Chùm thơ của Chi hội Minh triết Nguyễn Trãi Hà Đông , Hà Nội

 

 

   BẠCH THỦY TIÊN

 Tiên nữ sáng nay giáng hạ trần

Mười nàng bạch thủy tỏ tình thân

Hương buông nhè nhẹ lời thôi thúc

Nhạc thả êm đềm giọng ái ân

Đại sảnh âm thanh như vũ hội

Thiền viên ánh sáng hệt phòng vân

Không gian đầy ắp hồn thơ mộng

Để vậy hương lòng lắng vọng ngân.

HY VỌNG

 Đôi vai nhức buốt suốt đêm thâu

Thấu cảnh bi ai quặn nỗi sầu

Tìm đến nơi nao vơi ngán ngẩm

Xem ra chốn Viện bớt lo âu

Thuốc men xoa bóp lan cơ thể

Xung điện châm tiêm tỏa phép mầu

Bác sĩ bệnh nhân vui chữ bệnh

Toàn thân bình phục chắc bền lâu.

                                  Trần Xuân Ất

TẾT CỦA NHÀ NÔNG

 Lộc biếc chồi non nắng dịu phơi

Ngổn ngang việc cũ đã qua rồi

Chợ hoa đông đúc bên hè phố

Lễ hội tưng bừng mở khắp nơi

Câu hát trao duyên nghe thoáng đượm

Lời thơ tặng bạn thấy bồi hồi

Xuống đồng vào vụ nhanh tay cấy

Ai bảo tháng giêng được thảnh thơi.

QUÊ HƯƠNG

     (Cảm nhận thơ Minh Lộc)

QUÊ gốc Diễn Châu nhớ khoảng trời 

HƯƠNG nồng vẫn đượm sắc hồng tươi 

ĐẤT mầu nuôi dưỡng bao mầm sống 

NƯỚC mắt trào dâng mấy sự đời 

TÌNH cảm gia đình luôn gắn kết 

YÊU thương bạn hữu chẳng xa rời 

MINH công phải trái lòng thư thái 

LỘC biếc vườn ươm hạt nẩy chồi.

KÝ ỨC

Hanh heo lác đác lá vàng rơi 

Trái chín đưa hương tựa mọc mời 

Gợn bóng sen hồng ong mải lượn 

Qua mùa phượng tím bướm vờn chơi 

Nhịp cầu Ô Thước tình day dứt 

Nốt nhạc Ngưu Lang nghĩa mặn mòi 

Thi thoảng giọt Ngâu làm gợn sóng 

Đan cài ký ức cứ đầy vơi.

                                     Nguyễn Thị Diếp

GIÀ THÍCH ĐI CHƠI

Tuổi già chồn cẳng vẫn đi chơi,

Nhật, Thái, Sing, Hàn, … được mấy nơi. 

SA mạc lầu cao trên bãi CÁT, (1)

THIÊN môn (2) hốc lớn giữa lưng TRỜI. (3)

Lý Sơn, Côn Đảo,… tình sâu đậm,

Đà Lạt, Hà Giang, … cảnh tuyệt vời.

Đắm đuối Cà Mau cùng Phú Quốc,

Tuổi già còn sức lại đi chơi.

                                 Đinh Nho Hồng

   (2) Thiên Môn tức Cổng Trời ở Trương Gia Giới (Trung Quốc)

CHƠI CHỮ: (1) SA là CÁT; (3) THIÊN là TRỜI

PHÁC CẢNH KONTUM

 Già làng bên bếp lửa nhà rông

Dưới bóng cây cao rộn tiếng cồng

Hoành tráng vang lừng đài Chiến thắng

Thanh bình kỳ vĩ nước Rơ Poong

Măng Đen – “Đà Lạt” rừng hoa thắm

Pa Sỹ – “Nàng thơ” dải lụa trong

Hồ, thác gieo vần bao nữ sĩ

Chông chênh “sống ảo” bước ngang sông.

                                   Đinh Nho Hồng

TỨC CẢNH PLEIKU

 Sớm chiều chuông gió vọng trên không

Văng vẳng triền miên thỏa nỗi lòng

Xanh biếc “Nàng thơ” bên núi lửa

Trong lành “Đôi mắt” giữa rừng thông

Rượu cần làng Ốp men thơm ngọt

Chùa núi Minh Thành mái vút cong

Hoa trắng cà phê tràn đất đỏ

Thanh bình, chuông gió vọng trên không.

                                         Đinh Nho Hồng

  SỐNG VUI KHỎE

Tuổi cao sức giảm lẽ thường thôi

Phải sống sao cho thuận đạo trời

Luật nước kiên trinh lòng dạ giữ

Khuôn nhà mẫu mực cháu con soi

Nghĩa tình đồng đội luôn hòa hiếu

Nề nếp gia phong mãi rạng ngời

Thể dục dưỡng sinh chăm tập luyện

Sống vui, sống khoẻ, sống yêu đời.

                                      Nguyễn Thu Hưởng

THÁNG NĂM

 Hè về ước hẹn những tin vui

Nắng ấm bừng lên, rét đã lùi

Phượng vĩ hồng tươi bay trước gió

Bằng lăng tím ngắt nở bên đồi

Chia tay mắt bạn đầy lưu luyến

Gắn bó lòng ai những ngậm ngùi

Để lại yêu đương lòng khắc khoải

Hè về ước hẹn những tin vui.

