CẢM HỨNG PHẬT GIÁO TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI NHÀ NGUYỄN ThS. Phạm Kim Ngân
Tóm tắt
Nằm trong cấu trúc tổng thể không tách rời của lịch sử văn học Việt Nam, văn học Phật giáo đã có những đóng góp to lớn, làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa, văn học Việt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vào thời nhà Nguyễn, văn học Phật giáo vẫn là một bộ phận quan trọng của văn học trung đại, xuất hiện ở hầu hết các thể loại văn học, đặc biệt là thơ ca với thể thơ Đường luật. Bằng phương pháp tiếp cận thi pháp học, văn hóa học và tôn giáo học, tham luận tìm hiểu cảm hứng Phật giáo trong thơ Đường luật thời nhà Nguyễn bao gồm sự thể hiện các học thuyết, tư tưởng nhà Phật, miêu tả cảnh sắc thiên nhiên thuần khiết, thoát tục, ca ngợi công đức Phật giáo và phê phán, châm biếm những tệ đoan chốn thiền môn. Những bài thơ Đường luật mang cảm hứng Thiền Phật không chỉ tuân thủ chặt chẽ quy cách về niêm luật, vần, đối mà còn điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ, uyên bác trong nghệ thuật dụng điển, tinh tế, linh hoạt về bút pháp và giọng điệu.
Dẫn nhập
Kế thừa tinh hoa văn học Phật giáo từ thời Lý – Trần đến thời Lê – Trịnh, văn học Phật giáo thời nhà Nguyễn đã tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho nền văn học dân tộc. Với bối cảnh xã hội và văn hóa đặc thù của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các tác giả đã cho thấy khả năng vận dụng tài tình thể thơ Đường luật để thể hiện nhiều khía cạnh mới mẻ, độc đáo khi viết về Phật giáo, ở cả hai loại hình văn tự Hán và Nôm. Điều này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật thi ca cổ điển và nội dung tư tưởng tôn giáo, khẳng định ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo trong đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức đương thời mà còn làm sáng tỏ những đóng góp của của thể thơ Đường luật đối với văn học Phật giáo nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung.
Nội dung chính
Thể loại là yếu tố cơ bản trong việc kiến tạo cấu trúc tác phẩm, góp phần chi phối các yếu tố còn lại của thi pháp văn chương. Qua các thể loại đã được định hình, chúng ta có thể tìm thấy những sáng tạo mới mẻ về hình thức nghệ thuật, chức năng và tính chỉnh thể của một tác phẩm văn học. Đằng sau việc lựa chọn thể loại để sáng tác là cái tôi cá nhân, cảm hứng nghệ thuật và nội dung tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải. Ở thời nhà Nguyễn, ta có thể nhận thấy thơ ca là thể loại chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng. Với sự cô đọng, tích lũy tinh hoa trong ngôn từ, thơ ca giúp tác giả bộc lộ chí hướng, gửi gắm những cung bậc cảm xúc, những trăn trở, suy tư về cuộc đời và kiếp người. Nằm trong diễn trình văn học trung đại, thơ Đường luật giai đoạn này vẫn là thể thơ được sử dụng rộng rãi, chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng. Thể thơ này vốn được vay mượn từ Trung Quốc, do các thi nhân đời Đường sáng tạo với những luật lệ vô cùng nghiêm ngặt. Thơ Đường luật được vận dụng phổ biến ở nước ta nhờ đặc trưng ngôn ngữ đơn âm tiết, không biến hình, sự tương đồng về thanh điệu và đối lập bằng – trắc của tiếng Việt tương đương với tiếng Hán. Ban đầu, thơ Đường luật được viết bằng văn tự Hán. Khi chữ Nôm được hình thành, ông cha ta đã “Việt hoá” thơ Đường luật, vận dụng văn tự Nôm vào sáng tác tạo nên dòng văn học chữ Nôm song song với văn học chữ Hán. Thơ Đường luật có mặt ở hầu hết các dạng đề tài, các khía cạnh nội dung tư tưởng của dòng văn học trung đại. Viết về Phật giáo, các bài thơ Đường luật thời nhà Nguyễn đã thể hiện nhận thức sâu sắc về các học thuyết, tư tưởng nhà Phật, đặc biệt là ở vấn đề Bản thể luận và Giải thoát luận. Bên cạnh đó, cảm hứng Phật giáo còn được bộc lộ qua những bài thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cảnh Thiền gắn với tâm Thiền. Ngoài ra, so với các giai đoạn trước, bộ phận văn học Phật giáo thời nhà Nguyễn còn xuất hiện số lượng lớn các bài thơ phê phán, bài xích những tệ đoan chốn thiền môn.
- Sự thể hiện các học thuyết, tư tưởng Phật giáo
Văn học Phật giáo gắn liền với cảm quan tư tưởng triết học Phật giáo, đặc biệt là ở vấn đề Bản thể luận và Giải thoát luận. Theo đó, những bài thơ Đường luật viết về Phật giáo thường thể hiện nhận thức của tác giả về các học thuyết, tư tưởng nhà Phật như Tâm, Duyên khởi, Sắc – không, Vô ngã, Vô thường,…
“Tâm” được xem là một trong những phạm trù cơ bản, là nội dung quan trọng khi xem xét vấn đề Bản thể luận đồng thời cũng là đối tượng, nội dung và mục đích hướng tới của văn học Phật giáo. Phật giáo chú trọng đến “tâm”, vì vậy nó xuất hiện trong hầu hết các kinh văn nhà Phật như Viên Giác, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già. Mọi phương tiện và cứu cánh trong tất cả các kinh văn này đều được khởi đi và vận hành trên nền tảng “vô sai biệt” giữa tâm, Phật và chúng sinh. Mọi sự tương nhập, tương dung đều được quy về “nhất tâm” hay “nhất niệm” (còn gọi là Phật tánh, pháp thân, pháp tánh…). Sở dĩ con người không nhận thấy được bản tâm thanh tịnh của chính mình là do bị vô minh che lấp, chỉ cần sáng suốt từ bỏ tâm phân biệt thì mọi sự trên thế giới này đều trở về với cái “nhất tâm”, “nhất niệm” vẹn tròn vốn có. Quan niệm “Phật tại tâm”, “Bụt là lòng” đã được khẳng định qua lời khuyên bảo của Viên Chứng thiền sư khi vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần phải đi tìm cực nhọc bên ngoài (5, tr.172). Sau này, được Nguyễn Trãi tiếp thu và vận dụng trong bài thơ Mộc cận: Ánh nước hoa in một đóa hồng/ Vện nhơ chẳng bén, Bụt là lòng. Đến thời nhà Nguyễn, quan niệm “Phật tại tâm” tiếp tục được Thiệu Trị hoàng đế đề cao:
Chứng giác vô ngôn tâm tức Phật,
Chỉ quan nhập định sắc nhi không.
