Đội ngũ sáng tác của bộ phận văn học hoàng tộc thời Nguyễn -Bài viết của Nguyễn Phước Hải Trung

 

Đội ngũ sáng tác của bộ phận văn học hoàng tộc thời Nguyễn

 Tác giả bài viết: NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
(Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

TÓM TẮT

     Văn học nói chung và thi ca nói riêng vào thời Nguyễn phản ánh những thành tựu rực rỡ, tiêu biểu cho truyền thống văn chương chữ Hán của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Bài viết tập trung khái quát về thời đại nhà Nguyễn qua mấy nét chính về chính trị, xã hội; tổng lược về diễn trình văn học của thời đại này; đặc biệt là miêu thuật về tình hình đội ngũ sáng tác, tác phẩm của dòng văn chương hoàng tộc thời Nguyễn, một đối tượng nghiên cứu mà từ trước đến nay ít được chú ý.

  1. Mở đầu

     Kể từ hoàng đế Gia Long, triều Nguyễn đã nối tiếp với 13 triều vua, trị vì đất nước trong suốt 143 năm lịch sử (1802-1945). Đây là triều đại có nhiều thăng trầm qua một diễn trình lịch sử đầy biến động, phức tạp của bối cảnh khu vực lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đây cũng là triều đại để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với đất nước Việt Nam, nhất là những dấu ấn về văn hóa nghệ thuật. Trong đó, văn học thời Nguyễn phản ánh những thành tựu rực rỡ, tiêu biểu cho truyền thống văn chương chữ Hán của Việt Nam vào thời trung đại.

     Trong diễn trình hình thành và phát triển, sáng tác thi ca dưới thời Nguyễn đã có những đóng góp nổi bật trong dòng chảy của văn chương trung đại Việt Nam. Sự xuất hiện của đội ngũ sáng tác là các danh nho xuất thân từ hoàng tộc, đặc biệt là các hoàng đế, hoàng thân thời Nguyễn đã làm nên một sắc diện mới mẻ cho truyền thống văn chương Việt Nam thời bấy giờ xét về cả số lượng lẫn chất lượng. Điều đặc biệt, các hoàng đế đầu triều qua những sáng tác cực kỳ phong phú, đồ sộ của mình đã tạo nên một kỷ lục thi ca trong lịch sử văn học nước nhà.

  1. Nội dung

     2.1. Triều đại nhà Nguyễn

     Sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, năm 1802, hoàng đế Gia Long lên ngôi và lập ra triều Nguyễn. Trải qua 13 đời hoàng đế với những đặc điểm của từng triều vua, thăng trầm khác biệt, có thể phân định lịch sử của triều Nguyễn thành hai giai đoạn lớn.

     – Giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1883 được xem là thời gian tự chủ, thịnh trị của triều Nguyễn với sự ổn định, vững mạnh về nhiều mặt dưới các triều vua như Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và giai đoạn đầu ở triều Tự Đức (1848-1883).

     Lên ngôi năm 1802, chính thức lập nên triều Nguyễn, tháng 3.1804, đổi quốc hiệu là Việt Nam, vua Gia Long đã tập trung ổn định, củng cố chấn hưng đất nước. Từ đây, Việt Nam đã xây dựng nhà nước phong kiến độc lập trên một quốc gia thống nhất, kiến lập hệ thống Lục Bộ và tập trung chấn chỉnh về quân sự, ngoại giao. Năm 1820, hoàng đế Minh Mạng nối ngôi đã có nhiều cải cách quan trọng, đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính, làm cho mọi mặt văn hóa xã hội có nhiều sự phát triển đáng kể, đổi quốc hiệu là Đại Nam vào năm 1838. Tiếp theo là hoàng đế Thiệu Trị kế tục từ năm 1840, đã tiếp tục hoàn thiện và giữ gìn những thành tựu các triều đại trước để lại, chủ trương đường lối nội trị và ngoại giao có phần mềm dẻo hơn thời Minh Mạng. Năm 1848, hoàng đế Tự Đức lên ngôi, giai đoạn khoảng 20 năm đầu khá thịnh trị. Triều đại Tự Đức có nhiều chỉnh đốn, sửa sang về khoa cử, đặt ra Nhã Sĩ Khoa và Cát Sĩ Khoa, để chọn lấy người có tài văn học ra làm quan. Tuy vậy, triều Tự Đức gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đất nước phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm. Từ năm 1858 đến 1883, mặc dù có sự khủng hoảng dần vào giai đoạn cuối với những biến động tác động trực tiếp vào sự hưng vong của đất nước thể hiện qua các biến cố như: Pháp tấn công vào cửa biển Đà Nẵng (1858); triều đình Tự Đức nhượng bộ cắt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1862, 1867) cho thực dân Pháp; rồi sự kiện Pháp đánh vào Hà Nội và buộc triều đình ký Hiệp ước Harmand (1883) thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp, nhưng phải đến năm 1884 khi triều Nguyễn ký Hiệp ước Patenôtre thì Việt Nam mới chính thức mất độc lập, toàn bộ chủ quyền đất nước đặt dưới sự kiểm soát của Pháp. Vì vậy vẫn có thể nói rằng, từ năm 1802 đến năm 1883 là giai đoạn độc lập, tự chủ của triều Nguyễn – giai đoạn được xem là từ khởi đầu đến ổn định, rồi phát triển, thịnh trị. Đây là nền tảng xã hội cho sự phát triển văn hóa.

