âm điệu và vần điệu của bài thơ ĐL
Một bài thơ theo đúng hết quy định bằng trắc của luật thơ đôi khi đọc lên nghe vẫn không xuôi tai, đó là vì sử dụng không khéo các tiếng trầm bổng.
Mặc dù chữ có dấu huyền (trầm bình thanh) và chữ không dấu (phù bình thanh) đều là thanh bằng, chúng lại không tương đương nhau về mặt cao thấp khi đặt trong câu.
Để câu thơ đọc nghe du dương réo rắt tránh dùng chỉ toàn một loại thanh mà cần phải thay đổi, xen kẽ các thanh này với nhau trong các vần liên tiếp, hoặc trong các chữ trong câu.
Thí dụ
Qua Ngũ Môn cảm tác
Chợt qua năm cửa động lòng thơ
Rồng đá sao rày gọi biếng thưa
Nền nếp vẫn còn nền nếp cũ
Lễ văn sao khác lễ văn xưa
Phải chăng thiên tử thôi chầu sớm
Hay bởi đình thần thức dậy trưa
Nào kẻ mây mưa duyên khế trước
Tôn Chu nghĩa cả khéo thờ ơ
(Phạm Thấu)
Bài này hoàn toàn hợp luật nhưng đọc lên nghe ngang ngang, âm hưởng kém! Tương tự bài dưới đây:
Bái Công khóc đầu Hạng Võ
Trăm hai non nước một gươm thần
Hết giận thôi mà khóc cố nhân
Con mắt bốn ngươi nhìn với mắt
Tấm thân tám thước tủi cùng thân
Bát canh Quản Võ ơn còn nhớ
Chén rượu Hồng Môn lệ khó ngăn
Tấc dạ anh hùng khôn dễ thấu
Mặc ai rằng giả mặc rằng chân
(Tôn Thọ Tường)
Trái lại, bài của Chu Mạnh Trinh như sau:
Vịnh Kiều
Sao bỗng đem thân bỏ chiến trường
Ba quân xao xác ngọn cờ hàng
Sá chi bèo bọt tôi vì nước
Thẹn với non song thiếp phụ chàng
Cung oán nỉ non đàn bạc mạng
Duyên may run rủi lưới Tiền Đường
Mười lăm năm ấy người trong mộng
Chẳng những là đây mới đoạn trường
(Chu Mạnh Trinh)
Bài này đọc từng câu rất tao nhã nhưng khi đọc toàn bài lại nghe chìm lĩm không êm tai là vì dùng toàn vần trầm bình thanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Dương Quảng Hàm – Văn học Việt Nam
Quách Tấn – Thi pháp thơ Đường
_________________________