ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ Bài Viết của Phạm Văn Ngữ
ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ
Phạm Văn Ngữ
“ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ” tác phẩm gần sáu trăm năm qua (1427-2022), vẫn “Khúc ca hùng tráng bất hủ”, “Thiên cổ hùng văn” đem lại biết bao sức mạnh, niềm tin mãnh liệt, tinh thần bất khuất cho nhiều thế hệ người dân Đại Việt.
“Đại Cáo Bình Ngô” lớn, vì mang tầm ý nghĩa tư tưởng lớn, được khởi thảo bởi Nhà tư tưởng – Nhà văn – Nhà thơ – Nguyễn Trãi, nhà chiến lược hàng đầu trong cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc ta thế kỷ XV…Là luận văn tổng kết tinh thần bất khuất, lịch sử tư tưởng yêu nước cao đẹp của nhân dân Đại Việt.
Sự chung đúc, rèn luyện tinh hoa, ứng biến và quyết tâm chưa từng có trước đây và sau này nữa trong lịch sử, cho đến khi có sự gặp gỡ tương thông tư tưởng đã hoà hai làm một với Nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc…Văn hoá không thể đứng ngoài lịch sử phát triển. Tinh thần dân tộc cao cả luôn là nhân tố nội sinh, mục tiêu chủ đạo, là động lực tiến bộ điều tiết phát triển. Danh nhân văn hoá thế giới – Nhà tư tưởng – Nhà thơ Hồ Chí Minh là sự kết tinh xuyên suốt tất cả những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc và thời đại.
Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên lịch sử văn hoá tư tưởng Việt Nam được thể hiện hùng hồn bằng bài “Đại Cáo Bình Ngô”. Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một giá trị lớn lao về tinh thần yêu nước, đoàn kết anh dũng bất khuất, được đúc kết bằng truyền thống yêu nước của dân tộc Đại Việt.
Truyền thống đó, đã được khảo nghiệm suy xét trên tinh thần “tức cổ nghiệm kim” từ những nhân tố quyết định thắng lợi, được nhà tư tưởng Nguyễn Trãi là người đầu tiên trong lịch sử đã “khảo xét” thấy được vai trò cực kỳ quan trọng của Văn hoá trong việc cấu thành ý thức dân tộc. Người đầu tiên, khẳng định sự tồn tại độc lập Văn hoá của Đại Việt, và sự dứt khoát với quĩ đạo văn hoá phương Bắc. Độc lập dân tộc không chỉ ở chừng mức phân chia núi sông, cương vực…Yếu tố lãnh thổ quốc gia, Văn hoá tự cường, độc lập dân tộc mới là quan trọng hàng đầu.
Cuối năm 1427, sau hơn 10 năm Hội thề Lũng Nhai (1416), quân xâm lược nhà Minh đã thực sự phải cúi đầu, xin được rút lui có trật tự khỏi đất Đại Việt. Đầu năm 1428, Lê Lợi đã lệnh cho đại thần Nguyễn Trãi viết bài cáo này.
“Đại Cáo Bình Ngô”, là công bố cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Chấm dứt 20 năm (1407-1427) thống khổ, bạo tàn dưới ách đô hộ của quân đội nhà Minh. Dân tộc Đại Việt đã mở ra một kỷ nguyên mới, hoà bình, độc lập lâu dài cho đất nước, cũng đồng thời làm cho lũ giặc nhà Minh phương Bắc kiệt quệ tiền tài vật lực, phải trả một giá rất đắt vị thế uy tín, danh dự nước lớn, không còn đủ sức bành trướng, xâm lược các nước lân cận khác nữa.
Đến hiện nay, vẫn còn có nhiều bản dịch về bài cáo này. Tuy nhiên, bản dịch được báo cáo tại hội nghị, nhân dịp kỷ niệm 600 năm(1380 – 1980) sinh Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi vào tháng 10/1980 tại Hà Nội, bản dịch của Nhà xuất bản Văn học Việt Nam đã khắc phục được một số điểm còn chưa thoả đáng từ những bản dịch trước đó. Tuy vậy, bản dịch của Bùi Kỷ – Bùi Văn Nguyên là bản đang được sử dụng trong nhà trường là hoàn thiện nhất, nhưng cũng còn đôi chỗ chưa được đúng mức với tinh thần nguyên bản.