(Chứng thành đại giác trong tịch lặng vì tâm tức Phật,
Do chỉ quán nhập định mà rõ sắc cũng là không).
(Giác Hoàng phạm ngữ – Thiệu Trị)
“Chứng giác vô ngôn” chính là phương pháp “dĩ tâm truyền tâm”, khai tâm giác ngộ, thể hiện triết lý về sự im lặng, về cái quán thấy không lời, không bám chấp vào ngôn ngữ, văn tự. Theo Phật giáo, cái bản thể siêu việt của vạn pháp hay chân tâm tự tính là cái mà cảm tính và lý tính trong hoạt động nhận thức thông thường không thể thấy được, ngôn ngữ, văn tự cũng không thể biểu đạt được. Một khi “chứng giác vô ngôn”, con người sẽ đạt được bản tâm trong suốt, thanh khiết, tròn đầy, vô sai biệt, vô ngã, vô chấp, vô trụ. Tinh thần “vô ngôn” cũng được thể hiện khá rõ nét trong bài Ký Chân Giác thiền sư của Nguyễn Thông:
Mãn khách vãng lai tư đỗ khẩu,
Huyền tân hà lộ phỏng Tỳ Da?
(Khách tục đến ban chiều, trầm tư chẳng nói,
Đường vào bến giác nơi nào, có lẽ gần đây chăng?).
Không gian nửa hư nửa thực, bàng bạc khói sương trong khung cảnh trầm mặc chốn thiền môn cùng hình ảnh khách trầm tư chẳng nói” mang đậm chất mỹ học Thiền về cái đẹp của sự hư tĩnh, vô ngôn. Cái vô ngôn ấy phải được cảm nhận bằng tinh thần triết học – tôn giáo và cái tâm trực ngộ. Điều này cũng như muốn thấy được thực tướng của mặt trăng thì phải hiểu được “ý tại ngôn ngoại”, phải nghe được “huyền ngoại chi âm”. “Đường vào bến giác nơi nào, có lẽ gần đây chăng?” vừa là câu hỏi, lại cũng chính là câu trả lời. Bởi khi đã hòa nhập thân tâm vào vạn cảnh, đắm mình trong bầu không khí thanh khiết, thoát tục đến gần như tuyệt đối nơi đây thì mọi nỗi niềm tục lụy dường như đều được rũ bỏ, bến bờ giác ngộ cũng không còn xa.
Một trong những quan điểm tiến bộ của hệ tư tưởng Phật giáo chính là đề cao sự tự do, khai phóng trên tinh thần phá chấp tuyệt đối. Bởi thế mà Thích Ca sau khi thuyết pháp xong liền phủ định công việc thuyết pháp của mình: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm, mà chưa từng nói một lời… Ta từ đêm được chánh giác, đến đêm nhập Niết Bàn, trong khoảng đó, ta chưa từng nói một chữ” (4, tr.61). Tinh thần cốt tủy này của Phật giáo đã góp phần giúp tư duy con người ngày càng phát triển, vượt qua mọi rào cản trong quá trình nhận thức bản thân và thế giới. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài Tự Phật của Đào Tấn. Bài thơ không chỉ kết tinh giá trị Phật học uyên áo qua thuyết Tính Không mà còn thể hiện tinh thần phá chấp, khai phóng của Phật giáo:
Hoà nam khấu thỉnh Di Lặc phật,
Phúc trung hứa đại tàng hà vật.
Tiếu vân trung hữu nhất đoàn băng,
Chỉ thị không không vô xứ ngật.
(Kính cẩn xin hỏi phật Di Lặc,
Trong bụng chứa vật gì mà to thế?
Cười đáp: Trong ấy có một khối băng,
Chả ăn gì cả, chỉ là trống rỗng).
Nhờ tinh thần khai phóng, phá chấp mà thơ Thiền xuất hiện những hình ảnh siêu phóng mang tính biểu tượng đưa con người đạt đến trạng thái tự do tuyệt đối, mở ra phạm trù về cái đẹp siêu việt, vô cùng, vô tận có khả năng dung chứa vạn pháp:
Hồi khan thị vực phiền não chướng,
Đại thiên thế giới độc siêu thăng.
(Quay đầu nhìn lại thấy chốn đô thành đầy phiền não,
Một mình siêu thăng giữa vũ trụ bao la).
