BÀI TỔNG KẾT HỘI THẢO : Nhất lạm về Hội thảo thơ Đường luật thời Trần

 

                                                                                                                                                                 

                                                                        G/s  Nguyễn Đình Chú    

               Lời nói đầu.

     Trong đời sống thơ ca Việt nam thời nay, thơ Đường luật đã trổi dậy một cách sung mãn chưa từng có. Đặc biệt là từ ngày có  Hội thơ Đường luật Việt nam thuộc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hoa dân tộc ,đến nay đã hơn mười lăm năm  với hàng ngàn hội viên thuộc các chi hội rải khắp nhiều tỉnh thành từ miền xuôi đến miền ngược từ Bắc chí Nam của đất nước Đây là sân chơi nghệ thuật trong sáng lành mạnh  chủ yếu của các bậc nam nữ cao niên mà ở tuổi thơ ít nhiều đã được nếm hương vị ngọt ngào của Đường thi Trung quốc ,Việt nam để rồi sau đó mặc cho hoàn cảnh sống thế nào thì hương vị đó vẫn neo đậu trong tâm hồn để nay sau ngày nghỉ hưu vào tuổi già lại muốn sống lại với khoái cảm .xưa cũ đó. Chẳng những thế mà còn là của không ít nam thanh nữ tú  mà trong dòng máu vẫn có.ít nhièu khoái cảm Đường thi của cha ông để lại.

          Gàn đây, Trung tâm Minh triết thơ Đường Việt Nam ra đời,  dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Văn hóa Minh triết,bên cạnh sự hoat động sáng tác thơ luật Đường, nay còn tổ chức  Hội thảo khoa học về Thơ Đường luật thời Trần. với tư cách một nghiên cứu khoa học.Sau đây là thu hoạch của cá nhân tôi từ các bản tham luận của Hội thảo.

                                           ***                                          

 1 Một thành quả đáng mừng

   Tôi thật không ngờ Đề cương phát ra đã được  nhiệt tình hưởng ứng với một số lượng tham luận  nhiều như thế do có thể là tư liệu thơ Đường luật thời Trân để lại còn phong phú . Trong đó, ta  gặp lại hầu hết các vị từng gắn bó và vẫn gắn bó với thơ Đường luật Việt Nam từng tham gia Hội thảo về Thơ Đường luật thời Lý .Như  Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Công Lý, Vũ Thanh, Nguyễn Hữu Sơn, Đoàn thị Thu Vân, Nguyễn Thị Bích Hải., Nguyễn Khắc Phi. Vũ Bình Lục, Thạch Châu, Đức Thọ, Nguyễn Thị Thiện, Trần Thủy. Nguyễn Minh San …. Cùng với đội ngũ trên là thêm nhiều vị trong đó có nhà nghiên cứu lão giả Nguyễn Khắc Mai  nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Minh triết   với tham luận Chùm thơ Tứ trấn của Trần Thái Tông. GS.TS Trương Sĩ Hùng Viên trưởng Viện Văn hóa minh triết, Giám đốc Trung tâm Minh triết thơ Đường Việt Nam  với tham luận Hào khí Đông A với thơ Đường luật .TS Đinh Công Vĩ  mà trong một bài viết về ông, tôi có nhan đề: Đinh Công Vĩ – một hậu duệ của  nhà  bác học Lê Quí Đôn với tham luận: Thơ Đường luật đời Trần từ cội nguồn đến thời văn chương Việt sáng chói Hào khi Đông A , Trần Đình Tuấn thuộc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tộc Trần với tham luận Một vài suy nghĩ về thơ Đường luật đời Trần., Nguyễn Công Thành chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định có hai tham luận viết với niềm tự hào về quê hương có nhà Trần và thơ Đường luật thời nhà Trần . Vũ Thị Cẩm Tú  giảng viên trường Đại học Tài nguyên môi trường Tp Hồ Chí Minh với tham luận Cảm hứng thế sự và nhân văn trong thơ Đường luật  cúa đời Trần . Thiếu tướng Đào Quang Cát với tham luận Thơ văn Trần Quang Khải. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng với tham luận Non sông vạn thuở vững âu vang. Nguyễn Công Thanh Dung ái nữ của PGS.TS Nguyễn Công Lý  giảng viên khoa Văn hóa ĐHKHXH và NV thuộc ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh với tham luận Cảm hứng thiên nhiên trong những vần thơ Đường luật của các vị Hoàng đế qua cảm quan Thiền đạo. PGS Tiến sĩ Trần Văn Luyện  vơi vài viết Vai trò của Hàn Thuyên với thơ Đường thời. Tiến sĩ Minh San với chủ đề Thơ Đường luật trong tài ngoại giao. thời nhà  Trần. Đặc biệt, có  Nguyễn Lương Vỵ, Việt kiều, địa chỉ Calip Westminster với tham luận Đọc thơ Trần Nhân Tông … Nhìn chung các  tham luận về mức độ đóng góp có ly lai  nhau  nhưng đều  là kết quả nghiên cứu công phu của những người rất yêu thích thơ Đường luật thời Trần nói riêng thời Đường luật Lý Trần nói chung. Đúng là quí vị  đã cho người đọc thấy thơ Đường luật Lý Trần  là một kho báu thơ ca thượng hạng của đất nước. Là người Việt nam mà không  thưởng thức được kho báu đó là một điều đáng tiếc. Tôi  mong ý kiến này của tôi sẽ đến được với các nhà thơ trẻ Việt Nam thời nay trong đó có các học viên của khoa Viết văn  Nguyễn Du..Sau đây là những  thu hoăch của cá nhân tôi từ  các bản tham luận trên các phương diện