                            Nguyễn Thu Hưởng

THU XƯA

Tán lá xanh tươi đã úa vàng

Ve sầu tắt ngấm gió thu sang

Heo may lành lạnh trời xanh biếc

Thăm thẳm sườn non trải nắng vàng.

 

Nhớ buổi sớm mai ấm nắng vàng

Bên hồ trong vắt tiết thu sang

Dòng người thả bộ trên bờ thoáng

Hít thở vươn vai dưới nắng vàng.

                            Nguyễn Thu Hưởng

NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

Thanh xuân sức trẻ quyết hy sinh

Giải phóng quê hương những chiến binh

Lửa đạn xông pha khi giặc giã

Cày sâu cuốc bẫm lúc an bình

Cây cao bóng rợp lòng dân ấm

Trụ cột gương soi nặng nghĩa tình

Phấp phới cờ bay ngoài biển đảo

Mang hồn Tổ quốc dáng anh linh.

                              Tạ Văn Khá

          XUÂN SANG

Quê hương rạo rực lúc xuân sang

Tiếng sáo ngân trên thảm lúa vàng

Tíu tít đoàn người đi mở lối

Ầm ầm máy gặt chạy hàng ngang

Rơm phun chất đống lòng phơi phới

Thóc chảy thành dòng dạ xốn xang

Phấn đấu nhiều năm công nghiệp hóa

Quê hương rạo rực lúc xuân sang.

                              Tạ Văn Khá

TRỜI TRỞ GIÓ

Đêm qua gió bấc đã tràn về

Bụi cuốn tung trời thật gớm ghê

Vài túp lều tranh bung mái tốc

Mấy nhà tường đất bật phên che

Mưa như thác đổ cành nghiêng ngả

Gió tựa dùi đâm rét tái tê

Lá trút ào ào cây ngã đổ

Đông nào nhẹ tránh lúc cuồng phê.

                                      Tạ Văn Khá

 KHÍ PHÁCH TỔ TIÊN TRẦN

 Nêu cao khí phách tổ tiên Trần

Mười bốn vương triều đức nghĩa nhân

Đánh lũ Nguyên Mông thề hiển tướng

Diệt bầy giặc Thát báo cường ân

Thái Tông sáng dạ rằng khai quốc

Đức Thánh ngời danh bởi xuất thần

Lừng lẫy cha ông từng thắng trận

Đông A Hào Khí rạng muôn lần.

BẮT GẶP

 Bướm lượn tìm hoa ở khắp làng

Ong thèm hút mật giữa rừng hoang

Trèo lên sườn núi dê thờ thẫn

Ngoái xuống bờ sông vịt ngỡ ngàng

Khỉ nói ôn tồn gom ý tứ

Trâu cười rạng rỡ mến đài trang

Nhìn kia bác ngựa trưa đòi ngủ

Mấy chú chim con lướt vội vàng.

ẤP Ủ

 Con tim ấp ủ chọn đường duyên

Hẹn những ngày sau tỏ nỗi nguyền

Bởi giữ ân tình trao ước nguyện

Làm cho cuộc sống được bình yên

Lần thưa thiếp quyện làn môi thắm

Bữa gửi chàng đưa cặp mắt huyền

Mới hiểu lòng nhau gìn nghĩa trọng

Êm đềm lãng tử gặp thuyền quyên.

                                Trần Thị Khánh

CHIỀU HÈ LỊCH SỬ

 Chiều hè lịch sử đại quân ta

Giải phóng Điện Biên khúc nhạc hoà

Kéo pháo trường kỳ ta đánh tới

Ẩn hầm cứ điểm địch chui ra

Nước Pháp oai cường xưng mẫu quốc

Việt Nam bé nhỏ giữ non nhà

Cờ trắng xin hàng Đờ Cát nhục

Sao vàng phấp phới bản tình ca.

                          Nguyễn Thị Hồng Nhung

SÁNG MÃI TÊN ANH

 Sáng mãi tên anh thuở bấy giờ

Điện Biên giải phóng chớp thời cơ

Tướng Văn đánh chắc lưu non Việt

Đờ Cát xin hàng vỡ giấc mơ

Chủ nghĩa thực dân chìm Đế Quốc

Tinh thần cách mạng nổi hoa cờ

Bảy mươi năm trọn hồng trang sử

Phố núi reo ca rộn tiếng thơ!

                          Nguyễn Thị Hồng Nhung

QUÊ HƯƠNG ĐAN PHƯỢNG

 Đan Phượng quê hương đẹp xứ Đoài

Cánh đồng thẳng cánh dệt ban mai

Trai tài việc thạo luôn chăm chỉ

Gái đảm nghề hay lại miệt mài

Ngõ phố mở mang đường xá đẹp

Ruộng vườn thu hoạch trái cây sai

Sáo diều hát nhạc từ muôn thuở

Đan phượng quê hương đẹp xứ Đoài.

                                Nguyễn Thị Hồng Nhung

 HAI CHỊ EM

 Hai chị em mình mẹ đẻ ra

Một người Tháng Chạp, một giêng Ba

Lớn lên mỗi cảnh theo đời sống

Thuở nhỏ bên nhau giữ nếp nhà

Kỉ niệm bao lâu thời ấu trĩ

Lưu gìn đến lúc tuổi đề đa

Đường thi mở hội cùng sinh hoạt

Xướng họa giao lưu mãi chẳng già.

