Cảnh hạc vàng bay trong thơ Nguyễn Du – Tiến sĩ HoaÌ An

 

                     Cảnh hạc vàng bay trong thơ Nguyễn Du

                                                         TS Nguyễn Thị Hoài An

Tóm tắt tham luận:

Bài viết này nghiên cứu về hai bài thơ của Nguyễn Du: Hoàng Hạc lâuHán Dương vãn thiếu đặt trong sự đối sánh với Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Hai bài thơ Nguyễn Du về cơ bản cùng đề tài và lặp lại cấu trúc bài thơ của Thôi Hiệu. Mô thức trữ tình đi từ huyền thoại đến thực tại, đi từ quá khứ đến hiện tại, đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh trong các quan hệ đối ứng quen thuộc trong thơ Đường: mất – còn, quá khứ – hiện tại, tình – cảnh… để thể hiện cùng một tâm tư: nỗi trầm tư khi đứng trước sự mênh mông của không, thời gian. Nguyễn Du cũng công khai thể hiện ý thức tiếp nối và đối thoại với Thôi Hiệu khi tái sử dụng các hình ảnh, từ ngữ, ý thơ của tiền nhân. Tuy nhiên, Nguyễn Du là thi nhân của một thời đại khác, một đất nước khác. Không chỉ bày tỏ niềm xúc động trước mỹ cảnh, đến với lầu Hoàng Hạc, Nguyễn Du còn thể hiện sự trân trọng, đặc biệt là sự hoài tiếc cho tài năng đã đi vào thiên cổ, sâu xa hơn là suy nghiệm trên một phận người tài hoa mà ông trân trọng. Nỗi sầu của thi nhân đời Đường được cộng hưởng cảm hứng nhân văn đau đáu về những giá trị người. Điều này đã khiến hai bài thơ chuyển mạch, trung tâm dịch chuyển từ chuyện thần tiên và mĩ cảnh sang chuyện con người, dẫn đến nhiều “tiểu dị” ngay trong cấu trúc và biểu đạt. Như vậy, chỉ qua hai bài thơ, chúng ta cũng có thể hình dung được tầm vóc tri thức uyên bác, ý thức tiếp nối những giá trị của tiền nhân, đồng thời thấy được khả năng tiếp biến và sáng tạo của Nguyễn Du, điều đã giúp ông trở thành một đại thi hào dân tộc.

Hoàng hạc lâu trước hết được nói đến với tư cách là một danh thắng, tức bài viết nói đến đề tài viết về lầu Hoàng Hạc trong thơ Nguyễn Du. Giới hạn nghiên cứu của bài viết này là hai bài thơ nổi tiếng: Hoàng Hạc lâuHán Dương vãn thiếu của thi nhân. Hoàng Hạc lâu ở đây còn là tên một bài thơ nổi danh của Thôi Hiệu. Bài thơ này từng được xưng tụng với giai thoại Lý Bạch đến thăm lầu Hoàng Hạc, dù cao hứng muốn làm thơ nhưng đành gác bút: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hạo đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh nói không được/ Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu). Đây cũng là bài thơ được Nghiêm Vũ, nhà thi học nổi tiếng đời Tống đánh giá là “Đường nhân thất luật đệ nhất” (bài thơ thất luật thi số một ở đời Đường). Điều đó có nghĩa là, đối tượng của bài viết còn hướng đến tìm kiếm những dấu ấn của bài thơ Thôi Hiệu trong thơ Nguyễn Du, hay, từ phía khác là những sáng tạo của Nguyễn Du so với “cổ mẫu” của tiền nhân.

Trước hết, tại sao lại là Hoàng Hạc lâu?