     – Giai đoạn từ năm 1884 đến năm 1945 là thời gian Việt Nam mất quyền tự chủ, thực dân Pháp đã kiểm soát mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội. Có thể thấy rằng, ở giai đoạn này nhiều chính sách trong đối ngoại của triều Nguyễn đã không còn phù hợp với bối cảnh quốc tế.

     Các vị vua như Hàm Nghi (1884-1885), Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907- 1916) với lòng yêu nước và ý thức dân tộc đã tìm cách chống lại thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc, nhưng đều không thành công và bị đày biệt xứ. Đến tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam đã giành chính quyền về tay nhân dân, vua Bảo Đại đã tuyên Chiếu thoái vị, chấm dứt chế độ Quân chủ ở Việt Nam, chấm dứt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn.

     Nhìn lại giai đoạn tự chủ với nhiều ổn định và phát triển trong khoảng 80 năm (1802 – 1883), có thể thấy rằng bốn hoàng đế đầu triều đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc chấn hưng, cải cách nhiều mặt để phát triển đất nước. Chính những điều đó đã đưa đất nước dần dần vào thế ổn định, phong hóa được chấn hưng, dân chúng được hưởng cảnh sống thanh bình.

     Thời kỳ đầu độc lập của triều Nguyễn được mở ra bằng công cuộc chấn hưng Nho giáo. Từng trải qua thời gian dài chinh chiến, trước thực tế các triều thần nhà Nguyễn đa số là võ tướng, nên sau khi lên ngôi, Gia Long chú trọng đến việc học hành thi cử để tuyển chọn nhân tài. Ông cho thành lập Quốc Tử Giám ở Phú Xuân để dạy con quan, tổ chức thi Hương, củng cố giáo dục, v.v. Đến thời Minh Mạng, việc xây dựng hệ thống quan lại được tiến hành với những quy củ, điển chế quy chuẩn, có vị trí chiến lược. Từ triều đại này trở đi, chế độ giáo dục và khoa cử được thống nhất trên phạm vi cả nước. Các mô hình giáo dục, đào tạo từ thấp đến cao, các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình được tổ chức để thông qua đó đào tạo, tuyển dụng nhân tài. Triều Nguyễn đã siết chặt kỷ cương của thi cử, nghiêm trị các gian lận, tệ nạn trong thi cử với những quy định chặt chẽ về đối tượng dự thi, sĩ tử, quan trường thi cử, v.v. Việc chấn chỉnh và mở rộng khoa cử của triều Nguyễn đã cho thấy mục tiêu, chiến lược xây dựng và sử dụng nhân tài trong điều kiện bấy giờ hết sức được chú trọng, chứng tỏ việc đào tạo nguồn lực cho phát triển xã hội luôn được quan tâm, đề cao. Đây cũng là điều kiện để hình thành một tầng lớp trí thức thực tài, có kiến thức, phục vụ trực tiếp cho bộ máy chính trị và là điều kiện để trở thành những văn nhân sau này.

     Bên cạnh đó, triều Nguyễn đã không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan khoa học, đặc biệt là Quốc Sử Quán. Vào năm 1820, triều Minh Mạng cho lập Quốc Sử Quán trong Kinh Thành thuộc phường Trung Hậu (nay là Thuận Thành). Từ thời Gia Long, ở Huế đã có một cơ quan đảm nhận chức năng này với tên gọi là Sử Cục. Trong Minh Mạng Chính Yếu, vua Minh Mạng có đoạn nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc sử như sau: “Nước có sử là để tin ở đời nay, mà truyền lại đời sau (…) hãy nên cố gắng làm sao cho bút pháp được đúng đắn, vựng biên không thiếu sót, tập thành tín sử một đời, ngõ hầu cơ đồ thần truyền thánh kế, quy mô văn hiển võ thừa được lưu truyền mãi mãi” [1, tr.856]. Cùng với ý thức đó, Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã hoạt động trên 120 năm với nhiều đóng góp cho nền sử học của nước nhà không những vào giai đoạn mà nó tồn tại mà còn có đóng góp lớn lao cho sử học hôm nay qua nhiều công trình biên soạn có giá trị về nhiều mặt. Các bộ lịch sử, địa chí do Quốc Sử Quán biên soạn, chỉnh lý, ấn hành đã trở thành pho tư liệu hết sức qúy giá với hàng chục ngàn trang viết, hàng chục bộ sách. Có thể điểm qua một số bộ sách chính, do Quốc Sử Quán biên soạn, ấn hành như Đại Nam Thực Lục (560 quyển); Đại Nam Liệt Truyện (85 quyển); Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (262 quyển, chưa kể phần tục biên); Đại Nam Nhất Thống Chí (31 quyển); Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (53 quyển), v.v. Điều đó cũng đủ khái quát lên quy mô đồ sộ của các trước thuật được soạn tại cơ quan khoa học xã hội mang tính quốc gia này.

