CÁO TẬT THỊ CHÚNG CỦA ĐẠI SỰ MÃN GIÁC
ĐẠI SƯ MÃN GIÁC
(1052 – 1096)
Đại sư Mãn Giác tên huý là Trường, người họ Lý sau đổi sang Nguyễn, quê làng Lũng Điền, huyện An Cách. Thân phụ là Lý Hoài Tố làm quan đến chức Trung thư viên ngoại lang, đi sứ nhà Tống năm 1073. Đại sư vốn tinh thông Nho học, Phật học, được vua Lý Nhân Tông ban hiệu là Hoài Tín. Sau khi xuất gia được thiền sư Quảng Trí truyền tâm ấn. Sau về trụ trì chùa Cửu Liên Giác Nguyên, xây gần cung vua và được vua Lý phong cho làm Hoài Tín đại sư đứng đầu Giác Nguyên thiền viện. Sau vua lại xuống chiếu phong cho chức Nhập nội đạo tràng Tử y đại sa môn, được dự bàn chính sự. Ông thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (năm Bính Tý – 1096) đời vua Lý Nhân Tông, sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rồi ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Bài kệ thị tịch đó chính là bài Cáo tật thị chúng (sau còn gọi là Nhất chi mai)
Cáo tật thị chúng trở thành một tác phẩm thi kệ nổi tiếng của văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học Phật giáo ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương.
CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Nguyên tác:
告疾示衆 (一枝梅)
春 去 百 花 落
春 到 百 花 開
事 逐 眼 前 過
老 從 頭 上 來
莫 謂 春 殘 花 落 盡
庭 前 昨 夜 一 枝 梅
滿覺
Phiên âm:
Cáo Tật Thị Chúng (Nhất chi mai)
Mãn Giác
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân lai bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch thơ:
Có bệnh bảo mọi người (Một nhành mai)
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
- Xuân tàn trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Sự đời qua trước mắt,
Tuổi già trên đầu rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.
- Xuân đi hoa rụng tơi bời
Xuân về hoa lại mỉm cười với nhau
Dòng đời qua trước mắt mau
Trên đầu tóc đã điểm màu thời gian
Chớ tin xuân hết hoa tàn
Đêm qua một nhánh mai vàng trước sân.
Một cành mai
Ngọc Châu
Dịch 2013
Xuân đi trăm hoa rã
Xuân về ngàn hoa cười
Đời trôi qua mắt người
Tóc đen thành trắng xóa
Chớ tin xuân hết hoa tàn nhá
Đêm qua sân trước nở nhành mai.