“Đại Cáo Bình Ngô” là bài chính luận được viết bằng chữ Hán và thể văn biền ngẫu, bao gồm nhiều câu ngắn dài khác nhau, mỗi câu có hai vế đối nhau cùng với niêm luật chặt chẽ. Tuy không dụng vần, nhưng đặc điểm nổi bật nhất của áng văn này là sự thể hiện tiết tấu và nhịp điệu của nó…đây là sự kết hợp của hùng văn, sử thi với nhịp điệu trữ tình hết sức độc đáo, đây là một bài thơ văn xuôi giữ được đặc tính nguyên ngữ của thơ ca. Nhịp điệu là sức mạnh hình thức mang tính nội dung, là nội hàm cảm xúc âm điệu thể hiện cảm hứng, hình tượng tư tưởng bằng tiết tâu âm thanh. Bài văn thể “Cáo” này đã tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc…
Nay bố cáo toàn dân được tỏ tường.
Việc truy tìm về nguồn gốc về thể cáo cho thấy, Kinh Thư là quyển sách xưa nhất trong Ngũ Kinh của Nho giáo, có một số bài viết theo thể cáo, ví dụ: Thang cáo, là bài viết của vua Thang tuyên bố sau khi đánh bại tên vua kiệt độc ác của tên vua bạc ác nhà Hạ, lập nhà Thương thời Trung Hoa cổ đại. Cáo thường được kết theo trình tự: mở đầu, nêu nguyên lý chính nghĩa, tiếp theo là chứng minh nguyên lý ấy, rồi đến phần xác định tội ác của kẻ thù, kẻ nghịch tặc, xâm lược…sau đó, tường thuật công cuộc đánh dẹp và cuối cùng là tuyên bố chiến thắng vẻ vang, kết thúc trận chiến.
Lâu nay, thường nói hịch (thể hịch) là lời kêu gọi, hiệu triệu cho công cuộc mở đầu chiến tranh, còn cáo là bố cáo diễn tiến, công cuộc đánh dẹp và tuyên bố kết thúc chiến tranh. Có thể coi hai thể loại này có chức năng gần cố định như vậy, và trong nền văn học nói chung cũng có nhiều bài viết theo hai thể loại ấy. Song, sự thật cũng có nhiều bài hịch chẳng có ý nghĩa gì về việc mở đầu cho chiến tranh cả, nhiều nhất cũng chỉ là lời kêu gọi đánh đuổi bọn xâm lược hay phản loạn, ví dụ: như bài “Hịch đánh chuột” của Nguyễn Đình Chiểu. Ngay trong bài văn “Hịch Tướng Sĩ” mà có nơi chép nhan đề là “Dụ chư tì tướng hịch văn”, vậy đây cũng chẳng phải là lời kêu gọi mở đầu chiến tranh.