                            Đinh Kim Oanh

TUỔI ĐỀ ĐA

Cám cảnh bước vô buổi xế tà

Dù sao là cũng tuổi đề đa

Mạch vành, huyết áp đeo theo mãi

Mỡ máu, tiểu đường chẳng chịu xa

Tám bốn xuân rồi vừa vượt ngưỡng

Bao nhiêu thu nữa cũng thông qua

Dầm mưa dãi nắng từng bươn chải

Không để phiền lòng đến mẹ cha.

                             Đinh Kim Oanh

 TAY GÃY, TỨ THƠ CÒN

 Tay gãy, hụt chân bị ngã ngồi

Lăn quay, cũng chỉ biết kêu trời

Ngày ngày nằm bẹp sao vui được

Tháng tháng kẹp băng thật khổ thôi

Mới tám tư xuân xương đã quỵ

Còn dăm vài ý tứ không vơi

Thơ thẩn giúp cho đời vẫn thắm

Chỉ tại lơ ngơ bị ngã ngồi.

                                    Đinh Kim Oanh

TA TỰ CHÚC TA

Rượu chúc riêng ta với Tết này

Duyên tình bạn hữu ấm bàn tay

Đời cho mạnh khỏe còn chơi đẹp

Mắt được tinh nhanh để tỏ bày

Nguyện ước xuân về cần tỉnh táo

Cầu mong lộc hưởng cứ hăng say

Mừng mình trí lực luôn đầy ắp

Mọi việc thành công nở mặt mày

                                   Nguyễn Đức Sảng

       BUỔI GẶP ĐẦU XUÂN

 Xuân sang bạn hữu Hội thơ Đường

Gặp gỡ giao lưu thật mến thương

Trịnh trọng mừng nhau tròn tuổi thọ

Hân hoan chúc tụng mãi khang cường

Huynh ngâm bát cú bài uyên bác

Muội hát đôi câu vẻ vấn vương

Chén rượu nhâm nhi chưa muốn vãn

Thôi đành xa nhé Hội thơ Đường.

                              Nguyễn Đức Sảng

HÀNH QUẢ TRỒNG HOA

 Trồng vun xới bón biết bao ngày

Đã thấy mầm non trước gió lay

Hé nụ đung đưa bên nắng sớm

Xòe bông lả lướt trước mưa dày

Hương thơm quyến rũ đang lan tỏa

Sắc thắm tươi màu thật đắm say

Đứng ngắm tần ngần bên hoa nở

Trong lòng thỏa thích bõ công này.

                                      Nguyễn Đức Sảng   

CÁNH BÈO

Cánh bèo phiêu bạt đến nơi nao

Lạc giữa dòng khơi sóng dạt dào

Bão nổi cuộc đời luôn vất vưởng

Mưa dồn thân phận cứ lao đao

Duyên cơ rễ bám cây xanh tốt

Được số bông cài nhuỵ thắm sao

Khắp nẻo muôn nơi đều đến được

Sắc hoa rực rỡ quý nhường nào.

                        Thái Minh Tuyến

    TRỞ LẠI QUÊ NHÀ

 Trở lại quê nhà thoả ước mơ

Bến sông lặng lẽ giữa đôi bờ

Mong chờ bạn cũ còn vời vợi

Trông đợi người xưa vẫn mịt mờ

Nhìn cánh buồm đơn tâm khắc khoải

Ngóng con thuyền lẻ dạ bơ phờ

Vầng trăng soi bóng bao hoài niệm

Giá gặp thân tình trọn ước mơ.

                         Thái Minh Tuyến

KỶ NIỆM MỘT THỜI

 Phượng hồng thắp lửa cuộc chia xa

Bè bạn bên nhau đến mặn mà

Mong giữ tình sâu thêm thắm thiết

Muốn gìn nghĩa nặng mãi chan hoà

Sân trường in bóng bao nam nữ

Phòng học ghi hình những tuổi hoa

Ước nguyện ngày sau mình gặp nhé

Nồng nàn trìu mến đượm tình ta.

                            Thái Minh Tuyến

 KHẤN VỌNG NGÀY GIỖ TỔ

 Nhớ đến Vua Hùng bái vọng xa

Cầu cho đất nước được an hòa

Muôn dân mạnh khỏe giầu năng lượng

Mọi chốn yên bình ngập khúc ca

Mở trí cầu tài thêm tuấn kiệt

Khai tâm vọng đức giảm gian tà

Dùng người cẩn trọng không xem nhẹ

Kế sách lâu dài Tổ quốc ta!

                               Nguyễn Học Từ

   Y NA NGÀY ẤY

 Nhớ ngày giã bạn ở Y Na

Kết chạ giao lưu thật mặn mà

Gái giỏi thẹn thùng chưa lúng liếng

Trai tài mạnh mẽ đã ngân nga

Khăn thâm đậu dí tình son sắt

Nón thúng quai thao nghĩa đậm đà

Nước chảy lơ thơ thuyền bỏ lái

Sông Cầu ký ức vẫn chưa xa.

