Ba bài thơ Thăng Long thành hoài cổ
Ba bài thơ Thăng Long thành hoài cổ
Đó là ba bài thơ cùng tên của Ba Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan, vua Thành Thái (1879 – 1954) và Từ Diễn Đồng (1866 – 1918). Sự xuất hiện của những bài thơ này có mối liên quan mật thiết với số phận của kinh đô Thăng Long trước những biến động của xã hội Việt Nam trong khoảng từ giữa thế kỷ XVIII cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Những cơn địa chấn của lịch sử đã làm cho kinh thành Thăng Long – nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của ba triều đại Lý, Trần, Lê – từ vị trí trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước bỗng trở thành cố đô. Không thể không nhắc lại một số sự kiện lịch sử quan trọng: Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh. Đại quân của Tôn Sĩ Nghị giày xéo Thăng Long. Để trả thù, tất cả những gì liên quan đến Chúa Trịnh đều bị Lê Chiêu Thống cho phá sạch, đốt sạch. Năm 1789, sau khi đánh tan quân Thanh, Quang Trung Nguyễn Huệ định đô ở Phú Xuân (Huế). Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Năm 1802, sau khi tiêu diệt Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế và kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân. Thăng Long – kinh thành với bề dày tám thế kỷ đã trở thành trấn thành rồi tỉnh thành. Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ thành cũ, xây lại thành mới nhỏ hơn so với hoàng thành vốn có vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc thành, không được rộng hơn thành Phú Xuân. Năm 1831, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành Hà Nội và đến năm 1888, Hà Nội chính thức được nhà Nguyễn nhượng cho Pháp. Từ đó cái tên Thăng Long chỉ còn lại trong kí ức và trong sách, sử mà thôi.
Ba bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” đều được sáng tác sau khi xảy ra những sự kiện nói trên. “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan được viết vào khoảng thời gian sau năm 1802. “Thăng Long thành hoài cổ” được cho là của Vua Thành Thái viết vào khoảng thời gian từ năn 1889 đến 1907. Còn bài thơ của Từ Diễn Đồng tuy không rõ thời điểm sáng tác, nhưng có lẽ cùng trong một khoảng thời gian với bài thơ của vua Thành Thái.
“Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan có thể được xem là bài thơ hay nhất viết về Thăng Long trong thơ ca trung đại Việt Nam. Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở làng Nghi Tàm, Hà Nội. Vì chồng bà – Lưu Nghị (1804 -1847) người huyện Thanh Trì (Hà Nội) đỗ cử nhân năm 1821 – làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình) nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh dạy học cho các công chúa và cung phi. Sau khi chồng mất, bà dẫn các con về lại Nghi Tàm và sống ở đấy cho đến hết đời. Bà sáng tác không nhiều nhưng nhìn chung thơ bà mang đậm phong cách bác học, ngôn ngữ trau chuốt, hình ảnh chọn lọc, “ý tại ngôn ngoại”, niêm luật cũng như đối rất chỉnh. “Thăng Long thành hoài cổ” được viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường (luật trắc vần bằng) với bố cục bốn phần đề, thực, luận, kết:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Viết “Thăng Long thành hoài cổ”, Bà Huyện Thanh Quan mang tâm trạng của người trong cuộc. Nỗi đau của bà là nỗi đau của một người con của đất Thăng Long phải chứng kiến kinh thành với bề dày lịch sử đang bị tàn phá, hủy hoại bởi bàn tay con người. Hình ảnh kinh đô hiện lên trong sự đối lập xưa – nay. Xưa là ngựa xe tấp nập, nay chỉ còn hồn cỏ mùa thu (“hồn thu thảo”). Xưa là lâu đài nguy nga tráng lệ, nay chỉ còn sự đổ nát, hoang tàn với “nền cũ” dưới ánh hoàng hôn (“bóng tịch dương”). Những hình ảnh tang thương đó hiện ra như một lời oán trách sự tàn nhẫn của con người đã tạo nên “cuộc hí trường” để kinh đô Thăng Long nghìn năm văn vật trở thành nơi hoang phế khiến cho tác giả trước cảnh cảm thấy đau đớn đến đứt ruột (“Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”).
