Đời ‘chìm nổi’ của nàng công chúa Việt có tài làm thơ
Đời ‘chìm nổi’ của nàng công chúa Việt có tài làm thơ
Bao Phụ nữ Việt Nam
Bà là con gái thứ 25 của vua Minh Mạng và là nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn nước ta vào nửa cuối thể kỷ 19.
Mai Am công chúa tên thật là Nguyễn Phước Trinh Thận, tự là Thúc Khanh, Nữ Chi, hiệu Diệu Liên, là con của vua Minh Mạng với bà Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu, được sách phong là Lại Đức công chúa. Sinh năm Bính Tuất 1826, lúc nhỏ Mai Am cùng chị gái là Nguyệt Đình, em là Huệ Phố sống với mẹ ở viện Đoan Chính trong Tử Cấm thành. Đến tuổi đi học, bà cùng với các chị em trong hoàng tộc được học trong Tôn học đường của Phủ Tôn nhân.
Là người ham học, biết chuyên tâm học hỏi, bà đọc rất nhiều sách, đọc kỹ càng và có chọn lọc. Học như vậy nên lúc trưởng thành, trong 3 chị em, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất. Bà hiểu kinh sử, giỏi thơ văn, thông âm luật, nổi tiếng trong đám nữ lưu ở kinh thành. Bà từng sáng lập Thỉnh Nguyệt đình làm nơi thưởng văn, chọn thơ, đố chữ của tao nhân mặc khách đất kinh kỳ.
Năm 1849, 3 chị em bà cùng mẹ được anh trai là Tùng Thiện vương Miên Thẩm đưa ra sống ở Tiêu Viên trong khu dinh thự của ông bên bờ sông Lợi Nông (nay thuộc khu vực đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế). Đây vốn là nơi Tùng Thiện vương thường họp bạn văn chương của Mặc Vân thi xã. Sống ở đây, Mai Am hàng ngày tiếp xúc với nhiều danh sĩ đất kinh kỳ. Họ thường cùng nhau ngâm vịnh, đàm đạo về văn chương thế sự.
Nhưng chỉ được một năm cả gia đình vui vẻ hạnh phúc, bởi từ năm 1850, chị em bà đều rời Tiêu Viên đi lấy chồng. Chồng Mai Am là quan Hiệu úy trẻ tuổi Thân Trọng Di, cháu nội của quan đại thần Thân Văn Quyền. Ông rất nâng niu trân trọng bà.
ADTừ sau khi lấy chồng, cuộc đời công chúa Mai Am bắt đầu trải qua nhiều đau đớn phiền muộn. Năm 1851, bà Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu qua đời. Là một người mẹ hết lòng vì con, để lại trong tâm khảm con cái một tình yêu vô bờ nên khi bà Thục tần mất, mấy anh chị em công chúa Mai Am đều hụt hẫng. Anh cả Tùng Thiện vương làm nhà ở bên cạnh mộ mẹ để không phải rời xa bà.
Khu lăng mộ của công chúa Mai Am ở thành phố Huế.
Sống cùng chồng hơn 10 năm mà không có con, mãi đến năm 1863, khi đã 40 tuổi, Mai Am mới sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Thân Trọng Mậu. Từ đó bà dốc hết tình yêu và sức lực vào chăm chút nuôi dạy con, tự cho con bú, hát ru con bằng những vần thơ. Mới lên 4 tuổi cậu bé đã thuộc rất nhiều bài thơ, cả thơ chữ Hán. Mai Am hy vọng tràn trề vào cậu con trai yêu quý.
Tuy nhiên chưa đầy 5 tuổi thì con trai bà bị bệnh rồi qua đời. Mai Am gần như ngây dại, mất ngủ hàng tháng trời vì nỗi đau mất con. Bà viết đến 15 bài thơ khóc con đau đớn. Từ đó về sau bà không sinh nở thêm lần nào nữa.
Trích đoạn trong 15 bài thơ khóc con (“Khốc nhi thi – thập ngũ thủ”): “Hoạch sa vãng vãng hiệu nhân thư / Thốc quản tuỳ thân nhật bất hư / Khổ ức lâm chung vân hiếu học / Chư thiên hà xứ mịch đồng sơ.” (Lương An dịch thơ: “Vạch cát học theo người lớn viết / Bút cùn tay chẳng buổi nào lơi / Lâm chung còn nói con thèm học / Con trẻ, tìm đâu giữa các trời?”).