(Trấn Quốc quy tăng – Vũ Tông Phan)
Phật giáo tin rằng bản chất của thế giới được thể hiện qua Tính Không. Theo quan niệm Không luận, tất cả sự vật hiện tượng cũng như bản thân con người đều chỉ là giả tướng, là ảo ảnh do vô minh đem lại, do vọng kiến sinh ra. Phật giáo dùng cặp phạm trù Sắc – không vừa để chỉ sự hiện hữu vô thường của các sự vật hiện tượng, vừa để khẳng định tính vô ngã của chúng. Phan Huy Ích gói gọn tư tưởng Phật giáo vốn quán chiếu thế gian như huyễn mộng qua hai câu thơ ngắn ngủi:
Phù thế hoan bi mộng nhất trường,
(Ở đời bao nỗi vui buồn chỉ là giấc mộng)
(Họa đáp Chi Phong Nguyễn Khuê – Phan Huy Ích)
Nguyễn Du đã khẳng mọi sự vật hiện tượng hiện hữu chỉ là giả tạm, còn thực tính là “không”:
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền.
(Mọi cảnh đều là không thì đâu còn có tướng,
Lòng này thường yên định, đạo Thiền chẳng xa rời).
(Đề Nhị Thanh động – Nguyễn Du)
Phật giáo đề cao tinh thần vô ngã, cho rằng cái ta của chúng sinh chỉ là cái ta vọng tưởng, được hình thành do sự kết hợp giả tạm của các pháp, không có tính chất trường tồn bất diệt. Nhà Phật có câu “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về, cuộc đời là cõi tạm, con người chỉ là khách nương nhờ. Quan niệm này đã được Tự Đức hoàng đế thể hiện trong bài thơ Ngẫu cảm:
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê,
Sống gửi rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Bản ngã vốn chỉ là giả tướng không có thật nhưng do con người quán nhận sự tồn tại của “ngã” dẫn đến mọi ý nghĩ và hành động đều nhằm phục vụ cái “ngã” này, để rồi vướng vào các mối phiền lụy, khổ não, bị đoạ đày trong vòng luân hồi không lối thoát. Vì vậy, Cao Bá Quát cất lên tiếng cười thâm trầm, đắng đót cho những con người bị vô minh che lấp không nhận ra cuộc đời là ảo hiện và biến hóa vô thường:
Thế sự kỷ hà kim bất cổ?
Nhãn tiền mạc nhận huyễn vi chân.
Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ,
Vô số anh hùng nhất tụ trần.
(Nay hóa thành xưa đà mấy chốc,
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa.
Bao phường danh lợi, cơn mưa sáng,
Mấy bậc anh hùng, đám bụi mờ).
(Xuân dạ độc thư – Cao Bá Quát)
Một khi diệt trừ được mê chấp phân biệt nhân – ngã, hướng đến trạng thái tinh thần “vô ngã”, con người có thể đạt đến cảnh giới giải thoát ngay trong kiếp sống thực tại:
Hứng lên không biết còn thân này là ta nữa,
Qua chốn “nhuyễn trần” rồi lên tắm suối trong.
(Ký du – Hà Tông Quyền)
Vô thường cũng là một trong những vấn đề cốt tủy của Bản thể luận Phật giáo, một đặc tính của Tính Không, được đề cập trong Tam pháp ấn: Vô thường – Khổ – Vô ngã. Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn, “Vô thường” được giải thích là “không thường, không chừng, kêu trọn chữ: Vô thường biến dị. Lúc có lúc không, khi này khi khác, biến chuyển không ngừng” (2, tr.1498). Phật giáo quan niệm thế giới không ngừng vận động và trong quá trình vận động đó, sự tồn tại con người, sự vật, hiện tượng là cực kỳ ngắn ngủi so với cái vô tận của vũ trụ. Vạn vật đều sẽ biến thiên, vần chuyển, ngay cả thế thái nhân tình cũng không ngừng đổi thay:
Dục đồi cô tháp tranh phong vũ,
Bán lạc tan bi chứng hải tang.
Nan dữ tục tăng đàm vãng sự,
Kiếp hôi không mãn cựu trì đường.
(Ngọn tháp muốn đổ vẫn như ganh đua với gió mưa
Mảnh bia vỡ làm chứng cho sự đổi thay dâu bể
Khó mà luận bàn chuyện xưa với mấy “tục tăng”
“Tro kiếp” dường như vấn vương nơi hồ ao cũ)
(An Sơn Phật Tích sơn hoài cổ – Nguyễn Văn Siêu)
Đời người vốn mong manh và hữu hạn, mọi chấp niệm nơi cuộc sống trần tục đều do vô minh đem lại. Tiếng chuông chùa đánh dấu sự bừng tỉnh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm, khơi dậy bản tâm thiện lành theo quan niệm “oán khả giải, bất khả kết”của nhà Phật:
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết,
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.
(Một trăm lẻ tám tiếng chuông lớn làm tiêu tan trăm oán kết,
(Tiếng chuông) làm ba nghìn thế giới tỉnh tam duyên).
(Thiên Mụ chung thanh – Thiệu Trị hoàng đế)
Phật giáo quan niệm mọi sự tồn tại trên thế gian này đều chỉ là giả tướng, do đó, càng mải mê chạy theo cái hư ảo, con người càng bị cột trói vào những tham vọng mù quáng, gây ra biết bao phiền lụy và sầu não. Giải thoát luận Phật giáo lý giải nguyên nhân đau khổ ở phương diện cao hơn, cho rằng sự vô minh và cái ta chấp ngã đã làm khởi sinh những hành động tạo nhân, để rồi chính phản ứng xảy ra từ hành động ấy (quả) đã tạo thành nghiệp lực tác động trở lại con người theo thuyết Nghiệp báo – nhân quả. Trong bài thơ Điếu La Thành giả ca, Nguyễn Du cho rằng những đau khổ của người con gái làm nghề đàn ca đều là do “tiền chướng” – nghiệp chướng đã có từ tiền kiếp. Cái “quả” mà nàng đang gánh chịu nảy sinh từ cái “nhân” nàng đã gieo từ kiếp trước. Vậy nên giờ đây nàng buộc phải chấp nhận “kiếp phù sinh” với những nỗi cay đắng đoạn trường, không thể nào thoát ra được:
Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh,
Trủng trung ưng tự hối phù sinh.
Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng,
Phong nguyệt không lưu tử hậu danh.
(Thiên hạ ai là người thương kẻ bạc mệnh,
Dưới mồ chắc hẳn tự ân hận vì kiếp phù sinh.
Phấn son chẳng rửa sạch duyên nợ kiếp trước
Chết rồi luống để lại cái tiếng gió trăng).
(Điếu La Thành giả ca – Nguyễn Du)
Nhận thức sâu sắc tác động của nghiệp lực, Nguyễn Du cho rằng chỉ khi nghiệp chướng tiêu tan con người mới có thể đạt được sự thanh thản, cân bằng với cái “tâm không” sáng suốt:
Lão khứ vị tri sinh kết chuyết,
Chướng tiêu thời giác túc tâm không.
Niên niên kết đắc ngư tiều lữ,
Tiếu ngạo hồ yên dã thảo trung.
(Già rồi vẫn chưa biết là mình vụng đường kiếm sống,
Nghiệp chướng tiêu tan thì sẽ thấy tấm lòng xưa nhẹ nhõm.
Năm này qua năm khác kết bạn với người đánh cá kiếm củi,
Cười ngạo nghễ trong vùng sương khói trên hồ và cỏ hoang).
(Thôn dạ – Nguyễn Du)
Nhìn chung, các tác giả thời nhà Nguyễn đã vận dụng có hiệu quả thể thơ Đường luật trong việc thể hiện các học thuyết, tư tưởng uyên áo của triết học Phật giáo. Từ việc nhất quán về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tâm, họ thể hiện sự thông suốt trong việc tiếp thu các giá trị Phật học thông qua các phạm trù như Sắc – không, Vô ngã, Vô thường, Nghiệp báo – nhân quả,… Bên cạnh việc những nhận thức về các tư tưởng, học thuyết nhà Phật, cảm hứng Phật giáo trong thơ Đường luật thời nhà Nguyễn còn được thể hiện qua các bài thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết chốn thiền môn.
- Khung cảnh thiên nhiên chùa chiền thanh khiết, thoát tục
Khung cảnh thiên nhiên thanh khiết, thoát tục chốn tu hành đã trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Thiền Phật qua các giai đoạn. Ngôi chùa vốn là không gian linh thiêng mang đậm chất tôn giáo, lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho dân tộc Việt. Đó cũng là nơi phong cảnh hữu tình với non xanh, nước biếc cùng những trầm tích văn hóa ghi dấu thời gian. Cánh cửa chùa luôn rộng mở chào đón du khách thập phương, đặc biệt là những người có lòng hướng Phật hay đang tìm kiếm một nơi nương náu tâm hồn. Không gian nơi đây thường được miêu tả trong vẻ đẹp thuần khiết, gián cách cõi tục:
Dao duệ chung thanh hà xứ thiên,
Từ Hàng phạm vũ liễu ngưng yên.
Tùng phong tảo viện thanh thiền vị,
Trúc vũ sư song tịnh dục duyên.
(Quẫy chèo đi, tiếng chuông từ nơi nào vọng đến,
Chùa Từ Hàng, khói sương bao trên hàng liễu.
Gió thông thổi quét qua sân chùa, thoảng mùi thiền thanh thoát,
Mưa trúc bay ngoài cửa sổ, làm sạch mối duyên trần).
(Du Từ Hàng tự – Lê Quang Định)
Bài thơ Đề chùa Tiêu Sơn của Phạm Thái được sáng tác trong sự mơ màng, ảo diệu giữa cõi hư và thực, trong sự hòa điệu giữa mênh mang đất trời với sự say đắm của lòng người:
Tiếng kình réo rắt giục lòng son,
Đưa khách tâm thanh tới Phạn môn.
Gió thổi hiu hiu vàng cửa động,
Gấm thêu san sát thắm sườn non.
Đá xây chan chứa, kinh dài ngắn,
Hoa phấn xôn xao, nhạn véo von.
Chùa núi Dục Thúy thanh tĩnh, hài hòa, mơ màng trong màu sắc Phật – Đạo đã tạo nên thi hứng cho Đặng Xuân Bảng sáng tác bài thơ Đề núi Dục Thúy. Không gian thanh u, trầm mặc nơi đây khiến người lữ khách cũng muốn rũ bỏ mọi ưu phiền nơi trần tục, khoác lên mình chiếc áo của thiền sư, ẩn sĩ, chọn con đường tu hành một lòng hướng Phật:
Nửa nơi thành thị nửa thanh u,
Dưới nước trên mây giữa khói mù.
Đá trắng mờ rêu phai nét mực,
Cúc vàng lẫn cỏ nhuộm màu thu.
Hỏi người động chủ giờ đâu vắng,
Ngắm cảnh chùa tiên cũng muốn tu.
Thắng cảnh chùa chiền được các bậc vua chúa nhà Nguyễn khai thác nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, bởi từng thước núi, con sông, địa danh, di tích đều gắn với văn hóa Đại Việt đậm đà bản sắc dân tộc. Hầu hết những bài thơ du ngoạn cảnh chùa của vua Thiệu Trị đều được tỏa ra từ tâm hồn thanh tịnh, không vướng bận ưu phiền và “lòng kính cẩn” đối với “đạo từ bi”:
Huệ phong chung độ u lâm hưởng,
Không cốc hương la pháp hải tân.
Thụ luyến từ vân phù bích lạc,
Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần.
Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện,
Phật tích tăng quang tự hữu nhân.
(Theo gió lành tiếng chuông truyền đến chốn rừng thanh tĩnh,
Hương thơm trên không đã bao trùm khắp bến pháp.
Mây lành quấn quýt trong cây và nổi giữa trời cao
Guốc của tăng nhân xuyên qua những lối đi lạc vào cõi hồng trần.
