CAO BÁ QUÁT – NHÀ THƠ NỔI DANH, CUỘC ĐỜI LẬN ĐẬN, BI THƯ ƠNG . Bài viét của Hồ Trí Dũng ƠNG. Baif vieets cuar Hoof Tris Dungx
Cao Bá Quát (1809-1855) biểu tự Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên quê ở Phú Thị – Gia Lâm, Hà Nội là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông còn là nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở vùng Ứng hòa – Thanh Oai, Sơn Tây.
Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khổ nhưng nổi tiếng là thông minh chăm chỉ. Năm 14 tuổi (1823) ông trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng ông thi Hương đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội nhưng đến khi duyệt quyển thì bị Lễ kiến cớ xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Trỉ nhân. Sau đó trong 9 năm, cứ ba năm một lần ông vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng lần nào cũng bị đánh hỏng. Năm 32 tuổi (1841) ông được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử và được triều đình triệu vào Huế để nhận một chức tập sự ở bộ Lễ. Tháng 9 năm đó ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Khi chấm, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy nên ông đã chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam, bị tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Khi án đưa lên vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu tức được giam lại chờ lệnh. Sau 3 năm bị giam cầm khổ sở, ông được triều đình tạm tha nhưng phải đi xuất dương hiệu lực (để lấy công chuộc tội) trong phái bộ do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn. Phái đoàn ông đi các nước Inđônêxia và Campuchia với mục đích chính là đưa đường bán cho nước ngoài để mua về những thứ hàng xa xỉ cho triều đình. Tháng 8 năm 1844 ông được gọi về bộ Lễ. Không lâu sau ông lại bị thải hồi về quê. Ông mở lớp dạy học nhưng luôn sống trong cảnh nghèo và bệnh tật. Năm 1847 ông lại nhận được lệnh triệu vào kinh làm ở Viện Hàn Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Thời gian này ông kết thân với các văn nhân như Nguyễn Hàn Ninh, Đinh Nhật Thân, Nguyễn Công Trí, Nguyễn Văn Siêu, Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương. Ông cũng đã gia nhập Mạc Vân thi xã do hai hoàng thân Nguyễn Phúc Niên Chẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh sáng lập và nhiều lần được vua Tự Đức gọi vào chầu. Trong một lần ngự triều, Tự Đức đọc cho các triều thần nghe hai câu thơ mà nhà vua nói là nghĩ ra trong giấc mơ đêm trước:
Viên trung oanh chuyển “khề khà” ngữ
Dã ngoại đào hoa “lấm tấm” khai
Các quan đều tấm tắc ca ngợi hai câu thơ vừa hay vừa độc đáo vì chưa bao giờ thấy lối thơ nào vừa Hán lại vừa Nôm như thế. Chỉ riêng Cao Bá Quát thân nhiên tâu rằng ngay từ nhỏ đã biết đến hai câu thơ ấy trong cả bài thơ 8 câu. Vua Tự Đức rất tức giận liền đòi Quát đọc cả bài thơ, nếu không đọc được sẽ trị tội thật nặng. Ngẫm nghĩ một lát, Cao Bá Quát liền đọc:
Báo mã tây phong “huếch hoác” lai
“Huênh hoang” nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển “khề khà” ngữ
Dã ngoại đào hoa “lấm tấm” khai
Xuân nhật bất vân sương “lộp bộp”
Chu thiên chỉ hiến vũ “bài nhài”
“Khù thờ” thi tứ đa nhân thức
“Khệnh khạng” tương lai vấn tú tài.
Dịch nghĩa:
Ngựa báu từ gió tây “huếch hoác” đến
Người “huênh hoang” tự nguyện theo về
Trong vườn oanh cất tiếng hót “khề khà”
Ngoài đường hoa nở “lấm tấm”
Ngày xuân không nghe tiếng sương rơi “lộp bộp”
Tiết thu chỉ thấy mưa rơi “lài nhài”
Câu thơ “khù khờ” đã nhiều người biết
Lại còn “khệnh khạng” đem ra hỏi tú tài.
Cả đình thần ngơ ngác bàng hoàng, còn Tự Đức biết là Cao Bá Quát là người có tài ứng tác “xuất khẩu thành thơ” nên đã ban thưởng chè và quế cho ông đồng thời bắt ông phải tự nhận là đã bịa ra 6 câu ngoài hai câu của Tự Đức.
Do vua Tự Đức không ưa gì ông lại không được lòng một số quan lại tại triều đình nên năm 1851 Cao Bá Quát phải rời kinh đô Huế đi làm Giáo thụ ở Phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Một lần nữa ông lại trở về quê để cùng khổ với dân, để suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình, để thêm quyết tâm đánh đổ nó. Giữa năm 1853 lấy cớ về nuôi mẹ già, ông xin thôi dạy học. Gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn nặng, lại có nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân hết sức khó khăn. Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân nên cuối năm 1854 Cao Bá Quát tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương – Sơn Tây do Lê Duy Trị làm “minh chủ”. Đang trong quá trình chuẩn bị thì việc bại lộ. Trước cục diện này Cao Bá Quát đành phải phát lệnh tiến công. Buổi đầu cuộc khởi nghĩa đã giành được một số thắng lợi ở Ứng Hòa, Thanh Oai. Sau đó quân triều đình tập trung đông đảo và tổ chức phản công thì nghĩa quân liên tiếp bị nhiều thất bại. Đầu năm 1855, sau khi bổ sung lực lượng chủ yếu là người Mường và người Thái ở vùng núi Mỹ Lương, Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc chiến đấu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn thì Cao Bá Quát bị tên đội là Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Các thủ lĩnh và nghĩa quân hầu hết bị bắn và bị bắt, quân triều đình đã dẹp được nghĩa quân. Nghe tin đó, vua Tự Đức lệnh ban thưởng cho quân lính và sai chặt đầu Cao Bá Quát đưa ra bêu rếu khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi cho vào cối giã nát vứt xuống sông.
Con đường quan lại của Cao Bá Quát đầy chông gai trắc trở và cuối cùng chết trận một cách bị thương, gia đình còn bị “tru di” thảm khốc. Thế nhưng sự nghiệp văn thơ của ông lại hết sức đồ sộ, phong phú. Chưa kể những bài bị thất lạc, cấm đoán hoặc bị thủ tiêu sau vụ án “tru di” ở quê nhà, đến nay di sản thơ văn của ông còn lại khoảng trên dưới 1.400 bài chủ yếu là thơ văn bằng chữ Hán.
HTD