Lầu Hoàng Hạc soi bóng Trường Giang ở phía tây thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, vốn được coi là “tam đại danh lâu” của miền Nam Trung Quốc. Lầu Hoàng Hạc cũng như một số lầu gác, đài tạ khác trở thành điểm hẹn, nơi tao phùng hội ngộ của thi nhân, nơi thể hiện tài năng thơ ca của họ. Lý Bạch sau khi không đề vịnh thơ tại lầu Hoàng Hạc, du ngoạn xuống Kim Lăng (thành phố Nam Kinh ngày nay), đến đài Phượng Hoàng, ông đã mô phỏng Thôi Hiệu để trước tác bài thơ nổi tiếng Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài. Gắn với địa danh này, ông còn có bài thơ nổi tiếng khác: Tại Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng. Lầu Hoàng Hạc chắc hẳn đã vang danh tới nền thi ca Việt Nam vốn xem thơ Đường là mẫu mực. Đăng lâu vịnh cảnh đã trở thành ứng xử văn hóa và thể hiện tài năng văn chương của văn nhân Trung Quốc. Sự giao lưu văn hóa – văn học từ rất sớm giữa hai nước Hoa – Việt, cũng tự nhiên hình thành phương thức ứng xử văn hóa và mô thức tư duy như vậy ở các thi nhân Việt Nam. Lầu Hoàng Hạc, do đó không chỉ trở thành di chỉ ghi khắc dấu tích về văn hóa và thi văn của văn nhân Trung Quốc, mà còn lưu lại rất nhiều thi ca của sứ thần – thi nhân Việt Nam khi đi sứ cũng là điều dễ hiểu.

Nhìn sâu hơn từ phương diện đề tài, quy luật của văn học trung đại là tập cổ, là sáng tạo trên những thi đề, thi liệu có sẵn. Có thể quan sát điều này ngay ở nhan đề các bài thơ thời Đường. Xuân oán có thơ Vương Chi Hoán và Lưu Phương Bình, Cô nhạn có sáng tác của Đỗ Phủ và Thôi Đồ, Nguyệt dạ là các bài thơ nức danh của Đỗ Phủ và Lưu Phương Bình… Bản thân Nguyễn Du cũng có nhiều bài thơ như Tương Giang dạ bạc, Sơn Đường dạ bạc gợi liên tưởng đến bài thơ nổi tiếng của Trương Kế Phong kiều dạ bạc. Nhiều bài thơ trùng lặp tên với các bài thơ Đường như U cư (Vi Ứng Vật), Hoàng Hà (La Ẩn), Vọng phu thạch (Vương Kiến), Đăng nhạc dương lâu (Đỗ Phủ). Điều này cho thấy việc sử dụng lại đề tài của tiền nhân là một hiện tượng phổ biến của văn học trung đại Trung Hoa lẫn Việt Nam. Bị quy định bởi quy luật tập cổ, thi nhân các đời, dường như là trong vô thức, đã trước tác nên những thi phẩm nhìn chung là “đại đồng tiểu dị” và đều hướng về cái kiểu mẫu mà họ nhất trí tôn sùng là “đệ nhất”. Trong một trường thẩm mỹ thống nhất hướng về quá khứ, về cái được coi là mẫu mực, điển phạm, rất nhiều những “sự điển” và “ngữ điển” thường được thi nhân sử dụng làm chất liệu khi trước tác.

Các nhà thi học đời Đường và các đời sau đó, đều nhất trí xác lập địa vị “Hoàng Hạc lâu chủ soái” cho Thôi Hiệu và vị trí “đệ nhất” cho tuyệt tác Hoàng Hạc lâu của ông. Có lẽ vì vậy, Hoàng Hạc lâu trở thành một kinh điển của văn chương. Theo thống kê của nhiều tác giả, đã có nhiều sứ thần thời phong kiến đi sứ sang Trung Hoa có thơ về lầu Hoàng Hạc như Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thời Vị, Phan Thanh Giản… Bài thơ Hoàng Hạc lâu và bài Hán Dương vãn thiếu của Nguyễn Du cũng không nằm ngoài qui luật đó của thời đại.

Mô thức trữ tình, cấu trúc của cả hai bài thơ Nguyễn Du đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bài thơ của Thôi Hiệu. Có thể thấy rõ điều này ở Hoàng Hạc lâu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

 

Hà xứ thần thiên kinh kỷ thì

Do lưu tiên thích thử giang mi

Chất liệu huyền thoại trong sự đối lập mất – còn, hư – thực
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng

Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi

Chất liệu lịch sử trong sự đối lập quá khứ – hiện tại
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu

Nhãn trung thảo thụ thượng y y

Chất liệu thiên nhiên với bút pháp tả cảnh
Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Trung tình vô hạn bằng thùy tố