  1. Cơ sở xã hôi của thơ Đường luật thời Trân

      1). Thời đại nhà Trần trong lịch sử dân tộc.

   Phần lớn các tham luận , chỗ nói kỹ chỗ nói qua , đều chung một ấn tượng : Nhà Trần nối tiếp nhà Lý đã phát triển đất nước ở cả mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự. văn hóa,  tâm linh, giáo dục, văn học nghệ thuật thành một triều đại vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc mặc dù cũng không thoát khỏi qui luật thịnh suy, có Thịnh Trần và Vãn Trần, đúng như nhiều sử gia  đã nhận định. Trong đó nổi bật nhất là sự kiện Hội nghị Diên Hồng , là Đại thắng giặc Nguyên Mông đế quốc lớn nhất của thế giới  đương thời.  là Hào khí Đông A niềm tự hào muôn đới của dân tộc.

  1. Họ Trần:

     Nhiều tham luận  đều cho rằng đây là dòng họ sáng danh nhất  trong các dòng họ của Việt Nam. mà  thấyTrung quốc  có họ Trần thì nói họ Trần của Việt Nam gốc Trung Quốc. Nhưng  ông Trần Đình Tuấn  thì còn cho biết : “ Họ Trần Việt nam kể từ lúc Ngô Quyền dành độc lập nổi lên hai người anh hùng đứng lên dẹp loạn để xây nên những triều đại độc lập. Đó là Trần Minh Công ( Trần Lãm) là một trong 12 sứ quân người Mân Việt đã nhận Đinh Bộ Lĩnh làm con nuôi sai đi đánh dẹp các sứ quân, được trao binh quyền  để trở thành Đinh Tiên Hoàng đế của nước Đại Cồ Việt và người thứ hai là Trần Thủ Độ Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lý dẹp loạn Quách Bốc, phò Lý Huệ Tông sau đó đã giúp người cháu họ được nhường ngôi lập nên nhà Trần

  1. Văn hóa thời nhà Trần:

       Các tham luận đề cập đến văn hóa thời Trần là nghĩ ngay đên mối quan hệ giữa Hào khi Đông A với văn hóa  của đất nước .Có vị đã mệnh danh văn hóa thời Trần là văn hóa của Hào khí Đông A trong đó  Tam giáo đồng nguyên là  học thuyết nền tảng. Tam giáo gồm Nho giáo Phật giáo Lão giáo (Đạo giáo ) vốn là ngoại nhập đã được Việt nam đón nhận theo qui luật tiếp biến (aculation) vừa tiếp nhận vừa biến đổi mang bản sắc Việt nam trong đó tương quan giữa Nho giáo và Phật giáo thời  Trần  so với thời Lý ít nhiều có khác. Nho giáo cùng với đó là Nho học phát triển hơn trước. Điều này có liên quan đến lực lượng sáng tác văn học. Phật giao vẫn có vai trò quốc giáo và phát triển với khí thê mới  phong phú hơn. Đặc biệt là tạo ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc Việt nam có sức sống tới muôn đời. Nói đến văn hóa thời Trần là nói đến những triết lý đạo đức nhân sinh cao siêu huyền diệu, là nói đến sự xuất hiện những trước tác quí báu nhất trong muôn đời, là nói đến lối sống khoan dung hướng thiện của lương dân kể và lối sống thân dân của các bậc vua chúa  , là nói đến sự xuất hiện những con người sáng danh cao cả trong muôn đời…

  1. Văn học thời Trần

   Tham luận của TS Đinh Công Vĩ  đã có mục: “Tất cả từ  xa đến gần từ ngoài đến trong… là nguyên nhân chủ yếu mang lại cho nền văn chương nước ta nhất là thơ Đường luật một tầm vóc đáng kể, sinh động, hào hùng, phong phú thể hiện ở bốn mặt như sau : thể loại bi ký, thể văn tứ lục, thể phú nhất là Đường phú, Thơ của các vua chúa”. Tác giả tham luận đã giới thuyết về các thể loại và  điểm qua tình hinh  sáng tác cụ thể. Theo ông “Hào khí Đông A  chói lọi ở thời thịnh trị đang lên với những tác phẩm chói ngời.  soi rọi vào thời sau với những tia hào quang le ỏi.” … Chính sứ  Nguyên Trương Hiển Khanh đã nói với đất nước của “Đường Tống bát đại gia”… rằng : An nam tuy tiếu văn chương đại / Vị khả tinh đàm tỉnh đế oa.( Nước Nam tuy nhỏ mà văn chương lớn / Các ngươi chớ có thể như ếch ngồi đáy giêng mà xem thường )

