Đến với bài thơ ĐỜI CÂY CHUỐI , Bài bình Nguyễn Thiện

 

ĐỜI CÂY CHUỐI 

Dương Đoàn Trọng

Quây quần níu giữ cả bầy con

Dáng mẹ còng xiêu bám đất mòn

Yếm đỏ phai màu không đậy kín

Áo nâu rách vạt chẳng ôm tròn

Bờ ao, cuối bãi buồn teo tắt

Góc ruộng ria làng tủi héo hon

Trổ lá căng buồm ngăn gió bão

Thân tàn để lại quả thơm ngon

 

Xưa nay, thơ viết về các loài cây có khá nhiều, nhất là mấy loài cây tứ quý như tùng cúc trúc mai hay đào, liễu, sen, đa…Số tác giả làm thơ về những loại cây bình dị, dân dã, phục vụ thiết thực sinh hoạt thường nhật của con người lại không nhiều. Trong số đó, vẫn có những bài thơ hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Sau bài thơ “Cây chuối”, một tuyệt bút đầy tình tứ và lãng mạn của đại thi hào Nguyễn Trãi, ra đời từ hơn 600 năm trước, bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề “Đời cây chuối” của tác giả Dương Đoàn Trọng (Chương Mỹ), hội viên CLB Thơ Đường TP Hà Nội là một sáng tác như vậy.

 

Nửa đầu của bài thơ thiên về tả thực về cây chuối. Loài cây này không sống riêng lẻ mà bao giờ cũng sống quần tụ thành từng đám, từng khóm chẳng khác gì người mẹ được sum vầy giữa tổ ấm cùng với đàn con đông đúc: “Quây quần níu giữ cả bầy con / Dáng mẹ còng xiêu bám đất mòn”. Mẹ không chỉ mang năng đẻ đau để đứa con được hiện diện trong cõi đời mà còn luôn bao bọc, che chở cho đứa con được sống an lành giữa cuộc đời nhiều giông bão. Thân hình mẹ tiều tụy, còng xiêu bởi gánh nặng mưu sinh và cuộc sống của các con, của gia đình cũng là điều tất nhiên. Trong những câu thơ này, tác giả có cái nhìn phát hiện rất thú vị. Thông văn, tác giả đã chọn được những hình ảnh đắt giá biểu trưng cho phục trang của người phụ nữ lao động nói chung, người mẹ nói riêng : “yếm đỏ, áo nâu” và cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa rất phù hợp giúp cho người đọc thấy rõ đức hy sinh cao cả của người mẹ.Vì tổ ấm gia đình mẹ sẵn sàng nhận  về mình thiếu thốn, cũ rách để cho “ bầy con” được no đủ. Phần luận của bài, tác giả nói rõ nơi sinh tồn thực tại của loài cây chuối thật khiêm nhường, chỉ là “Bờ ao, cuối bãi”, “ Góc ruộng rìa làng”. Bằng cái nhìn cảm thông, tác giả vô cùng xót thương trước ngoại hình tiều tụy “buồn teo tắt…tủi héo hon” của cây chuối. Cách dùng liên tiếp các từ láy ở cuối câu vừa tạo nên sự đối ngẫu cân xứng, vừa làm nổi bật sự cao đẹp của đức hy sinh. Nếu như cảm xúc thơ ở phần luận nhuốm tâm trạng buồn thương bao nhiêu thì phần kết của bài ý thơ lại toát lên ý chí kiên cường, nghị lực sống mãnh liệt cho dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy cũng không sao vùi dập nổi: “Trổ lá căng buồm ngăn gió bão / Thân tàn để lại quả thơm ngon”. Câu kết của bài thật cô đọng đã khái quát lên

toàn bộ đời sống của cây chuối. Loài cây này chấp nhận “ thân tàn” để được “ trổ lá căng buồm”, đơm hoa kết trái, tất cả chỉ vì muốn dâng cho cuộc đời, cho con người một buồng quả thơm ngon ngọt mà thôi, Bài thơ có hai hình tượng, hai lớp nghĩa đan cài. Lớp nghĩa trực tiếp là nói về cây chuối. Trong đời sống của người dân Việt Nam, chuối loài cây rất gần gũi, gắn bó với người bình dân từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ vùng biển đảo, đồng bằng cho tới chốn thị thành, từ vùng đất màu mỡ đến vùng đất khô cằn, đâu đâu cây cũng sống được, cũng đem lại lợi ích cho người. Ở đâu cây chuối cũng phục vụ cho con người. Lớp nghĩa hàm ẩn bên trong bài thơ là nói về hình tượng người phụ nữ, người mẹ Việt Nam. Cũng giống như loài cây chuối, cho dù sống ở đâu trên mọi vùng miền của Tổ quốc, cho dù làm công việc, nghề nghiệp gì người mẹ, người phụ nữ cũng luôn sống vì mục đích con cái, gia đình, tương lai giống nòi, dân tộc mà tự nguyện hiến dâng tất cả. Xin cảm ơn tác giả Dương Đoàn Trọng đã giúp cho người đọc thêm một lần nữa hiểu rõ điều đó.

 

Nguyễn Thị Thiện

Căn hộ 12B03, tòa R6 khu Rolyal City,

72 Nguyễn Trãi, Thượng Đình,

Thanh Xuân, Hà Nội