BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG -TS. Nguyễn Học Từ

 

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG

                                                                     Nguyễn Học Từ

                                                                  

Trong nền văn học Việt Nam cuối triều Lê – đầu triều Nguyễn, xuất hiện nhiều danh sĩ, nhà thơ thuộc bậc hiền tài, xuất chúng của đất nước, như: Phạm Đình Hổ – bút danh Đông Dã Tiều, biệt hiệu Chiêu Hổ (1768 – 1839); Phạm Thái, hiệu Chiêu Lì (1777 – 1813); Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1766 – 1820); Phạm Quý Thích, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ, nghĩa là danh sĩ cuối đời Lê Trung hưng – đầu đời Nguyễn (1760 – 1825);v.v..

Trong rất nhiều bậc tài danh đó, Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ (ước đoán bà sinh năm1772 và mất năm 1822) nổi lên như một hiện tượng độc đáo, đặc biệt về dòng thơ Nôm. Những sáng tác của Hồ Xuân Hương được hậu thế lưu truyền và Bà được suy tôn là “Bà Chúa thơ Nôm”, với những tác phẩm thơ giầu tính dân tộc, phá cách, độc đáo cả về chủ đề, nội dung, hình thức thể hiện. Cũng từ đây, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO trao sứ mệnh vinh quang truyền cảm hứng và lan tỏa tích cực đến mọi người trên thế giới, xứng tầm một Danh nhân văn hóa, một Thi hào. Cái đọng lại rất sâu trong hậu thế là những bài, câu thơ nửa thanh, nửa tục phong phú, tài tình, gần gũi với đời sống con người mà nhiều người chơi thơ, thưởng thức thơ không ngờ tới và vì thế tạo nên một phong cách thơ riêng Hồ Xuân Hương.

Tham luận không đi sâu vào thân thế, sự nghiệp thơ của Nữ thi sĩ. Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích nghiên cứu, một số vấn đề nêu lên sẽ cần đến những thông tin dù là ít ỏi, chưa chắc chắn về nguồn gốc xuất thân và đời tư của Bà.

Trước hết, thơ Hồ Xuân Hương thể hiện tầm trí tuệ sâu sắc của một người có hiểu biết sâu rộng về mối quan hệ giữa các vấn đề tự nhiên, xã hội và về con người.

Về vấn đề này, cũng có một số đề tài bàn tới, nhưng không nhiều. Đọc thơ của Bà, nhiều người thường quan tâm đến nội dung, phong cách nghệ thuật thơ. Tuy nhiên, để có được nội dung, nghệ thuật ấy, điều kiện cần và đủ, chính là Hồ Xuân Hương có một nền kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tư duy và mối quan hệ giữa chúng. Theo các nghiên cứu, nữ thi sĩ là con gái của ông Hồ Phi Diễn (1703 – 1786), một nhà nho ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà sinh ra và lớn lên ở phường Khán Xuân – Thăng Long. Tuy cha mất sớm, nhưng Hồ Xuân Hương vẫn chứng tỏ là con người được ăn học tử tế, có tư chất thông minh, hiếu học, nên những hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người khá rộng và sâu sắc. Lớn lên, chính trong quá trình giao lưu thơ phú với các nhà thơ lớn cùng thời, như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích… bà cũng học hỏi thêm nhiều về điều đó.

Trong mối quan hệ giữa “thanh và tục”, những kiến thức sâu rộng của Hồ Xuân Hương được thể hiện rõ nhất ở tính chất “thanh” của từng bài thơ. Đó là những hiểu biết về quy luật của đất trời, tự nhiên mà mỗi con người tồn tại trong đó. Tạo hóa ra vũ trụ bao la, với trái đất, bầu trời, mặt trăng, sông núi, cây cỏ hoa lá… dường như không bao giờ thiếu trong mỗi áng thơ của Bà. Đó là sự đối nhau ai cũng hiểu giữa gió sớm với nắng trưa, mây chiềuvà trăng tối:

“Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng

Ban chiều mây họp, tối trăng chơi”

                                                          (Chơi chợ chùa Thầy)

Đó chính là việc ví von ngang ngửa cảnh đất trời khi “trái gió” vô cùngkhó chịu mà dẫn đến sự “lộn lèo” của “kiếp tu hành” (Kiếp tu hành). Đó là con ong với bản năng châm đốt chẳng phân biệt đâu giữa “bà cốt” với “đầu sư” (Sư bị ong châm); là “ong non” được ví với “dê cỏn”dùng để mắng học trò một cách thâm thúy:

“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”

(Mắng học trò dốt – I)

Hình ảnh trăng (Nguyệt, chị Hằng Nga) được Hồ Xuân Hương sử dụng với tần suất khá nhiều (Tự tình – II, Tranh tố nữ, Hỏi trăng – I, Hỏi trăng – II…), để đại diện cho cái đẹp cao sang, khó với tới, không nên đùa bỡn. Trăng trên trời cao, ai cũng phải mê đắm vì ánh sáng của nó, nhưng con người với được tới trăng, sắm được vai chú Cuội chỉ là giấc mơ:

                   “Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

                   Cho cả cành đa lẫn củ đa”

                                                          (Trách Chiêu Hổ – II)

Bên cạnh hình tượng của giới tự nhiên, những hiểu biết của Hồ Xuân Hương về xã hội thật sâu sắc, đáng để ta suy nghĩ. “Thanh thanh và tục tục” được thể hiện rất tài tình nói lênbộ mặtphía sau của xã hội phong kiến đương thời thật trớ trêu, nghiệt ngã, biểu hiện tập trung ở sự bất bình đẳng, mất quyền sống của con người – người phụ nữ, với tư cách là những thực thể xã hội có nhu cầu, sự lựa chọn được sống một cách bình thường, bình đẳng. Có lẽ ít ai diễn tả đầy đủ, sâu sắc cảnh người phụ nữ phải làm lẽ, chung chồng với một người phụ nữ khác như Hồ Xuân Hương:“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, “Năm thì mười họa…”, “Một tháng đôi lần…”, “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm” (Làm lẽ). Cái “duyên” của một người phụ nữ “nghìn vàng” mà chỉ được “bén” với “chàng Cóc” có xứng với một “dấu bôi vôi”? (Khóc Tổng Cóc). Đừng cho rằng, những suy nghĩ đó của Hồ Xuân Hương chỉ là cảm tính, bộc phát từ cuộc đời tư của Bà. Đó là những bất bình đẳng còn đầy rẫy của xã hội đương thời được vạch ra, như:“bán lợi mua danh” (Chơi chợ chùa Thầy), hay:

“Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng

Một vũng tang thương nước lộn trời

Bể ái nghìn trùng không tát cạn

NGuồn ân muôn trượng dễ khơi vơi”

                                      (Chơi đền Khán Xuân)  

Và thật gay gắt:

“Nào nào cực lạc là đâu tá

Cực lạc là đây chín rõ mười”

                                      (Chơi đền Khán Xuân)  

                                               

Sự hiểu biết về tự nhiên, xã hội của Hồ Xuân Hương được gắn với hiểu biết về con người một cách sâu sắc. Theo Bà, con người trước hết là một thực thể tự nhiên được “tạo hóa” ban cho những thứ không xa lạ gì với giới tự nhiên vô cùng sinh động. Đó là những “nét ngang”, “đầu dọc” (Không chồng mà chửa) hay “Đôi gò bồng đảo”, “Một lạch đào nguyên” (Thiếu nữ). Con người chính là bản sao của giới tự nhiên về hình thể! Vì vậy, con người với vẻ đẹp của họ, nhất là của người thiếu nữ tuổi đương thì là một đề tài vô tận mà người thi sĩ, nghệ sĩ có thể lấy đó làm chủ đề ca ngợi, cần phải tìm đâu xa:

                   “Cầu trắng phau phau đôi ván ghép

                   Nước trong leo lẻo một dòng thông

                   Cỏ gà lún phún leo quanh mép

                   Cá diếc le te lội giữa dòng”

                                                          (Giếng nước)

Không giống của tự nhiên, thì sao nói ra những từ như: “chành ra ba góc” (Vịnh cái quạt – I), “mít trên cây” (Quả mít)…dường như ai cũng hiểu nó là cái này, cái nọ.