Duyên của thánh ban khắp cho người quy về nẻo thiện,
Nhờ nhân lành mà cảnh chùa xưa càng thêm rực rỡ)
(Vân Sơn thắng tích – Thiệu Trị)
Đi qua những cơn dâu bể của thời cuộc, khung cảnh những ngôi chùa bình yên, trầm mặc còn gợi nên tâm trạng hoài niệm, nỗi nhớ thương về một thời hưng thịnh đã qua không bao giờ quay trở lại. Ngôi chùa ghi dấu sự đổi thay của lịch sử không còn tấp nập bước chân của khách thập phương mà trở nên cô tịch, trơ trọi bởi tầng tầng lớp lớp rêu phong cổ kính (Phỏng Thiên Mụ tự chỉ tác – Phan Huy Ích). Hình ảnh chùa Trấn Bắc trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng chất chứa nỗi niềm hoài cổ:
Trấn Bắc hành cung cổ dãi dầu,
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau
Mấy toà sen rớt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
(Chùa Trấn Bắc – Bà Huyện Thanh Quan)
Nhìn chung, với tinh thần “trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”, các tác giả thời nhà Nguyễn đã vận dụng thể thơ Đường luật để sáng tác số lượng lớn các tác phẩm ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên. Viết về Phật giáo, họ không chỉ miêu tả cảnh chùa chiền thanh tĩnh, thoát tục mà còn thấy được nét đẹp đơn sơ, yên bình trong không gian sinh hoạt của những người tu hành. Ẩn trong những bài thơ thăm thú thắng cảnh chùa chiền là niềm tự hào về đất nước và con người Đại Việt. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm ca ngợi công đức, sự màu nhiệm và những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của dân tộc.
- Ca ngợi Phật pháp và phê phán những tệ đoan chốn thiền môn
Những triết lý uẩn súc, uyên thâm của nhà Phật không chỉ có khả năng dung hòa các hệ tư tưởng mà còn hòa hợp với văn hóa bản địa, trở thành giá trị tinh thần thiết yếu trong đời sống của nhân dân. Chính những biến động xã hội, sự bất mãn trước thời cuộc đã góp phần đưa tầng lớp trí thức tìm đến Phật pháp, trước là để hiểu thêm một hệ tư tưởng triết học thâm thúy, sau là để tìm sự an ủi và điểm tựa tinh thần. Phật giáo giúp con người thanh lọc tâm hồn, rửa sạch mọi lầm nhơ chốn phàm tục:
Đa thừa thiện tuệ khai mê lộ,
Biến lễ Như Lai chứng đạo tâm.
(Được nhờ bậc thiện tuệ mở cho khỏi đường mê,
Lễ Phật Như Lai để chưng lòng đạo).
(Du Hải Chàng tự tặng Tuệ Chân thượng nhân – Trịnh Hoài Đức)
Hiểu được những giá trị uyên thâm của hệ tư tưởng Phật giáo trong việc giải thoát con người khỏi những khổ lụy để đạt đến cảnh giới an lạc, Trịnh Hoài Đức khẳng định khả năng “tịnh giác mê gia” của nhà Phật:
Nộn Ngọc tuyền trừng mông dưỡng thuỷ,
Quan Âm lâu tịnh giác mê gia.
(Suối Nộn Ngọc trong vắt được hưởng nước nuôi dưỡng,
Lầu Quan Âm thanh tịnh giác ngộ cho người thoát khỏi bến mê).
(Đăng Thê Hà sơn tự – Trịnh Hoài Đức)
Những cảm xúc say đắm trước khung cảnh tươi đẹp, diễm lệ nơi cuộc sống trần thế đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thi nhân thời nhà Nguyễn cất lên khúc hát ngợi ca sự mầu nhiệm và công đức Phật giáo:
Trân trọng lan ngôn đồng miễn lệ
Vãn lai Thiền vị hữu đan phương.
(Lời lan khuyên nhủ mọi đường
Mùi Thiền âu cũng là phương thuốc thần)
(Cúc thu bách vịnh, bài 12 – Phan Huy Ích)
Bên cạnh những bài thơ ca ngợi công đức nhà Phật, văn học Phật giáo còn xuất hiện những bài thơ phê phán tệ đoan chốn thiền môn. Đặc biệt những bài thơ này xuất hiện nhiều ở thời nhà Nguyễn, chủ yếu được viết bằng thơ Nôm Đường luật. Những bê bối, tệ đoan nơi cửa chùa vốn đã có mầm mống từ giai đoạn trước, tuy nhiên lúc này đây, những thành phần lười nhác trà trộn vào hàng ngũ sư sãi ngày càng nhiều. Họ bỏ qua các giới luật của nhà Phật, sống buông thả, làm những việc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức Phật Đà. Chán ngán trước cảnh xô bồ, nhiễu nhương khi giới tăng sĩ quá đông mà phần nhiều lại không đủ công phu Thiền quán, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng nói đầy châm biếm, mỉa mai:
Then cửa từ bi nêm chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lò.
Nhà sư ướm hỏi nhà sư tí,
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?
(Du cổ tự – Hồ Xuân Hương)
Bà lên án những sư sãi lười nhác, không chuyên tâm tu tập (Chùa Quán Sứ), những vị sư làm điều trái ngược với chuẩn mực đạo đức truyền thống và giới luật nhà Phật và cả những nhà sư dâm ô, lợi dụng việc tu hành để che giấu dục vọng thấp hèn (Sư hổ mang – Hồ Xuân Hương). Càng về sau mức độ càng nghiêm trọng hơn, chốn thiền môn mất dần tôn uy, thậm chí trở thành nơi buôn thần bán thánh, bày ra nhiều trò mê hoặc lòng người. Những giá trị văn hóa tôn nghiêm bị đem ra giữa chợ cười đầy xô bồ, bát nháo:
Bày đặt vì ai khéo khéo vòm,
Nứt ra một lỗ hổng hòm hom.
