ĐẾN VỚI BÀI THƠ: MÃI THÊM XUÂN, lời binh Anh Tiến Hà Nội
ĐẾN VỚI BÀI THƠ:
MÃI THÊM XUÂN
Tết này đà trải tám mươi xuân
Rèn chí tu tâm vẫn rất cần
Những muốn xa gần nhiều bạn mến
Mong sao trên dưới lắm người thân
Sớm chiều thi tứ luôn rèn luyện
Ngày tháng bon sai gọt sửa dần
Đêm đến thi Đường vui tửu nguyệt
Cuộc đời thanh thản mãi thêm xuân.
Ngô Huy Dương – Quốc Oai
Lời bình của Anh Tiến :
Bài thơ “Mãi thêm xuân” của tác giả Ngô Huy Dương ở CLB thơ Đường Quốc Oai chưa phải là bài thơ xuất sắc. Nhưng với tâm tình chân thật của mình, bài thơ cũng ít nhiều có được sự lưu luyến trong tâm trí của người đọc.
Bài thơ muốn nói về nét đẹp của mùa xuân, cũng đồng thời mang ý khoe của tác giả với bạn bè thân hữu và bạn đọc. Đó là tôi đã qua tuổi tám mươi, trên cả mức xưa nay hiếm, nhưng sức khỏe, tinh thần vẫn rất sung mãn, vẫn còn đủ cả “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” chẳng kém ai. Hai câu mở đầu của bài thơ tác giả đã tự phô tuổi và nói lên ý chí.
Tết này đã trải tám mươi xuân
Rèn trí tu tâm vẫn rất cần
Cái quý của mỗi con người là biết tự nhận ra nét đẹp và điểm yếu của mình, bởi vì “Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Ở đây tuy tác giả không dám đề cập tới điều đó, vì lẽ gì ta chưa rõ, có thể ta chưa có danh phận, có thể ta chưa có cơ hội, thời cơ để bộc lộ cái trí, cái tâm, cái tầm của mình. Tất nhiên mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, không thể so sánh người này với người kia, cũng không thể đánh đồng mọi việc. Cái khó ở đời chính là ở chỗ đó, mà có cái khó đó mới làm lên một xã hội năng động, một xã hội màu sắc, một xã hội luôn hướng đến các tầm cao. Nhận ra điều đó nên tác giả đã bộc bạch :
Rèn trí tu tâm vẫn rất cần
Với cách mở bài rất thật, chân thành, tôi nói cho tôi để cố gắng, không khoa trương, không giáo huấn, nên cái tôi của tác giả đã thành cái tôi của mọi người. Người làm thơ cần như vậy, triết lý cuộc đời là của chung, ai cũng có thể nhận ra và cũng có thể không nhận ra, ta chỉ là người chấp bút ghi lại, ghi một cách trung thành và gần gũi, cho nên tác giả đã đi vào hai câu thực rất tự nhiên, nhuần nhuyễn :
Những muốn xa gần nhiều bạn mến
Mong sao trên dưới lắm người thân
Một ước muốn thật giản dị, không cầu kỳ, không khoa trương nhưng lại đi vào lòng người để ai cũng thấy ước muốn của mình, có lẽ vì thế mà “xa gần nhiều bạn mến” .
Không dừng lại, ý muốn của tác giả còn nhiều hơn nữa, đầy đủ hơn nữa, vì chỉ “xa gần nhiều bạn mến” mới chỉ là thân bằng thôi. Nếu chỉ thân bằng thôi là ta đi lệch. Kết cấu của tư duy không chỉ làm thỏa lòng bạn hữu, mà song song với nó còn có quan hệ trên dưới, không phải chỉ cấp trên, cấp dưới (điều này chỉ đúng trong hội nghị hoặc trong giờ làm việc ở cơ quan) nó còn là quan hệ của gia đình, thân tộc bao gồm cả ông bà, bố mẹ, vợ con, cô dì, chú bác … cho nên phải có “trên dưới lắm người thân” nữa thì mới là “sống trong trời đất”. Có lẽ điều này không thể bàn trong một lúc được, mỗi người một hướng tư duy, một ngày, mỗi khắc lại có một tác động va đập, mỗi tác động va đập lại có sức nặng, nhẹ khác nhau, cho nên cần phải có thời gian cho sự thẩm thấu. Điều này tác giả cũng đã hé mở cho ta cái kinh nghiệm của mình :
Sớm chiều thi tứ luôn rèn luyện
Ngày tháng bon sai gọt sửa dần
Vâng ! Có lẽ đây là một kho tàng lớn mà chúng ta đều đã nhận ra, muốn cho thơ hay thì phải tư duy nhiều, chỉnh sửa nhiều, gạch xóa nhiều và đặc biệt là phải trao đổi nhiều “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười” mà. Bất luận ai, dù đã làm thơ nhiều hay mới cầm bút để tham gia vào thi đàn thì đều cần tự rèn luyện, cũng như cây bon sai phải kỳ công lắm, phải tâm huyết lắm mới tạo ra được một dáng cây đẹp, có thể thỏa mãn được mục thị của nhiều người, một cây bon sai muốn được vừa ý của nhiều người thì người chăm cây phải thỏa mãn được một mặt cắt của ba chiều không gian, một yêu cầu tối thiểu ấy mà không có lời khen thì cây bon sai sao gọi là bon sai đẹp. Ai muốn đi vào nghề hãy học cho được sự kỳ công ấy. Từ đó ta mới hiểu, chẳng có việc gì khó nhưng cũng chẳng có việc gì dễ dàng cho những người thiếu quyết tâm. Dù chưa thể đi được hết chiều sâu câu thơ của tác giả “ngày tháng bon sai gọt sửa dần”, mong rằng đó là những gợi ý nhỏ để những người đang mộng bonsai trao đổi cùng tác giả.
Đến đây tác giả đã khép lại bài thơ bằng hai câu kết :
Đêm đến thi Đường vui tửu nguyệt
Cuộc đời thanh thản mãi thêm xuân.
Thiết nghĩ, 2 câu kết trên đã cô đọng và nói lên tất cả. Thú vui của người cao tuổi có lẽ cũng đến thế là cùng. Khi “Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại” chính là tâm nguyện của lớp người thích bon sai.
Anh Tiến
Nhà văn Hà Nội