Cái của tự nhiên ấy cũng đồng thời là cái của xã hội mà con người được tận hưởng. Khác lắm, những cái quạt, quả mít, chiếc bánh trôi… kia là những thứ không hề vô tri vô giác. Nó “biết đau” cái đau của nhân tình thế thái; của những gì mà giới tự nhiên không hề có. Con người đúng là thực thể xã hội, biết gầm lên khi thân phận người ta bị giày xéo, chà đạp:

                   “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất

                   Miệng túi càn khôn khép lại rồi”

                                                          (Khóc ông phủ Vĩnh Tường)

Có lẽ hiếm người giống Hồ Xuân Hương, đem ví đời người phụ nữ như “Đèo Ba Dội”, để biết bao “hiền nhân quân tử” thay nhau “Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội).

Rõ ràng, những hiểu biết sâu rộng của Hồ Xuân Hương về tự nhiên, xã hội và con người cùng mối quan hệ giữa chúng giúp cho những vần thơ của Bà đi vào lòng người, nhất là những người có kiến thức một cách dễ dàng, sâu sắc.

Thứ hai,thơ Hồ Xuân Hương thấm đượm văn hóa dân gian và góp phần sáng tạo, làm giầu thêm những thành ngữ trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của dân tộc.

Ở góc độ vận dụng những thành ngữ dân gian sẵn có, Hồ Xuân Hương là một bậc kỳ tài. Sau “lần đò” thứ nhất, Bà đã có một sự ví von về cuộc tình đứt đoạn này bằng hình tượng “nòng nọc đứt đuôi”“dấu bôi vôi” lên con cóc (liên tưởng đến Tổng Cóc, mà Bà từng làm lẽ rồi chia tay). Đây là những thành ngữ có trong dân gian chỉ sự kết thúc không thể lấy lại được của một điều gì đó. Thương cho phận mình, nhưng lại thể hiện sự chấp nhận nỗi đau một cách lạnh lùng, vỗ về: “Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!” với thái độ rất đàn chị.Ví dụ khác, trong “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”, những thành ngữ như: “kiếp ba sinh” (quan niệm Phật giáo), “tang bồng hổ thỉ” (Hán Việt), “tạo hóa” hay “càn khôn” đều rất gần gũi với đời sống dân gian đương đại.

Ở góc độ sáng tạo, làm giầu, thơ Hồ Xuân Hương thực sự góp phần làm phong phú thêm những thành ngữ dân gian vốn có và từ đây, những câu thơ, lời thơ của Bà cũng đi vào văn hóa dân gian như những thành ngữ quý giá. Rất nhiều bài thơ, câu thơ, mệnh đề, câu đối của Bà đã nằm lòng trong đời sống dân gian từ đó đến nay. Đơn cử, sự ví von về cảnh làm lẽ của Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Làm lẽ” với câu thơ: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” là sự diễn tả sâu sắc nhất, giầu hình ảnh nhất về những gì mà người con gái khi phải chung chồng với người khác phải gánh chịu. Câu thơ này dường như đã thành câu nói truyền miệng trong dân gian khi đề cập đến vấn đề hôn nhân lạc hậu theo kiểu đa thê. Ngay cả câu thơ: “Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta” (Sư hổ mang), cho đến nay trong dân gian cũng nhiều người sử dụng như một câu cửa miệng để phê phán những kẻ đội lốt tu hành làm những điều thất đức, trái với kinh sách nhà Phật, hoặc kể cả dùng trong những trường hợp lợi dụng danh nghĩa này nọ để thực hiện những điều không chính danh, chính nghĩa trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ ba, thơ Hồ Xuân Hương là nguồn đề tài vô tận để các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khai thác, vận dụng, làm giầu trong đời sống hiện thực. 