Người quen cửa Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khom.
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già đến dở dom.
(Động Hương Tích – Hồ Xuân Hương)
Bức tranh lễ hội chùa Hương tạo nên sự ngạc nhiên, bất ngờ bởi những hệ thống từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Ngòi bút của Hồ Xuân Hương như kéo sập cả một không gian văn hóa tôn nghiêm “cửa Phật”, “bầu tiên” xuống cõi trần tục.
Phật giáo hướng con người đến việc giữ tâm thanh tịnh, tránh xa những dục vọng thấp hèn, những mong cầu phục vụ lợi ích cá nhân. Tuy nhiên nhiều nhà sư vẫn bị tiền bạc, vật chất, những ham muốn tầm thường cám dỗ, nhất là trong một xã hội mà thế lực đồng tiền ngày càng lớn mạnh, chi phối mọi mặt của đời sống. Xã hội chính là bức tranh biếm họa mà nổi bật trên đó là dáng vẻ và phong thái của người tu hành trong bộ dạng một ông quan lớn vừa tham lam lại vừa rượu chè bê tha đáng bị lên án:
Công đức tu hành sư có lọng,
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết,
Kiết cú như ai cũng rượu chè!
(Năm mới – Trần Tế Xương)
Ngòi bút châm biếm của Trần Tế Xương đã vạch trần bản chất dâm đãng, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức của nhà sư và các ả đồng (Sư và con đồng). Giọng điệu trào phúng không chỉ được tạo nên bởi các từ ngữ độc đáo, đa dạng, sắc nhọn, hóm hỉnh mà còn bởi sự xuất hiện của các từ vựng biểu thị sắc thái cảm thán thường xuất hiện trong khẩu ngữ dân gian: “này”, “phải”, “chẳng… gì hơn”, “thà… quách”,… Đôi khi tác giả còn sử dụng các từ mang ý nghĩa nghi vấn vào mục đích châm biếm, mỉa mai:
Quảng đại từ bi cũng phải tù,
Hay là sư cụ vụng đường tu?
Tụng kinh cứu khổ ba trăm quyển,
Ý hẳn còn quên một phép phù?
(Sư bị tù – Trần Tế Xương)
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, những vấn đề phê phán chỉ là mặt trái của một hệ thống thực thi tôn giáo và khía cạnh mà các nhà nho hướng đến là những “con sâu làm rầu nồi canh”, những người làm ô uế thanh danh nhà Phật. Chính vì vậy, Hồ Xuân Hương đã cao giọng mắng bọn học trò dốt viết những bài thơ dở làm bẩn vách chùa và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của chốn thiền môn:
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
(Mắng học trò dốt – Hồ Xuân Hương)
Tiếng nói phê phán, châm biếm cũng chính là tiếng cười đắng đót, sâu cay về những giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một. Từ đó, giúp giáo hội nhìn nhận lại nhằm đề ra những biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn, để Phật giáo ngày càng phát huy được giá trị của mình trong công cuộc phụng sự đạo và đời.
- Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và điển cố Phật giáo
Bên cạnh những giá trị về nội dung, thơ Đường luật thời nhà Nguyễn còn thể hiện những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật, đặc biệt ở phương diện ngôn ngữ, hình ảnh và cách vận dụng điển cố. Nó không chỉ giúp câu thơ trở nên giàu hình tượng mà còn thể hiện được độ nén, chiều sâu của tư duy. Viết về Phật giáo, các tác giả sử dụng khá nhiều từ ngữ nhà Phật như: “thiền duyên”, “quy chân”, “hư vô”, “tuệ tăng” (Vãn Bằng Trình tự Hải Thanh thiền sư – Phan Huy Ích); “Thiền tháp”, “Phạn lâm”, “tục tăng”, “hàn chung” (Đề Thiên Thai sơn – Ngô Thì Chí); “bồ đề” (Đề Ngô Khê tự – Lê Quang Định), “quy y”, “đốn ngộ” (Du Tây Hồ Trấn Quốc tự – Phạm Quý Thích),… Trong đó, thuật ngữ “thiền lâm” được sử dụng khá phổ biến, dùng để chỉ cõi Phật hay nơi tu hành, hoằng hóa Phật pháp:
Can mao tạm trú nhập thiền lâm
(Cờ tiết mao tạm dừng vào rừng thiền).
(Du Hải Chàng tự tặng Tuệ Chân thượng nhân – Trịnh Hoài Đức)
Phật giáo ví đời người như biển khổ, cuộc đời như bến mê. Khi nói về nỗi khổ của con người, các tác giả thường sử dụng ngữ “khổ hải”, “mê tân”, “mê gia”. Từ đó, Trịnh Hoài Đức khẳng định sự màu nhiệm của Phật pháp có thể cứu độ, đưa con người thoát khỏi bến mê:
Quan Âm lâu tịnh giác mê gia.
(Lầu Quan Âm thanh tịnh giác ngộ cho người thoát khỏi bến mê).
(Đăng Thê Hà sơn tự – Trịnh Hoài Đức)
Các tác giả thường sử dụng thuật ngữ “pháp”, “cõi pháp”, “pháp giới”, “diệu pháp” để ca tụng, tán dương Phật giáo:
Thiên chương binh hoán liên đài lệ,
Ngự tọa quang phân pháp giới xuân.
(Vẻ đẹp ngài rực rỡ, đài sen rạng ngời,
Ngự tòa sáng rực, mùa xuân đầy pháp giới).
(Đề Hưng Long tự – Lê Quang Định)
Ngoài ra, các danh xưng dùng trong nhà Phật như Bụt, Thích Ca, Như Lai, Quan Âm, Đạt Ma… cũng được đưa vào thơ một cách tinh tế, hài hòa:
Hữu duyên trần tục chiêm chân tích,
Vô Lượng từ phong tán cổ am.
