HÀN THUYÊN NGƯỜI VIỆT NAM CẢI TIẾN THƠ ĐƯỜNG LUẬT. Bài viết của Hàn Khánh
HÀN THUYÊN
NGƯỜI VIỆT NAM CẢI TIẾN THƠ ĐƯỜNG LUẬT
HÀN KHÁNH
Từ thế kỷ 10 trở về trước, nước ta bị Phong kiến Trung Quốc đô hộ hàng ngàn năm. Đời sống nhân dân ta bị kìm hãm cả về vật chất và tinh thần. Do đó về văn học, ngoài một số tác phẩm dân gian, chúng ta chưa có một nền văn học viết dân tộc.
Căn cứ vào tài liệu còn lại, nước ta có một nền văn học viết từ thế kỷ XI trở về sau; ban đầu là văn học chữ Hán, sau thêm văn học chữ Nôm và mãi sau này là văn học chữ Quốc ngữ.
Hán học đã xâm nhập nước ta từ thời Bắc thuộc. Người Việt ta nhân đấy dùng chữ Hán làm phương tiện để thu lượm kiến thức qua sách Trung Quốc và sáng tác văn học như thơ, phú,…
Thời kỳ đầu là Triều Lý, sáng tác văn học tập trung chủ yếu ở tầng lớp Tăng lữ và một số người có học chữ Hán.
Đến thời Trần thì văn học chữ viết đã phát triển lên một tầm cao mới, ngoài chữ Hán,các nhà làm văn nước ta bắt đầu viết nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm (Quốc âm). Thơ Đường luật theo đó cũng hội nhập vào nước ta và phát triển mạnh.
I, THƠ ĐƯỜNG LUẬT:
Thơ Đường luật là thể thơ mà thời thịnh Đường đã nghiên cứu và chính thức công bố luật lệ vào thơ Cổ phong thành một thể thơ hoàn chỉnh về niêm, luật bằng trắc, đối vần. Thơ Cổ phong lùi dần vào hậu trường.
1, Phân loại: Theo tên gọi thơ Đường có giới hạn:
+ Về câu: 4 câu (tứ tuyệt), 8 câu (bát cú), từ 10 câu trở lên (trường thiên).
+ Về từ: 5 chữ (ngũ ngôn), 7 chữ (thất ngôn).
+ Luật bằng trắc: Xin đơn cử bảng luật của thể thơ “Thất ngôn bát cú”;
a, Thể Bằng: b, Thể trắc:
1 (nhất): B B T T T B B 1 (nhất): T T B B T T B
2 (nhị): T T B B T T B 2 (nhị): B B T T T B B
3 (tam): T T B B B T T 3 (tam): B B T T B B T
4(tứ): B B T T T B B 4(tứ): T T B B T T B
5(ngũ): B B T T B B T 5 (ngũ): T T B B B T T
6(lục): T T B B T T B 6 (lục): B B T T T B B
7(thất): T T B B B T T 7 (thất): B B T T B B T
8(bát): B B T T T B B 8 (bát): T T B B T T B
– Ngắt đôi giữa hai bảng trên ta được bảng luật của các thể thơ “Thất ngôn tứ tuyệt”.
– Bỏ đi 2 từ đầu của mỗi dòng ta được bảng luật của các thể thơ “Ngũ ngôn”.
Từ những bảng luật chuẩn trên của thơ Đường luật, ta thấy để làm được một bài thơ đúng với Đường luật thật không đơn giản, càng khó khăn hơn khi ta làm thơ bằng tiếng Việt (quốc âm), vì tiếng Việt có nhiều thanh điệu hơn tiếng Trung (tiếng Việt có 6 thanh điệu, tiếng Trung chỉ có 4 thanh điệu).
II, THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM (HÀN LUẬT)
Hàn Thuyên, tên thật là Nguyễn Thuyên (1229 – ?), người xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm 1247. Ông là người giỏi thơ, phú,…
Hàn Thuyên là người đầu tiên đưa chữ Nôm vào thơ văn với ý định biến chữ Nôm thành ngôn ngữ phổ biến trong văn chương và đời sống dân ta. Ông cổ vũ sáng tác thơ Đường luật bằng quốc âm (chữ Nôm) và cải tiến thơ Đường luật để dễ vận dụng vào thơ quốc âm.
Để giảm bớt khó khăn cho người làm thơ, Từ bảng chuẩn trên, Hàn Thuyên đã giản hóa bằng cách lược bớt những yêu cầu về bằng, trắc trong bảng, chỉ giữ lại phần cốt lõi, câu thơ nếu khéo lựa vần đọc lên vẫn hay. Cụ thể Hàn Thuyên đã cải tiến như sau:
Một câu thơ “thất ngôn” trong bài dù “tứ tuyệt”, “bát cú” hay “trường thiên”:
1 2 3 4 5 6 7
( Nhất nhị tam tứ ngũ lục thất)
Chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm bằng, trắc tùy ý. Chữ thứ hai, thứ bốn, thứ sáu bằng, trắc phải xen kẽ. Để dễ nhớ ta có công thức:
“Nhất tam ngũ bất luận
Nhị tứ lục phân minh.”
Luật cải tiến của Hàn Thuyên được nhiều người làm thơ Việt Nam hưởng ứng, nên còn gọi thơ Đường luật cải tiến là thơ Hàn luật.
2, Ví dụ: – Thơ Đường luật chuẩn (Thể bằng):
VIẾNG CÔN SƠN
Lạc Nam
Nhàn du tiện nẻo viếng Côn Sơn
Hứng bút phong tao bổng mộng hồn
Nước trí non nhân hình gợi cảm
Am mây kỷ đá dẫu khơi buồn
Linh từ Ngũ Nhạc mây lơ lửng
Bích động Thanh Hư gió dập dờn
Nhớ đấng trung trinh lòng khắc khoải
Ngàn thông ngả bóng lộng hoàng hôn.
- Thơ Đường luật làm theo Hàn luật (luật Hàn Thuyên):
MAI LĨNH
Hàn Khánh
Mai Lĩnh bụi hồng vương phố thị
Chợt vào ngã rẽ gió xanh hơn
Đáy giang lưu tích hồn thu thủy
Trầm hương dâu bể nét xuân sơn
Mây hướng thượng nguồn trôi lãng đãng
Núi xa thấp thoáng dáng lô xô
Nhạt nhòa sương khói mờ phương bản
Vàng vọt ráng chiều xây cố đô.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, bấy giờ có cá sấu vào sông Hồng, Vua (Trần Nhân Tông) sai Hàn Thuyên làm văn ném xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi mất. Vua thấy tài năng của Nguyễn Thuyên có thể sánh với Hàn Dũ bên Trung Quốc nên Vua ban cho ông họ Hàn”. (Hàn Dũ, 768 – 824, rất giỏi thơ Đường, các nhà thơ Trung Quốc đương thời tôn ông là Lãnh tụ của thơ Đường).
H.K