Hướng dẫn làm thơ Đường luât (Thất ngôn tứ tuyệt – Thất ngôn bát cú)
Hướng dẫn làm thơ Đường luât
(Thất ngôn tứ tuyệt – Thất ngôn bát cú)
-
THƠ TỨ TUYỆT
Thơ tứ tuyệt đã có từ lâu, trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Đầu tiên, thơ tứ tuyệt có nghĩa khác với nghĩa hiện tại: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Bài thơ chỉ có 4 câu mà diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt.
Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường, thì thơ tứ tuyệt lại phải được làm theo quy tắc về niêm, vần, luật, đối của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Vì vậy, sau nầy người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Do đó niêm, vần, luật, đối của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt từ bài bát cú mà thành.
Thơ tứ tuyệt có 2 thể là luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng.
Mỗi thể đều có một Bảng Luật coi như “công thức” căn bản mà người làm thơ phải tuân theo.TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (không đối)
Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng:
BẢNG LUẬT:
T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).
Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.Bài thơ thí dụ để minh họa:
1.
Thuở ấy tuy còn tuổi ấu thơ
Mà sao vẫn nhớ đến bây giờ
Xuân về nũng nịu đòi mua pháo
Để đón giao thừa thỏa ước mơHoàng Thứ Lang
2.
Dõi mắt tìm ai tận cuối trời
Thu về chiếc lá ngậm ngùi rơi
Cay cay giọt lệ sầu chan chứa
Mộng ước tình ta đã rã rờiHoàng Thứ Lang
3.
Một nửa vầng trăng rụng xuống cầu
Đôi mình cách trở bởi vì đâu
Canh tàn khắc lụn hồn tê tái
Đối bóng đèn khuya nuốt lệ sầuHoàng Thứ Lang
2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (không đối)
Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng:
BẢNG LUẬT:
B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).
Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.Bài thơ thí dụ để minh họa:
1.
Đôi mình cách biển lại ngăn sông
Dõi mắt tìm nhau nhỏ lệ hồng
Ngắm ánh trăng thề thương kỷ niệm
Đêm trường thổn thức nhớ mênh môngHoàng Thứ Lang
2.
Đêm nghe tiếng gió nhớ miên man
Mộng ước tình ta đã lụn tàn
Thánh thót hiên ngoài mưa rả rích
Mi buồn lệ ứa mãi không tanHoàng Thứ Lang
3.
Rừng phong nhuộm tím cả khung trời
Lá úa lìa cành gió cuốn rơi
Lối cũ đường xưa em đếm bước
Miên man kỷ niệm đã xa vờiHoàng Thứ Lang ( còn nữa)
-
Sau đây là Luật về Điệu thơ:
Điệu thơ là cách xếp đặt các tiếng trong câu thơ sao cho êm tai dễ đọc để bài thơ có âm hưởng du dương trầm bổng như nhạc điệu.
Điệu thơ gồm có 3 phần chính như sau:
Nhịp điệu: thơ ĐL nhịp chẵn, ngắt nhịp 2 hoặc 4 tiếng trọn nghĩa.
2. Âm điệu: nên làm theo chính luật để bài thơ có âm điệu êm tai trầm bổng.
3. Vần điệu: nên gieo vần ở cuối các câu 1-2-4-6-8 xen kẻ tiếng không có dấu và tiếng có dấu huyền để bài thơ khi đọc lên nghe du dương trầm bổng như điệu nhạc. Ngoài ra chúng ta nên cố gắng gieo vần chính vận. Sau nầy khi “nhuyễn” rồi chúng ta có thể theo thông vận và theo luật bất luận. Muốn cho bài thơ có âm điệu hay thì tiếng thứ 4 và tiếng thứ 7 của những câu luật trắc vần bằng không nên dùng trùng một thanh bằng. Nghĩa là nếu tiếng thứ 4 không dấu thì tiếng thứ 7 phải dấu huyền và ngược lại. Tuy nhiên nếu không tìm được từ nào khác có ý nghĩa hay hơn thì chúng ta dùng trùng cũng được mà vẫn không bị sai luậtthơ.
Hoàng Thứ Lang
- BÀI II
THƠ TỨ TUYỆT VẦN BẰNG – 2 VẦN
Thơ Tứ Tuyệt Vần Bằng 2 vần cũng có hai thể:
– Luật Trắc Vần Bằng.