                         Nguyễn Học Từ

TẾT HÀN THỰC

 Chuyện xưa trăm trứng mẹ Âu cơ

Dạy bảo cháu con chớ hững hờ

Xuống biển đừng quên cha lận đận

Lên rừng chớ để mẹ bơ vơ

Nhiều tiền phí nếu lòng trung nhẹ

Lắm của thừa mà chữ hiếu ngơ

Biết đủ cho vừa ai cũng trọng

Ra khơi hãy nhớ lạch về bờ.

                          Nguyễn Học Từ

TRĂNG ƠI ĐỪNG KHUYẾT

Chênh chếch thuyền kia thiếu mái chèo

Lung linh tỏa bóng cứ cheo leo

Canh khuya nhè nhẹ bơi trong nước

Chiều muộn tung tăng lướt đỉnh đèo

Thi sĩ say sưa bao ước nguyện

Nàng thơ ngơ ngẩn luống trông theo

Mơ trời lồng lộng trăng đừng khuyết

Lấp lánh ngậm đầy gió nhạc reo.

                                      Hà Vọng

CHIA TAY MÙA THU

 Chiều ấy thu đi gợi nhớ mong

Trăng vàng thổn thức phía trời Đông

Khóm tre lá rụng làn sương mỏng

Luống cúc hoa soi vạt nắng hồng

Thấp thoáng cánh cò như vẫy gọi

Ngân nga sáo trúc điệu chờ trông

Chia tay đêm lạnh bao lưu luyến

Xào xạc heo may khúc nhạc lòng.

                                     Hà Vọng

NHỚ  HOA ĐÀO

 Bâng khuâng đông lạnh nhớ hoa đào         

Hơi ấm chợt về thỏa ước ao                           

Mưa tắm chồi non khơi lộc biếc               

Gió vờn nụ mới đậu cành cao                       

Nàng mơ bích thắm bừng khoe sắc          

Chàng đợi hồng phai thỏa kết giao          

Tết đến xum vầy vui náo nức                         

Vườn xuân rực rỡ nét thanh tao.

                                Hà Vọng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THƠ XƯỚNG HỌA

(TS Đinh Nho Hồng)

 

Một bài thơ họa đương nhiên phải họa theo vần của bài xướng.

Trong một bài thơ nói chung, có vần chân (cước vận) và vần lưng (yêu vận).

Vần chân được gieo ở cuối câu thơ. Vần lưng được gieo vào giữa câu thơ.

Khi nói đến vần, thì có chính vận, thông vận, cưỡng vận, lạc vận. Chính vận là những vần đồng âm, hoàn toàn ăn khớp với nhau. Thông vận là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút, nhưng có thể tương thông với nhau. Cưỡng vận là vần ép, cưỡng bách, không liên thông với nhau, nhưng có thể chấp nhận được, tạm dùng được. Lạc vận là các từ vần không ăn nhập gì với nhau cả, không chấp nhận được.

Khi nói đến thơ xướng họa, không những xướng họa thơ luật Đường, mà có thể họa bất cứ thể loại thơ nào. Trong bài viết này, chủ yếu bàn về xướng họa thơ luật Đường. Bên cạnh đó, cũng trình bày thêm xướng họa thơ luật Đường biến thể, là Lục bát tám câu và Song thất lục bát tám câu.

Thơ thất ngôn bát cú có 5 vần đều là vần chân, trừ thơ trốn vận, độc vận, thủ vĩ ngâm.

Thơ lục bát có cả vần chân và vần lưng. Như vậy, một bài Lục bát tám câu có 8 vần chân và 4 vần lưng. Còn một bài Song thất lục bát tám câu có 8 Vần chân và 6 Vần lưng, nhiều hơn thơ Lục bát tám câu 2 Vần lưng. Nếu ta coi câu đầu của bài Song thất lục bát tám câu chỉ tính đến Vần chân, không tính Vần lưng, thì có 5 Vần lưng.

Qua đó ta thấy, họa một bài thất ngôn bát cú, chỉ cần theo đúng 5 vần của bài xướng (không kể thơ trốn vận, độc vận và thủ vĩ ngâm). Nếu họa một bài Lục bát tám câu, phải theo đủ 12 vần; và họa một bài Song thất lục bát tám câu phải họa đủ 14 vần, ít nhất cũng là 13 vần.

Vì thơ Lục bát tám câu và Song thất lục bát tám câu sáng tác thơ lục bát và song thất lục bát trên cơ sở luật thơ Đường, nên, theo đúng luật thơ Đường, trong bài họa không được mắc lỗi nhại từ áp vận. Như vậy là có 12 từ áp vận phải tránh trong thơ Lục bát tám câu và 13 hoặc 14 từ áp vận phải tránh trong thơ Song thất lục bát tám câu.

Trong thơ luật Đường có họa phóng vậnhọa hạn vận. Họa hạn vận khác hẳn với lối chơi xướng họa ta vẫn thường gặp.

HỌA PHÓNG VẬN là phỏng theo ý và vần của bài xướng để họa. Từ xưa đến nay, người chơi thơ Đường vẫn thường xuyên họa phóng vận. Bài họa phải tuân theo chủ đề của bài xướng; hoặc bổ sung thêm, hoặc mở rộng thêm ý của bài xướng; cũng có thể trái hẳn lại với ý bài xướng (họa phản đề). Nếu bài họa không tuân theo chủ đề bài xướng, thì gọi là họa tá vận (mượn vần). Dựa theo thứ tự vần của bài xướng, có thể chia bài họa theo các dạng sau đây: Họa nguyên vận, họa đảo vận, họa hoán vận, họa loạn vận.

