Cảm xúc Xuân Tết trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

 

Cảm xúc Xuân Tết trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

 

. Cũng như các nhà thơ cổ điển, mùa xuân đã trở thành đề tài khá phổ biến trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (1766-1820). Hết thảy những bài thơ xuân này đều nằm trong “Thanh Hiên thi tập” – là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du làm trong thời gian dài từ khi ông về Quỳnh Côi – Thái Bình sống nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn cho đến những năm đầu ra làm quan với nhà Nguyễn ở Bắc Hà.

 Thơ xuân của Nguyễn Du trước hết cho ta bức tranh mỹ lệ của thiên nhiên đất trời khi mùa xuân về (mặc dù bức tranh đó ông mới chỉ vẽ ra với những nét phác họa). Trước hết đó là trăng xuân.a

Xưa nay, trăng với thi nhân thường có duyên nợ. Trong bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu” Nguyễn Du mô tả cảnh một đêm rằm tháng giêng đẹp trời và vô cùng thanh vắng, bầu trời và mặt đất đầy trăng:

“Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên”

(Đêm nguyên tiêu sân trống không, trăng đầy trời)

Chỉ một chữ “mãn” (đầy) thi nhân đã cho ta thấy được cả sự tràn ngập, chan hòa của ánh trăng.

Nhưng trăng đêm nay cũng là trăng của hàng ngàn năm trước “vẫn y nguyên không đổi vẻ xinh đẹp cũ”. Và đêm nay trăng khêu gợi cảm hứng ở Nguyễn Du. Thi nhân hồn như bay bổng, ngây ngất, ông tự hỏi:

“Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc”

(Cái hứng xuân cả một trời rơi xuống nhà nào?)

Bức tranh xuân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du không chỉ có trăng xuân. Trong nhiều bài thơ khác viết về xuân Tết ông còn nói tới “xuân sắc” (sắc xuân), “xuân quang” (ánh xuân). Nhậy cảm với bước đi của thời gian, ông nói tới việc: “nhìn chim oanh dời đi trong sân vắng” mà biết thời tiết đã cuối xuân. Trong tiết thanh minh, ông cảm khái mà viết:

“Nhân tự bi thê thảo tự thanh”

(Người thì buồn rầu mà cỏ vẫn cứ xanh)

Cảnh xuân vẫn tràn trề sức sống bất chấp lòng người u hoài.

Nói đến cảnh xuân là phải nói tới hoa xuân. Trong thơ Nguyễn Du hay viết về hai loại hoa thường nở vào mùa xuân: hoa đào, hoa mai. Cảnh “Đào hoa, đào diệp lạc phân phân” (Hoa đào, lá đào rụng tơi bời) là cảnh trong bài thơ “U cư” (Ở ẩn). Hình như tâm hồn giàu trắc ẩn của Nguyễn Du thường hay nhạy cảm trước cảnh hoa tàn, lá rụng. Trong bài “Đối tửu” (Ngồi uống rượu), Nguyễn Du lại xúc cảm trước cảnh:

“Lạc hoa vô số hạ thương đài”

(Thấy vô số hoa rụng trên rêu xanh)

Nguyễn Du cũng hay nói tới hoa mai. ông gọi hoa mai là “hàn mai” (hoa mai lạnh). Một đêm xuân ở quán khách nhà thơ xúc cảm khi nhìn thấy dấu ấn của một mùa xuân mới ở cây mai trước sân nhà:

“Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân”

(Cây mai trong sân đã đổi sang một mùa xuân mới)

Và trớ trêu thay:

“Nhân sự tiêu điều xuân tự hảo”

(Người thì tiều tụy mà xuân cứ tươi đẹp)

3. Nhưng Nguyễn Du không chỉ là nhà thơ của phong cảnh. Nguyễn Du lớn vì trước hết ông là nhà thơ trữ tình lớn. Cảnh của ông là cảnh của tâm trạng. Qua bức tranh hiện thực ngoại cảnh của thơ ông, người ta thấy một “hiện thực” khác đó là hiện thực tâm hồn ông. Thơ Nguyễn Du buồn, thơ xuân của Nguyễn Du càng buồn. Thơ chữ Hán – tấm gương đa diện của cái tôi trữ tình giàu bản sắc của chính Nguyễn Du, cho ta cảm giác triền miên một buổi chiều thu, một buổi chiều rất dài và tê tái. Mùa xuân ấm áp nhưng lòng người lạnh nên thơ xuân của ông cũng buồn thảm, xót xa.

Lần theo những bài thơ xuân của Nguyễn Du, ta thấy một “hiện thực tâm hồn” của ông.