– Luật Bằng Vần Bằng.Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng – 2 vần.
Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng – 2 vần:
THƠ TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG – 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)
BẢNG LUẬT:
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn.
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.Trước khi đi vào chi tiết của bài Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng – 2 vần, chúng ta thử cùng nhau ngắt bài thơ Thất Ngôn Bát Cú ra thành nhiều bài Tứ Tuyệt để “nghiên cứu” và phân tích.
Bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể ngắt thành 4 bài thơ Tứ Tuyệt theo 4 cách như sau:
– Bài 1: 4 câu đầu (1-4).
– Bài 2: 4 câu cuối (5-8 ).
– Bài 3: 4 câu giữa (3-6).
– Bài 4: 2 câu đầu (1-2) và 2 câu cuối (7-8 ).Thí dụ: bài thơ sau đây:
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trườngBà Huyện Thanh Quan
Ngắt ra:
1.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương2.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường3.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương4.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trườngNhận xét:
Bài 1: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.
Bài 2: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
Bài 3: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
Bài 4: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.Như vậy bài thơ Tứ Tuyệt có loại 3 vần và có loại 2 vần.
Phân tích kỹ hơn, chúng ta nhận thấy một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật là do hai bài thơ Tứ Tuyệt ghép lại mà thành, 4 câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, 4 câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là 4 câu giữa (3-4-5-6) đối nhau từng cặp một (câu 3-4 đối nhau, câu 5-6 đối nhau) theo phép đối thơ loại 7 chữ (còn gọi là đối ngẫu).
Nếu chỉ làm thơ Tứ Tuyệt thường thì chúng ta không cần làm có đối. Nếu làm thơ Thất Ngôn Bát Cú thì bắt buộc phải có đối như đã nói trên.Dừng lại ở thơ Tứ Tuyệt, chúng ta có thể làm nhiều bài thơ Tứ Tuyệt cùng diễn tả chung một ý (một nội dung) gọi là Tứ Tuyệt Trường Thiên, dài bao nhiêu cũng được, nhưng nên ngắt ra từng đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Muốn làm loại 3 vần cũng được (như bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh.). Muốn làm loại 2 vần cũng được (như bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang Hà Huy Hà). Muốn làm lẫn lộn (mixed) vừa 3 vần vừa 2 vần cũng được.
Bây giờ trở lại ý chính của bài Tứ Tuyệt 2 vần bằng. Vì chưa làm thơ Thất Ngôn Bát Cú nên chúng ta chỉ làm thơ Tứ Tuyệt không có đối (tương tự như loại 3 vần mà chúng ta đã làm ở bài 1).
Vậy chúng ta cùng nhau bắt đầu làm bài thực hành
BẢNG LUẬT:
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)Bài thơ thí dụ để minh họa:
1.
Xác pháo còn vương màu mực tím
Thư tình vẫn thắm chữ yêu thương
Nhưng ai lại nỡ quên thề ước
Nước mắt nào vơi nỗi đoạn trườngHoàng Thứ Lang
2.
Đọc áng thơ sầu sa nước mắt
Nghe lời giã biệt giọt châu rơi
Trời cao nỡ đoạn tình đôi lứa
Kẻ nhớ người thương khổ cả đờiHoàng Thứ Lang
3.
Yến phượng lìa đàn ai oán thảm
Uyên ương lẻ bạn ngẩn ngơ sầu
Đôi ta cách trở ngàn sông núi
Ngắm mảnh trăng tàn lệ thấm bâuHoàng Thứ Lang
4.
Nếu chẳng cùng em chung lối mộng
Anh vào cửa Phật nguyện tu hành
Chuông chiều mõ sớm quên tình lụy
Gởi lại am thiền mái tóc xanhHoàng Thứ Lang
2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG – 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)
BẢNG LUẬT:
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn.
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.Bài thơ thí dụ để minh họa:
1.
Hè về đỏ thắm màu hoa phượng
Ánh mắt buồn tênh buổi bãi trường
Gạt lệ chia tay người mỗi ngã
Âm thầm cố nén giọt sầu thươngHoàng Thứ Lang
2.
Trên sông khói sóng buồn hiu hắt
Dõi mắt phương trời nhớ cố hương
Trắng xóa màn sương trời chớm lạnh
Thương ai khắc khoải đoạn can trườngHoàng Thứ Lang
Bài III – Câu đối trong thơ Đường luật
CÂU ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Câu đối là gì ?