Họa nguyên vận là bài họa hoàn toàn tuân theo thứ tự các vần của bài xướng từ trên xuống dưới. Họa đảo vận là đổi thứ tự các vần của bài họa từ dưới lên trên, so với vần của bài xướng. Họa hoán vận là đổi thứ tự hai vần cho nhau. Họa loạn vận là thứ tự các vần của bài họa hoàn toàn không tuân theo thứ tự vần bài xướng.

Một điều cần hết sức lưu ý là, khi bài xướng được sáng tác theo ngón chơi thơ nào, ví dụ thơ khoán thủ, khoán tâm, bát vĩ đồng âm, tung hoành trục khoán, thuận nghịch độc, ngũ độ thanh, mỹ lục thanh, lục bát tám câu, song thất lục bát tám câu, v.v…, thì bài họa cũng phải theo đúng ngón chơi đó.

Họa tá vận là mượn vần của bài xướng để sáng tác bài họa không theo chủ đề bài xướng, có nội dung khác, không liên quan gì đến bài xướng. Vì thế, có ý kiến cho rằng, đây không phải là một bài họa, mà chỉ là dùng vần của bài xướng để diễn đạt một vấn đề khác hẳn. Ý kiến khác lại cho rằng, đã gọi là “họa” thì kiểu gì cũng là một bài họa và phải được coi là một dạng họa phóng vận. Nhiều người vẫn sáng tác thơ dạng này với quan điểm dù có được coi là bài họa phóng vận hay không thì cũng là một kiểu chơi thơ thú vị. Xin xem ví dụ sau đây:

THU ĐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Nguyễn Khuyến

VÀO CANH BẠC

(Họa tá vận và hoán vận)

Canh bạc lao vào túi cháy veo

Ra về thất thểu, xác tong teo

Quanh năm suốt tháng thua dồn dập

Nửa bữa đôi lần được tị teo

Nhà cửa đất đai đều biến sạch

Công danh địa vị cũng bay vèo

Lưu manh, cụ lớn cùng thân phận

Làm bác bần xong hóa bọt bèo.

ĐNH

Như ta biết, trong thơ luật Đường, có thơ thể bằng và thơ thể trắc. Về hình thức, nếu bài xướng thể bằng, bài họa thể trắc và ngược lại, thì bài họa đó sẽ được đánh giá cao hơn là bài họa cùng thể với bài xướng. Tuy bài họa cùng thể bằng – trắc với bài xướng vẫn không bị coi là phạm luật hay mắc bệnh và trong thực tế có lẽ khoảng một nửa các bài họa của hầu hết các nhà thơ là cùng thể bằng – trắc với bài xướng; nhưng nên cố gắng khác thể, lúc đó sẽ được đánh giá cao hơn bài họa cùng thể.

Trong ví dụ trên, bài “Thu Điếu” thể bằng, bài “Vào canh bạc” thể trắc.

Nguyên tắc cơ bản của thơ xướng họa là bài họa phải lặp lại đúng và đủ tất cả các vần của bài xướng, cụ thể trong bài bát cú có 5 vần.

Trong trường hợp người họa xin được “nương tay” thay một vần nào đó của bài xường, thì người ta thường gọi là “nương vận”, nhưng thường không được chấp nhận là bài thơ họa. Về nguyên tắc, không thể “nương tay” được. Vì khi đã thay vần khác, thì có nghĩa là đã “lạc vận” khỏi bài xướng, trái với luật xướng họa.

Để dễ hiểu hơn, xin lấy hai bài thơ sau đây làm ví dụ (Trong đó, bài “Qua Đèo Ngang” ở thể trắc và bài “Tình quê” thể bằng):

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan

 

TÌNH QUÊ

Trèo lên Thiên Nhẫn(*) buổi chiều tà

Thắp nén hương trầm, đặt nhánh hoa

Lặng lẽ ngậm ngùi bên mộ tổ

Bâng khuâng lưu luyến chốn quê nhà

Thiết tha mãi mãi bền tâm chí

Mong mỏi đời đời vững thế gia

Năm tháng trôi qua, tình để lại

Xa xôi nhung nhớ, bạn cùng ta.

(*)Thiên Nhẫn: Dãy núi ở Hà Tĩnh.

ĐNH

Ta thử phân tích hai bài thơ“Qua Đèo Ngang“Tình Quê” trên đây. Ở đây không dám phân tích về nghệ thuật, vì không ai dám so sánh với thơ của bà Huyện Thanh Quan. Chỉ xin nói đến học thuật, đến cách chơi thơ, để xem bài “Tình quê” có đáng gọi là một bài họa không, có nên gọi là một bài họa nương vận không, nếu là họa thì là họa tá vận hay phóng vận? (Một bài nương vận có thể là tá vận hoặc phóng vận).

