Bác Hồ với thơ Xuân, bài viết của Nguyễn Thị Thực

 

BÁC HỒ VỚI THƠ XUÂN

                                                        Nguyễn Thị Thực

                                                              Sơn Lễ, Hương Sơn

                                                            CLB thơ Nguyễn Trãi Hà Nội

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Người đã đi nhiều nước trên thế giới. Ở nước nào thì người làm thơ, làm văn theo tiếng của nước đó. Trong quãng đời hoạt động, Người đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn sách báo giá trị. Những tập thơ nổi tiếng như “Ngục trung nhật ký”, “Thơ Hồ Chí Minh”… Những tờ báo của Bác được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, khâm phục như “Báo cứu quốc”, báo “Người cùng khổ”… và những văn kiện có giá trị bậc nhất trong kho tàng văn học nước nhà. Dù việc Cách mạng có bận rộn đến đâu thì mỗi dịp tết đến, Bác không bao giờ quên tặng quà cho các cháu nhỏ, và làm thơ chúc tết mừng xuân gửi đồng bào cả nước.

Thời kỳ trước năm 1945, khi đất nước chưa được ra đời, Bác đã hình dung lá cờ đỏ của tổ quốc mình và luôn hiện ra trước mắt. Hình ảnh cao đẹp đó được người đưa vào trong bài thơ xuân năm 1942:

“Tháng ngày thấm thoắt chóng như thoi

Năm cũ qua rồi chúc năm mới

Chúc phe xâm lược chóng diệt vong

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi

Chúc toàn quân ta trong năm nay

Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”

Lá cờ đỏ trong tâm can Bác, trong giấc mộng của Bác khi còn ở nhà ngục Tân Cương đã trở thành hiện thực. Năm 1945, cách mạng thành công. Nước Việt Nam ra đời, đầu xuân năm 1947 bác viết bài “Chúc năm mới” gửi quân dân cả nước:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang vọng non sông…

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập nhất định thành công”

Thơ Bác đậm đà tình cảm nhưng cũng vừa là lời kêu gọi, lời giáo huấn, động viên toàn dân đoàn kết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là đường lối sách lược kháng chiến, là tiếng kèn xung trận. Đúng như câu:

“Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Từ ngữ trong thơ Bác giản dị mang tính dân dã, gọn gàng chân chất, hợp dân chúng, nên dễ nhớ dễ thuộc. Đúng như câu Bác đã nói:

“Mấy lời thành thật nôm na

Vừa là kêu gọi vừa mừng xuân”

Vào dịp rằm tháng Giêng năm 1948, nhân ngày tết Nguyên Tiêu, Bác viết bài thơ Nguyên Tiêu thật súc tích và đầy gợi cảm:

“Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiết xuân thiên

Yên ba thâm sứ đàm quân sự

Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyên”

      Nhà thơ Xuân Thủy đã dịch:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Bài thơ tứ tuyệt tràn trề sức sống của đêm xuân huyền bí trên rừng núi Việt Bắc. Sắc thơ mang tính đặc thù của mùa xuân tới. Cảnh sông nước mênh mông giữa đêm trăng thanh lồng lộng lẫn màu trời xuân thật huyền diệu. Dưới lớp ngôn từ lặng lẽ mà đầy gợi cảm ấy, toát lên một nội dung lớn lao là “đàm quân sự”.

Dù viết ở đâu, hay trong hoàn cảnh nào thì thơ Bác cũng luôn gắn liền với nhiệm vụ Cách mạng. Bởi thế mà tư tưởng bài thơ trở nên lớn lao, huyền bí hào hùng. Đó chính là tâm hồn Bác, đạo đức của Bác. Đúng như một nhà thơ của Thỗ Nhĩ Kỳ đã nói: “Thơ là phải chiến đấu cho hạnh phúc của con người…”

Khi nói về Đảng: Trong suốt chặng đường đằng đẳng 30 năm trường kỳ phấn đấu, Đảng ta đã vượt qua bao bão tố chông gai, bền gan chèo chống con thuyền Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, vào mùa xuân năm 1960, Bác viết bài “Đảng ta” người đánh giá vai trò và công lao to lớn của Đảng:

“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất Độc lập, là hòa bình Tự do

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm Đảng, là cả một kho lịch sử bằng vàng…”

Trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, vào thời kỳ năm 1967, quân dân cả nước thu được thắng lợi liên tục. Với niềm phấn chấn sướng vui, Bác viết bài thơ “Mừng Xuân” gửi toàn thể đồng bào vào đầu năm 1968:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà

Nam bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta

Cũng mùa xuân năm ấy, miền Nam mở những trận đánh to thắng lớn, Bác mừng vui khôn tả. Nỗi niềm hân hoan đó được Người thể hiện trong bài thơ “Vô đề”. Và đây là bài thơ chữ Hán cuối của Bác (tháng 3/1968).

“Tam nguyên bất ngật cửu xuy uyên

Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên

Hỷ kiến nam phương niên đại thắng

Nhất niên tứ quý đỗ xuân thiên”.

Sau đó nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch là:

“Thuốc kiêng rượu cử đã ba năm

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa xuân”

Bác luôn hi vọng đồng bào ta, đất nước ta mãi mãi là mùa xuân. Một năm có bốn mùa Bác mong mùa nào cũng xuân, cuộc sống người dân luôn thăng hoa hạnh phúc. Đó là điều ước nguyện của Người đã ghi vào bản di chúc thiêng liêng.

Bài thơ biểu thị một tâm hồn trong sáng, một trái tim vĩ đại của một bậc đại nhân đại nghĩa.

Sang năm 1969 thì Bác rất yếu. Dù vậy, đầu xuân Bác vẫn cố gắng làm bài thơ “Mừng xuân 69” gửi toàn Đảng toàn dân:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì Độc lập, vì Tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Đây là bài thơ xuân cuối cùng của cuộc đời Bác. Tất cả những bài thơ xuân những lời chúc tết của Người đều toát lên một tình cảm đậm đà chân chất thiêng liêng. Thơ Bác tràn trề tính chiến đấu, vừa giàu nhạc điệu nên luôn được neo đậu trong lòng người một cách dung dị và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong nhân dân. Nhiều bài thơ xuân của Bác đã trở thành bản hùng ca huyền diệu.

Giờ dẫu Bác đã xa chúng ta hơn  năm chục năm rồi, nhưng mỗi khi đọc những bài thơ đó ta cứ tưởng như Bác vừa mới viết, tưởng tượng như  Bác còn sống và như thấy:

“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”

Nhớ Bác, nhớ những lời chúc Tết mừng xuân của Bác chúng ta càng thấm thía hơn ơn sâu nghĩa nặng của Người. Mấy câu thơ dưới đây của Tố Hữu đã nói hộ cho tấm lòng tất cả chúng ta gửi gắm muôn vàn trái tim thương nhớ đến linh hồn Bác:

… “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dãy Trường Sơn…”

 

N.T.T