Xét trong nền văn học Trung đại của chúng ta thì hịch thì vẫn còn có một số bài, chứ Cáo thì độc nhất, một mà thôi… Chỉ bài, “Đại Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi, vậy mà đã nhấn mạnh cáo chỉ trong tư cách một thể loại, thực ra nhìn nhận vậy chưa thoả đáng lắm và cũng không nhất thiết phải công bố như vậy. Hãy cứ coi Cáo là một bài chính luận, dùng làm một bài tuyên bố rộng rãi ra đại chúng cực kỳ long trọng, là: một bài Đại cáo:
Bình Ngô Đại Cáo
Bài văn mở đầu bằng một luận đề, luận chứng chính nghĩa sáng chói:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”,
đánh đuổi bạo tàn, xâm lược là việc nhân nghĩa bậc nhất; tiếp đến là xác tín nước ta là quốc gia độc lập, tự chủ…là một dân tộc hoà hiếu, bác ái đầy tính nhân văn, hoàn toàn có tư cách văn hiến, văn hoá độc lập…bài viết cũng đồng thời lên án quân đội nhà Minh xâm lược và bọn Việt gian phản loạn, tàn hại, cướp bóc dân ta vô cùng thảm khốc. Thuật lại, sự biểu hiện tính đoàn kết chung lòng, nêu cao tinh thần, ý chí sắt đá, vạch đối sách, chiến lược biến hoá, mưu trí tài tình trong đánh giặc; chấp nhận gian khổ, hy sinh từ buổi đầu khởi nghĩa…tóm lược những quyết sách, yếu tố quyết định, tạo thế thắng lợi, dẫn thắng lợi giòn giã làm cho giặc liên tục thất bại thảm hại, cúi đầu chịu trói và phá sản mưu đồ xâm lược. Cuối cùng, tuyên bố thắng lợi, đem lại hoà bình, độc lập dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, bằng với tất cả lòng tự hào, quyết tâm đoàn kết chống giặc đem lại thắng lợi vĩ đại bởi chính nghĩa vì dân cứu nước, xác định chủ quyền quốc gia của dân tộc Đại Việt.
Thêm một lần nữa trong lịch sử dân tộc xác tín tài thao lược, sự đoàn kết chặt chẽ…khí phách anh hùng, dũng lược của dân tộc trong quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Qua đây, cũng nên nói thêm về thể Phú và các tác giả trong giai đoạn văn học, văn chương đại thành cường thịnh này. Lý Tử Tấn và Nguyễn Mộng Tuân là người đồng khoa canh thìn (1400), cùng đỗ thái học sinh (tiến sĩ) với Nguyễn Trãi, nhưng họ không ra làm quan với nhà Hồ (chỉ tồn tại hơn sáu năm, 1400 – 1407). Nhưng ba người họ cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, sau mười năm kháng chiến giành được thắng lợi, quét sạch giặc Minh…Các ông đều ra làm quan để xây dựng lại đất nước.
Lý Tử Tấn là vị quan tài giỏi, nhiệt thành và còn là cây bút thơ, phú độc đáo xuất sắc, bài ” Xương Giang phú” rất nổi tiếng ngợi ca cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc, trở thành bất hủ…có thể nói, tư tưởng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc là đây. Với tất cả tâm tư, bút lực văn chương ông đã tập trung gửi gắm tất cả vào áng văn kiệt tác này, còn tập thơ “Chuyết Am” và một số thơ, phú được chép, lưu truyền trong “Quần hiền phú tập” và “Hoàng Việt văn tuyển”…
Nguyễn Mộng Tuân là bậc cao sĩ tiết tháo, nổi tiếng thơ phú, về thơ có 143 bài được chép trong “Việt âm thi lục” (1768) và 41 bài phú chép trong Quần hiền phú tập”. Văn thơ phú trong thời kỳ văn học Trung đại thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII luôn được người đời truyền tụng, và luôn chứng tỏ là những áng văn chương có giá trị vượt thời gian…trong dòng văn học yêu nước yêu nước.