    B..Thơ Đường luật thời Trần

  1. Cuội nguồn của thơ Đường luật

      Thơ Đường luật  là củaTrung Quốc đời Đường du nhập vào nước ta và trở thành thể thơ chủ lực của thơ ca Việt nam thời trung đại. Bài thơ Đường luật đầu tiên của Việt nam hiện biết là bài thơ Quốc tộ  của PhápThuận ( người họ Đỗ ) ở thế kỷ X. và  cũng biết trước đó ở thời Bắc thuộc đã có người sang Trung Hoa học tập và làm quan ở đây làm thơ  . Cũng TS Đinh Công Vĩ cho biết thêm: “ Ngay từ thời ấy từ miền đất gốc ấy đã có sự giao lưu đẹp đẽ giữa nhà thơ Đường nguyên bản với giới sư sãi và sĩ phu nước ta. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn cho thấy nhà bác học đã đọc được tên các vị thi tăng Việt có quan hệ thân thiết với các thi sĩ Trung Hoa đời Đường trong các sách Loại hàm, Anh hoa. Đó là Thiền sư Vô Ngại, Pháp sư Phụng Đình, Pháp sư Duy Giám mà Trương Tịch nổi tiếng Trung Hoa trân trọng gọi là Nhật Nam Tăng”.  Ngay thời Đường,Việt nam ta đã có nhiều Pháp sư và nho sĩ rất giỏi kinh  kệ và kinh sử được Trung quốc mời sang trao đổi văn hóa và xướng họa thi ca với nhau. Với bài phú Bạch vân chiếu xuân hải ( Mây trắng dọi biển xuân ) của Khương Công Phụ ghi trong Toàn Đường văn được bao người làm thơ Đường ở Trung Hoa ca ngợi cho rằng Nôi hạ không bằng Ngoại di.(  Hoa hạ và ngoại di của Tư tưởng Đại Hán)

  1. Cơ sở học thuyết của thơ Đường luật thời Trần

      2.1. Tam giáo đồng nguyên :

   Nhiều tham luận  nói đên vai trò cơ sở của Tam giáo đồng nguyên với văn hóa văn học và thơ Đường luật thời Trân. Tham luận của ông Bùi Văn Hiên về “ Mối quan hệ giữa thơ Đường luật  với Tam giáo đồng nguyên thời nhà Trần”,( không dùng từ giáo mà dùng từ đạo), đã nêu lên những nội dung cơ bản của mỗi đạo và ảnh hưởng của mỗi đạo đối với người Việt Nam ta thời nhà Trần . Theo ông, tôn chỉ của Đạo Phật  là Hư Vô , khuyên răn con người nếu bớt ham muốn và giũ sạch bụi đời bám vào mình thí sẽ có hạnh phúc. Đạo Lão  thì lấy sự thanh tĩnh tự nhiên làm tôn chỉ nên nó không thịnh hành nhưng lại được các bậc cao nhân dật sĩ lĩnh hội tinh thần. Người có mưu cơ,người phóng khoáng người biết nhận nhục người thích tĩnh người chán việc đời cũng đi theo đạo này. Do đó sau biến ra thành lối thuật số tu luyện đạo phù thủy nên những người theo đạo Nho bác bỏ không cho là chính đạo.   Cũng theo ông “ Thơ Đường luật thời đại nhà Trần lấy Thiền Tông làm chỗ dựa để dung hợp Khổng Lão Các tác giả văn học nói chung và các tác giả thơ Đường luật thời nhà Trần đã có khả năng nội lực dung thông vững vàng ba đạo ấy thành Tam giáo đồng nguyên thời nhà Trần. Rõ ràng mối tương quan mật thiết Đạo pháp – Dân tộc trên cơ sở giáo lý Nhân Lễ Nghĩa Trí vớí mong muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong một xã hội rạng rỡ một xã hội Chân Thiện Mỹ.”. Ông Trương Quang Văn trong tham luận cũng nêu lên cách hiểu của mình về Nho giáo Phật giáo Lão giáo củaTam giáo đồng nguyên và ảnh hưởng của mỗi giáo ở  tác phẩm thể loại phẩm cụ thể này nọ.

