BÀN VÈ NGŨ ĐỘ THANH – Bài viết của Ngô Bích Thuận
Bàn về Ngũ Độ Thanh
Lâu nay, kể từ đầu năm 2013 khi mình mang Đường Luật Ngũ Độ Thanh giới thiệu lên Facebook và lập Group Vần Thơ Xướng Họa Đường Luật Ngũ Độ Thanh, có một bộ phận người chơi thơ thường thắc mắc rằng Đường Luật Ngũ Độ Thanh có tự bao giờ, và quy định của nó là gì ?
Hôm nay, mình sẽ giải đáp để mọi người hiểu rõ xuất xứ của Đường Luật Ngũ Độ Thanh nhé.
A – NGUỒN GỐC
Khoảng cuối năm 2012, Trần Tâm (bút danh Linh Tâm) là một trong những thành viên chủ chốt của Group HOA SƠN LUẬN KIẾM. Phong cách thơ của bạn ấy khi đó rất mộc, chủ yếu là chém gió cho vui, nhưng chém rất hăng và tất nhiên là bài nào cũng đầy lỗi bệnh. Mình quen biết với nhóm bạn này cũng từ thơ Đường Luật và thường góp ý với các bạn ấy nên chú trọng về lỗi bệnh để câu thơ đọc lên nghe mượt mà hơn.
Trong một cuộc đàm đạo, sau khi kể chuyện vào các diễn đàn thơ chơi và “bị các cụ cao niên rượt cho chạy mất dép”, một người bạn bỗng nhiên đưa ra ý tưởng “giá như bọn mình đủ trình độ để viết một bài thơ mà trong mỗi câu, mỗi chữ mang mỗi thanh dấu, thì đủ sức vào rượt lại các cụ nhỉ ?”
Mọi người cũng chỉ nói chuyện phiếm với tính cách vui vẻ như một cuộc trà dư tửu hậu để cười…
Nhưng, Linh Tâm lại đặc biệt chú ý đến ý tưởng này.
Bạn ấy nói : Chúng ta có thể làm được chứ ? Một bài thơ Đường Luật mà trong mỗi câu không trùng lặp thanh dấu, mình nghĩ sẽ rất thú vị! Mình sẽ thử sức xem.
Và thế là đầu năm 2013 Đường Luật Ngũ Độ Thanh được ra đời bởi sự tìm tòi sáng tạo của Linh Tâm với cái tên nguyên thủy mà Linh Tâm đặt cho nó là Đường Luật Năm Thanh Dấu
Lúc ấy, mình chơi thơ Đường Luật bằng bút danh Ngô Gia Tôn Tử. Mình góp ý nên đổi tên Đường Luật Năm Thanh Dấu thành Đường Luật Ngũ Độ Thanh, nghe hay hơn.
Tháng 5/2013 Group Vần Thơ Xướng Họa Đường Luật Ngũ Độ Thanh do mình và Linh Tâm sáng lập ra đời.
B – Ý NGHĨA CỦA TÊN ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH
Nhìn trên mặt chữ, chúng ta nhận thấy âm là những tiếng không có dấu. Vì không có dấu nên không có cung bậc lên, xuống, thấp, cao.
Khi thêm những dấu Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã vào thì âm trở thành thanh và có giọng thấp, giọng cao, giọng lên, giọng xuống.
Vì có 5 dấu và vì một khi âm trở thành thanh thì tiếng gốc không dấu đó được coi là một thanh, cho nên mỗi âm chia làm 6 thanh độ:
– Phù bình thanh, gồm những tiếng không dấu.
– Trầm bình thanh gồm những tiếng có dấu huyền.
– Phù thượng thanh gồm những tiếng có dấu hỏi.
– Trầm thượng thanh gồm những tiếng có dấu ngã.
– Phù khứ thanh gồm những tiếng có dấu sắc.
– Trầm khứ thanh gồm những tiếng có dấu nặng.
Vậy thì tại sao có đến 6 thanh độ, nhưng không gọi là Đường Luật Lục Độ Thanh mà lại là Đường Luật Ngũ Độ Thanh ?
