Bài thơ Chiết tự của Nguyễn Ái Quốc
BÀI THƠ “CHIẾT TỰ” TRONG NGỤC TRUNG NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC
Nguyên tác
折 字
囚 人 出 去 或 為 國
患 過 頭 時 始 見 忠
人 有 憂 愁 優 點 大
籠 開 竹 閂 出 真 龍
Phiên âm
CHIẾT TỰ
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc
Hoạn quá đầu thì thuỷ kiến trung
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại
Lung khai trúc sản xuất chân long.
DỊCH NGHĨA
Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước,
Qua cơn hoạn nạn mới rõ người trung;
Người biết lo, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở then của trúc, rồng thật sẽ bay ra.
Bản dịch thơ của Nam Trân:
CHIẾT TỰ
Người thoát khỏi tù ra dựng nước,
Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;
Người biết lo âu, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!
———
CHIẾT TỰ: Là một hình thức phân tích chữ Hán ra từng bộ phận để thành những chữ mới, như môt kiểu chơi chữ, có ý nghĩa khác hoàn toàn với ý nghĩa ban đầu.
Theo lối chiết tự – tách chữ, bài thơ này còn có nghĩa thật như sau:
Chữ tù (囚) bỏ chữ nhân (人), cho chữ hoặc (或) vào, thành chữ quốc (國). Chữ hoạn (患) bớt phần trên đi thành chữ trung (忠). Thêm bộ nhân (人) đứng vào chữ ưu (憂) trong “ưu sầu” thành chữ ưu (優) trong “ưu điểm”. Chữ nhân (人) thêm gạch ngang sẽ thành chữ đại (大). Chữ lung (籠) bỏ bộ trúc đầu (竹) thành chữ long – rồng (龍).
Vậy bài thơ “Chiết tự”- Tách chữ, có thể hiểu nghĩa như sau:
DỊCH NGHĨA
Chữ tù (囚) bỏ nhân (人) thêm hoặc (或) thành chữ quốc (國)
Chữ hoạn (患) bỏ phần chữ trên đầu (中), thành chữ trung (忠)
Chữ nhân (人) thêm gạch ngang trên đầu, sẽ thành chữ đại (大)
Chữ lung (籠) bỏ bộ trúc (竹) trên đầu mới thành chữ long (龍).
Bản dịch thơ của Nguyễn Đình Trọng:
CHƠI CHỮ
Chữ tù giống chữ nước non
Trải qua hoạn nạn người còn trung cang
Chữ nhân thành đại thêm ngang
Chữ lao bỏ mũ, khải hoàn rồng bay.
Nguyễn Đình Trọng dịch
Theo Nguồn VanDanViet.Net