Định nghĩa:
Câu đối là những câu văn đi sóng đôi với nhau từng cặp.
Những câu đối ngắn từ 3 đến 4 chữ gọi là tiểu đối, thường áp dụng trong thơ Lục Bát và thơ Song Thất Lục Bát.
Từ 5 đến 7 chữ gọi là đối thơ, thường áp dụng trong thơ Ngũ Ngôn Bát Cú và thơ Thất Ngôn Bát Cú Ðường Luật.
Từ 9 chữ trở lên gọi là đối phú, thường áp dụng trong các bài phú, các bài văn tế, thí dụ như bài Chiến Tụng Tây Hồ Phú hoặc bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Trong bài nầy chúng ta chỉ cùng bàn về câu đối 7 chữ mà thôi. Vì câu đối 7 chữ được ứng dụng trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu phân tích sau nầy.
Về luật bằng trắc thì mỗi chữ tương ứng vị trí của câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên bằng thì chữ của câu dưới phải trắc và ngược lại. Thí dụ:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Ngoài luật Bằng Trắc ra, một câu đối còn phải Chỉnh và Cân nữa.
Chỉnh và Cân là phải tương xứng với nhau. Danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, tính từ phải đối với tính từ. Riêng tính từ cũng có nhiều loại, chữ gợi hình phải đối với chữ gợi hình, màu sắc đối với màu sắc thí dụ “vàng” phải đối với “trắng”, “ớt đỏ” phải đối với “cà xanh” … chữ tượng thanh phải đối với chữ tượng thanh, thí dụ “mưa rơi tí tách” phải đối với “gió thổi rì rào” … Trạng từ như “băn khoăn” phải đối với trạng từ “thổn thức” … Chữ nặng phải đối nặng, chữ nhẹ phải đối nhẹ cho cân xứng. Mùi vị đối với mùi vị. Số lượng đối với số lượng. Mùa tiết đối với mùa tiết, phương hướng đối với phương hướng, thành ngữ đối với thành ngữ, chuyên ngữ đối với chuyên ngữ …
Đừng quên vừa đối từ loại vừa đối bằng trắc.
Và nhất là 2 câu phải đối ý nghĩa với nhau. Ðối ý có nghĩa là chọi nhau, là cân (xứng) nhau.
Thí dụ uống đối với ăn, mướp đối với bầu, giết đối với tha, Hạ đối với Thu, thấp đối với cao, ngắn đối với dài, biển đối với trời, núi đối với sông, cố quận đối với tha hương, đất lạ đối với trời xa, biển rộng đối với sông dài, xóm cũ đối làng xưa, uất hận đối với đau thương, má phấn đối với môi hồng , thiếu nữ đối với thanh niên, liệt nữ đối với anh hùng, phú đối với thơ, tiếng đối với lời, chữ đối với câu, nhạc đối với thơ v.v…
Ngày xưa người ta cưới vợ gã chồng lựa nơi môn đăng hộ đối tức là hai bên gia thế phải tương xứng với nhau. Chúng ta có thể hiểu “đối” theo khái niệm này.
PHÉP ÐỐI:
Gồm có:
– Đối luật (bằng trắc).
– Đối ý.
– Đối từ loại.
– Danh từ riêng đối với danh từ riêng, danh từ chung đối với danh từ chung.
– Tên người đối với tên người, tên nước tên địa phương đối với tên nước tên địa phương.
– Từ kép đối từ kép, từ đơn đối từ đơn.
– Hán-Việt đối Hán-Việt, Nôm đối Nôm (Nôm là tiếng thuần Việt).
– vân vân …
Thí dụ:
Quê người đón Tết không nghe pháo
Đất khách chào Xuân chẳng thấy mai
Chúng ta cùng nhau phân tích 2 câu trên:
Câu trên: <————–> Câu dưới:
Quê (bằng, noun) <—–> Đất (trắc, noun)
Người (bằng, noun) <—–> Khách (trắc, noun)
Đón (trắc, verb) <—–> Chào (bằng, verb)
Tết (trắc, noun) <—–> Xuân (bằng, noun)
Không (bằng, adv) <—–> Chẳng (trắc, adv)
Nghe (bằng, verb) <—–> Thấy (trắc, verb)
Pháo (trắc, noun) <—–> Mai (bằng, noun)
Câu đối 7 chữ thì vế trên chữ thứ 7 (chữ cuối) luôn luôn là thanh TRẮC, vế dưới chữ thứ 7 luôn luôn là thanh BẰNG.
Câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật: luật trắc và luật bằng, như sau:
1. BẢNG LUẬT TRẮC:
T – T – B – B – B – T- T
B – B – T – T – T – B – B
Thí dụ:
1.
Phượng vĩ tươi hồng khi nắng Hạ
Ngô đồng héo úa lúc mưa Thu
2.
Bán dạ kê thanh sầu bất giải
Bình minh điểu ngữ lệ nan càn
(半 夜 鷄 聲 愁 不 解
平 明 鳥 語 淚 難 乾)
2. BẢNG LUẬT BẰNG:
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B
Thí dụ:
1.
Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ
Trước ngõ cành mai mới trổ hoa
2.
Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại thâm sơn hữu khách tầm
(貧 居 閙 市 無 人 問
富 在 深 山 有 客 尋)
Chú ý: Phần câu đối nầy để ứng dụng cho Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật cho nên chữ cuối cùng của vế trên phải luôn luôn là thanh trắc.
Hoàng Thứ Lang
BÀI IV – TỨ TUYỆT VẦN BẰNG CÓ ĐỐI
1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)
Chúng ta bắt đầu với Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng có đối:
A. BẢNG LUẬT 1 (3 vần):
T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T (đối câu 4)
T – T – B – B – T – T – B (vần) (đối câu 3)
Thí dụ:
Kẻ cuối người đầu một bến Tương
Cùng nhau thức trọn suốt đêm trường
Duyên thơ ý hợp lòng lưu luyến
Nghĩa bút tâm đồng dạ vấn vương
Hoàng Thứ Lang
B. BẢNG LUẬT 2 (2 vần):
T – T – B – B – B – T – T (đối với câu dưới)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối với câu trên)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
Thí dụ:
Nguyệt lão không se đường chỉ thắm
Tơ ông chẳng buộc mối dây hường
Trăng thề đã vỡ làm hai mảnh
Biển thảm non sầu mãi nhớ thương
Hoàng Thứ Lang
II. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)
A. BẢNG LUẬT 1 (3 VẦN):
B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T (đối câu 4)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối câu 3)
Bài thơ thí dụ:
Chia tay buổi ấy nát can trường
Gió lạnh ga chiều trắng xóa sương
Lảnh lót còi tàu tan bóng nguyệt
Âm u cột khói quyện hàng dương
Hoàng Thứ Lang
B. BẢNG LUẬT 2 (2 VẦN):
B – B – T – T – B – B – T (đối với câu dưới)
T – T – B – B – T – T – B (vần) (đối với câu trên)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
Bài thơ thí dụ:
Nhìn theo mắt tủi tuôn dòng nhớ
Ngoảnh lại mi sầu ứa giọt thương
Vẫy vẫy tay chào che ngấn lệ
Vì đâu mỗi đứa một con đường
Hoàng Thứ Lang
BÀI V – THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT VẦN BẰNG
Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú.
Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc.
Tuy nhiên, các thi nhân thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.
1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
– Luật bằng vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng.
2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
– Luật trắc vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng.
BỐ CỤC BÀI THƠ BÁT CÚ:
– Câu số 1 dùng để mở bài (gọi là phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (gọi là thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
– Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu trạng (có nơi gọi thuật hay thực).
– Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
– Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.
Sau đây là bảng luật thơ:
1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T (đối câu 4)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối câu 3)
B – B – T – T – B – B – T (đối câu 6)
T – T – B – B – T – T- B (vần) (đối câu 5)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T (đối câu 4)
T – T – B – B – T – T – B (vần) (đối câu 3)
T – T – B – B – B – T – T (đối câu 6)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối câu 5)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
Bài thơ thí dụ làm mẫu để minh họa:
1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
TRUNG THU
Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm
Hoàng Thứ Lang
2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
TRĂNG THỀ VƯỜN THÚY
Xót phận hồng nhan một Thúy Kiều
Trâm thề quạt ước lỗi hương yêu
Thanh lâu lịm kín đời xuân sắc
Kỷ viện vùi sâu nét diễm kiều
Gió Sở không vơi niềm tịch mịch
Mưa Tần chẳng bớt nỗi cô liêu
Xa xôi cách trở Kim lang hỡi
Có thấu lòng em tủi hận nhiều
Hoàng Thứ Lang
—–o0o—–
Ghi chú thêm:
LUẬT BẤT LUẬN TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Người làm Thơ Đường Luật phải tuân theo những luật lệ bắt buộc rất gắt gao nghiêm ngặt. Mà đã là luật rồi thì không thể sai phạm, có như thế bài thơ mới chính thống. Nếu không sẽ bị lai căng thành ra một loại thơ tạp giống như thơ “tự do” ngày nay (nhái theo thơ Cổ phong ngày xưa).