Là bởi vì, do trong cấu trúc những câu thơ có 4 bằng + 3 trắc, thì số lượng 4 thanh độ thuộc nhóm trắc chỉ hiện diện 3/4.
Do đó, cộng thêm 2 thanh bằng thì trong những câu thơ này chỉ có tối đa 5 thanh độ. Nếu gọi Đường Luật Lục Độ Thanh thì những câu thơ này không đáp ứng được tiêu chuẩn Lục Độ Thanh. Do đó, mới chọn số lượng thanh độ có mặt tối thiểu trong các câu làm chuẩn.
Vì vậy mới có tên Đường Luật Ngũ Độ Thanh.
C – LẠI CÓ MỘT VÀI Ý KIẾN CHO RẰNG ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH CÓ XUẤT XỨ TỪ TRUNG QUỐC?
Xin thưa, điều ấy là không thể.
Vì sao ? Vì hệ thống thanh điệu của Trung Quốc chỉ có Tứ Thanh.
* 4 thanh điệu trong tiếng Trung (Tứ Thanh):
– Thanh 1 (bā):
Đọc cao và bình bình. Gần như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt.
– Thanh 2 (bá):
Đọc giống dấu Sắc trong tiếng Việt.
– Thanh 3 (bǎ):
Đọc gần giống dấu Hỏi nhưng kéo dài. Vì cao độ lúc xuống thấp sẽ nghe hơi giống dấu Nặng trong tiếng Việt.
– Thanh 4 (bà):
Thanh này giống giữa dấu Huyền và dấu Nặng.
Ngoài ra, trong tiếng Trung có 1 thanh nhẹ, gọi là “khinh thanh” không biểu thị bằng thanh điệu (không dùng dấu). Thanh này sẽ đọc nhẹ và ngắn hơn thanh điệu, thường xuất hiện trong các từ láy. Người không rành tiếng Trung rất dễ nhầm khinh thanh với thanh 1.
* Tiếng Trung có quy tắc biến điệu, nhưng chỉ dành cho cách đọc, không dành cho cách viết, nên trên thực tế, cơ bản vẫn là chỉ có Tứ Thanh.
Vì thế, cơ bản là hệ thống thanh điệu Trung Quốc chỉ có Tứ Thanh, không thể nào đáp ứng được yêu cầu để làm một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh như hệ thống Lục Thanh của người Việt.
Cho nên những suy đoán cho rằng Đường Luật Ngũ Độ Thanh xuất phát từ Trung Quốc là vô căn cứ, chứng tỏ người phát ngôn không hề có chút kiến thức nào về hệ thống thanh điệu của Trung Quốc.
D – QUY ƯỚC CÁCH CHƠI CỦA ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH
Tất nhiên là mọi quy ước trên thế gian này đều do con người đặt ra và Đường Luật Ngũ Độ Thanh cũng vậy, nó do Linh Tâm quy định trong quá trình sáng tạo ra nó.
- Điểm đầu tiên phải tuân thủ, là Đường Luật Ngũ Độ Thanh chỉ sử dụng niêm luật của Đường Luật Chính Thể, không chơi kiểu “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”.
– Điểm thứ hai, Đường Luật Ngũ Độ Thanh không chấp nhận bị dính 20 lỗi bệnh của thơ Đường Luật. Có nghĩa là cho dù bạn đạt được tiêu chuẩn về phối thanh, về nội dung, nhưng không đạt được tiêu chuẩn triệt tiêu 20 lỗi bệnh, thì nghiễm nhiên bài thơ bị tính không đạt chất lượng.
* Cấu trúc của một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh gồm có:
– Những câu cấu tạo 4 bằng + 3 trắc:
Trong những câu này, 3 trong 4 thanh độ thuộc nhóm trắc được sử dụng tùy thuộc vào sự phối thanh của người viết, nhưng không được phép lặp lại 2 lần mỗi thanh độ trong câu.
2 thanh độ thuộc nhóm bằng được phép lặp lại trong câu nhưng hai thanh độ cùng dấu không được phép liền kề.
