Đến với bài thơ Bộ đội Cụ Hồ – BV của NG Nguyễn Thị Thực
BÀI THƠ: BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Đất nước vào xuân, cảnh thái bình
Tám mươi năm ấy cuộc trường chinh
Hy sinh vì nước, đầy oanh liệt
Quyết tử vì dân, chẳng tiếc mình
Binh chủng hiệp đồng, quân hiện đại
Chính quy tinh nhuệ, tướng anh minh
Quân dân đoàn kết là vô địch
Bộ đội cụ Hồ vững tiến binh
Nguyên Viết Dưỡng
TP Hà Tĩnh
Lời bình:
Ngót tám mươi năm, từ khi quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập đến nay, hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thi sĩ. Tôi thật tâm đắc với bài thơ “Bộ độ Cụ Hồ” của nhà thơ Nguyễn Viết Dưỡng – Một bài thơ Đường luật mang đậm tính nhân văn.
Mở đầu bài thơ tác giả đã làm khơi dậy trong lòng người đọc một sự liên tưởng về cuộc chinh chiến trường kỳ gian khổ của quân đội ta, để đưa lại cảnh yên hoà cho tổ quốc hôm nay:
“Đất nước vào xuân cảnh thái bình
Tám mươi năm ấy cuộc trường chinh”.
“Cuộc trường chinh” đó như thế nào, ta hãy đón nghe tác giả miêu tả qua 2 câu thơ tả thực:
“Hy sinh vì nước đầy oanh liệt
Quyết tử vì dân chẳng tiếc mình”.
Ôi! Sao mà tác giả khéo chọn từ “oanh liệt”, “quyết tử” và phép đối chuẩn mực: “Hy sinh vì nước”, “Quyết tử vì dân” để dành riêng cho người quân nhân cách mạng. Những từ ngữ đó đã làm toả sáng hình ảnh người lính hơn bao giờ hết. Mỗi khi họ khoác vào màu áo lính thì họ không quản gian nan mà chiến đấu quên mình vì nghĩa lớn, với ý chí “thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trên khắp các mặt trận đều in dấu chân vững chắc và lòng quả cảm vô song của anh bộ đội cụ Hồ. Máu đào của các chiến sĩ đã nhuộm đỏ sông núi Việt Nam, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc hôm nay. Qua 2 câu thơ tả thực ta cũng đã hiểu được phần nào về tâm hồn, khí phách người lính cụ Hồ đã quên mình vì lý tưởng, vì khát vọng hoà bình của người quân đội Việt Nam. Đó cũng là niềm phấn chấn ngưỡng mộ người lính cụ Hồ của tác giả cũng như toàn dân tộc. Tiếp theo hai câu luận, tác giả viết:
“Binh chủng hiệp đồng, quân hiện đại.
Chính quy tinh nhuệ, tướng anh minh”.
Cặp đối: “Binh chủng hiệp đồng/Chính quy tinh nhuệ” ý tác giả muốn nên lên sự kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân để tạo sức mạnh trong chiến đấu. Quân đội nhân dân Việt Nam được tiến lên chính quy và hiện đại..
Tướng lĩnh tài tình sáng suốt. Đó cũng là yếu tố mang đến thành công lớn. Tác giả đã sử dụng những ngôn từ có tính gợi tả cao và những phép đối riêng biệt của đường luật, tác giả đã làm ánh lên hình ảnh người lính cụ Hồ thật dễ thương, đáng quý, đáng trân trọng là dòng chảy bất tử của ý chí, tinh thần bất khuất hy sinh của người quân nhân cách mạng Việt Nam: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Kết thúc bài thơ, tác giả nêu lên mối quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân. “Quân với dân như cá với nước”. Tác giả chọn được từ “vô địch” thì thật đắt, thật hay, thật ý nghĩa để nêu bật được ý đoàn kết là sức mạnh không có gì cản nổi. Cuối cùng là 1 câu thơ mang tính kết mở. Bộ đội cụ Hồ Việt Nam đã thật vững vàng trong mọi lĩnh vực nhưng không ngừng tiến triển. Hai câu kết thật gãy gọn súc tích:
“Quân dân đoàn kết là vô địch
Bộ đội cụ Hồ vững tiến binh”
Toàn bài thơ là tiếng lòng thi nhân đối với anh bộ đội cụ Hồ. Đọc bài thơ ta bắt gặp những từ ngữ, vần điệu sâu lắng. Tác giả dùng từ thuần Việt dung dị, mà hàm súc, mộc mạc mà tinh tuế, chân chất mà gợi cảm làm tăng thêm cái bản lĩnh cốt cách, niềm tin và sức mạnh của người quân nhân cách mạng.
Với các vế đối thanh thoát nhẹ nhàng, tác giả viết theo sự chín muồi, uyên thâm của bút pháp Đường luật như một dòng chảy. Nên bài thơ tuy đã khép lại nhưng vẫn gợi lên trước mắt ta hình ảnh quân đội Việt Nam anh hùng làm tăng thêm trong ta niềm tự hào, tình yêu về anh lính cụ Hồ. Bài thơ thật hấp dẫn, súc tích, đủ sức neo đậu trong lòng bạn đọc một cách dung dị.
Nguyễn Thị Thực
Hương Sơn, Hà Tĩnh