     Có thể thấy rằng, nhà Nguyễn đã xây dựng một chế độ quân chủ trung ương tập quyền, lấy học thuyết Nho giáo làm nền tảng tư tưởng và xây dựng bộ máy quan lại để quản lý đất nước, điều hành nhà nước thông qua khoa cử. Cuộc chấn hưng Nho giáo của triều Nguyễn đã biến hệ tư tưởng này thành vị trí độc tôn chi phối toàn diện quan điểm, đường lối chính trị. Tuy vậy, “Nho giáo thời Nguyễn bao hàm nhiều xu hướng khác nhau, trong đó, nổi bật nhất là ba xu hướng thể hiện ba đặc trưng ảnh hưởng khác nhau là Hán Nho, Đường Nho và Tống Nho” . Tuy cả ba xu hướng vừa nêu có vị trí, ý nghĩa khác nhau, nhưng sự phân biệt ở đây cũng chỉ mang tính tương đối, các xu hướng này luôn có sự chuyển hóa, thậm chí còn hô ứng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Trên hết là các nho gia luôn xuất phát từ hiện thực để xuất xử và sáng tác, điều này là hiện thực tất yếu.

     2.2. Các chặng đường phát triển của văn học

     Thời Nguyễn được đánh giá là thời đại phát triển rực rỡ về nhiều mặt, trong đó có phần quan trọng của văn học. Chính sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội vào giai đoạn độc lập, tự chủ thời Nguyễn đã tạo điều kiện cho văn học phát triển. Cơ sở lịch sử xã hội đã quy định trực tiếp đến tình hình văn học nói chung. Xuất phát từ cơ sở lịch sử xã hội, văn học thời Nguyễn trải qua ba phân khúc thời gian là chặng đường sơ Nguyễn (1802-1819), thịnh Nguyễn (1820-1883) và suy Nguyễn (1884-1945).

     Văn học chặng đường sơ Nguyễn gắn liền với hai lực lượng sáng tác đó là các quan thời Gia Long, các cựu thần của triều Lê chưa thuận hẳn theo triều Nguyễn. Có thể kể đến các tác giả như Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, v.v. Văn học ở chặng đường này tập trung nội dung gắn với tính chất hoài vọng, tiếc nuối về triều đại cũ, trong đó bộ phận văn chương ở vùng đất mới phương Nam lại có nhiều đóng góp. Đây là thời gian ở miền Nam có sự xuất hiện của nhóm Gia Định tam gia gồm Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định cùng một số tác giả khác như Hoàng Ngọc Uẩn, Diệp Minh Phụng. Vùng đất này cũng đánh dấu sự ra đời của hai thi xã đó là Bình Dương thi xã và sau này có sự xuất hiện của Bạch Mai thi xãBình Dương thi xã ra đời ở Gia Định sau khi Gia Long lên ngôi khoảng một vài năm. Ban đầu thi xã này được gọi là Sơn Hội. Tác phẩm của Bình Dương thi xã thể hiện những niềm lạc quan trước vận hội mới thái bình, ca ngợi thiên nhiên cảnh sắc non nước trời Nam.