           .2.2 Thiền tông thiền đạo:

    Đây là triết lý cao siêu huyền diệu của văn hóa thời Lý Trần, đặc biệt phát triển rất mực bề thế ở thời nhà Trần. Để hiểu  văn hóa văn học thơ Đường luật thờiTrân không thể không tìm hiếu Thiền tông Thiền đạo .Vậy thế nào là Thiền tông Thiền đạo đã du nhâp vào nước ta như thế nào? Theo TS. Đinh Công Vĩ :” Thiền thuật ngữ của Phật giáo dịch tá âm Thiền na, từ Dyhan tiếng Phạn dịch ý là Tĩnh lự , Tu duy Tư, Công đức tùng lâm, chỉ việc chuyên chú vào một cảnh, suy nghĩ sâu sắc, thế nên có khi  phải tập trung suy nghĩ. Làm thơ phải suy ngẫm. Điều này là phù hợp Thiền học với bản chất thơ ca nhất là thơ Đường luật là thể thơ bác học phải sâu rộng. Vô Ngôn Thông được người hỏi về Thiền và Thiến sư thì lấy ngón tay chỉ vào một gốc cây thoan lư. Nếu Thiền và Thiền sư trả lời băng lời thì chỉ là những khái niệm trừu tượng, còn gốc cây trên mới là hình ảnh cụ thể của thực tại. Nhìn thấy gốc cây trong chính thực tại cụ thể của nó tức là thâm nhập vào thế giới Thiền và trở thành Thiền sư. Vậy Thiền học gần với thơ ở chỗ chú trọng hình ảnh mà xem thường những khái niệm trừu tương do đó dẫn tới Thiền sư thường dùng những câu thơ làm lời Thiền ngữ và thơ Thiền có nhiều hình ảnh. Như việc Thiền sư Tuyết Đậu thời Bắc Tống là một thi sĩ lớn đã khiến cho khuynh hướng Thiền ngữ thi ca ảnh hưởng lớn trong Thiền môn lấy hình ảnh trong thi ca làm Thiền ngữ. Sự xuất hiện ở Việt nam đời Lý năm 1065 của Thiền sư Thảo Đường đệ tử của Tuyết Đậu đã khiến cho khuynh hướng Thiền ngữ thi ca ảnh hưởng sâu đậm đến Thiền học Việt nam đặc biệt trong Thiền phái Vô Ngôn Thông “                                                                                          :PGS.TS Trần Thị Băng Thanh với tham luận Ý tưởng Thiên thể hiện qua vẻ đep cái đạm trong thơ Trần Nhân Tông  cho biết” Trần Nhân Tông được coi là nhà thơ Thiền tiêu biểu nhất thời Trần. Chắc chắn những bài thơ ấy phải thể hiện hoặc ít hoặc nhiều cảm quan Thiền của Phật Hoàng. Nhưng Thiền vốn vô ngôn, đem những lời thế tục để giảng giải thế tất khó có thể chuyển tải những ý tưởng thâm thúy cao siêu vi diệu của Thiền. Như vậy hà tất phải nói gì . Tuy nhiên chủ thuyết của Phật hoàng là “ Hòa quang đồng trần” “ Cư trần lạc đạo” nếu như vậy thơ ca của Người cũng không hẳn là điều chúng nhân không thể cảm nhận  thụ hưởng. Tôi tin rằng người đọc dù thế tục hay Thiền giả chắc chắn đều cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế vừa cao siêu vừa  gần gũi đến “quyến rũ”của thơ Người… Đọc thơ Trần Nhân Tông tôi cảm nhận được một trong những vẻ đẹp của thơ Người là ”cái đạm”.Thơ của Người là thi – họa. Mỗi bài thơ như một bức tranh sơn thủy chấm phá, không có  những cảnh náo nhiệt những màu đậm gắt mà được vẽ bằng những gam màu nhạt nhưng trong sáng”.Từ đó , tác giả đã phân tích vẻ đẹp của cái đạm của ba bài thơ  Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài sơn, Tảo mai của Trần Nhân Tông.     

  Ông Nguyễn Lương Vỵ trong tham luận  Đọc thơ Trần Nhân Tông  mục Một Thiền sư thấu hiểu đời và đạọ, đã nói đến vấn đề Có – Không ( Vô – Hữu ) ” cũng là câu hỏi lớn của nhân loại từ ngàn xưa của các nền triết học tư tưởng lớn Đông Tây .Như được biết, Đây là nội dung chính cua nền triết học Hy Lạp cổ đạii khởi đi từ Parmenides,triết gia thời tiền Socratic đã sớm nhận ra Thinking and Being is the same ( Tư duy và Hiện hưũ là một ).Điềù này có nghĩa là Hiện hưũ phạm trù mang ý nghĩa rằng nó chỉ Có trong tư duy trong khái niệm mà thôi. Cho nên chỉ là một phạm trù qui ước. Cái Có này là vô thường luôn luôn biến hoại đoạn diệt.Cho nên, Có chỉ nên được thiết lập tạm thời để phơi bày đặc tính duyên khởi của nó, không nên chấp thủ,khẳng định nó, Ngược lại, trong khi nó đang- là không cần mang khái niệm Không phá hủy cái Đang- Là của nó. Khi nào hết duyên nó tự nhiên Không Tác giả Nguyễn Lương Vỵ còn nói đến triết học Lão Tử và mấy vị khác trên thế giới liên quan đến vấn đề này. Đồng thời qua việc tìm hiểu bài thi kệ Hữu cú vô cú của Điều Ngư Giác Hoàng Trần Nhân Tông ông kết lại: “ Hữu cú vô cú” …cách  đây trên 700 năm, ngôn ngữ diễn đạt giản dị như một bài đồng giao đầy Việt tính nhưng đã chuyển tải những ẩn dụ hàm súc thâm diệụ của Phật pháp giúp cho chúng ta biết cách  buông bỏ những kiến chấp chấp thủ về Có và Không, đạt tới chính kiến viên mãn, thấu suốt Thực-Tại- Hiện- Tiền để tự mình quay về chân tâm liễu ngộ Phật tánh”. Trong khi bàn về Thiền đạo, nhiều thuật ngữ như: sắc không, vô thường, duyên khởi, tùy duyên, hư vô, Phật tâm, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ…cũng được nói tới.