Minh Nguyệt thanh phong dã bất tri

Trữ tình trong quan hệ ngoại cảnh – tâm cảnh

            Về cơ bản, cấu trúc của bài thơ Nguyễn Du đã lặp lại toàn bộ cấu trúc bài thơ của Thôi Hiệu. Mô thức trữ tình bài thơ đi từ huyền thoại đến thực tại, đi từ quá khứ đến hiện tại, đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh trong các quan hệ đối ứng quen thuộc trong thơ Đường: mất – còn, quá khứ – hiện tại, tình – cảnh… Hai nhà thơ ở hai thời đại nhưng vẫn chung một cái nhìn, một tâm tư: đối diện với lầu không, hạc vắng, gió thổi, mây bay để thấy thế giới này là một quá trình“thành, trụ, hoại, diệt”, vạn vật sinh sinh hóa hóa, biến đổi không dừng, từ đó ngậm ngùi cho sự ngắn ngủi và mỏng manh của kiếp nhân sinh.

Cũng tương tự như vậy, ở bài Hán Dương vãn thiếu, bốn câu đầu lặp lại cách sử dụng chất liệu huyền thoại, chất liệu lịch sử cùng một kiểu quan hệ đối lập của Thôi Hiệu:

Bá Vương trần tích thuộc du du

Hán Thủy thao thao trú dạ lưu

Quy hạc lưỡng sơn tương đối ngạn

Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu

(Vua xưa dấu cũ đã xa rồi

Triền miên sông Hán ngày đêm trôi

Hai bờ núi Rùa, núi Hạc đối nhau

Thần tiên đi rồi chỉ còn trơ lại lầu không)

Nguyễn Du đã sử dụng thi liệu từ bài thơ “kiểu mẫu”, tái tạo lại cảnh vật trước lầu Hoàng Hạc qua xác nhận của thị giác và suy tưởng để cảm nhận về sự chốc lát, tạm thời của nhân sinh trong hai tuyến hình ảnh đối nghịch: Bá Vương chỉ còn là tích cũ, thần tiên đã đi xa rồi, đã chẳng còn dấu vết đối lập với cái miên man của sông Hán chảy ngày đêm, lầu không trơ lại. Đem bóng dáng của con người đối lập với sông Hán cùng với yên ba, thảo thụ ở các câu sau- những thứ biểu trưng cho sự vĩnh hằng của giới tự nhiên để khẳng định tính chất siêu việt thời gian làm cho bài thơ có chiều sâu triết lí, suy nghiệm về sự hữu hạn con người giữa dòng chảy thời gian.

Không chỉ mô phỏng cái khung của “kiểu mẫu”, Nguyễn Du còn công khai thể hiện ý thức tiếp nối và đối thoại với bài thơ của Thôi Hiệu. Ông đã đặt người và thơ của cổ nhân vào chỗ trang trọng nhất của bài thơ, đó là hai liên giữa bài thơ Hoàng hạc lâu:

Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,

Hạc khứ lầu không Thôi Hạo thi.

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,

Nhãn trung thảo thụ thượng y y.

(Cuộc đời xưa nay đều như giấc mộng chàng Lư,

Còn lại lời thơ “hạc bay, lầu trống” của Thôi Hiệu

Ngoài hiên khói sóng mênh mang thế

Trước mắt hàng cây phảng phất như)

Thôi Hiệu thi được nhắc đến trong tương quan với kim lai cổ vãng như một chứng tích vượt lên mọi thăng trầm lịch sử, mọi tàn phá của thời gian, thể hiện công khai tâm thế ngưỡng vọng tiền nhân. Hạc bay, lầu trống là đối lập giữa mất – còn, quá khứ – hiện tại, thực – hư. Nhưng cả hạc khứlâu không hay yên baphương thảo khi đặt cạnh Thôi Hiệu thi đều chung một nét nghĩa chỉ vô thường, biến đổi. Đoạn thơ đã gợi ra cái nhìn trong ba chiều thời gian: Quá khứ xa xưa nay đã mất bóng bị đẩy lùi thành miền viễn du không trở lại với truyền thuyết về hạc vàng – Thôi Hiệu như một chứng tích của quá khứ vừa đi qua – khói sóng đang bay và cỏ cây vẫn xanh ngời là hình ảnh của hiện tại. Trong cái nhìn của Nguyễn Du, với trục qui chiếu thời gian sau hàng trăm năm, Thôi Hiệu cũng trở thành một đối tượng để suy ngẫm trong cái vô cùng của thời gian. Như vậy, dù điểm đặt thời gian là khác nhau, cảm nhận về cái hư ảo, vô thường của cuộc đời là giống nhau của hai nhà thơ, hai thời đại, hai nền văn học.