Trong những luật lệ bắt buộc nói trên, có luật bằng trắc là cách sắp xếp âm điệu của bài thơ để nghe cho suông sẻ, êm tai, du dương, trầm bổng. Nếu không tuân theo luật nầy thì bài thơ đọc lên nghe rất chỏi tai, trắc trở, không hay. Tuy nhiên, để cho bớt gò bó trong việc tìm từ, kẹt ý … thí dụ như gặp phải những từ kép hay những danh từ riêng chỉ nhân danh, địa danh, điển tích … chúng ta không thể nào sửa đổi dấu giọng (bằng trắc) được. Do đó người xưa đã đặt ra Luật Bất Luận để “cởi trói” bớt cho người làm thơ. Theo bảng luật bất luận nầy thì:
– Các tiếng ở vị trí thứ 2-4-5-6-7 của mỗi câu bắt buộc phải tuân theo luật bằng trắc (chính luật) mà bảng luật đã ấn định.
– Các tiếng ở vị trí thứ 1 & 3 của mỗi câu không nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc mà bảng luật đã định. Tuy nhiên nên chú ý rằng mặc dù đã có luật bất luận nhưng tiếng nào theo luật định là trắc mà chúng ta làm bằng thì được, trái lại tiếng nào theo luật định là bằng mà chúng ta làm trắc thì không nên, đôi khi phạm phải lỗi “Khổ Độc” nữa. Vạn bất dắc dĩ, không tìm được tiếng nào hay hơn để thay thế thì chúng ta cũng có thể giữ y mà vẫn có thể chấp nhận được. Khi làm thơ càng cố gắng giữ đúng luật (chính luật) thì bài thơ càng hay về âm điệu. Bài thơ được đánh giá hay hay dở phần lớn là căn cứ vào các luật thơ, vì Thơ Đường Luật là Thơ Luật nghĩa là thơ phải làm theo luật. Bài thơ Đường Luật nếu bị sai luật dù cho nội dung, ý tứ, từ ngữ có hay cách mấy đi nữa thì cũng bỏ đi, không được chấp nhận.
Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:
BẢNG LUẬT BẤT LUẬN THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT
1. LUẬT TRẮC:
t – T – b – B – T – T – B
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B
2. LUẬT BẰNG:
b – B – t – T – T – B – B
t – T – b – B – T – T – B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T- B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B
Ghi chú: chữ b-t là không cần giữ đúng luật, chữ B-T là bắt buộc phải giữ đúng luật.
Ngoài ra Thơ Đường Luật là loại thơ “Độc Vận”, nghĩa là chỉ gieo một âm vần duy nhất xuyên suốt cả bài thơ, không nên chen lẫn vào dù chỉ một âm vần khác, hay dở là ở chỗ nầy. Tóm lại Thơ Đường Luật nên gieo vần theo Chính Vận mà không nên dùng Thông Vận, vì toàn bài thơ chỉ có 5 vần thôi, đâu đến đổi khó tìm. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, người làm thơ vẫn có thể được phép dùng thông vận, nhưng càng ít càng tốt.
Hoàng Thứ Lang
BÀI VI – THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT 4 VẦN BẰNG
Như chúng ta đã biết, Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật vần bằng là do sự ghép lại của hai bài Thơ Tứ Tuyệt Đường Luật vần bằng có đối. Bốn câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, bốn câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần.
Thơ Thất Ngôn Bát Cú vần bằng có hai loại:
– Thất Ngôn Bát Cú 5 vần.
– Thất Ngôn Bát Cú 4 vần.
Thất Ngôn Bát Cú 5 vần bằng thì chúng ta đã cùng nhau thực hành ở Bài IV.
Bây giờ chúng ta làm quen với Thất Ngôn Bát Cú 4 vần bằng.
Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật 4 vần bằng là do sự ghép lại của hai bài Thơ Tứ Tuyệt 2 vần bằng có đối. Do đó tiếng cuối cùng của câu 1 phải là thanh trắc.
Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật 4 vần bằng có 3 cặp đối ngẫu:
– Câu 1 và 2 đối nhau.
– Câu 3 và 4 đối nhau.
– Câu 5 và 6 đối nhau.
Chỉ còn câu 7 và 8 không đối.
Sau đây là bảng luật thơ:
1. LUẬT TRẮC:
t – T – b – B – B – T – T (đối câu 2)
b – B – t – T – T – B – B (vần – đối câu 1)
b – B – t – T – B – B – T (đối câu 4)
t – T – b – B – T – T – B (vần – đối câu 3)
t – T – b – B – B – T – T (đối câu 6)
b – B – t – T – T – B – B (vần – đối câu 5)
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B (vần)
Bài thơ thí dụ:
TÌNH SẦU
Lất phất hiên buồn mưa rả rích
Vi vu ngõ vắng gió lao xao
Tình không chung mộng thiên thu nhớ
Duyên chẳng tròn mơ vạn cổ sầu
Kiếp khác đôi mình vui hội ngộ
Đời nầy hai đứa khổ xa nhau
Từng dòng lệ tủi lăn trên má
Thôi thế đành cam lỡ nhịp cầu.
Hoàng Thứ Lang
2. LUẬT BẰNG:
b – B – t – T – B – B – T (đối câu 2)
t – T – b – B – T – T – B (vần – đối câu 1)
t – T – b – B – B – T – T (đối câu 4)
b – B – t – T – T – B – B (vần – đối câu 3)
b – B – t – T – B – B – T (đối câu 6)
t – T – b – B – T – T- B (vần – đối câu 5)
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B (vần)
Bài thơ thí dụ:
TƯƠNG TƯ
Âm thầm đếm giọt mưa buồn đổ
Lặng lẽ lau dòng lệ thảm rơi
Ngang trái yêu đương hờn cách trở
Lỡ làng mộng ước hận chia phôi
Canh tàn tưởng bóng sầu không cạn
Đêm vắng thương hình khổ khó vơi
Em hỡi xin chờ nhau kiếp khác
Đôi ta chung bước đẹp duyên đời.
Hoàng Thứ Lang
Ghi chú quan trọng: Trên đây là bảng Luật Bất Luận. Tiếng thứ 1 và 3 của mỗi câu không cần phải giữ theo chính luật. Tuy nhiên nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì không sao nhưng nếu tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Tiếng thứ 5 của mỗi câu phải tuyệt đối giữ theo chính luật
BÀI VII – THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT VẦN TRẮC
Về căn bản Niêm, Luật, Vần, Đối thì thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Trắc cũng giống y như thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Bằng. Nhưng chỉ khác một điểm là ngược lại, những tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8 thay vì vần bằng thì ở đây lại là vần trắc, và những tiếng cuối các câu 3-5-7 thay vì trắc thì lại là bằng.
Đây là lối thơ cổ, có trước thơ vần bằng. Luật vần trắc thường được áp dụng trong thể Phú là một loại Cổ Văn.
Sau đây là bảng luật thơ:
1. LUẬT BẰNG:
b – B – t – T – B – B – T (vần)
t – T – b – B – B – T – T (vần)
t – T – b – B – T – T – B (đối câu 4)
b – B – t – T – B – B – T (vần – đối câu 3)
b – B – t – T – T – B – B (đối câu 6)
t – T – b – B – B – T – T (vần – đối câu 5)
t – T – b – B – T – T – B
b – B – t – T – B – B – T (vần)
Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc, nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt đối giữ đúng luật.
Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:
THU
Thu về lá rụng cành xơ xác
Gió cuốn hoa tàn rơi lác đác
Cạnh suối nai vàng đứng nhởn nhơ
Bên hồ thỏ trắng nhìn ngơ ngác
Mù mù góc biển cặp chim âu
Mịt mịt chân trời đôi cánh hạc
Khói trắng bay hoài tận nẻo xa
Mưa buồn rả rích hòa cung nhạc.