Hổ ngọa bạch vân tu chứng quả,
Điểu y phi tích niệm Cù Đàm.
(Ta có duyên may trong đường trần nên được chiêm ngưỡng dấu tích xưa,
Làn gió từ bi của đức Vô Lượng Thọ Phật làm mát mẻ ngôi miếu cổ.
Cọp nằm trong mây trắng (chính pháp, thiện pháp) nên được chứng quả,
Chim nương theo gậy thiền, cùng niệm hiệu Phật).
(Du Tương Sơn Quang Hiếu tự – Trịnh Hoài Đức)
Không dừng lại ở những từ ngữ mang màu sắc tôn giáo, các khái niệm, phạm trù của triết học Phật giáo như Vô ngã, Hư vô, Duyên, Nghiệp, Thiền, Sắc – không,… cũng được các thi nhân đưa vào thơ. Nó không chỉ giúp diễn tả thế giới tâm linh, truyền đạt những thông điệp nhà Phật một cách tế nhị mà còn thể hiện sự uyên bác, thông tuệ của người cầm bút:
Thế đồ bất phục phân danh lợi,
Pháp giới tòng hà kiến sắc không.
(Đường đời chưa rõ danh cùng lợi,
Cõi Phật đâu tường sắc với không).
(Tự thán – Nguyễn Khuyến)
Nhà thơ còn sử dụng hệ thống ngôn ngữ biểu tượng để thể hiện các học thuyết Phật giáo, trong đó nổi bật là biểu tượng “thiền chung” – tiếng chuông chùa. Tiếng chuông dẫn dắt chúng sinh đang lầm lạc tìm đường trở về với bản thể chân như không vướng mùi tục lụy:
Lâm thự thiên miên hiểu lộ nùng,
Hoàng quan khứ khách phỏng thiền chung.
(Trang trại cây cối um tùm, sương sớm dày đặc,
Đội mũ vàng ra đi, hỏi thăm tiếng chuông chùa).
(Hiểu kinh Tiên Lữ tự – Phan Huy Ích)
Tiếng chuông giác ngộ gói trọn tinh thần Phật giáo, thường được nhắc đến như sự thức tỉnh nhân tâm, khai mở nhân trí, đẩy lùi sự vô minh. Tiếng chuông đánh dấu sự bừng tỉnh của con người trong khoảnh khắc giao thoa giữa mê và ngộ:
Thần khấu hồng chung tinh thế mộng,
Dạ huyên bối diệp khán thiên hoa.
(Sáng gõ chuông lớn tỉnh mộng trần,
Đêm tụng kinh lá bối xem hoa trời).
(Tặng Long Hưng tự Dưỡng Tuyền lão Hòa thượng – Trịnh Hoài Đức)
Tiếng chuông nhắc nhở con người thực hành chánh niệm tỉnh giác để sống trọn vẹn với hiện tại như lời Phật dạy: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại”[1] :
Bách niên vãng sự bi tà chiếu,
Nhất điểm trần tâm đối vãn chung.
(Việc cũ trăm năm thương bóng xế
Lòng trần một điểm thoảng chuông đưa).
(Quá Thiên Quang tự, thương Lê triều cố cung – Cao Bá Quát)
Viết về Thiền Phật, các tác giả cũng sử dụng biểu tượng cánh cửa Phật giáo. “Thiền quan”, “thiền môn” có thể được hiểu là cửa chùa, rộng hơn là cánh cửa từ bi đưa con người đến cảnh giới an lạc, giải thoát:
Giang thiên cực vọng mạn lao thần,
Ngẫu nhập thiền quan bán nhĩ trần.
(Nhìn khắp trời sông cũng mệt thần,
Chợt đi vào cửa thiền sạch bụi trần).
(Đề Tương Sơn tự – Lê Quang Định)
Giá trị nghệ thuật ngôn từ còn được nhà thơ thể hiện qua việc vận dụng điêu luyện các điển tích, điển cố Phật giáo. Đó là những từ ngữ được lấy từ chuyện tích của nhà Phật hoặc trong các kinh sách Phật giáo nhằm trình bày một cách hàm súc nội dung cần biểu đạt, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận, lĩnh hội các học thuyết Phật giáo. Điển cố Phật giáo phần lớn được vay mượn từ Tam tạng giáo điển (kinh tạng, luật tạng, luận tạng). Trong Thư tặng Thiên Đô am Minh Viễn lão thiền sư, Trịnh Hoài Đức đã ngợi ca vị thiền sư đắc đạo “chứng ngộ được ba kiếp”:
Già sa y tập tam sinh chứng,
(Áo cà sa được ban vì đã chứng ngộ được ba kiếp)
“Tam sinh” được lấy từ điển cố “Tam sinh thạch” – tảng đá ghi chép lại ba kiếp ở bên cầu Nại Hà, ghi lại câu chuyện về ba lần chuyển kiếp và nhân duyên tiền định của một vị tăng nhân với người bạn cũ. Phan Huy Ích cũng sử dụng điển cố này để nói về mối nhân duyên với Bùi Hàn Khê:
Nhân thế tao phùng phi ngẫu nhĩ,
Túc nhân tùng cổ chứng tam sinh.
(Đời người gặp gỡ đâu phải ngẫu nhiên,
Nhân duyên cũ từ xưa chứng tỏ có kiếp ba sinh).
(Tặng Bùi Hàn Khê – Phan Huy Ích)
Để thành lập điển cố, các tác giả thường sử dụng danh hiệu của Phật, Bồ Tát, La Hán, thiền sư giúp người đọc liên tưởng đến hành trạng và đạo hạnh của họ, thường nhằm mục đích ca ngợi:
Sinh hóa tương truyền Từ tử sự,
Hữu vô thùy biện Lý triều vương?