Nếu “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan mang nỗi ngậm ngùi, luyến tiếc một thuở vàng son của kinh đô Thăng Long thì bài thơ của vua Thành Thái lại thể hiện nỗi buồn đau của một bậc hoàng đế trước hoàn cảnh đất nước rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Thành Thái là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Mang tinh thần yêu nước, chống Pháp nên ông bị buộc phải thoái vị rồi sau đó bị lưu đày tại Réunion (1916). “Thăng Long thành hoài cổ” được nhà vua viết nên với mục đích gửi gắm những tâm sự yêu nước của mình. Dưới đây là bài thơ nguyên tác bằng chữ Hán:
Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi phủ nhất thiên tình
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc
Hổ động không dư bách chiến thành.
Nùng lững phù vân kim cổ sắc
Nhị hà lưu thủy khấp ca thanh
Cầm hồ đoạt sáo nhân hà tại
Thùy vị giang sơn tẩy bất bình
Bản dịch của Trinh Đường:
Mấy độ tang thương nghĩ những kinh
Quay đầu mỗi bận mỗi thương tình
Kim Ngưu hồ trải ba triều đại
Động Hổ còn đây bách chiến thành
Mây nổi núi Nùng màu cũ mới
Nước trôi sông Nhị tiếng buồn tênh
Cầm hồ đoạt sáo người đâu tá?
Ai rửa giang sơn nỗi bất bình?
Trong bài thơ có nhắc đến “mấy độ tang thương” của kinh đô Thăng Long, tuy không cụ thể như Bà Huyện Thanh Quan, nhưng cũng gợi cho người đọc liên tưởng đến những biến cố lịch sử khốc liệt trong hai thế kỷ mà vì đó Thăng Long đã mất đi vị trí trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Tuy nhiên nội dung chủ yếu của bài thơ lại là nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm bằng việc nói đến truyền thống hào hùng, oanh liệt của cha ông qua hình ảnh “cầm hồ đoạt sáo” trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Chúng ta biết rằng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285), Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294) đã viết “Tụng giá hoàn kinh sư” (Phò giá về kinh) với bốn câu như sau: “Đoạt sáo Chương Dương độ / Cầm Hồ Hàm Tử quan / Thái bình nghi nỗ lực / Vạn cổ thử giang san” (Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù / Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu). “Cầm hồ đoạt sáo” đã được vua Thành Thái đưa vào bài thơ như là biểu tượng của tinh thần anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đều thất bại, vua Thành Thái đã nhắc lại chuyện xưa, mượn chuyện xưa để nói đời nay. Vì thế, tấc lòng hoài cổ của nhà vua hoàn toàn không yếu đuối, ủy mị mà đầy khí phách, cho thấy bản lĩnh cứng cỏi của một bậc đại trượng phu mang chí lớn.
Sống cùng thời với vua Thành Thái, Từ Diễn Đồng (còn được gọi là Tú Đồng), một nhà nho nghèo cũng đã bộc lộ niềm đau xót của mình trước hiện thực mất nước bằng bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”:
“Sử truyền nhà Lý đóng đô đây
Trải mấy nghìn năm mới đến nay.
Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc,
Cột cờ sao thấy lá cờ Tây?
Nền văn nhà Lý xây kia đó
Vết kiếm vua Lê vất chỗ này
Người cũ bây giờ đâu cả nhỉ?
Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay!”
Đây là bài thơ Nôm được viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường. Khác vua Thành Thái thể hiện nỗi lòng mình một cách kín đáo, Từ Diễn Đồng đã bày tỏ trực tiếp tình cảm và thái độ bằng giọng thơ đầy mỉa mai nhưng không kém phần đau xót. Thực trạng mất nước hiện lên qua những hình ảnh đối lập: “Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc / Cột cờ sao thấy lá cờ Tây?”, “Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay!” Những câu thơ là những câu hỏi lớn xoáy vào tâm can người đọc về hiện tình đất nước thông qua hình ảnh kinh đô Thăng Long.
Ba bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” dẫu mang sắc thái tình cảm và hình thức thể hiện khác nhau nhưng đều gặp nhau ở tấm lòng yêu quý, hoài vọng về kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ những tinh hoa và truyền thống quật khởi của dân tộc. Đó cũng chính là tấm lòng đối với non sông đất nước của ba nhà thơ.
Hoàng Trọng Hà
,