Hoàng Thứ Lang
2. LUẬT TRẮC:
t – T – b – B – B – T – T (vần)
b – B – t – T – B – B – T (vần)
b – B – t – T – T – B – B (đối câu 4)
t – T – b – B – B – T – T (vần – đối câu 3)
t – T – b – B – T – T – B (đối câu 6)
b – B – t – T – B – B – T (vần – đối câu 5)
b – B – t – T – T – B – B
t – T – b – B – B – T – T (vần)
Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc, nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt đối giữ đúng luật.
Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:
HÈ
Phượng đỏ sân trường thêm rực rỡ
Trưa Hè tiếng gió buồn than thở
Du dương khúc nhạc vọng thê lương
Réo rắc cung đàn nghe nức nở
Trước ngõ cành lan trắng nụ đơm
Bên tường khóm cúc vàng hoa trổ
Mây bay lảng đảng tận phương nao
Bãi biển rì rào con sóng vỗ
Hoàng Thứ Lang
BÀI VIII – THƠ NGŨ NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT
Thơ Ngũ Ngôn Bát Cú Đường Luật là bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu 5 chữ được làm theo luật thơ Đường Luật, cho nên còn gọi là Thơ Ngũ Ngôn Luật (Ngũ Ngôn Luật Thi).
Thơ Ngũ Ngôn Bát Cú Đường Luật giống như Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật nhưng mỗi câu đều bỏ đi hai tiếng đầu câu, chỉ còn lại năm tiếng sau cùng.
Về Niêm Luật Vần Đối thì vẫn y như Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật.
Sau đây là bảng luật thơ:
1. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B (vần)
B – B – B – T – T (đối câu 4)
T – T – T – B – B (vần) (đối câu 3)
T – T – B – B – T (đối câu 6)
B – B – T – T- B (vần) (đối câu 5)
B – B – B – T – T
T – T – T – B – B (vần)
Bài thơ thí dụ để minh họa:
DỞ DANG
Tí tách giọt mưa rơi
Lòng thương nhớ một người
Niềm đau hoài chẳng cạn
Nỗi khỗ mãi không vơi
Lá úa bay đầy ngõ
Hoa tàn rụng khắp nơi
Tình đôi ta cách trở
Trọn kiếp dở dang rồi
Hoàng Thứ Lang
2. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
B – B – T – T – B (vần)
T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T (đối câu 4)
B – B – T – T – B (vần) (đối câu 3)
B – B – B – T – T (đối câu 6)
T – T – T – B – B (vần) (đối câu 5)
T – T – B – B – T
B – B – T – T – B (vần)
Bài thơ thí dụ để minh họa:
LỠ LÀNG
Tình ta đã úa mầu
Vĩnh viễn phải xa nhau
Kẻ lấp hờn ngăn tủi
Người ôm thảm ấp sầu
Bồi hồi sa ngấn lệ
Thổn thức nhỏ dòng châu
Đã lỡ làng duyên nợ
Lìa tan mộng ước đầu
Hoàng Thứ Lang
Lời bàn:
Từ đây trở về sau, chúng ta chỉ nghiên cứu để biết qua tất cả những thể Thơ Đường Luật mà không cần ưa thích cũng được.
Thơ Đường Luật chỉ có Thất Ngôn Bát Cú vần bằng là hay thôi.
Những thể khác hoặc vì câu quá ngắn (như ngũ ngôn) hoặc vì cách gieo vần quá trắc trở (như TNBC & NNBC vần trắc) nên nghe không êm tai.
Tóm lại chúng ta chỉ cần trau dồi tinh tường thể thơ TNBC/ĐL vần bằng thì các thể khác chúng ta chỉ cần nhìn qua là làm được ngay.
BÀI IX – CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.
1. HỌA HẠN VẬN:
Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
– Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
– Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
a. Ðầu đề (nội dung) là:
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô
b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô – cô – vô – ô – rô.
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!! … như sau đây:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô
Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Xin kể lại một câu chuyện như sau:
Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
– Đầu đề: Xuân Khuê
– Hạn 5 vần: chờ – hờ – thưa – tơ – thơ
– Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:
Xuân Khuê
Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ
Phan Mạnh Danh
2. HỌA PHÓNG VẬN
Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.
a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.
CHÚ Ý QUAN TRỌNG: Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
Hoạ Thơ bao gồm 2 phần chính quan trọng sau đây:
Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước “thách đố” cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
1. Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị Fail.
2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
4. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.
Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.
Bài Xướng:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Tôn Thọ Tường)
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
Bài Họa:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Phan Văn Trị)
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
Những bài thơ minh họa cho các thể thức Họa Thơ.