     Tiếp theo, chặng đường thịnh Nguyễn được xem là một thời kỳ văn học phát triển đến đỉnh cao với sự xuất hiện của một lực lượng sáng tác phong phú bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Đánh giá về thời kỳ lịch sử này, GS. Sử học Trần Văn Giàu từng tổng kết: “Không có thời nào, văn hóa phát triển như thời Nguyễn. Tám mươi năm [1802-1884, NV] của nhà Nguyễn, sách vở, sáng tác gần bằng hoặc bằng, thậm chí nhiều hơn mấy trăm năm trước. Những nhà tư tưởng của triều Nguyễn cao hơn những nhà tư tưởng trước. Có thể nói sự phát triển văn hóa dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển văn hóa rất nhiều” [3, tr.19]. Nhiều vị hoàng đế đã trở thành những tác giả lớn, tiêu biểu. Nhiều vị hoàng thân hoàng tộc thành tựu qua nhiều trước tác để lại cùng hậu thế. Nhiều bậc quan lại, nho sĩ làm nên tên tuổi và đi vào lịch sử văn học. Tất cả các thành phần xuất thân của lực lượng sáng tác như vậy đã thể hiện một “sự bùng nổ” có tính lịch sử trong diễn trình văn học trung đại. “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán / Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” – lời khen ngợi về văn chương đương thời tuy có phần ngoa dụ của vua Tự Đức nhưng cũng phần nào xuất phát từ hiện thực về sự thịnh trị của văn chương thời kỳ này. Các quan lại, nho sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bùi Hữu Nghĩa, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Vũ Duy Thanh, Phan Thanh Giản, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Văn Siêu, Trương Đăng Quế, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan), Chu Mạnh Trinh, Trần Tiễn Thành, Đặng Huy Trứ, v.v đều có thể là những đại diện tiêu biểu cho văn học thời kỳ này. Văn chương, đặc biệt là thơ ca của họ đã phản ánh sự đa diện của đời sống xã hội, thể hiện những suy tư về trách nhiệm của đình thần, vận mệnh của đất nước, những trở trăn, ưu tư của nỗi lòng kẻ sĩ trước thời cuộc. Nổi bật hơn cả ở thời kỳ thịnh Nguyễn là sự xuất hiện một bộ phận đáng kể các tác giả cung đình là các vị vua, các vị hoàng thân, hoàng tộc. Chính nhóm tác giả này đã làm cho diễn trình văn học thời Nguyễn có sự thay đổi lớn trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi sẽ đề cập ở phần tiếp sau.

     Chặng đường suy Nguyễn, đất nước đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Hoàn cảnh lịch sử đã tác động trực tiếp đến tính chất của văn học. Song vào giai đoạn suy vong khi đất nước lệ thuộc hoàn toàn vào chế độ Bảo hộ, văn học cũng tự tìm đường tạo nên hướng đi mới nhằm tiếp tục phát triển cùng những nhu cầu phản ánh xã hội và bày tỏ quan điểm, tình cảm cá nhân. Thi ca không lệ thuộc vào sự suy vong của chế độ, tự điều chỉnh để đáp ứng được nhu cầu phản ánh xã hội. Nhiều tác giả đã sáng tác từ niềm xúc cảm của nỗi đau mất nước, của số phận dân tộc. Điển hình cho lực lượng sáng tác thời kỳ này là các tác giả Nguyễn Liên Phong, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Huy Trứ, Tôn Thọ Tường, Hoàng Diệu, Nguyễn Thông, Phan Văn Trị, Trương Gia Mô, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Nhược Thị, v.v. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự ra đời của Bạch Mai thi xã ở phương Nam, nơi hội tụ của các tao nhân Gia Định. Càng về sau, tác phẩm của Bạch Mai thi xã chủ yếu sáng tác bằng chữ Nôm với những tên tuổi như Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, v.v.

     Nhìn chung, trải qua ba chặng đường sơ Nguyễn, thịnh Nguyễn và suy Nguyễn, văn học thời Nguyễn ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ từ số lượng lẫn chất lượng, từ hình thức lẫn nội dung, từ lực lượng sáng tác đến tác phẩm được in ấn, phổ biến. Với đặc tính ngôn chí, thường được quan niệm như một mệnh đề mỹ học có tính phổ quát, văn chương bấy giờ đã hành chức phản ánh hiện thực một cách trọn vẹn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Suy cho đến cùng, chính lực lượng sáng tác hùng hậu và phong phú đã tạo nên một đột phá có tính nhảy vọt của văn học. Điều này sẽ được tiếp tục củng cố qua lực lượng sáng tác là các thi sĩ hoàng tộc.

     2.3. Sự phát triển vượt bậc của đội ngũ sáng tác của bộ phận văn học hoàng tộc

     Kinh đô Huế bấy giờ là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của Việt Nam, nơi hội tụ nhân tài của quốc gia, mặc nhiên cũng trở thành trung tâm văn học nghệ thuật của đất nước. Đây là điều kiện để văn chương triều Nguyễn phát triển. Trong nội tại hoàng tộc, đa số các hoàng đế, các hoàng tử, hoàng thân hầu hết đều trải qua quá trình đào tạo về kiến văn từ nhỏ nên họ được trang bị những tri thức với sở học rất ổn định. Đây cũng chính là điều kiện để hình thành nên một lực lượng sáng tác phong phú, tạo nên dòng văn học hoàng tộc.

