Cách mạng Tháng 8/1945 và ngày Quốc khánh 2/9” những giá trị và bài học lịch sử .
Cách mạng Tháng 8/1945 và ngày Quốc khánh 2/9” những giá trị và bài học lịch sử .
Cách đây 77 năm, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, một sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng đó là thắng lợi của của Cách mạng Tháng 8/1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Đây là mốc son hào hùng đánh dấu cho sự ra đời của một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Á; đưa địa vị toàn thể nhân dân Việt Nam từ nô lệ trở thành người làm chủ thực sự của đất nước. Sức sống, tinh thần và những giá trị của thắng lợi Cách mạng Tháng 8/1945 và Quốc khánh 2/9 vẫn còn in đậm trong mỗi bước đi, mỗi chặng đường phát triển của đất nước và trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình. Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược Việt Nam năm 1858, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, không cam chịu làm nô lệ, quần chúng nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống lại sự bóc lột của thực dân Pháp và các tầng lớp tay sai. Đó cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, hòa bình cho dân tộc.Trong bối cảnh ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) đã kịp thời chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để đạt được những thắng lợi to lớn. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng chính là cội nguồn hun đúc lòng tin và chí khí cho toàn dân đi theo con đường cách mạng.
Thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945)
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8/1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó không phải sự ngẫu nhiên mà đó là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh với khát vọng độc lập, tự do và hòa bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 1/9/1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Trong thời điểm này, chế độ phong kiến Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc và mất dần vị thế lịch sử vốn có. Mặc dù không thực hiện được mục đích “đánh nhanh, thắng nhanh” như mục đích đề ra, nhưng đến năm Giáp Thân – 1884 thực dân Pháp cũng đã đạt được mục tiêu hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam (Hòa ước Patenôtre). Tuy nhiên, chính sách cai trị nô dịch, hà khắc và tàn khốc của thực Pháp không thể nào dập tắt được ngọn lửa đấu tranh và tinh thần yêu nước đang bùng cháy trong mỗi người dân lúc bấy giờ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân dưới phong trào Cần Vương và phong trào theo khuynh hướng tư sản. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tất cả các phong trào ấy đều bị thất bại, bị “dìm trong biển máu”. Thực dân Pháp gây ra càng nhiều hy sinh, tổn thất thì khát vọng độc lập, tự do và hòa bình của nhân dân Việt Nam ngày càng cháy bỏng, nhất là trong bối cảnh thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 đã cho thấy sự thắng lợi của cách mạng vô sản ở hiện thực.
Năm 1920, sau nhiều năm làm việc và hoạt động ở các qua quốc gia và châu lục, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản. Đồng thời Người cũng rút ra được chân lý của thời đại: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.33).Trước yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng ở Việt Nam, với sự tích cực và chủ động của Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 tại Hương Cảng – Trung Quốc, Hội nghị thành lập Đảng đã quyết định thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Đây chính là bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do. Cũng từ đây cách mạng của Việt Nam đã được đặt vào quỹ đạo chung của cách cuộc cách mạng vô sản trên thế giới.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã vạch ra con đường cách mạng tất yếu lúc bấy giờ: “Chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.1), cũng từ đây nhiệm vụ độc lập dân tộc được đặt lên hàng đầu đối với cách mạng Việt Nam.
Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo: kết hợp ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã tập hợp và lãnh đạo đại bộ phận quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 và phong trào cách mạng 1939 – 1945 trong đó trực tiếp, mạnh mẽ nhất là Cao trào kháng Nhật giành chính quyền. Mục tiêu cao nhất của Đảng trong giai đoạn này là: Tập hợp, đoàn kết tất cả các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, nhằm cùng nhau hướng tới mục tiêu giải phóng cho được dân tộc.
Tháng 8/1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội, chính quyền và tay sai rơi vào tình trạng khủng hoảng và hoang mang cực độ. Toàn thể dân tộc Việt Nam lúc này chỉ còn một con đường duy nhất là đứng lên chứ không còn con đường nào khác. Nhận định “cơ hội ngàn năm có một” đã tới Ban thường vụ Trung ương Đảng đã phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước với quyết tâm sắt đá: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”(Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.196).