Một đôi điều cũng cần giải thích về: tại sao không gọi là giặc Minh, mà gọi là giặc Ngô?…trong “Đại Cáo Bình Ngô”? Trước đây có giải thích, Chu Nguyên Chương người sáng lập ra nhà Minh xuất thân từ đất Ngô. Nhiều nghiên cứu sâu hơn, cho rằng, đất Ngô ở Trung Hoa thời cổ đại, quân Ngô thời Tam quốc đã xâm lược, cai trị nước Nam ta hết sức tàn ác, giết chóc, cướp bóc kinh khủng. Từ “Ngô” đã thấm vào dân gian với ngữ cảm, ngữ cảnh kinh hoàng khinh bỉ, hèn hạ…đã đi vào truyện tích, tục ngữ, thành ngữ…như: chuyện thằng Ngô để của, thằng Ngô con đĩ…Gánh vàng đi đổ sông Ngô, giặc đánh bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng.v.v…bọn giặc Ngô trong dân gian. Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá uyên bác, tính chất văn hoá dân gian cũng thường xuyên được thể hiện trong văn thơ tương đối dày trong nhiều ngữ cảnh thơ văn của ông. Việc dụng từ dân gian với một nhà văn hoá tư duy sâu sắc, một tâm hồn khoáng đạt, một nhà chính trị ngoại giao quân sự tài tình…thì dụng từ “Bình Ngô” cho bài viết cũng là tự nhiên, bình thường …không gì ngẫu nhiên hay khiên cưỡng cho ngữ cảnh này. Đặc biệt hơn nữa, cũng có thể coi đây là sự hài hoà độc đáo giữa văn chương bác học và văn học dân gian trong văn cảnh có tính cộng đồng, hào sảng đan xen chất liệu chính trị và ngoại giao đầy thi vị này.
* Luận về chính nghĩa: ý tứ lập luận đơn giản, rõ ràng cụ thể và hết sức súc tích bằng lối hành văn biền ngẫu, đã tạo thành mạch văn đối xứng với hai vế đối nhau cùng niêm luật chặt chẽ: Nhân nghĩa cốt ở yên dân, đánh đuổi hung tàn là việc nhân nghĩa. Nước ta là một nước văn hiến, bao đời xưng đế như các nước lân bang và cũng đã từng đôi lần đánh đuổi thành công giặc ngoại xâm, đem lại thắng lợi vinh quang và yên bình cho dân tộc…Bọn giặc Ngô tham tàn, mượn cớ xâm phạm nước ta, nên chúng phải chịu thất bại thảm hại, với chứng lý rành rọt… chúng là lũ giặc tàn bạo, cướp nước hại dân. Nên việc đánh đuổi lũ giặc Ngô là điều nhân nghĩa.
“Đại Cáo Bình Ngô” khá dài, viết bằng chữ Hán với 1343 chữ, nội dụng vô cùng súc tích, cấu trúc chặt chẽ, một tác phẩm có giá trị đồ sộ, khai thác triệt để diễn biến tỏ tường, nhằm tổng kết cuộc kháng chiến thần thánh vô cùng gian lao, với tinh thần anh dũng của dân tộc. Đây là một thiên sử thi về quá trình chiến đấu và chiến thắng…là Đỉnh cao nhân nghĩa của Lê Lợi cùng bộ chỉ huy kháng chiến và toàn dân đứng lên bằng chính nghĩa cao cả với mưu trí biến hoá, chến lược tài tình của mọi thắng lợi vẻ vang…
Đặc điểm cơ bản và xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam là: Công cuộc đấu tranh gần như liên tục, quyết liệt để giành lại, gìn giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, có thể xem đây là ý chí, là tinh thần chủ đạo xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam. Niềm tự hào vô biên của dân tộc là đây…là nguồn cảm hứng về sự đoàn kết mãnh liệt truyền lại cho muôn đời sau, cho lớp lớp con cháu…của một dân tộc yêu tự do, độc lập và hoà bình trên tinh thần nhân nghĩa.
Tư tưởng yêu nước của người Việt cũng từ đấy mà thành.
