ĐỌC “TÂM SỰ VỚI ĐỜI” THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA THẠCH CHÂU.
ĐỌC “TÂM SỰ VỚI ĐỜI” THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA THẠCH CHÂU. –
Bài bình của Châu Thạch
Đọc trên chuyên san Văn Chương Việt Nam 23 tôi thấy có trang “Tổng kết cuộc thi thơ Đường Luật lần thứ nhất”, trong đó ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 16 bài thơ lọt vào bán kết. ( trong số 4.812 bài gởi dự thi ) Tò mò đọc 16 bài thơ nầy, tôi thấy bài nào cũng hay, xứng đáng là những cây bút thơ Đường Luật thương thừa.
Tôi dừng lại lâu hơn với bài thơ “Tâm Sự Với Đời”của nhà thơ Thạch Châu và đọc nó nhiều lần, bởi bài thơ nầy có ý thơ và tứ thơ cho tôi nhiều cảm xúc.
Trước hết ta hãy đọc bài thơ:
TÂM SỰ VỚI ĐỜI
Đây bóng hoàng hôn đón nguyệt hiên
Bên lề cõi tạm níu chân thiền
Men đời lắm lúc say miền lạ
Cõi mộng nhiều khi lạc giấc hiền
Vào cuộc trăm năm lòng tự tại
Tìm xuân vạn thuở cảnh an nhiên
Non xanh một dải vầng dương đẹp
Điệp khúc êm đềm tựa cảnh tiên!
Thạch Châu Đà Nẵng
Tâm sự nghĩa là thổ lộ chuyện riêng tư cho người khác nghe. Nhà thơ Thạch Châu dùng tựa đề bài thơ là “Tâm Sự Với Đời” nghĩa là ông thổ lộ chuyện riêng tư, hay chính xác là thổ lộ nỗi niềm thầm kín chứa trong tấm tư của mình.
Đời ở đây không chỉ là khoản thời gian sinh ra và chết đi, nhưng đời ở đây còn có ý nghĩa là nhân quần xã hôi. Vậy bài thơ “Tâm Sự với đời” có ý nghĩa là nói với tất cả mọi người về hành động sống, về lý tưởng sống của mình.
Vào vế mở của bài thơ, Thạch Châu vẽ ngay lên khung cảnh một hình ảnh của thiền nhân. Thiền nhân ấy ngồi thiền từ lúc bóng hoàng hôn đổ xuống, cho đến lúc bóng trăng lên cao, ánh trăng rọi xuống hiên nhà. Thiền nhân ấy có lẽ chính là Thạch Châu, người sáng tác bài thơ để tâm sự với đời:
“Đây bóng hoàng hôn đón nguyệt hiên/ Bên lề cõi tạm níu chân thiền”: Ta thấy, nghĩa đen của vế thơ mở là tả một bức tranh thơ mộng. Thế nhưng nên chú ý đến nghĩa bóng của hai câu thơ trên.
Nghĩa bóng của hai câu thơ là hoàng hôn của cuộc đời. Đối với nhiều nhà thơ khác, hoàng hôn của cuộc đời ảm đạm biêt bao với ánh nắng vàng vọt, với đêm xuống đầy bóng tối âm u, với thời gian vô vị kéo lê thê chờ chết. Ngược lại, với nhà thơ Thạch Châu, hoàng hôn của cuộc đời không bi quan như thế, hoàng hôn của cuộc đời là lúc tâm hồn thanh thản đón nguyệt đến mái hiên. Dầu tuổi cao, đã đứng “bên lề cõi tạm” nhà thơ vẫn “níu chân thiền” để hòa nhập với thiên nhiên, vô vi cùng trời đất.
Chỉ hai câu thơ đầu, nhà thơ Thạch Châu đã đem tinh thần lạc quan của Phật giáo để bày tỏ tâm sự của mình. Tiếp theo, bằng hai câu thơ ở vế trạng, Thach Châu dặn với lòng mình và nhắc nhở tha nhân sự lạc bước rất dễ xảy ra trong niềm vui trần thế cũng như trong những ảo mộng nhạt nhòa:
“Men đời lắm lúc say miền lạ
Cõi mộng nhiều khi lạc giấc hiền”
“Men đời” là những lôi cuốn của niềm vui trần tục thế gian, dễ đưa con người sa vào miền xa lạ, tha hóa thể xác và tâm hồn, lạc lỏng vào đất chết. “Cõi mộng” là chốn mơ ước phù phiếm trong cơn mơ hưởng thụ, vật chất và danh vọng, làm cho giấc ngủ không yên,
hay đúng ra khiến cho cuộc đời như vùi trong ảo ảnh, xa lìa hiện thực.