     Đầu tiên phải kể đến là nhóm tác giả bao gồm các hoàng đế. Nhiều hoàng đế triều Nguyễn để lại các trước tác thi ca dưới dạng là tập thơ như Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng), Nguyễn Phúc Miên Tông (Thiệu Trị), Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (Tự Đức), Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (Đồng Khánh), Nguyễn Phúc Bửu Lân (Thành Thái), Nguyễn Phúc Bửu Đảo (Khải Định). Nhiều hoàng đế đã để lại các trước tác thi ca dưới dạng bài thơ được lưu truyền hoặc chép trong các sách như Nguyễn Phúc Vĩnh San (Duy Tân), Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Đặc biệt, các vị vua đầu triều đã để lại một khối lượng trước tác văn học cực kỳ đồ sộ, khó có thể hình dung. Theo thống kê của Viện Hán Nôm, trong 63 năm (từ 1820 đến 1883), các hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã “ngự chế” 15.097 bài thơ văn dài ngắn khác nhau, được chép trong 25 tên sách, đóng thành 82 tập với 25.196 trang chữ Hán Nôm. Trong đó, tổng số lượng thơ của ba vị vua này thống kê được đã lên đến khoảng 11.800 bài (ước tính theo số làm tròn thì vua Minh Mạng có khoảng 4.200 bài thơ, vua Thiệu Trị có khoảng 3.200 bài, vua Tự Đức có khoảng 4.600 bài). Nếu đem so với các thi gia nổi tiếng thời trung đại thì số lượng trên là “vượt mức bình thường”: đại thi hào Nguyễn Trãi sinh thời sáng tác được gần 450 bài thơ; đại thi hào Nguyễn Du có khoảng 250 bài; thánh thơ Cao Bá Quát có chừng 1.400 bài . Điều này nói lên rằng, các vua đầu triều Nguyễn thực sự đã tạo nên một kỷ lục thi ca trong lịch sử văn chương của Việt Nam cũng như thế giới.

     Tình hình các tác phẩm thơ được in, hoặc tập hợp thành tập riêng của các hoàng đế còn được lưu trữ và miêu tả trong các tài liệu, cụ thể như sau:

     – Thơ của Hoàng đế Minh Mạng: Bộ thơ Ngự chế thi tập (gồm 4.768 trang, có 3.783 bài thơ) khắc in năm 1831, bao gồm các tập Ngự chế thi sơ tập (gồm 10 quyển, có 865 bài thơ), Ngự chế thi nhị tập (10 quyển, 813 bài thơ), Ngự chế thi tam tập (10 quyển, quyển này bị rách nát, ước khoảng 500 bài thơ), Ngự chế thi tứ tập (10 quyển, 522 bài thơ), Ngự chế thi ngũ tập (10 quyển, 509 bài thơ), Ngự chế thi lục tập (10 quyển, 574 bài thơ); Bộ thơ Ngự chế tiễu bình Nam Bắc tặc khấu thi tập (gồm 228 trang, 73 bài thơ) khắc in năm 1835 gồm hai phần Ngự chế tiễu bình Nam kì tặc nghịch thi tập (34 bài thơ), Ngự chế tiễu bình Nam Bắc tặc khấu thi tập (79 bài thơ); Bộ thơ Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập (gồm 910 trang, 394 bài thơ), chưa rõ năm in gồm 4 tập: “Tập 1” từ quyển 1 đến quyển 3 (136 bài thơ); “Tập 2” từ quyển 4 đến quyển 7 (78 bài thơ); “Tập 3” từ quyển 8 đến quyển 10 (57 bài thơ); “Tập 4” quyển 13, 14 (đã mất quyển 11, 12, có 123 bài thơ).

     – Thơ của Hoàng đế Thiệu Trị: Tập thơ Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập (gồm 234 trang, có 200 bài thơ) bản viết tay năm 1847; Tập thơ Thiệu Trị ngự chế thi (gồm 5.634 trang, có 3.032 bài thơ) bản in, chưa rõ năm in; Tập thơ Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập (có 157 bài thơ của vua Thiệu Trị và 218 bài thơ đi sứ của các quan), 157 bài thơ của hoàng đế Thiệu Trị trong tập thơ Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập đều là những bài thơ chơi chữ dưới dạng kỹ xảo cao siêu, trác việt (Đã có 04 bài thơ trong tập này được chọn để khảm cẩn xà cừ trên điện Long An ở Bảo Định Cung, Kinh Thành Huế); Tập thơ Thánh chế Bắc tuần thi tập (gồm 173 bài thơ) sáng tác năm 1842; Tập thơ Ngự chế Vũ công thi tập (10 quyển, 141 bài thơ); Tập thơ Hoàng huấn cửu thiên (gồm 9 thiên, 27 chương); Bộ thơ Ngự đề đồ hội thi tập (gồm 14 quyển và 2 quyển mục lục), bản in 1845, bộ thơ này gồm các phần Ngự đề danh thắng, Ngự đề cổ tích và Ngự đề cổ tích. Trong phần Ngự đề danh thắng có viết về 20 thắng cảnh của Huế gọi là Thần Kinh nhị thập cảnh với 150 bài thơ vịnh 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh (Huế) gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh kiến trúc hoặc là sự kết hợp giữa kiến trúc với tự nhiên, đó là những tư liệu lịch sử quý giá và các giá trị văn hóa lớn khi tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cũng như lịch sử của Huế xưa vào thời Nguyễn.