Ngày nay, tư tưởng “Đại Cáo Bình Ngô” ngày càng đạt hành mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hơn về tinh thần bất tử…một lòng vì quốc gia dân tộc, luôn xuyên suốt bằng sự hài hoà ý chí và tư tưởng nghĩa nhân, độ lượng của dân tộc…đã hun đúc thành danh nhân văn hoá thế giới, Nhà tư tưởng, Nhà thơ Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX một anh hùng dân tộc, đã tô sáng lên trang sử mới hào hùng vẻ vang, mọi thời kỳ cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Trãi không nhấn mạnh yếu tố mệnh trời ở phía đề cao kẻ được trời trao mệnh, mà tập trung lên án những thế lực gây tội ác tàn bạo với nhân dân. Ông đã không bỏ ai theo ai, trong giai đoạn lịch sử biến động tại thời điểm đó, bởi do tại vì biết và hiểu lẽ mệnh trời ấy chăng?. Cái gốc của ý nghĩa, và tư duy tư tưởng dân tộc đã thấm sâu trong vấn đề này, mà ở nước ta từ trước cho đến giai đoạn lịch sử này và sau nữa vẫn chưa phân định được…Nhưng vào giai đoạn đó, cái gốc dân tộc ấy đã luôn là chỗ dựa vững chắc để có được tầm nhìn phổ quát ” bất biến ứng vạn biến” trong cách điều binh khiển tướng và thái độ chính trị rộng mở của mình. Chủ trương phi thường của Lê Lợi – Nguyễn Trãi mở hội thề với quân Minh và cho chúng được toàn vẹn rút về nước… mà, ngay trong “Ức Trai thi tập” cũng có cách nhìn với tâm tư riêng này.
Lịch sử chế độ phong kiến nước ta thời đó, ngày càng dành nhiều ưu thắng cho Nho giáo. Bởi dù sao, Phật giáo và Đạo giáo cũng không phải là đạo trị dân, trị nước triệt để được…Nhưng rõ ràng trước đây, Lý – Trần cũng đã từng coi trọng cả ba giáo bằng chủ trương “tam giáo đồng nguyên”, dựa trên cơ sở dân tộc, truyền thống yêu nước và nhân ái, để gắn kết cả ba hoà thành một tinh thần rộng mở trong giá trị nhân nghĩa thời phong kiến làm vậy. Đây có thể chưa phải là tinh thần chiết trung hay thoả hiệp triệt để, và càng không phải là sự hỗn dung tùy tiện nhằm phù hợp với của ngoại lai. Mà là, sự kết tinh cốt cách dân tộc tạo nền cho văn hoá, cho nhân tố tích cực trong quá trình tiếp xúc và ứng biến.
Để xây dựng nền ” Văn hiến – Văn hoá Thăng Long” cần có một dân tộc bao gồm nhiều con người “mưu trí, tài thức” để làm nên “thi thư” cho Văn minh Đại Việt…từ Ngô (939), Đinh (967), Lê (980), Lý (1009), Trần (1226)…Những con người làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang, vừa tiếp tục xây dựng, bảo tồn, phát triển văn hoá ngàn năm và nền độc lập mấy trăm năm của Đại Việt. Nhưng, cũng cần phải nói, dòng văn hoá dân gian dân tộc, với phong tục tập quán, cảm nghĩ tư duy, triết lý cùng lời ăn tiếng nói…mọi ứng biến trong đấu tranh dựng nước và giữ nước là sự tích hợp những đóng góp quan trọng, những thăng hoa, cảm xúc thực tiễn để Nguyễn Trãi viết “Thiên hùng văn bất tử” sáng chói Văn hoá, Văn hiến dân tộc…sáng rực lên tinh thần Đại Việt:
Như nước Đại Việt ta,
Thật là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc – Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế mỗi phương
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu…
Sự khẳng định dứt khoát của Nguyễn Trãi về truyền thống văn hoá, về con người (còn được gọi là manh lệ)…đây là bước tiến vượt xa với tư tưởng yêu nước thời Lý – Trần. Trong tất cả các cuộc đấu tranh chống giặc xâm lược, xây dựng nền độc lập, tự chủ…yếu tố quyết định, then chốt chủ đạo vẫn là nhân dân.
Tổ quốc và nhân dân luôn luôn ở bên trong con người Nguyễn Trãi. Hai vế đầu tiên trong “Đại Cáo Bình Ngô” như một cặp phạm trù khẳng định tính dân tộc, hướng về nhân dân mà đánh kẻ có tội và khử trừ bạo ngược:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…”
Tư tưởng nhân nghĩa được nêu cao
….