Trong Hán Dương vãn thiếu, nhà thơ cũng một lần nữa nhắc đến thơ Thôi Hiệu như một sự đồng cảm và đối thoại:

                                    Thi thành thảo thụ giai thiên cổ

                                    Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu

                                 (Cây cỏ được truyền ngàn năm nhờ có thơ

                                    Chiều tối, nhớ quê cùng một nỗi sầu)

Vần thơ đã đưa cây cỏ vào bất tử ngàn năm chính là Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu. Vậy là Nguyên Du đã song trùng hai chiều thời gian vào một hình ảnh thơ. Đây vừa là cây cỏ của hiện tại, vừa là cây cỏ ngàn năm trước nhờ thơ Thôi Hiệu mà nổi danh. Không gian và thời gian được lặp lại: nhật mộ hương quan. Tâm trạng của thi nhân cùng hướng đến một nỗi niềm thương nhớ quê hương. Cả hai bài thơ đều đọng lại cùng một nỗi sầu.

Như vậy, cái khung trữ tình thể hiện ở sự đối lập giữa cảm nhận về thế giới của con người qua cảm hứng về thế sự với triết lý về sự vĩnh hằng của thế giới tự nhiên từ Thôi Hiệu đến Nguyễn Du vẫn không thay đổi. Có thể mở rộng so sánh bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu với bài thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài của Lý Bạch để thấy kể cả Lý Bạch cũng cùng chung mô thức trữ tình ấy:

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,

Phượng khứ đài không giang tự lưu.

Chất liệu huyền thoại
Ngô cung hoa thảo mai u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khâu.

Chất liệu lịch sử
Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

Nhất thủy trung phân Bạch Lộ châu.

Chất liệu thiên nhiên
Tổng vị phù vân năng tế nhật,

Tràng An bất kiến sử nhân sầu.

Chất liệu nội tâm

 

Việc Lý Bạch, người được coi là thi bá văn đàn Thịnh Đường, người trước tác không ít bài ca tụng tài năng, phẩm đức của cổ nhân, nhưng không phải nhiều lần lắm ca ngợi tài thơ của thi hữu cùng thời, vậy mà buộc phải đề thơ bái phục tài năng, rồi sáng tác thơ mang âm hưởng của danh tác Hoàng hạc lâu, cùng với việc hầu hết thi nhân các đời vịnh thơ về lầu Hoàng Hạc đều tôn xưng và sử dụng thi liệu thơ Thôi Hiệu, trong đó có thơ Nguyễn Du, cho chúng ta thấy, đây thực sự là một hiện tượng và hiện tượng này không phải là cá biệt, mà là phổ quát, mang tính quy luật trong sáng tác văn chương và văn hóa trung đại.