– Những câu cấu tạo 4 trắc + 3 bằng:
Trong những câu này, bắt buộc phải có đủ sự hiện diện của 4 thanh độ thuộc nhóm trắc và 2 thanh độ thuộc nhóm bằng (vẫn như trên, được phép lặp lại thanh độ cùng dấu nhóm bằng trong câu nhưng không được phép liền kề).
Tại sao các thanh độ thuộc nhóm trắc không được phép lặp lại trong câu nhưng 2 thanh độ nhóm bằng thì được ?
Đó là do nhóm bằng chỉ có tối đa 2 thanh nên không đủ để phối thanh luân phiên. Do đó nó được phép lặp lại, nhưng để đảm bảo yêu cầu không trùng dấu ở vị trí gần nhất tối thiểu, nó phải không liền kề.
Ví dụ :
LỜI CHÚC CHÂN THÀNH
Chúc được bình an cũng đủ rồi
Mong cầu khỏe mạnh suốt đời thôi
Đừng câu sáo rỗng kim tiền chảy
Chớ chữ thừa dư bảo ngọc bồi
Chí vững vun tài đâu phải cậy
Tâm lành trữ phúc chẳng hề trôi
Ngày Xuân thực tiễn lời đơn giản :
Chúc được bình an cũng đủ rồi !
Ngô Bích Thuận Đài Loan
E – NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM KHI SỬ DỤNG ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH.
Tất cả mọi điều tồn tại trên đời luôn có 2 mặt tích cực và hạn chế của nó. Đường Luật Ngũ Độ Thanh cũng vậy.
1.Ưu điểm :
– Sử dụng Đường Luật Ngũ Độ Thanh sẽ làm cho câu thơ đọc lên nghe mượt mà hơn nhờ độ trầm bổng thay đổi theo sự phối thanh luân phiên không lặp lại.
– Do yêu cầu không chấp nhận 20 lỗi bệnh, nên buộc người chơi phải chú ý để tránh, khiến mặt nghệ thuật của nó được tăng cao.
- Nhược điểm :
– Tất cả những từ ghép hoặc từ láy đồng âm sẽ không sử dụng được trong Đường Luật Ngũ Độ Thanh, khiến một bộ phận không nhỏ từ ngữ bị vô hiệu hóa.
Nhưng bù lại, người chơi bắt buộc phải đi tìm những từ có giá trị tương ứng để thay thế, điều này làm cho kho tàng ngôn ngữ được đào bới kỹ hơn và người ta có khả năng tìm được nhiều từ ngữ hơn để sử dụng.
– Không phải ai cũng có khả năng làm được một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh mượt mà cả ý tứ lẫn ngôn ngữ. Có những người vì chạy theo cách chơi, chỉ chú ý ghép sao cho đủ Ngũ Độ Thanh mà đánh mất nội dung, khiến bài thơ trở nên ngô nghê, phi logic chẳng khác gì ghép chữ. Đấy là điều đáng buồn nhất.
* LỜI NHẮN NHỦ CỦA NGÔ GIA TÔN TỬ
Là một người mang Đường Luật Ngũ Độ Thanh do Linh Tâm sáng tạo ra giới thiệu lên Facebook, tất nhiên mình rất vui khi nó được đón nhận, được phát triển ngoài sức tưởng tượng của một nhóm nhỏ ban đầu.
Nhưng xin đừng lầm tưởng hoặc ngộ nhận nó là “đẳng cấp”, là “đỉnh cao” như một vài người tự gán cho nó.
Trước khi viết một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh, xin bạn hãy biến nó thành một bài thơ Đường Luật Chính Thể chất lượng đã, rồi hãy nghĩ đến chơi tiểu xảo.
Vì bản chất thơ Đường Luật là ngôn ngữ cô đọng, súc tích, chân phương và sát thực nhưng khả năng diễn đạt rất cao.
Một bài thơ hay, không phải nhờ ở lối chơi, mà là hội đủ các yếu tố ý sâu, tứ mượt, ngôn ngữ chuẩn xác, niêm luật thông. Đó mới là tiêu chí của thơ Đường Luật.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình.
Theo Facebok – Ngô Bích Thuận