Tết nhất người ta đoàn tụ thì ông tha hương, bệnh tật. Trong bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu” viết về một đêm trăng tròn đầu tiên trong năm ông mô tả trăng đầy trời vẻ xinh đẹp nhưng lòng người nặng trĩu thương nhớ cố hương. Ở Quỳnh Châu xa muôn dặm ông hướng về non Hồng. Nơi đó không có nhà (vô gia) anh em tan tác (huynh đệ tán). Bất giác ông chạnh lòng thương thân:

“Cũng đồ lân nhữ dao tương kiến”

(Thương cho ngươi lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa)

Bài “Xuân nhật ngẫu hững” cũng nỗi niềm của kẻ tha hương và “lạnh” như thế. Những năm tháng sống long đong vất vả ở Quỳnh Hải – Thái Bình, Nguyễn Du phải chịu cảnh đói rét. Mùa xuân đến mà:

“Đã lâu sợ gió không mở cửa

Cứ quẩn quanh vì rét, nắng vẫn đuổi theo nhau

Chốn tha hương, người cùng năm cũ ly biệt”

Nói đến mùa xuân mà không nói đến lòng người phơi phới, không nói đến hoa cười, chim kêu mà chỉ nói đến biệt ly thì mới biết tâm trạng của thi nhân đau khổ thế nào.

Bài “Xuân dạ” cũng lại mở ra một cánh cửa tâm trạng như thế của Nguyễn Du. Đêm mùa xuân mở cửa chỉ thấy trời đất đen tối, nhà thơ tự hỏi: “ánh thiều quang ở đâu?”. Mùa xuân với ông là “Giọt lệ từng tuôn chảy dưới đèn của nhiều năm lữ thứ” (Ky lữ đa niên đăng hạ lệ), là “Nỗi lòng trên vầng trăng của kẻ nghìn dặm xa nhà” (Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm). Bài thơ viết ở Thái Bình giai đoạn ông tá túc ở nhà người anh vợ nhưng trong bài thơ lại nghe vang “một tiếng sóng lạnh” của sông Lam tít tận quê nhà, tiếng sóng “tiễn đưa kim cổ”. Thơ xuân mà buồn sâu thẳm như thế có lẽ chỉ thấy ở một thi nhân nữa là Đỗ Phủ – người mà Nguyễn Du tôn là “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư”.

Có một bài thơ xuân Nguyễn Du lấy cảm hứng từ cuối xuân đó là bài “Mạn hứng cuối xuân”. Bài thơ lại chứa đựng cái nhân sinh quan Lão Trang cõi đời là giấc mộng của nhà nho Nguyễn Du. Chín chục ngày “ánh xuân vun vút trôi qua” nhà thơ lại thấy “công danh trên đời phù sinh xem như chim bay vút qua”“Lợi bấp bênh danh tươi đẹp rốt cuộc cũng tiêu tan hết”. Ông muốn trốn vào tôn giáo “Làm sao kịp sớm học lấy đạo thần tiên”. Xuân đến mà lòng người không thanh thản. Trước cái ngổn ngang dâu bể của cuộc đời và cái trầm luân khổ ải của kiếp người, nhà thơ chỉ thấy nặng trĩu nỗi lo:

“Thiên tuế trường ưu vị tử tiền’’

(Trước khi chết cứ lo hoài chuyện nghìn năm)

  Là một nhà thơ đã từng viết những câu thơ tuyệt vời về tiết thanh minh :

“Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”(Truyện Kiều)

Trong bài “Thanh minh ngẫu hứng” Nguyễn Du lại viết về tiết thanh minh. Cũng màu xanh non tơ ấy của cỏ nhưng ở đây cảnh đối lập với lòng người:

“Nhân tự bi thê, thảo tự thanh”

(Người thì buồn rầu mà cỏ vẫn cứ xanh)

Và cái “nỗi sầu vô hạn’’ vẫn cứ đeo đẳng nhà thơ :

“Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn’’

(Nơi quán khách đă mang nỗi sầu vô hạn rồi).

Bài thơ xuân cuối cùng trong “Thanh Hiên thi tập” là bài “Xuân tiêu lữ thứ’’ được Nguyễn Du làm trong thời gian ông ở nhà công quán tỉnh Lạng Sơn vào mùa xuân năm Giáp Tý (1805). Ra làm quan cho nhà Nguyễn, những bài thơ Nguyễn Du viết cũng chẳng vui gì hơn. Vẫn là tiếng thở dài của nhà thơ trước một thực tại mà ông không thấy có gì gắn bó. Ông lại cứ trở về với cái tâm sự u uất, chán chường của mình :

“Trong trường đua danh lợi nhiều phen cười và nhăn mày.

 Người thì tiều tụy mà xuân cứ tươi đẹp

 Ở dưới Đoàn Thành nước mắt thấm ướt khăn”.

Nhà thơ Xuân Diệu bình luận: “Cười gượng là chuyện cũng thường tình và cũng đã khổ, chứ đến cái nhăn mặt mà cũng phải gượng thì Nguyễn Du cũng đã khổ đến bao nhiêu”

Thơ xuân Nguyễn Du là vậy. Lấy cảm hứng từ mùa xuân ấm áp, tràn đầy sinh khí nhưng thơ xuân Tết của Nguyễn Du lại lạnh lẽo, bi thương và đầy nước mắt.

      Hải Dương đầu Đông

          Nguyễn Thị Lan