Tuy nhiên, là một hậu bối, lại là một nhà thơ tài năng, Nguyễn Du đã có những sáng tạo riêng trên cổ mẫu để thể hiện những tâm tư riêng. Đến với Hoàng Hạc lâu, một mặt Nguyễn Du có cơ hội đứng trước một mĩ cảnh nổi danh, chứng nghiệm những truyền thuyết xưa cổ chỉ mới được biết qua sách vở, chia sẻ với những thi nhân thời trước cảm xúc khi đứng trước dòng chảy của thời gian và không gian để chiêm nghiệm sự hữu hạn của kiếp người. Đó là sự nối tiếp vào nguồn mạch thi hứng của các bậc tiền nhân. Mặt khác, xa cách cả về thời gian lẫn không gian, Nguyễn Du là thi nhân của một thời đại khác với Thôi Hiệu, lại là thi nhân của một đất nước phương nam xa xôi với những dấu ấn văn hóa lịch sử riêng. Cho nên bài thơ vẫn mang những tâm tư khác. Không chỉ bày tỏ niềm xúc động trước mỹ cảnh, đến với lầu Hoàng Hạc, Nguyễn Du còn suy tư về tiền nhân. Câu thơ “Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thiđã tạo ra một tương quan đặc biệt: lấy cái hữu biến để khẳng định cái bất biến. Tất cả đều tiêu tan cùng dòng sông thời gian, hạc đã bay, lầu trơ lại, song thơ Thôi Hiệu thì tồn tại vĩnh hằng. Nguyễn Du đã coi bài thơ là một giá trị bất biến góp phần bất tử hóa lầu Hoàng Hạc. Cũng vậy khi nhà thơ khẳng định chính thơ Thôi Hiệu đã giúp khung cảnh này tạc vào vĩnh hằng, từ ngọn cỏ, cái cây: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ”. Đó là sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du với thi hào, cũng tương tự như niềm kính trọng mà Lý Bạch năm nào đã dành cho Thôi Hiệu. Song sự trân trọng này từ một hậu bối nghìn năm sau cũng có nét đặc biệt bởi nó còn gắn với sự hoài tiếc cho tài năng đã đi vào thiên cổ, sâu xa hơn là suy nghiệm trên một phận người tài hoa. Điều này dẫn đến sự thay đổi từ cảm hứng đến cấu trúc bề sâu bài thơ của Nguyễn. Thôi Hiệu nghiêng về suy niệm chung trước dòng thời gian vô cùng của tạo hóa. Còn với Nguyễn Du, sự suy tư về thơ của Thôi Hiệu, đằng sau đó là câu chuyện về một con người ông thấu hiểu, trân trọng đã khiến bài thơ chuyển mạch, lấy trung tâm là chuyện con người, từ người tiên đến người trần, từ người trần trong truyện kể đến nhà thơ tài danh một thủa.

Sự thay đổi này dẫn đến “tiểu dị” ngay trong cấu trúc bài thơ. Cả bốn câu đầu của Thôi Hiệu đều nói về chuyện thần tiên. Ở cặp câu thứ hai, dù đều là cái nhìn dài vào chiều thời gian nhưng nếu Thôi Hiệu không thôi nghĩ về cánh hạc vàng: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” thì Nguyễn Du đã chuyển mối quan tâm sang con người. Nhà thơ cũng không nhìn vào chiều sâu không đáy của thời gian như Thôi Hiệu mà cái nhìn dừng lại ở thời điểm của “Thôi Hiệu thi”, lấy đây là điểm đặt để suy nghiệm về con người. Cho nên bức tranh tả thực trong thơ Thôi Hiệu cũng bị dịch chuyển sang một ý nghĩa khác trong thơ Nguyễn Du:

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu

Nhãn trung thảo thụ thượng y y    

(Ngoài lan can khói sóng còn mênh mang

Trước mắt cỏ cây vẫn như xưa)

Từ “y y” (như xưa/ như cũ) đã kéo thời gian của bài thơ về gần với “Thôi Hiệu thi”. Vậy Thôi Hiệu vắng mặt nhưng thơ vẫn còn đây, cỏ cây khi ấy vẫn còn. Nó đã dẫn bài thơ của Nguyễn Du đến một hướng rẽ khác. Thôi Hiệu lấy quê hương làm điểm tựa khi đối diện với “nhật mộ độ cùng”. Bài thơ kết lại bằng nỗi sầu nhớ quê hương. Còn bài thơ của Nguyễn Du, dẫu cũng là mối “sầu” “vô hạn”, nhưng là một sầu khác. Đó không chỉ là mối sầu hương quan mà còn là “trung tình vô hạn”, tức là một mối tình chan chứa. Đặt vào bài thơ, chắc hẳn nỗi sầu cho kiếp người nói chung, bao gồm nỗi sầu li hương, lại được cộng hưởng với nỗi sầu thương cho Thôi Hiệu, cho những kiếp tài nhân. Mặt khác, nếu như nhà thơ đời Đường đã vũ trụ hóa nỗi sầu của mình bằng cách đem lồng khối sầu ấy vào cảnh tượng “yên ba giang thượng”, nước trời nhất thể, thì Nguyễn Du ngược lại, ông đã không thể đem nỗi niềm ấy “bằng thùy tố” – tức không biết chia sẻ cùng ai, kể cả là người bạn muôn đời của thi nhân xưa nay- thiên nhiên. “Minh nguyệt thanh phong” cũng không thể hiểu được nỗi lòng nhà thơ. Nỗi sầu của Nguyễn Du là nỗi cô đơn thăm thẳm. Ông cô đơn hơn cả cổ nhân. Nếu như ở lầu Nhạc Dương, Nguyễn Du chia sẻ nỗi “dư ai” nhớ về cố hương với Đỗ Phủ, thì ở lầu Hoàng Hạc, ông như “tự cư” với nỗi “sầu” mênh mang như khói sóng trên sông.