     – Thơ của Hoàng đế Tự Đức: Bộ thơ Tự Đức Ngự chế thi (gồm 2.650 trang, có 3.784 bài thơ) khắc in năm 1877 bao gồm các tập “Ngự chế thi sơ tập” (gồm 15 quyển, có 996 trang), “Ngự chế thi nhị tập” (15 quyển, 624 trang), “Ngự chế thi tam tập” (20 quyển, 1.030 trang); Bộ thơ Ngự chế Việt sử tổng vịnh (gồm 14 tập, có 212 bài thơ); Tập thơ Tự Đức cơ dư tự tỉnh thi tập (gồm 512 trang, 560 bài thơ) bản viết tay; Tập thơ Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (gồm 610 trang, với 4.572 câu lục bát); Tập thơ Tự Đức thánh chế Luận Ngữ thích nghĩa ca (gồm 1.110 trang, với trên 6.000 câu lục bát); Tập thơ Ngự chế thi ngũ tập (gồm 64 trang, có 46 bài thơ); Ngự chế thi phú (180 trang). Ngoài ra, tác phẩm của vua Tự Đức còn được ghi chép ở hàng chục loại thư tịch khác. “Không thể không thừa nhận những đóng góp lớn lao của vua Tự Đức đối với nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX nói riêng cũng như toàn bộ nền văn học Việt Nam nói chung (…) những tác phẩm của Tự Đức là một di sản văn chương mà không một ai có thể phủ nhận được” [4, tr.169].

     – Thơ của Hoàng đế Thành Thái: Tập thơ Canh tý thi tập (gồm 18 trang, có 14 bài thơ), bản viết tay, năm 1900. Ngoài ra, vua Thành Thái còn có một số bài thơ lưu truyền trong dân gian in trong các sách văn học sau này.

     – Thơ của Hoàng đế Đồng Khánh: Tập thơ văn Đồng Khánh ngự chế thi văn (gồm 1 quyển thơ, 1 quyển văn), được chép lại vào năm 1925 thời Khải Định trong bộ Cổ học viện thư tịch thủ sách. Ngoài ra, hoàng đế Đồng Khánh còn có 01 bài thơ dài in trong sách Đồng Khánh, Khải Định chính yếu.

     – Thơ của Hoàng đế Khải Định: Tập thơ Khải Định ngự giá Như Tây thi tập (gồm 1 quyển), khắc in năm Khải Định thứ 9 (1924). Ngoài ra, hoàng đế Khải Định còn có 01 bài thơ khắc trên bia đá chùa Thiên Mụ; 03 bài thơ in trong sách Đồng Khánh, Khải Định chính yếu.

     Bên cạnh đó, một số hoàng đế khác như Duy Tân, Bảo Đại cũng có làm một vài bài thơ được lưu truyền qua các sách vở, tư liệu.

     Nghiên cứu về thơ các hoàng đế như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhiều nhà nghiên cứu đã công nhận ngôn ngữ thơ của các vua có tính bác nhã, thể hiện sở học uyên thâm. Đánh giá về thi ca của các hoàng đế triều Nguyễn, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường – một tác giả nghiên cứu Hán Nôm – đã nhận định: “Việc tiếp cận hệ thống thơ văn ngự chế triều Nguyễn như là một bộ phận cấu thành của văn hóa cung đình triều Nguyễn là một hướng nghiên cứu khả thi, mặc dù cũng lường trước được không ít khó khăn do chúng ta sẽ phải đối mặt với những văn bản thuộc hàng tinh hoa nhất mà giới trí thức tinh hoa thời trung đại Việt Nam đã sản sinh ra”. Điều này phần nào cũng nói lên thực tế về giá trị của các “ngự chế thi”. Với số lượng vượt trội cùng những giá trị rất đáng lưu tâm, thơ của các vua Nguyễn thực sự là những di sản văn học, phản ảnh rõ nét về sự thịnh trị văn chương trong giai đoạn độc lập, tự chủ của thời Nguyễn.