Nhân nghĩa theo Nguyễn Trãi là yêu nước, cứu dân…”triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là lòng yêu nước, thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng việc chống ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập nước nhà, vì hạnh phúc nhân dân” (Phạm Văn Đồng). Tuy vậy, triết lý về “Nhân Nghĩa” trong Luận Ngữ thì chưa bao giờ được định nghĩa bằng lòng yêu dân thương nước…tinh thần yêu thương giống nòi và quốc gia. Cũng chưa từng có trong khái niệm tư tưởng chủ đạo của Nho giáo, cho dẫu là Mạnh Tử có nhấn mạnh về tinh thần dân chủ, dân tộc cao hơn, tiến bộ hơn Khổng Tử.
Những kiến giải về phạm trù tư tưởng yêu nước, yêu dân đã làm cho tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” đạt tới đỉnh cao của tư tưởng yêu nước, đại thành sức mạnh trí tuệ, tinh thần nghĩa nhân bác ái của dân tộc, đã được ngòi bút sắc sảo, văn chương trát tuyệt của Nguyễn Trãi dệt thành thiên : “hùng văn thiên cổ đọc không chán miệng, một hùng văn trong thiên hạ không ai hơn được nữa, đó là sông Giang, sông Hán trong các sông và là sao Ngưu sao đẩu trong các sao vậy” (Phạm Đình Hổ, Tô Thế Huy). Một trong những đặc điểm nổi bật của áng văn này là nhịp điệu và tiết tấu trong vận luật ca từ. Nhịp điệu hùng văn, sử thi kết hợp với chất liệu trữ tình…làm vai trò chủ đạo cho tiết tấu trong thơ ca. Đây là bài văn viết theo thể tứ lục đăng đối biến cách, mà tiết tấu, nhịp điệu biểu hiện nội dung bằng trường âm hài hòa giữa cảm xúc nội tâm và ngoại cảnh từ đầu đến cuối. Nhịp văn cứ như sóng cồn hào hùng, dồn dập, sảng khoái nói đến chiến thắng, đến lòng tự hào của dân tộc anh hùng:
“Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân (4/4)
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo (4/4)
Duy ngã Đại Việt chi quốc (6)
Thực vi văn hiến chi bang…” (6)
Kì diệu thay! Đáng tự hào thay! Tổ tiên ta cũng từng đề cao công tác tư tương trong quân đội, trong nhân dân…một thể hiện chính trị phong phú, tạo một truyền thống tốt đẹp để cháu con kế thừa. Một dân tộc muốn đánh thắng kẻ địch to phải trông cậy, vun xới vũ khí tư tưởng sắc bén, phát huy đến cao độ tinh thần yêu nước của toàn quân, toàn dân…lấy chính nghĩa làm đầu, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn.
Tiểu kết:
Tư tưởng yêu nước dân tộc, đã được Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng bộ tham mưu và nhân dân, không hề có tư duy vũ dũng hẹp hòi mà còn tỏ ra nhân đạo, nhân văn trong việc: “Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng…Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh”. Tha cho hơn mười vạn quân địch và cấp lương thực, thuốc men cho việc giải giáp về nước cũng chính là bảo toàn đất nước, an ninh nhân dân và còn là thể hiện nhân văn, đại nghĩa của dân tộc anh hùng cao thượng.
“Ngàn thu vết nhục sạch làu,
Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.
Tư tưởng “Bình Ngô Đại Cáo” là niềm tự hào dân tộc, là tinh thần dũng mãnh bất khuất, là đạo lý nhân nghĩa, nhân văn của Đại Việt từ đầu thế kỷ XV…đây có thể coi là bước đầu của sự tạo dựng nên dấu ấn đặc biệt về tư tưởng yêu nước, hình thành một bước tiến vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập cho đất nước… Việt Nam là một dân tộc luôn thiết tha yêu chuộng hòa bình.
Cuối đông 2022
Phạm Văn Ngữ