Trước hết, ta xem vần. Vần “gia” không phải là “da”, nên không được gọi là họa. Nếu “nương tay” một chút, thì thấy “gia” là nhà, mà bà Huyện Thanh Quan cũng nói đến “nhà”, đồng thời khi đọc lên, âm cũng giống nhau. Nhưng như vậy cũng khiên cưỡng lắm, vì viết khác nhau! Xét cho cùng, nếu hai bài thơ có dạng và ý gần gũi như vậy, mà cũng không được coi là xướng họa, thì đương nhiên không còn khái niệm “họa nương vận” nữa.

Giả dụ được coi là họa nương vận, thì đây là một bài họa tá vận hay phóng vận? Bài “Tình quê” cũng  nói lên tâm tư, tình cảm của tác giả, tuy khác hẳn với hoàn cảnh và ý thơ của bà Huyện Thanh Quan, nên có thể coi là họa tá vận, nhưng nghiêng về họa phóng vận nhiều hơn.

 

HỌA HẠN VẬN:

Họa hạn vận chỉ có đề thách họa (mời họa), thông thường không có bài thơ xướng như khi họa phóng vận. Trong đề mời họa hạn vận có các quy định bắt buộc, người họa thơ phải tuân theo. Các quy định do người mời họa đặt ra. Ví dụ, ngoài nội dung và 5 vần, nhiều khi người thách họa còn đưa thêm các yêu cầu khác, thường là đưa ra một số từ nhất định, bắt buộc phải có đủ trong bài họa, không được thiếu một từ nào. Đôi khi, người ra đề không nói rõ là các vần trong bài phải tuân theo thứ tự nhất định. Nhưng phần lớn các đề đều quy định 5 vần phải theo thứ tự cho trước. Việc yêu cầu 5 vần phải theo đúng thứ tự, mà không được đảo vận, hoán vận…, nói lên tính nghiêm khắc của đề, phần nào làm khó thêm cho người họa.

Ngày nay ít người chơi thơ xướng họa dạng này. Trước đây, thường là các văn nhân tổ chức những cuộc thi thơ hoặc thách đố nhau họa hạn vân.

Sau đây, xin lấy hai đề thơ khá nổi tiếng của các cụ xưa để minh họa.:

Đề 1:

Nhà báo, dịch giả nổi tiếng Phan Kế Bính (1875 – 1921) đưa ra đề thách họa sau đây trong một cuộc thi thơ hạn vận:

– Nội dung đề thơ:

Trống treo ai dám đánh thùng

Bậu không ai dám dở mùng chun vô

– Hạn 5 vần theo thứ tự sau: XÔ – CÔ – VÔ – Ô – RÔ.

Trước hết, ta hãy thử phân tích đề thơ:

Nghĩa đen, nghĩa bóng câu thứ nhất “Trống treo ai dám đánh thùng” chắc không cần phải bàn.

Xin phân tích câu thứ hai: “Bậu” là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. “Bậu”“không dám”, thì còn ai “dám” vào đây nữa. Chứng tỏ, “bậu” là người có thế lực, đại loại là cỡ “sếp” gì đó. Hoặc có thể “bậu” là tay liều mạng, “coi trời bằng vung”. Vậy, xin phép các cụ xưa được trình bày bài họa hạn vận dưới đây, đồng thời cũng mang dáng dấp của thơ phú đắc:

BẬU CŨNG CHỊU RỒI

Ai thích rơi vào cảnh đẩy XÔ?

Thập thò mấy sếp hẳn chờ CÔ

Có dùi đừng tưởng mon men đánh

Không ngãi chớ hòng rón rén VÔ

Nhỡ hứng liều mình toan đẩy cửa

Thoát hèn xấu mặt phải che Ô

Trớ trêu cả bậu còn cam chịu

Thất thểu về nhà ngắm cá RÔ

ĐNH

Đề 2:

Năm 1926, Đào Sĩ Nhã đưa ra một đề thách bạn thơ Phan Mạnh Danh họa còn “khó chơi” hơn, với các điều kiện sau:

– Nội dung đề thơ: Xuân khuê

– Năm vần hạn định: CHỜ – HỜ – THƯA – TƠ – THƠ.

– Trong bài thơ phải có 19 chữ: một, hai, ba , bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.

Đề tài bài thơ là gái trẻ phòng the. Theo 5 vần hạn định và các từ cho trước, ta thấy đề tài tương đối rộng, có thể nghĩ ra khá nhiều tình huống của cô gái trong phòng the. Sau đây, xin phép các cụ xưa miêu tả về một tình cảnh như vậy:

CHỈ VÌ BÓNG ĐÁ

Mười mong chín đợi một hai CHỜ

Sáu khắc trân trân nửa khép HỜ

Sân cỏ bốn đêm ba cặp kín

Phòng the đôi lứa tám lần THƯA

Trăm ngàn cái lỗi trao bà Nguyệt

Muôn vạn thước hờn đổ lão TƠ

Ấm ức năm canh dài bảy trượng

Tấc lòng đâu dám trải vào THƠ

 ĐNH

Đấy là những đề thách họa của các cụ xưa. Người yêu thơ có thể nghĩ ra nhiều kiểu chơi khác nhau. Nay ta thử họa hạn vận có bài xướng, coi như một thú chơi thơ mới được “sáng tạo”, thực chất là kết hợp họa hạn vận với họa phóng vận. Việc đưa ra bài xướng, chẳng qua chỉ có thêm một điều kiện nữa là không được lặp lại từ áp vận của bài xướng (tránh lỗi nhại từ áp vận).