     Bên cạnh những thi sĩ hoàng đế, đội ngũ các hoàng thân, hoàng tử, con em hoàng tộc cũng hình thành nên một lực lượng sáng tác hùng hậu. Có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Phúc Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Nguyễn Phúc Miên Trinh (Tuy Lý Vương), Nguyễn Phúc Miên Bửu (Tương An Quận Vương), Nguyễn Phúc Miên Định, Nguyễn Phúc Miên Nghi, Nguyễn Phúc Miên Liêu, Nguyễn Phúc Miên Bật, Nguyễn Phúc Miên Khoan, Nguyễn Phúc Miên Cư, Nguyễn Phúc Miên Ngung, Nguyễn Phúc Miên Thanh, Nguyễn Phúc Miên Kiền, Nguyễn Phúc Miên Tuấn, Nguyễn Phúc Miên Triện, Nguyễn Phúc Hường Vịnh, Nguyễn Phúc Hường Hàng, Nguyễn Phúc Hường Y, Nguyễn Phúc Hường Sâm, Nguyễn Phúc Ưng Phục, Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (công chúa Huệ Phố), Nguyễn Phúc Trinh Thận (công chúa Mai Am). Được đào tạo từ nhỏ về Nho học, các tác giả hoàng tộc có những kiến thức lẫn kỹ năng thi phú hơn người. Sách Đại Nam liệt truyện ghi nhận điều này qua hàng loạt mẩu truyện có nhận xét về khả năng của con em hoàng tộc. Miên Thẩm biết làm thơ khi 9 tuổi “ra ngoài học tập, không sách gì không thông hiểu”; Miên Trinh “lúc bé thông minh, (…) đến thầy đọc sách Tiểu học, Hiếu kinh, miệng đều đọc lầu lầu, người giảng tập lấy làm lạ, thật ra lúc mới 4 tuổi”; Miên Bửu thì “cố sức đọc sách, thông khắp kinh sử, có tiếng làm thơ, càng giỏi về quốc âm”; Miên Bật “lúc trẻ đỉnh ngộ lạ thường, vốn thích học viết khi mới trưởng thành, ra học thầy dạy bên ngoài, không sách gì là không đọc, vua rất yêu”; Miên Ngung “lúc trẻ ham học, có trí thông minh, làm văn hay, biết rộng kinh sử, xem khắp các sách của bách gia tử, không sách nào xem mà không nghiên cứu” [6, tr.85-112], v.v và v.v.

     Nổi tiếng trong giới văn chương hoàng thân hoàng tộc là nhóm Tam đường gồm Miên Trinh, Miên Thẩm và Miên Bửu. Nguyễn Phúc Miên Thẩm là hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng. Ông có rất nhiều tác phẩm: Thương Sơn thi tập (54 quyển: 2.022 bài); Thương Sơn thi thoại; Thương Sơn văn di; Nạp bị tập; Nam cầm phổ; Lão sinh thường đà; Thức cốc biên; Thi kinh diễn nghĩa ca; Lịch đại thi nhân tiểu sử; Tỉnh y kí; Học giả chí; Tinh kị lịch đại đế vương thông hệ đồ; Độc ngã thư sao… Khi lập ra Mặc Vân sào tàng bản, ông chủ trương khắc in các tác phẩm của bằng hữu, như Quản Khê thi tập của Trương Đăng Quế, Lương Khê thi tập của Phan Thanh Giản, Diệu Liên thi tập của công chúa Mai Am, v.v. Nguyễn Phúc Miên Trinh là hoàng nam thứ mười một của vua Minh Mạng. Ông có tác phẩm chữ Nôm như Nữ phạm diễn nghĩa từ, Nghinh thường khúc; tác phẩm chữ Hán là Vĩ Dã hợp tập, Vĩ Dã thi tập (6 quyển), Vĩ Dã văn tập (5 quyển) và một số bài thơ Nôm rải rác khác, tiêu biểu như Hoà Lạc ca (cùng làm với Miên Thẩm và Miên Bửu). Nguyễn Phúc Miên Bửu là con thứ mười hai của vua Minh Mạng. Tác phẩm của ông có Khiêm Trai thi tập; Khiêm Trai văn tập; Hoài cổ ngâm; Trăm thương (thơ Nôm). Thơ của Miên Trinh, Miên Thẩm, Miên Bửu đượm chất triết lý, chất chứa nỗi ưu tư về đất nước và con người.