   3.Thơ Đường luật thời Trần

      Đây là nội dung chính của Hội thảo đã được khảo sat trên các phương diện : Khái quát,  tác giả , tác phẩm , cảm hứng chủ đạo.

      3.1. Khái quát:  Ông Trương Sĩ Hùng nhận định :”Thơ Đường luật thời Trần đạt những thành tựu cao như vậy là nhờ sự lãnh đạo sâu sát của các đời vua có học thức đầy đủ , sự tận tâm đoàn kết nhất trí của hầu hết văn quan, võ tướng cùng các vương giả “. Ông Trần Quang Tuyến trong “ Suy  ngẫm về thơ Đường luật Việt Nam thời Trần”đã so sánh thơ Đường Luạt  thời Trân với thơ Đường luật thời sau: “ Thơ Đường Luật thời Trần lúc đầu mang tính Thiền Tông, Nhưng về sau này không còn cảm hoài ngôn chí và sự tĩnh lặng mang tính Thiền nữa”, Ông Trần Quang Văn trong tham luận “ Thơ Đường luật và các tác gia thời Trần trong văn học Việt nam”nhận định “ Thơ Đường luật thời Trần đã phát triển cao về ngôn ngữ ( Hán  và Nôm ),về nghệ thuật, cảm xúc. Kể về số lượng tác gia tác phẩm qua Hoàng Việt thi tuyển …đủ thấy tầm vóc của thi đàn. Về  thơ chữ Hán có các vua như Trần Thái Tông… các vị tướng như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão…và các danh sĩ như Chu Văn An…Ý nghĩa thơ mỗi bài mỗi khác nhưng chung qui đều toát lên chính khí thanh cao.” Ông Nguyễn Đức Thọ thì lấy nhận định: “Thơ Đường luật vương triều Trần bồi đắp một cách vi diệu cho nền móng của thơ Đường luật Việt Nam” làm nhan đề của tham luận.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 ,  Ông Hồ Trí Dũng trong tham luạn Thơ Đường luật thời nhà Trân” cho biết:” Theo đánh giá của nhiều học giả nghiên cứu đến nay thì thơ Đường luật thời Trần là pho sử thi quí giá là thiên cổ hùng văn. Điều đáng tiếc là do những biến cố lịch sử đặc biệt là một quan niệm thời đó là khi người đã chết thì những đò vật dụng hàng ngày đều được con cháu đưa đi hỏa ( đốt ) để người đó vẫn dùng ở cõi âm trong đó có cả sách vở thơ văn khi còn sống  đã sáng tác thưởng ngoạn”.

  3.2. Tác gia tác phẩm và cảm hứng chủ đạo: Đây là đối tượng chính của các tham luận được viết  cho Hội thảo.. Có tác gia tác phâm vừa được viết riêng  vừa được viết chung . Có tác giả được coi trọng và viết nhiều hơn. .Vê tác gia được viết riêng thí có  Trần Thái Tông ,Tuệ Trưng Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Huyền Quang ,Trần Qjuang Khải, Nguyễn Ưc, Nguyễn Trung Ngạn . Hàn Thuyên , Chu Văn An,  Trần Nhân Tông là tác giả  vừa được viết riêng vừa được viết chung va về tác ;phẩm đều được viết nhiều nhất. Viết riêng về Trần Nhân Tông có các tham luận :” Đọc thơ Trần Nhân Tông “ của Nguyễn Lương Vỵ, “ Ý tưởng Thiền thể hiện qua vẻ đẹp của cái đạm trong thơ Trần Nhân Tông” của  Trần Thị Băng Thanh,.´Mùa xuân trong thơ Phật Hoàng Trần Nhân Tông” của Đoàn Thị Thu Vân, “ Phật Hoàng Trần Nhân Tông với cảm hứng mùa xuân” của Nguyễn Công Lý. “ Về tác phẩm của Trần Nhân Tông có: ““ Bài thơ Thiên Trường vạn vọng của Trần Nhân Tông” của Vũ Thanh, “ Thiên Trường vạn vọng”” Việc dịch Thiên Trương vãn vọng ra tiếng Anh” hai tham luận của Nguyễn Khác Phi, Với Cư trần lạc đạo” có: ” Mong nhân loại Cư trần lạc Đạo” của Nguyễn Thị Bích Hai, “ Minh triết trong bài thơ Cư Trần lạc đạo” của Trần Thùy.,Tác phẩm của các vị khác được viết riêng là Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, “ Thuật hoài” của Pham  Ngũ Lão, “ Chùm thơ Tứ trấn” của Trần Thái Tông” “ Cảm hoài” của Đặng Dung,

