Đào Hoa khê của Trương Húc
TRƯƠNG HÚC
(658 – 747)
Trương Húc tên chữ Bá Cao, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ông là nhà thơ và là nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Đường, Trung Quốc. Trong thời Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, Trương Húc làm quan đến Thường Thục Úy, về sau thăng đến Hữu suất Phủ trưởng, nên còn được gọi là Trương Trưởng sử. Ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Nhược Hư và Bao Dung được người đương thời liệt vào “Ngô trung tứ sĩ” (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ngoài tài thơ, hay rượu, Trương Húc còn là một nhà thư pháp nổi tiếng. Đặc biệt ông giỏi “cuồng thảo”,là một trong nhiều hình thức viết chữ trong nghệ thuật thư pháp. Do vậy, ông và Hoài Tố, người cùng thời, được người đời xưng tụng là “Cuồng thảo nhị tuyệt” tức hai bậc tuyệt đỉnh về cuồng thảo, là “Điên Trương, Tuý Tố” nghĩa là Trương Húc điên và Hoài Tố say.Tương truyền, Trương Húc đã lấy cảm hứng từ những màn múa kiếm của Công Tôn Đại Nương rồi đưa vào phong cách viết đặc biệt của mình..
ĐÀO HOA KHÊ
Nguyên tác 桃 花 谿
隱 隱 飛 橋 隔 野 煙
石 磯 西 畔 問 漁 船
桃 花 盡 日 隨 流 水
洞 在 清 溪 何 處 邊
張旭
Phiên âm : Đào hoa khê
Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,
Thạch kỵ tây bạn vấn ngư thuyền :
Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy,
Động tại thanh khê hà xứ biên?
Trương Húc
Dịch thơ:
Suối hoa đào
Phạm Đình Nhân
Dịch 2004
Một chiếc cầu treo ẩn khói sương,
Hỏi thăm thuyền cá đậu bờ mương
Ngày tàn nước chảy hoa trôi hết,
Động tại khe xanh, đâu nẻo đường?
Suối hoa đào
Ngọc Châu
Dịch 2013
Cầu treo ẩn giữa khói sương
Hỏi thuyền câu tựa bờ mương đôi lời:
Ngày tàn nước chảy hoa trôi
Khe xanh tìm đến mong người chỉ cho?