Đề 1:

– Nội dung đề thơ:

Trăng sáng Cửu Long tìm Lý Bạch

Lụa đào Vạn Phúc nhớ Xuân Hương

– Hạn 5 vần theo thứ tự: CÂY, THẦY, MÂY, TÂY, ĐÂY

Bài xướng kèm theo:

CHÓI SÁNG THƠ THẦN

Đại thụ bao đời được mấy CÂY

Xuân Hương, Lý Bạch những tay THẦY

“Tửu Tiên” (1) nhảy xuống toan ôm nguyệt

“Bà Chúa” vươn dài định đọ MÂY

Cuồn cuộn dòng sông trôi Thái Thạch (2)

Lượt là áo lụa dạo Hồ TÂY

Trăm, ngàn năm vẫn vang danh tiếng

Chói sáng thơ thần tụ lại ĐÂY

ĐNH

(1) Người đời đã phong cho Lý Bạch danh hiệu “Tửu trung tiên”.

(2) Tương truyền, khi say, Lý Bạch đã nhảy xuống sông Thái Thạch để ôm chị Hằng.

 

Đề 2:

– Nội dung đề thơ: Dịch bệnh;

– Năm vần theo thứ tự: ĐÂY, LẦY, VÂY, TRẦY, ĐẦY;

– Bài thơ phải có đủ các từ: lỵ, tả, lao, hạch, phổi, ho, thở, viêm, sưng, loét, thể, biến, CoViD, thương hàn, sốt rét, cúm mùa.

Bài xướng kèm theo:

DỊCH BỆNH

CoViD biến thành mấy thể ĐÂY? (*)

Làm cho thế giới bị sa LẦY

Hết lao, sốt rét về đe dọa

Rồi lỵ, cúm mùa đến bủa VÂY

Viêm phổi phều phào ho khó thở

Loét da xoành xoạch gãi sưng TRẦY

Thương hàn, tả, hạch xưa từng quét

Kim cổ bao phen đã hứng ĐẦY.

ĐNH

(Còn nữa)

 

 

THƠ XƯỚNG HỌA

(Tiếp theo)

XƯỚNG HỌA CÁC KIỂU CHƠI THƠ ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI VIỆT:

 

XƯỚNG HỌA THƠ “NGŨ ĐỘ THANH”

Như trên chúng tôi đã lưu ý, khi bài xướng là thơ Ngũ độ thanh (NĐT), thì bài họa cũng phải NĐT, như vậy xướng họa mới chuẩn.

Sau đây là một vài ví dụ:

Ví dụ 1:

Bài xướng của Nguyễn Thị Thực:

DÒNG SÔNG THU (NĐT)

Thu về nắng lụa trải dòng sông

Một cõi lòng ai cảnh sắc hồng

Đẹp mãi thân rồng trên xứ sở

Tươi hoài phượng vĩ dưới tầng không

Câu hò mái đẩy trao tình đượm

Giọng hát đò đưa trả nghĩa nồng

Giữa thảm trời xanh vàng ánh nguyệt

Ghe, thuyền cập bến thỏa niềm trông.

 

Bài họa của ĐNH:

BÊN DÒNG THU (NĐT)

Sóng lụa theo làn trải quãng sông,

Bên đường ngả bóng dãy hoa hồng.

Sương vờn rặng liễu ven bờ vắng,

Bướm lượn hàng cây giữa khoảng không.

Đứng lặng nhà thơ chừng ngẫm tưởng,

Vươn dài thiếu nữ hẳn chờ trông:

Dòng thu nhẹ lướt từng rung cảm,

Những áng Đường thi đủ mặn nồng?

Ví dụ 2:

Bài xướng của ĐNH:

THỔN THỨC ĐÒ THƠ

(NĐT, Bát vĩ đông âm)

Một chiếc đò quê chở trĩu thơ,

Thuyền ai cặp bến, hẳn không ngờ?

Dù cho hạ hãy còn nhung nhớ,

Vẫn biết xuân là để mộng mơ.

Sóng vỗ bờ đê, lòng rộng mở,

Rừng reo bản nhạc, ý mong chờ.

Tình đâu bỏ đó chừng vương nợ,

Có phải tâm hồn đã quyện tơ?

 

Bài họa của PhanThị Diệu:

DỆT ĐƯỜNG TƠ (NĐT, BVĐÂ)

Con thuyền vững lái nặng tình thơ

Mỗi khách hành du dạ chẳng ngờ

Gửi lại thời gian từng nỗi nhớ

Mang vào ý tưởng vạn lần mơ

Câu hò điệu ví niềm vui mở

Bản nhạc lời ca cố hữu chờ

Nghĩa cử ân nồng nhân tín nợ

Gieo vần trải tứ dệt đường tơ.

 

XƯỚNG HỌA THƠ “MỸ LỤC THANH”

Khi bài xướng là Mỹ lục thanh (MLT), thì bài họa cũng phải MLT. Ta hãy xem ví dụ sau:

Bài xướng:

CHỐNG DỊCH (MLT)

Chống dịch cùng nhau tỏa mỗi miền

Sá gì mệt mỏi, giữ bình yên

Giáo sinh, bảo vệ soi từng ngõ

Cảnh sát, dân phòng chặn những hiên

Hiểm họa lan tràn, đâu nói hãi

Khó khăn gặp mãi, chẳng than phiền

Luật Đường góp nghĩa, càng thêm dẻo

Chiến sĩ hành trang tỏa mọi miền.