1. HOẠ HẠN VẬN:
Thí dụ:
– Hạn đề:
“Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô”
– Hạn vận:
Xô – Cô – Vô – Ô – Rô
Bài họa:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi giống nhảy rô
2. HỌA PHÓNG VẬN:
Thí dụ 1:
a. Họa nguyên vận:
Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi.
Hoàng Thứ Lang
Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Mỏi gót phiêu bồng khắp mọi nơi
Về đâu trên vạn nẻo đường đời
Mưa buồn đổ mãi mưa buồn hỡi
Tuyết trắng rơi hoài tuyết trắng ơi
Muốn nhắn đôi câu mà nghẹn ý
Mong trao mấy tiếng lại ngăn lời
Dòng sông ly biệt nào chia lối
Ngắm dải Ngân Hà đếm lệ rơi
Hoàng Thứ Lang
b. Họa đảo vận:
Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi
Hoàng Thứ Lang
Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Lất phất bên thềm tuyết trắng rơi
Niềm riêng ấp úng chẳng nên lời
Hai hàng lệ tủi than trời hỡi
Một áng thơ sầu khóc bạn ơi
Rẽ yến chia oanh hờn số kiếp
Lìa loan rã phụng lỡ duyên đời
Sông Tương uống cạn dòng thương nhớ
Giang vĩ giang đầu đứa mỗi nơi
Hoàng Thứ Lang
c. Họa hoán vận:
Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi
Hoàng Thứ Lang
Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Gởi gió nhờ mây nhắn mấy lời
Trao người yêu dấu của tôi ơi
Đường mơ vạn nẻo đành riêng lối
Bến mộng đôi bờ phải khác nơi
Bóng chiếc phòng đơn sầu lệ đổ
Đèn khuya gác vắng tủi châu rơi
Ai xui hai đứa mình dang dở
Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời
Hoàng Thứ Lang
d. Họa tá vận (mượn vần):
Bài xướng:
TRUNG THU
Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm
Hoàng Thứ Lang
Bài họa:
XIN XĂM
Mẹ dẫn lên chùa để thỉnh xăm
Hôm nay trăng sáng đúng đêm rằm
Cầu xin phúc lộc vào nguyên tháng
Khấn nguyện bình an đến trọn năm
Giữa Hạ oi nồng đừng nắng gắt
Trung Thu mát mẻ chớ mưa dầm
Đưa tay vói rút ồ hên quá
Thượng thượng ngon lành chẳng bị âm
Trâm Anh
Hoạ thơ Đường luật
Họa vần là sáng tác một bài thơ thường gọi là bài họa dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước thường gọi là bài xướng.
Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú.
Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8.
Những chữ vần thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này là thanh trắc).
Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài thơ xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối.
Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc “khắc lục”, là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.
Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.
Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.
Thí dụ:
Bài xướng:
Vườn rau Cẩm Tú
Thầy cho xới lại mảnh vườn hoang
Cẩm Tú đem phân ủ mấy hàng
Củ cải gieo gần dây mướp đắng
Su hào tỉa cạnh gốc khoai lang
Thì là diếp cá lên muôn lối
Húng đổi cần tây mọc khắp đàng
Tứ phía rau xanh nhìn mát mắt
Tha hồ cải thiện bữa ăn…sang
Cẩm Tú
Bài hoạ::
Vườn rau Cẩm Tú
Cẩm Tú gieo trồng mảnh đất hoang
Rau xanh thẳng tắp rất ngay hàng
Ngò om óng mượt bên giàn mướp
Húng quế thơm lừng kế luống lang
Bí rợ tần ô lên bít lối
Dưa leo ớt hiểm mọc đầy đàng
Chiều chiều đứng ngắm lòng thanh thản
Cuộc sống quê nghèo ngẫm lại…sang
Hoàng Thứ Lang
Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu cước vận (câu 1-2-4-6-8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước.
5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng.
Coi như bài hoạ là bản copy những nét căn bản về ý và vần của bài xướng, vì vậy bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng.
Hoạ thơ Đường luật không đến nổi quá khó nhưng không phải dễ dàng như nhiều người đã lầm tưởng !
Hoạ sai một vần gọi là xuất vận: không được.
Hoạ sai nghĩa một vần gọi là xuất ý: không được.
——————————————————-Hoàng Thứ Lang