Thi sĩ Tản Đà đã từng thổ lộ:

                   “Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương

                   Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai”

                                                (Giấc mộng con – Tản Đà)

Từ “nhường” trong câu thơ mà Tản Đà dùng mang đầy đủ ý nghĩa của một di sản văn hóa. Thơ Hồ Xuân Hương viết ra còn là những dâu chấm lửng, bỏ ngỏ cho người đời sau mặc sức vũng vẫy. Nụ cười thanh thanh tục tục chẳng dứt khi đời sống vẫn đầy chuyện thanh tục phải luận bàn, khen chê. Cái cười chua xót của Bà còn nằm trong văn học, thi ca hiện đại như những giá trị không một ai có thể bằng động cơ này, động cơ khác ngăn cản. Bởi lẽ, cuộc sống luôn có tính hai mặt: đúng hoặc sai, phải hoặc trái, tốt và xấu, khen và chê. Càng muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn mĩ bao nhiêu, càng phải thấy được sự thật của cái xấu, cái không hoàn mĩ bấy nhiêu. Chính vì lẽ đó, những bài thơ (bát cú hay tứ tuyệt), câu đối của Bà còn được xem là những bài xướng nuôi cảm hứng, hồn thơ cho các nhà thơ sáng tác, mặc sức tung hoành ra những bài họa, câu đối họa phong phú, gắn với nội dung mới:

                   “Một thoáng Xuân Hương” – Hội quán cười

                   Khôi hài, hóm hỉnh để đời tươi

                   Lời hay, ý đẹp tung hoành bút

                   Bà Chúa thơ Nôm sống lại rồi!”

                                      (Một thoáng Xuân Hương – Trần Văn Cường)

Với những sáng tácđậm chất dân tộc, được lưu truyền trong dân gian, nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương đã được truyền cho hậu thế bằng nhiều kênh, kể cả truyền miệng và dạy học.

Ở góc độ truyền miệng, người dân lao động một nắng hai sương, được học hành tử tế hay không có điều kiện học hành, ít nhiều đều thuộc một vài câu thơ, đoạn thơ của Bà và cái tên Hồ Xuân Hương là niềm tự hào của họ, nhất là của người phụ nữ Việt Nam muốn ngẩng cao đầu, không chịu thua kém ai.

Trong môn Ngữ văn của nhà trường phổ thông các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay, một số bài thơ như: “Bánh trôi nước”, “Tự tình I”, “Tự tình II”, “Tự tình III” vẫn được đưa vào giảng dạy, giúp học trò hiểu về thân thế, sự nghiệp, tài làm thơ của “Bà Chúa thơ Nôm”, kèm theo với đó giới thiệu những kiến thức văn học đặc sắc, làm mẫu không thể thay thế trong hành trang kiến thức của học trò.

Thay cho lời kết của bài viết, xin mượn những câu thơ khá hay của tác giả Nguyễn Viết Dinh (Chi hội Minh Triết Thành Sen Hà Tĩnh) viết về thơ của Bà:

                   “Để trang thế sự cay dòng mực…

                   …Ngàn thu Cổ Nguyệt tiếng còn thơm”

                                      (Ván cờ Xuân Hương – Nguyễn Viết Dinh).

Phải chăng “Ván cờ Xuân Hương” còn “cay dòng mực”, chưa có hồi kết? Những số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ vẫn đang là chủ đề phải quan tâm nhiều hơn. Cái bóng của ông Tường (Phủ Vĩnh Tường), ông Cóc (Tổng Cóc) còn đâu đó! Chuyện “bán lợi mua danh”, “mặc cả” (Chơi chợ chùa Thầy) vẫn tồn tại đầy dãy trong cuộc sống hiện tại…Vì vậy, Bà Chúa thơ Nôm sẽ còn đồng hành cùng chúng ta hôm nay và mai sau./.

N.H.T