      Trong các tác phẩm được giới thiệu phân tich của Hội thảo nổi lên những cảm hứng chủ đạo sau : 1) Cảm hứng về Hào khí Thăng Long. 2) Cảm hứng về khí thế chiến thắng hào hùng  giặc Nguyên xâm lăng. 3) Cảm hứng về tư thế bình đẳng của dân tộc trước kẻ thù hùng mạnh qua những vần thơ đối đáp sử Nguyên, 4) Cảm hứng về Thiền đạo . 5) Cảm hứng về triết lý Cư Trần lạc đạo  6) Cảm hứng về thiên nhiên đất trời , về mùa xuân. 7). Cảm hứng về thế sự và nhân văn. 8). Cảm hứng về vận nước đổi thay… Thơ Đường luật thời Trần đã kết tinh, đã thăng hoa với những cảm hứng cao cả, thiêng liêng đó trên cơ sở vừa kế thừa vừa nâng cao thơ Đường luật thời Lý. Thơ Đường luật Lý Trần  là ngọn nguồn  là đỉnh cao nhất  của thơ Đường luật Việt Nam.

  1. II. Đôi điều muốn được trao đổi

   Thiết nghĩ  Khoa học nhất là khoa học xã hội và nhân văn, là Recherche, nghĩa là  đã tìm tìm nứa. Ở đây không có tiếng nói cuối cùng . Với quan niệm đó, tôi xin nêu một đôi điều để chúng ta cùng trao đổi với nhau thêm.

       .1. Nhận thức về chế độ xã hội thời Trần    .

   Phải chăng đang có hiện tượng:  khi nói về chế độ xã hội thời Trân, cơ sở xã hội của thơ Đường luật thời Trần, không một tham luận nào  không  ca ngợi,  cho đó là thời dại vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc . Nhưng thực tế đã có chuyện nhận thức về chế độ phong kiến trong đó có nhà Trần thì sử sách đâu đó thời nay lại có phần thiên về màu xám. Cho đó là chế độ độc tài, ông vua là người có quyền uy tuyệt đối muốn làm gì thì làm…nghĩa là lạc hậu so với chế độ tư bản đặc biệt là với chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Như thế về khách quan là ít nhiều có sự bất nhất  giữa các tác giả tham luận với sử học. Để tránh sự bất nhất này  thiết nghĩ phải thay nhận định. Đây là phong kiến nhưng là phong kiên  đức trị bản chất khác nhiều so với thứ phong kiến mà sử sách đây đó thời nay  thường nói. Mặc dù phong kiến nào thi cũng không thoát khỏi qui luật khác nghiệt của trần gian là thiện ác tương tranh và luật thịnh  suy . Không ai làm lại được lịch sử nhưng nhận thức lại lịch sử là qui luận khách quan.muốn không cũng không được. Ai cũng biết Phương Đông  xưa là đức trị. Phương Tây là pháp trị.Mà đã có quan điểm không đúng cho rằng Pháp trị là tiến bộ Đức trị là lạc hậu. Trong khi mỗi bên đều có  ưu có nhược. Vả chăng Phương Đông đức trị  mà   đâu thiếu pháp tri. Phương Tây pháp trị mà đâu thiếu đức trị. Vấn đè khác nhau là ở liều lượng và nội dung của Đức trị và Pháp trị ở mỗi bên. Lý tưởng nhất là sự kết hợp đức trị và pháp trị trên nền tảng đức trị. Để tự giác hơn về giá trị cao siêu của văn hóa văn học thơ Đường luật thời Trân cần nhận thức đúng đắn về chế độ phong kiến đức trị Việt nam trong nền văn hóa đức trị của phương Đông từng bị che khuất..