Với hai câu thơ ở vế trạng, nhà thơ dùng giáo lý Phật giáo để cảnh cáo mình và nhắn nhủ với đời tránh xa con đường huyễn mộng vô minh, đừng để chân thường của tâm linh mình lạc trong cõi vô thường của cõi trần gian. Rồi thì tiếp theo hai câu thơ ở vế luận, Thạch Châu như vạch ra một dự phóng cho đời sống, một phương pháp tìm ra con đường thảnh thơi, hạnh phúc:
“Vào cuộc trăm năm lòng tự tại
Tìm xuân vạn thuở cảnh an nhiên”
Vì ở vế mở nhà thơ nói đến “chân thiền” nên ở vế luận nầy, ta có thể nghĩ đến hai câu thơ trên, nhà thơ chịu ảnh hưởng của Đạo Đế, một chân lý trong bốn chân lý mà Đức Phật đã dạy cho nhân loại. Bởi vì muốn “Vào cuộc trăm năm hồn tự tại” thì phải rèn luyện thân tâm, thân tâm ấy gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Có Bát Chánh Đạo ấy thì trong lòng mới có “xuân vạn thuở cảnh an nhiên”. Bát chánh đạo ấy chính là Đạo Đế, là con dường để thân tâm ta “Tự tại, an nhiên” như hai câu thơ trong vế luận.
Cuối cùng, bài thơ “Tâm, Sư Với Đời” được nhà thơ Thạch Châu kết luận trong vế thơ kết. mở ra một vùng trời tươi sáng, một cảnh tiên cho tác giả và cho thế nhân, cho những ai chuyên tâm thực hiện như những lời nhà thơ đã “Tâm Sự Với Đời” trong ba vế thơ trên:
\
“Non xanh một dải vầng dương đẹp
Điệp khúc êm đềm tựa cảnh tiên!”
Trong vế thơ mở của bài thơ Đường luật, nhà thơ Thạch Châu vẽ ra một bức tranh thanh bình, đẹp giữa trần gian. Trong vế thơ kết của bài thơ nầy, nhà thơ Thạch Châu lại vẽ ra một bức tranh khác, một bức tranh tươi sáng, có non xanh, có vần dương, có nhạc êm đềm, và nhà thơ tụng mỹ đó là cảnh :“êm đềm tựa cảnh tiên”.
Vậy thì trong ý nghĩa đó, Thạch Châu đã dùng cảnh tiên, là cảnh có thể của Niết bàn, của Thiên Đàng, hay nói chung cảnh của Trời để hứa hẹn một cõi tươi đẹp, bảo đảm cho những lời “ Tâm Sự Với Đời” của nhà thơ là những lời đưa đến chân thiện mỹ!
Ai đạt được như những lời tâm sự ấy thì người đó tìm dược “cảnh tiên”, tìm được lạc thú tại ngay nơi mình đang sống, trên quả đất nầy!
Bài thơ Đường luật “Tâm Sự Với Đời” của Thạch Châu là một bài thơ thuần Việt, dễ hiểu với ngôn ngữ thông dụng, câu từ, đối ngẫu không cầu kỳ, không bí hiểm, nhưng bài thơ lại chứa đựng hàm xúc những ý nghĩa sâu xa về đời về đạo, về lẽ sống an vui của tâm hồn. Bài thơ với nhiều tứ thơ đề cập đến trăng, đến mộng, đến non xanh, đến mùa xuân, đến mặt trời, đến hoa lá và tiếng nhạc êm đềm, khiến cho bài thơ như con thuyền tải đạo đi trên con sông có sóng nước lảng mạn, đưa người đọc thơ vào chốn an bình một cách rất tự nhiên.
CHÂU THẠCH – Đà Nẵng