ĐNH

Bài tự họa:

GẶP GỠ LÀM CHI (MLT. Họa tá vận)

Quản chi gặp gỡ biết bao miền

Đã hẹn đành theo, chỉ muốn yên

Lũ bạn chê cười đang trước cửa

Mọi người trách cãi ở ngoài hiên

Những năm chẳng biết nên toàn ngại

Mấy bữa từng quên quả thật phiền

Lại khó tìm ra đường chỉ dẫn

Để đi đến mãi tận bao miền.

ĐNH

XƯỚNG HỌA THƠ “LỤC BÁT TÁM CÂU”

Khi bài xướng là thơ Biến thể luật Đường “Lục bát tám câu” (LBTC), thì bài họa cũng phải là thơ Biến thể LBTC với đủ 12 vần (8 vần chân và 4 vần lưng). Và cũng không được mắc lỗi nhại từ áp vận của 12 vần đó. Xem các ví dụ sau:

VÍ dụ 1:

Bài xướng của ĐNH:

VỀ SƠN HÒA (LBTC)

Quê hương vời vợi xa xăm

Mỗi kỳ vài bận về thăm Sơn Hòa

Bàu quẫy cá – Đường ngợp hoa

Xóm thôn rộn rã – Cửa nhà khang trang

Sông vương vấn – Núi mơ màng

Nhớ anh bươn chải – Ngóng chàng bôn ba

Lòng thành mong đợi xã ta

Xứng tầm văn hiến tặng quà người thân.

 

Bài họa của Đỗ Thị Chuyền:

THĂM QUÊ (LBTC)

Xuống xe rảo bước xăm xăm

Mấy mùa nhung nhớ ghé thăm Yên Hòa

Thu nhạt nắng, cúc rộ hoa

Người xe hối hả, đường nhà chỉnh trang

    Dâu biêng biếc, lụa mỡ màng 

Có cô sắc sảo cùng chàng tài ba            

Trên đà đổi mới quê ta

Bức tranh đa sắc trao quà tình thân.

 

Ví dụ 2:

Bài xướng của Phan Thị Diệu:

THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG (LBTC)

Thời gian ơi có ngược về

Cho ta sống lại trường quê thuở nào

Nghe bài giảng – Nhớ câu chào

Thầy ươm kiến thức – Bạn trao nụ cười

Lời cô ấm – Nắng mai ngời

Bao lần mong mỏi – Một thời ước ao

Vầng trăng cổ tích năm nao

Ngôi nhà chung ấy ngọt ngào tình thân.

 

Bài họa của ĐNH:

THUYỀN NHỚ BẾN (LBTC)

Bến ơi, hãy đợi thuyền về!

Rưng rưng nhớ cảnh rời quê buổi nào

Đi gió đón – Đến sông chào

Người đưa câu hỏi – Kẻ trao tiếng cười

    Luồng nước biếc – Ánh mắt ngời

Từ nay cưỡi sóng – Đâu thời lội ao

Ngóng cố hương, dạ nao nao

Ai từng dứt áo nghẹn ngào dấn thân.

 

XƯỚNG HỌA THƠ “SONG THẤT LỤC BÁT TÁM CÂU”

Khi bài xướng là thơ Biến thể luật Đường “Song thất lục bát tám câu” (STLBTC), thì bài họa cũng phải là thơ Biến thể STLBTC với đủ 13 hoặc 14 vần. Mặt khác, cũng không được mắc lỗi nhại từ áp vận của 13 hoặc 14 vần đó. Xem ví dụ dưới đây:

Bài xướng:

NHỚ QUÊ (STLBTC)

Quê ta đó con bàu xanh ngắt,

Nước dòng La bát ngát, đầy vơi.

Nhớ sông một – Ngóng ai mười,

Lưng ong uyển chuyển – Nụ cười ngất ngây.

Qua năm tháng ơn thầyhạn

Trải sớm chiều kết bạn bao nơi

Tha hương mấy chục năm trời,

Bạc đầu nhớ lại cả thời xa xưa.

ĐNH

 

Bài tự họa:

ĐÂU DÁM COI THƯỜNG (STLBTC. Họa tá vận)

Ho sặc sụa, làu bàu, tái ngắt

Sắc lá vườn ngan ngát, nào vơi 

Cơm ăn một – Nước uống mười

Nén run lẩy bẩy – Gượng cười đờ ngây

Lo sớm tối thuốc thầy đúng hạn

Nhắn đêm ngày bè bạn khắp nơi

Đến nay chỉ biết kêu trời

Mong sao khỏe lại như thời ngày xưa.

ĐNH

Một bài STLBTC có 8 Vần chân và 6 Vần lưng. Nhưng nếu coi câu đầu của bài STLBTC chỉ tính đến Vần chân, không tính Vần lưng, thì toàn bài có 5 Vần lưng. (Cụ thể, trong ví dụ trên, có thể không cần đưa vần “bàu” của câu thứ nhất vào bài họa, nhưng nếu họa cả vần này, thì có lẽ càng thú vị).

Đinh Nho Hồng