  .2. Nâng cao nhận thức  về tinh hoa truyền thống văn hóa tư tưởng triết học phương Đông xưa. Đã có  một sự thật oái oăm của lịch sử dân tộc là trong cuộc đụng độ văn hóa Tây Dông trong đó có văn hóa Việt nam ta từ thế kỷ XIX mà văn hóa phương Tây bên cạnh sự nâng đỡ đã gây ra tình trạng “ dĩ Âu vi trung”   khinh rẻ nhiếu giá trị tinh hoa văn hóa phương Đông mà đến nay chưa nhận ra để thoát áp để phục hưng văn hóa  dân tộc trong khi  xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tôc . Lại còn hiện tượng thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ Latinh hóa trong khi cả khu vực không đâu thay dù được lớn là nhờ đó mà dân chủ hóa và hiện đại hóa được nhanh chóng nền văn hóa và văn học của dân tộc. Nhưng  mất là tạo ra sự gián cách lịch sử theo qui luật khách quan ” thay chữ viết là thay cả một nèn văn hóa”(Linh mục Puginier).mà thực tế cũng chưa nhận ra  để tự giác hơn trong việc khắc phục. Trong tình hình đó , sự có mặt của những người yêu thơ Đường luật với kết quả các  Hội tháo khoa học đã và sẽ có chính là hiện tượng thoát áp, khắc phục sự gián cách phục hưng văn hóa dân tộc một cách đích đáng.  Đúng là muốn hiểu sâu hơn  giá trị thơ Đường luật thời Trần,  thì  cần hiểu sâu hơn tinh hoa văn hóa  phương Đông xưa, mà không may đã bị áp đảo che khuất. Một ví dụ: Chúng ta say sưa ca ngợi thơ  thiên nhiên thơ xuân trong thơ Đường luật thời Trần là tuyệt vời  mà nếu biết về triết lý phương Đông xưa khác triết lý phương Tây ở chỗ, với phương Đông thì Thiên nhân nhất thể Thiên nhân tương dự, Tam tài thiên địa nhân . Hạnh phúc con người là hạnh phúc hòa hợp giữa con người với nhau đã đành nhưng còn là hạnh phúc trong sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên đất trời. con người sống trong sự Trời che đất chở. Trong khi với phương Tây , con người là trung tâm của vũ trụ. Thiên nhiên là phương tiện sống của con người mặc cho con người tha hồ mà khai thác. Hai triết lý nhân sinh đó đã tạo ra hai cuộc sống khác nhau. Một bên ít khai thác thiên nhiên nên nghèo. Nhưng về sự sống lâu dài lại bền hơn. Một bên giàu có ghê gớm nhưng lại phá hoại môi sinh nặng nè kinh khủng. Dĩ nhiên đây là chuyện xưa chứ không phải nay một khi thế giới đang là thế giới phẳng. Thơ  thiên nhiên trong thơ Đường luật thời Trần và thơ ca trung đại Việt Nam nói chung tuyệt vời hơn hẳn thơ thiên nhiên về sau là nhờ có triết lý nhân sinh đó của phương Đông xưa.    

      .3. Tam giáo đồng nguyên:

    Đây là một hiện tượng văn hóa vĩ đại của văn hóa Việt nam thời trung đại đặc biệt là thời Lý Trần mà các tham luận rất mực tôn vinh. Nhưng đến thời đụng độ Đông Tây thì nó đều bị coi rẻ thậm chí bị đả kích nhât là với Nho giáo. Đã có một nhận định chi phối nặng nề một thời mà nay đâu đó vẫn còn chi phối: “ Nho giao là phản động. Dân tộc ta tồn tại được là nhờ chống được Nho giáo” Nếu chấp nhận luận điểm này thì còn gì là Tam giáo đồng nguyên để ca ngợi nữa?  Vậy là thế nào đây ? Là thế này : Nho giáo từ Trung Hoa đã có mặt ở nước ta bằng hai trạng thái. Một là theo đường xâm lược từ đời nhà Hán và các đợt xâm lược về sau của phong kiến phương Bắc. Từ đó có thứ Nho giáo phản dân tộc.Nhưng một khi kẻ xâm lược bị tống khứ thì thứ Nho giáo đó cũng bị xóa sổ. Một nữa là theo qui luật của tự thân văn hóa là  sức lan tỏa ảnh hưởng của một nền văn hóa lớn tới các nền văn hóa nhỏ trong khu vưc. Do đó, xâm lược Trung Hoa cút nhưng văn hóa Trung Hoa trong đó có Nho giáo vẫn ở lại hỗ trợ văn hóa Việt nam phát triển. Thử hỏi lịch sử trung đại Việt nam nếu không có văn hóa Trung Hoa trong đó có Nho giáo được dân tộc ta đón nhận theo qui luật tiếp biến ( aculation)  thì lấy đâu ra một nền văn hóa trung đại Việt Nam để con cháu hôm nay tự hào, lấy đâu ra  bậc sư biểu Chu Văn An, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Thiên tài văn chương Nguyễn Du…Ngay với Hồ Chủ tịch nếu khống bắt đầu cuộc sống từ đạo Tu thân của Nho giáo thì chắc gì đã ví đại như đã có. .Luận điểm “ Nho giáo là phản động” là do chỉ thấy trạng thái thứ nhất mà không thấy trạng thái thứ hai. Còn Nho giáo là gì ? Là học thuyết Đạo dức chính trị xã hội là hiểu là Chính trị xã hội đạo đức. Khác nhau về vị trí của từ tố Đạo đức trước hay sau như thế nhưng thực tế đã tạo ra hai hệ qui chiéu đối lập nhau về Nho giáo.  Nho giáo chỉ là chỗ dựa cơ yếu của ché độ phong kiến chứ không phải là toàn bộ chế độ phong kiến nhưng lại đồng nhất nó với chế độ phong kiến  để rồi phủ nhận chế độ phong kiến thì phủ nhận cả Nho giáo. Trong khi chế độ phong kiến đã tiêu vong nhưng ai dám nói Nho giáo đã bị tiêu vong.Cũng cần nói thêm là không một học thuyết nào dù là vĩ đại đến đâu cũng không ôm hết mọi phương diện của cuộc sống. Nó chỉ ôm được mặt nào đó mà thôi,  nhưng đã tuyệt đối hóa chức năng của Nho giáo để rồi chê bai nó mọi thứ mà nó không có.. Chức năng của Nho giáo chỉ là nhằm xây dựng nhân cách làm người mà ở phương diện nạy nó là vô địch trong lịch sử tư tưởng của nhân loại tự cổ chí kim dù còn thiếu điều này điều nọ.  Nói qua một chút như thế để chúng ta an tâm khi tôn vinh Tam giáo đồng nguyên từng là        học thuyết nền tảng của Thơ Dường luật thời Trần.