Trong bài thơ Hán Dương vãn thiếu, cùng với việc mô phỏng hình thức bố cục của Hoàng Hạc lâu, Nguyễn Du đã có những sáng tạo đột xuất khi ông cải biến mô thức đã quá quen thuộc của bài thơ “kiểu mẫu”, thực hiện một kiểu đối ngẫu dị loại mới mẻ trong nội bộ từng liên qua cách thức sử dụng một cách tập trung thủ pháp đối sánh với sự hoán đổi liên tục các dạng thức chất liệu của lịch sử và tự nhiên. Ông xác lập một loạt các mối quan hệ đối lập – thống nhất theo từng cặp tương ứng với từng liên; trong đó, có sự đối lập giữa sự nghiệp của Tây Sở Bá Vương mà nay chỉ còn là dấu tích với dòng sông thời gian vô thủy vô chung đêm ngày cuồn cuộn chảy về đông cuốn theo biết bao số phận anh hùng; có sự đối lập giữa “Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn” muôn đời vẫn thế với một thời vàng son, một thời hưng thịnh được biểu trưng hóa bằng hình tượng “thần tiên nhất khứ” mà nay chỉ còn là “không lâu”, chỉ còn trong hồi ức, trong nỗi tiếc nuối vô hạn của những người có nỗi niềm “ưu quốc tư hương”; lại có sự đối lập giữa “thảo thụ giai thiên cổ” với nỗi “cộng nhất sầu” tha hương phiêu dạt của biết bao thế hệ thi nhân. Bài thơ cũng có sự hoán đổi. Nguyễn Du đã đưa liên thơ trữ tình trong thơ Thôi Hiệu đặt vào vị trí liên thơ tả cảnh:

                                    Thi thành thảo thụ giai thiên cổ,

Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu

                                 (Cây cỏ được truyền ngàn năm nhờ có thơ

                                    Chiều tối, nhớ quê cùng một nỗi sầu)

Bài thơ nhắc đến một thi nhân cùng thời với Thôi Hiệu:

Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ,

Bạch tần hồng liễu mãn thinh châu.

(Thấy như nghe tiếng sáo trong đêm vọng năm xưa,

Trắng rau tần đỏ rau liễu đầy bãi sông)

Ai là người “tưởng tượng” – đó chính là Nguyễn Du, còn ai là người “đương niên xuy địch dạ” – đó chính là Lý Bạch. Lý Bạch năm ấy (758) trên đường đi Dạ Lang, qua Giang Hạ (tức Vũ Hán nay), dừng chân bên lầu Hoàng Hạc, đang đêm bỗng nghe tiếng sáo trên lầu vọng xuống khúc nhạc Mai hoa lạc, khúc nhạc đầy kỉ niệm, khiến ông, người chiến binh già nua thất trận trên con đường công danh sự nghiệp, kẻ mang thân phận “thiên khách” đau đớn rơi lệ trong lòng. Tiếng sáo thổi từ cõi lòng nghìn năm trước nay hiện diện trong tâm tưởng Nguyễn Du, khiến ông như cảm nhận thấy “bạch tần hồng liễu” cũng tựa “mai hoa” thủa trước, rụng đầy cả bãi sông trong một nỗi đồng cảm vô bờ. Vậy là, bài thơ mở đầu bằng lời than về một số phận anh hùng (Bá vương), thể hiện những hoài niệm về Thôi Hiệu và kết thúc bằng nỗi xót xa tê tái cho Lý Bạch tài hoa mà lận đận. Hai liên giữa nặng trĩu một nỗi “cộng nhất sầu”. Có thể nói, cả bài thơ Hán Dương vãn thiếu là một khối sầu. Nó xuyên suốt cổ kim, quyện chặt và bám riết lấy con người. Nguyễn Du đã đồng nhất hóa nhiều số phận ở các thời đại khác nhau, xâu chuỗi tất cả lại bằng khối sầu ấy.