     Nhóm Tam Đường bấy giờ đã tổ chức những sinh hoạt văn chương rất phong phú, tổ chức Mặc Vân thi xã (cũng gọi là Tùng Vân thi xã), con em trai gái cùng bạn bè ai thích văn chương đều được dự, cùng nhau xướng họa mạn đàm, thu hút nhiều danh sĩ đương thời. Người khởi sự, đứng đầu thi đàn này là Miên Thẩm thường tổ chức tụ họp bình luận thi phú văn chương ở Ký Thưởng Viên nằm trong vương phủ Tuy Lý. Thi đàn này bình đẳng với mọi thành phần nên đã quy tụ được nhiều danh sĩ trong Hoàng tộc cũng như bên ngoài như Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản, v.v. Nơi đây đã tạo hứng khởi cho các tao nhân, mặc khách sáng tác nhiều vần thơ hay. Diễn đàn thi ca này thật sự đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật đương thời như thành lập nhà in với tên gọi là “Mặc Vân sào tàng bản” để in các trước tác văn chương, thi phú; như sáng tạo nên trò chơi chữ nghĩa “Thả thơ” hay “Đánh thơ” nổi tiếng mà nhà văn Nguyễn Tuân sau này từng miêu tả qua qua bài bút ký “Thả thơ, canh bạc văn chương” trong “Vang bóng một thời” . Nơi đây từng đón Nhân Trùng Khánh (một danh sĩ Trung Hoa bấy giờ) đến “sinh hoạt” rồi để lại lời nhận xét hoa mỹ về văn chương và lòng hiếu khách của thi xã: “Phân tài trực bách Ngụy Tào Thực / Ái khách cách siêu Tề Mạnh Thường” (So tài nào kém chi Tào Thực / Mến khách chẳng thua tướng Mạnh Thường). Những điều đó cho thấy sự phát triển của tình hình văn học lúc này.

     Đặc biệt, trong hoàng tộc có sự xuất hiện của “lực lượng” sáng tác nữ với tên tuổi của công chúa Huệ Phố và Mai Am. Công chúa Huệ Phố (Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa) là hoàng nữ thứ 34 của vua Minh Mạng. Lúc trẻ, cùng với công chúa Diệu Liên và công chúa Quy Đức theo học thơ phú ở Tùng Thiện Vương và nổi tiếng là Tam Khanh ở Kinh Thành. Trước tác của bà có tác phẩm Huệ Phố thi tập, do Tùng Thiện Vương đề tựa, chưa được khắc in. Công chúa Mai Am (Nguyễn Phúc Trinh Thận) là hoàng nữ thứ 25 của vua Minh Mạng. Trước tác của công chúa Mai Am có tác phẩm Diệu Liên thi tập được khắc in đến hai lần và nhiều bậc khoa bảng có tiếng thời bấy giờ đề tựa. Thi tập gồm 370 bài thơ, chia làm 3 quyển. Bản in lần đầu vào năm 1867 gồm 2 quyển, 177 bài, do chính bà tuyển chọn, được Tùng Thiện Vương đọc duyệt. Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương viết lời bình, v.v. Tập này được tái bản (có bổ sung) vào năm 1891. Đây là một tập thơ được giới trí thức đương thời chú ý, ở cuốn tái bản có ba bài tựa, một bài bạt, năm lời đề, năm bài thơ ghi cảm nhận của nhiều danh sĩ, trong đó 6 người Trung Quốc. Thật đúng như Hà Đình Nguyễn Thuật đã đề vào tập thơ Diệu Liên thi tập của công chúa Mai Am hai câu sau: “Thanh vận Ức mai vô hạn tuyệt / Danh hiệu Mai Am đáng để đời”.

     Đánh giá về lực lượng sáng tác đặc biệt này, Nguyễn Khắc Thuần có nhận định: “Những Nho gia xuất thân là quý tộc tuy không tham dự các khoa thi nhưng chính họ, với những cống hiến xuất sắc trong hoạt động trước thuật, đã tự nâng mình lên vị trí những Nho gia lừng danh đương thời”

  1. Kết luận

     Qua cái nhìn tổng quan về một dòng văn học hoàng tộc trong lịch sử như vậy, chúng ta có thể hình dung được về lực lượng sáng tác, về số lượng trước tác hùng hậu và phong phú dưới thời Nguyễn. Các nhà nghiên cứu văn học sử đã ghi nhận về thời kỳ rực rỡ này khi làm một phép thống kê về trước tác của các tác gia văn học thời Nguyễn. Chỉ trong một giai đoạn ngắn so với toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, thời Nguyễn đã để lại khối lượng tác phẩm văn chương nhiều hơn so với các thế kỷ trước đó cộng lại.

     Chính sự thịnh trị văn chương vào thời Nguyễn, sự phát triển vượt bậc của dòng văn học hoàng tộc, nhất là sự xuất hiện của các thi sĩ hoàng đế đã là điều kiện quan trọng để hình thành một lối trang trí “nhất thi, nhất họa” trên kiến trúc cực kỳ độc đáo ở Huế. Văn học phát triển đã kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật khác, mà điển hình nhất là chạm khắc thơ trên kiến trúc cung đình. Kiến trúc cung đình vì thế đã trở thành bảo tàng sống động về thi ca, thực sự trở thành là nơi lưu giữ tâm hồn và bút pháp tài hoa của các bậc thức giả thời Nguyễn.

                                                                                      N.P.H.T