Để xoa dịu nỗi đau, bà vùi đầu vào thơ. Năm 1867, bà tập hợp các bài thơ sáng tác trước đó thành một tập gồm 177 bài gọi là ‘Diệu Liên thi tập’ rồi nhờ Tùng Thiện vương đọc duyệt và đưa khắc in 100 bản đầu tiên. Việc vừa xong thì một nỗi đau nữa lại ập xuống, đó là cái chết của danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh – người thường lui tới cùng bà xướng họa, đàm đạo. Có thể nói với Mai Am, Nguyễn Hàm Ninh là tri âm tri kỷ, hai người đối với nhau rất trân trọng. Ông là người hiểu tinh tế từng câu từng chữ trong thơ bà. Ông ra đi để lại cho bà một nỗi đau không thể cùng ai chia sẻ.
Năm 1870 lại thêm một mất mát lớn đến với bà, đó là người anh trai Tùng Thiện vương đáng kính qua đời. Với Mai Am, Tùng Thiện vương vừa là anh, vừa là cha, vừa là bạn tri âm. Ông là một chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho bà. Nỗi lòng bà, những đau đớn bà thể hiện trong thơ ông đều thấu hiểu. Tùng Thiện vương mất đi, Mai Am mất chỗ dựa tinh thần, mất người hướng đạo khiến bà cảm thấy bơ vơ.
Vào lúc này, thực dân Pháp đang xâm chiếm nước ta. Vào tháng 7/1885, nhà Nguyễn đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Bị quân Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua chạy, rời bỏ kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết hộ tống vua Hàm Nghi xuất bôn chạy về Quảng Trị. Chồng của Mai Am bây giờ đã 60 tuổi vẫn quyết theo vua ra Quảng Trị. Trong một đợt tấn công của quân Pháp, quân Thân Trọng Di bị đánh tan, ông mất tích giữa rừng. Mai Am lại viết 15 bài thơ đau đớn khóc chồng.
Nước mất nhà tan, suốt gần 20 năm sau đó Mai Am sống cô quạnh. Bà chỉ còn biết gửi gắm nỗi lòng mình vào những vần thơ.
Tập thơ của nữ sĩ Mai Am và em gái Huệ Phố do Lương An tuyển dịch.
Đầu năm 1891, ‘Diệu Liên thi tập’ của nữ sĩ Mai Am được Kim Giang và Nguyễn Trọng Hợp bổ sung thêm phần sáng tác ở thời kỳ sau của bà rồi cho tái bản. Lần tái bản này, tổng cộng trong ‘Diệu Liên thi tập’ có tất cả 370 bài thơ với rất nhiều lời bình và đề tựa của các bậc danh sĩ đương thời.
Tập thơ chủ yếu là thơ cảm tác, xướng họa, vịnh cảnh vật và vịnh sử. 370 bài thơ được sắp xếp lần lượt theo thứ tự thời gian khiến tập thơ giống như một cuốn nhật ký đi suốt cuộc đời nữ sĩ. Bài đầu tiên sáng tác năm 1847, khi Mai Am 21 tuổi cho đến những bài cuối cùng được làm vào năm 1890. Phần lớn các bài đều có lời dẫn, nhờ vậy, ngoài giá trị văn học, tập thơ còn là một tập sử liệu về một giai đoạn lịch sử, đồng thời có thể bổ sung nhiều chi tiết liên quan đến tiểu sử tác giả và những người cùng thời như Tùng Thiện vương, Huệ Phố, Bùi Dị, Nguyễn Hàm Ninh…
Trong bài “Ngẫu ti” (“Tơ ngó sen” qua bản dịch của Lê Nguyễn Lưu) mà Nguyễn Hàm Ninh xem là tác phẩm “đáng bậc thầy” đối với mình: Ai ơi chớ bẻ ngó sen hương / Vô số tơ mành cứ vấn vương / Mềm mại khác chi the mới dệt/Mảnh mai như thể kén vừa giương / Dăng dăng mối kết trong tâm khảm / Cuộn cuộn tình lan cách dặm trường / Ví thử xe tơ thành sợi chỉ / Xin người thêu lấy cặp uyên ương.
Khác với nhiều nhà thơ khác cùng thời, Mai Am không làm thơ chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mà chỉ làm thơ chữ Hán. Nội dung trong thơ phần lớn viết về chuyện gia đình, bạn bè và chuyện riêng tư. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, ‘sức hấp dẫn của thơ Mai Am là ở sự tinh tế, nhạu cảm của một tâm hồn nhân hậu, giàu nữ tính…’.
Không chỉ có tài làm thơ, Mai Am còn là người thông hiểu âm luật, nhạc khúc. Bà từng điền từ cho các nhạc khúc thường được hát nơi kinh kỳ. Những lời ca do bà viết vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Mai Am qua đời ngày 3/1/1904, thọ 79 tuổi. Ngôi mộ của bà đặt tại làng Nguyệt Biều, nay là xã Thuỷ Biều, thành phố Huế.
PNVN