Đáp lại lời hiệu triệu của Hồ Chí Minh, với khí thế bão táp cách mạng. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 14 – 18/9 cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra thắng lợi hoàn toàn trong cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân Việt Nam được bước lên vũ đài chính trị, trở thành người làm chủ thật sự của đất nước.
Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, trong thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”– đánh dấu cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây chính là thành quả tất yếu đối với một dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình. Từ trong sâu thẳm lý trí của mỗi người dân, một khát vọng độc lập, tự do đã được hun đúc cùng với chiều dài của lịch sử dân tộc, độ dài của lịch sử càng lớn thì tinh thần và khát vọng ấy càng mãnh liệt. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.557)
Những giá trị nền tảng và bài học từ thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 và Quốc khánh 2/9/1945
Trong tiến trình lịch sử mấy ngàn năm, tính từ thế kỷ thứ III TCN đến thế kỷ XX dân tộc Việt Nam đã trải qua 17 cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại bang. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, những thắng lợi chống ngoại xâm đều có những ý nghĩa khác nhau, nhưng mẫu số chung của tất thảy đó lại chính là sự đoàn kết các lực lượng dựa trên nền tảng tinh thần và truyền thống yêu nước của dân tộc. Có được thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 chính là nhờ vào sự bồi đắpnhững giá trị của dân tộc trong quá khứ và đã được hiện thực hóa trong thời đại Hồ Chí Minh rực lửa anh hùng cách mạng.
Theo đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 để lại những di sản về lý luận, bài học vô cùng quý giá về phương pháp luận cần vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đó là bài học trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới. Là một trong những cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, giải quyết một cách đúng đắn và xác đáng mối quan hệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của nhân dân, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, giữa mục tiêu trước mắt và định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với dòng chảy của lịch sử nhân loại và đặc điểm Việt Nam.
Đó là bài học phải củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461).Tất cả các lực lượng được tập hợp và đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất do liên minh công, nông, trí thức làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tiếp theo, là bài học phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường kết tinh trong luận điểm nổi tiếng của lãnh tụ Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” được áp dụng và thực thi triệt để trong Cách mạng tháng Tám.
Cách mạng muốn thành công thì không chỉ có vai trò lãnh đạo của Đảng, một yếu tố đảm bảo xuyên suốt cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng được rút ra từ cách mạng tháng 8/1945 đó là: biết phát huy và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh quần chúng nhân dân chính là chủ thể của các cuộc cách mạng, chủ thể ấy mạnh hay yếu là do lực lượng lãnh đạo có tin tưởng và biết phát huy hay không. Chính vì thế phải tập trung vào việc xây dựng lực lượng lãnh đạo cách mạng phải thật sự vững mạnh để thuyết phục và lãnh đạo cho được dân chúng.
Trong chiều sâu lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, khát vọng độc lập, tự do và hòa bình đã nhiều lần được nhắc đến như một ý chí bất khuất trường tồn với thời gian. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời khẳng định đanh thép đối với những ý định xâm lược của thế lực ngoại bang, đây cũng là bài học kinh nghiệm chưa bao giờ cũ đối với đất nước khi trải qua những thời kỳ khó khăn sau này.
Bên cạnh đó là bài học về phát huy bản chất và những giá trị của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Điều này đã được thể hiện qua những việc làm khẩn trương ngay sau khi nhà nước mới ra đời: củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của xã hội mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đạp tan mọi âm mưu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ can thiệp vào nước ta.
Hào khí của Cách mạng Tháng 8/1945 và Quốc khánh 2/9 chính là cội nguồn sức mạnh để cả dân tộc phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức đặt ra, nhưng sự đoàn kết giữa Đảng – Nhân dân chính là mạch nguồn sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. VN .TTX