(Chuyện sinh rồi hóa của Từ Đạo Hạnh vẫn còn được lưu truyền,
Có hay không, ai nói rõ được thân thế của vua nhà Lý).
(An Sơn Phật Tích sơn hoài cổ – Nguyễn Văn Siêu)
Cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh (thời Lý) được ghi lại với nhiều màu sắc huyền thoại. Trong đó, nổi bật nhất là việc ông trút xác, hóa thân thành con trai của Sùng Hiền Hầu là Lý Dương Hoán, chính là Lý Thần Tông sau này.
Điển cố còn được hình thành dựa vào tên những địa danh nổi tiếng – nơi xuất thân, tu hành, hành đạo, thị tịch của Phật hay thiền sư. Đó cũng có thể là nơi tổ chức Pháp hội thuyết pháp, Đạo tràng khai đạo của Phật, Bồ Tát, La Hán, thiền sư được ghi chép trong truyện sử:
Bộc tuyền nghi xuất tinh hà thủy,
Phi tự truyền văn bán dạ lôi.
Địa tích cao tiêu Âu Việt ngoại,
Thiền gia thượng tố Đạt Ma lai.
(Thác đổ ngỡ là sông Ngân Hà chảy xuống,
“Chùa Bay” tương truyền sấm nửa đêm đem đến.
Dấu tích nêu cao ở ngoài cõi Âu Việt,
Phái thiền tính ngược lên đến Đạt Ma).
(Đề Phi Lai tự – Phan Huy Ích)
Điển cố Phật giáo còn gợi nhắc đến phương thức lưu truyền và các tông phái của đạo Phật:
Nam Tông y bát truyền chân đắc,
Thập lý tư tư bạch tượng âm.
(Thượng nhân) được chân truyền y bát của Nam Tông
Từ mười dặm đã thấy bóng dáng con voi trắng).
(Du Hải Chàng tự tặng Tuệ Chân thượng nhân – Trịnh Hoài Đức)
Nhìn chung, ngôn từ được đưa vào thơ chủ yếu là những từ ngữ quen thuộc trong Phật giáo phổ thông đại chúng và những hình ảnh, biểu tượng được sử dụng cũng không xa lạ mấy với tư duy của quần chúng nhân dân. Việc dụng điển tinh tế, khéo léo không chỉ giúp câu thơ thêm hàm súc, đa nghĩa mà còn tạo nên hình ảnh sinh động, thể hiện sự uyên bác của người cầm bút. Nhờ đó, câu thơ có được sự cân đối về hình thức, sự hàm súc về nội dung, ý nhị về ý nghĩa với chiều sâu tư tưởng, triết lý phương Đông. Sự góp mặt của các điển cố làm tăng thêm tính trang nhã, bác học, mặt khác, nó giúp những câu thơ vốn mang tính triết thuyết, kinh viện trở nên mềm mại, sống động. Nhờ vậy, những khái niệm triết học vốn uyên áo, khó hiểu của nhà Phật đôi khi lại trở nên đơn giản, cụ thể, gần gũi và phù hợp với tâm lý dân tộc.
Kết luận
Các tác phẩm văn học mang cảm hứng Thiền Phật thời nhà Nguyễn được viết bằng thể thơ Đường luật chiếm số lượng khá lớn, đóng góp cho bộ phận văn học Phật giáo cả về số lượng lẫn chất lượng, về giá trị nội dung lẫn nghệ thuật. Tác giả đã thể hiện sự tiếp thu hệ tư tưởng Phật học qua vấn đề về Bản thể luận và Giải thoát luận. Với việc đề cao tinh thần “vô ngôn”, “trực chỉ nhân tâm”, tác phẩm không chỉ truyền tải được các học thuyết uyên áo mà còn giúp khai mở thế giới tinh thần, thế giới tiềm thức, tâm thức của con người. Bên cạnh đó, viết về Phật giáo, các nhà thơ cũng chú trọng khai thác đề tài về thiên nhiên, đặc biệt là khung cảnh tươi đẹp, thuần khiết, thoát tục chốn thiền môn. Những bài thơ Đường luật còn được đan cài, lồng ghép trong cảm hứng ngợi ca Phật giáo và sự màu nhiệm của Phật pháp. Thế nhưng, đây cũng là giai đoạn mà những tệ nạn, bê tha nơi của chùa xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt dưới sự chi phối của mạnh mẽ của đồng tiền. Vì vậy, bên cạnh những tác phẩm ngợi ca còn xuất hiện những bài thơ mang tính phê phán, châm biếm. Tuy nhiên, cần nhận định rằng, mục đích phê phán ở đây không phải để bài xích hay chống lại tư tưởng, triết lý Phật học mà chỉ hướng đến những đối tượng, những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm của chốn thiền môn, nhằm bảo vệ thanh danh Phật giáo cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Bên cạnh việc sử dụng hệ thống từ ngữ, biểu tượng, điển cố Phật giáo, các tác phẩm thơ Đường luật thời nhà Nguyễn cũng mang những đặc điểm nghệ thuật chung của văn học trung đại với các yếu tố như: trang nhã, bác học, giàu tính hàm súc và khả năng gợi mở, mang đậm nét “ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị”. Với sự điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ, uyên bác trong nghệ thuật dụng điển, tinh tế, linh hoạt về bút pháp, giọng điệu cùng “kiểu tư duy trực cảm tâm linh”, đề cao tinh thần “vô ngôn”, tác giả không chỉ giúp người đọc tiếp nhận vấn đề ở mặt tri thức mà còn giúp thể nhập vấn đề ở mặt tâm linh. Nhờ đó, các bài thơ mang cảm hứng Thiền Phật vừa có thể tuân thủ quy chuẩn của một bài thơ luật Đường hoàn chỉnh, vừa có thể truyền tải các tư tưởng, học thuyết nhà Phật một cách ý nhị, sâu sắc.
PKN