   .4. Đặc trưng của thể thơ  Đường luật nhìn từ góc độ tư duy  nghệ thuât..

  Về  đặc  trưng của thể thơ  Đường luật thì ai cũng biết đó là sự khắt khe về niêm luât mà tôi đã mệnh danh là  thể thơ “ vượt hiểm”là thể thơ kiệm lời nhất mà có tính ưu việt .là độ sức tích  hơn bất cứ thể thơ nào khác của nhân loại xưa nay  Nó là thể thơ “ vượt hiểm”.mà không vượt được là do tư duy sáng tạo nghệ thuât bất cập, vượt được để nở hoa nghệ thuật là do có  tư duy nghệ thuật cao cường  Thực tế đã có một hơn năm vạn Đường thi Trung quốc là môt thành quả thơ  ca vô địch của lịch sử thơ ca nhân loại tự cổ chí kim. Thơ Đường luật là sự hợp lưu nhuần  nhuyễn giữa lý trí và cảm xúc. Có lý trí  mới điều tiết được cảm xúc đúng theo  niêm luật  mà cả hai đã thành kỹ năng kỹ xảo. Đây là chỗ khác nhau giữa thơ Đường luật với thơ tự do thơ lãng mãn là các thể thơ hoàn toàn chuồi theo cảm xúc, cảm xúc đến đâu thơ ra đến đó. Hiện  tượng   bài xích thơ Đương luât  là do khác nhau về tư duy nghệ thuật của hai phạm trù thơ ca trung đại và hiện đại. Cũng là sự bất lực của thi nhân lãng mãn  đối với thể thơ “ vượt hiểm”.Thơ Đường luật cũng là sản phẩm của phong cách tư duy của  phương Đông là cầu tính ( globald) chủ toàn ( sphèrique) thiên về hỗn hợp ( syncrêtique ), còn phương Tây là tuyến tính ( linaire) thiên về phân tích ( analytique ). Thơ Đường luật là sản phẩm của tư duy cầu tính chủ toàn. Cũng có thể dùng lý thuyết âm dương của Kinh Dịch để hiểu tư duy nghệ thuật của thơ Đường luật. Với thuyết âm dương thì âm trung hữu dương, dương hữu âm. Thơ Đường luật là thể thơ trong cảm xúc có lý trí trong lý trí có cảm xúc hòa quyên hồn nhiên với nhau trong một chính thể nghệ thuật. Trong thơ có  gợi, có tả mà thường gộp làm một  gọi là gợi tả nhưng thực ra gợi khác tả khác. Tả thì hiệu  quả nghệ thuật trực tiếp đến với người tiếp nhận . Gợi thì phải thông qua vai trò suy tưởng của người tiếp nhận mới có hiệu quả nghệ thuật Thơ Đường luật vốn kiệm lời thì  phải thiên về gợi hơn tả. Trong thơ có ý và tứ, thường gộp làm một và nói là ý tứ. Nhưng ý và tứ cũng không phải là một  Ý là nghĩa của từng câu. Tứ là chất keo kết dính các ý với nhau để hồn thơ trổi dậy. Một bài thơ ý nào cũng hay nhưng không có tứ hay thì đọc xong là xong. Còn ý không hay nhưng có tứ hay làm keo dính thì đọc xong khoái cảm vẫn ngân nga miên  man. Thơ Đường luật cần coi trọng tứ hơn ý. Trong thơ có nhãn cú nhãn tự quyết định sinh mạng của thi phẩm. Thơ Đường luật rất cần có nhãn cú, nhãn tự.                                             

                               ***                       

    Để kết thúc bài viết , tôi xin  cảm tạ  Hội thảo đã cho tôi sơ bộ có được những thu hoặch  bổ ích về Thơ Đường luật thời Trần và cũng là dịp để tôi được trao đổi thêm điều này điều khác. Mong được chỉ bảo thêm và mong có sự hưởng ứng.trao đổi Đề nghị Ban tổ chức biên tập chu đáo thêm và sớm ra sách Thơ Đường luật thời Trần. Hy vọng sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận .Bài viết hơi dài. Mong có sự thông cảm

                                                                  Thăng Long Đông Đô Hà Nội

                                                                Nhâm Dần Trọng xuân ( 8/ 2022 )