 Đặt Hán Dương vãn thiếu bên cạnh Hoàng hạc lâu, ta thấy cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du chính là nỗi đau cho những phận người, đặc biệt là những người tài hoa. Đây cũng là một cảm hứng lớn trong thơ Nguyễn Du nói chung và trong những bài thơ đi sứ nói riêng. Đi sứ là một cơ hội đến với những danh thắng, thăm thú nơi lưu dấu các văn nhân nổi danh. Nhưng với Nguyễn Du, cái nhìn của một nhà nhân đạo lớn đã thôi thúc ông có mối quan tâm khác. Người ta thường nhắc đến Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch… với sự ngưỡng mộ về tài năng. Nguyễn Du còn khắc khoải nhìn vào thân phận. Có thể thấy rõ điều này ở bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ:

                                    Cộng tiễn thi danh sư bách thế

                                     Độc bi dị vực ký cô phần  

(Người ta khen cái danh làm thầy thơ muôn đời của ông

Riêng tôi lại thương cho nấm mồ cô quạnh nơi đất khách)

Nguyễn Du nhìn Thúy Kiều khác Thanh Tâm tài nhân, nhìn Khất Nguyên khác Tống Ngọc và cũng nhìn Đỗ Thiếu Lăng “khác lòng người ta”. Trong cái nhìn của ông, Thôi Hiệu hay Đỗ Phủ, Khất Nguyên… là những người thiên cổ, đã chết về mặt sinh học. Nhưng Nguyễn Du đã phục sinh những cuộc đời này từ địa hạt lịch sử sang địa hạt nhân văn, từ cái đã là thành cái đương là, từ thân phận cá biệt thành bi kịch phổ quát. Không phải là triết gia, cũng không phải là nhà sử học, cái nhà thơ quan tâm hàng đầu là con người trần thế với những hạnh phúc và đau khổ của nó dưới áp lực phản nhân văn, với những bi kịch của cái đẹp, cái tài, cái tình dưới áp bức, tàn diệt của xã hội. Chính vì vậy, đứng trước lầu Hoàng Hạc, dù chia sẻ những tâm sự của Thôi Hiệu thủa trước, thơ Nguyễn Du vẫn khắc khoải nỗi niềm riêng. Nỗi sầu của thi nhân đời Đường được cộng hưởng cảm hứng nhân văn đau đáu về những giá trị người. Đó là điều làm nên giá trị cốt lõi, và nó cũng là điều khiến hai bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc của Nguyễn Du mang vẻ đẹp riêng so với bài Hoàng Hạc lâu nguyên tác.

Vậy là, chỉ qua hai bài thơ nhỏ trong sự đối sánh với mẫu gốc, chúng ta cũng có thể hình dung được tầm vóc tri thức uyên bác, ý thức tiếp nối những giá trị của tiền nhân, đồng thời thấy được khả năng tiếp biến và sáng tạo của Nguyễn Du trên các phương diện mô thức trữ tình, cấu trúc văn bản, sử dụng hình ảnh, thi liệu… Nhìn vào bề sâu, điều căn cốt làm nên sự khác biệt của thơ Nguyễn Du so với cổ mẫu của tiền nhân chính là tấm lòng luôn trăn trở cho phận người. Nỗi niềm ấy đặc biệt dành cho những kẻ tài hoa vừa như một sự tri âm, vừa như một sự chứng nghiệm sâu sắc cho phận người kim cổ, cũng chính là cho thân mệnh con người trong thời đại và chính bản thân ông. Chính điều này đã khiến thơ Nguyễn Du dù chữ Hán hay chữ Nôm đều khắc khoải tiếng thương, thương người và thương mình. Đó là điều làm nên sức ám ảnh của thơ ông dù nhiều bài được viết trên những ảnh hưởng của các thi nhân đời Đường.

                                                     

                                                               H.A      Vinh, tháng 9/2024.

                                                                             SDT :0915488366

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thước, Trương Chính, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965.
  2. Viện Văn học (nhiều người dịch), Thơ Đường, 2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 1968.
  3. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh biên soạn, Nguyễn Du, Tác gia và tác phẩm), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.