Á NAM TRAN TUÂN KHẢI – NGÔI SAO SÁNG TRÊN BẦU TRỜI THƠ CA VIỆT NAM Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Bài viết của Giáo sư Nguyễn Đình Chú
- Một cuộc đời sống trọn với chính nghĩa cảm
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình Nho học. Cụ thân sinh từng tham gia các phong trào yêu nước đâu thế kỷ XX.. Trần Tuấn Khải là một cậu bé thông minh, chịu ảnh hưởng gia phong gia đạo và lòng yêu nước của gia đình, quê hương..Thuở nhỏ học chữ Hán, rồi học trường Pháp Việt. Sau đó sống với nghề viết văn viết báo. Từng cộng tác với các báo, các tạp chí: Khai Hóa , Vệ Nông, Hữu Thanh tạp chí, Đông Tây tuần báo, Phụ Nữ thời đàm, Đuốc nhà Nam, Văn học tạp chí, Tiểu thuyết nguyệt sa. Ông sống ở Hà Nội. Sau năm 1954, vào Nam làm báo, dịch thuật Hán văn, là nhân viên Thư viện quốc gia tại Sài Gòn. Ông tham gia phong trào chống văn hóa nô dịch, đòi hòa bình và dân chủ dân sinh (1966-1967). Chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc. Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đã mời ông ra bưng biền và dự định cử ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên minh. Ông đã nhận lời nhưng trên đường đi, mới ra khỏi ngoại thành thì bị sốt cao. tổ chức sợ sức khỏe ông không kham nổi cuộc hành trình đành để ông ở lại. Trong các con ông có người tham gia phong trào chống Mỹ, bị tù Côn Đảo. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông và gia đình sống hòa nhập trong niềm vui chiến thắng. Ông được mời làm cố vấn Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Một số nhà thơ ở Hà Nội như Huy Cận, Xuân Diệu vào thành phố Hồ Chí Mình đều tìm đến nhà thăm ông. Có người kể, hôm nhà thơ Huy Cận mới đến trước sân nhà ông, cứ réo to lên: Anh khóa ơi ! Anh khóa ơi ! Anh khóa ơi !…. Anh khóa trong tên bài thơ Bài hát anh khóa của ông viết vào những năm 20 của thế kỷ XX đương thời đã có một sức sống kỳ lạ. Ở Hà nội, từ Bờ Hồ cho đến chợ Đồng Xuân, ga Hàng Cỏ, chợ Hàng Da, chợ Bưởi… và cả ở thôn quê nơi bến đò, kẻ chợ, đâu đâu những người hát xẩm kiếm sống không hát Bài hát anh khóa. Sau ngày non sông qui về một mối, Bắc Nam xum họp một nhà, Ấ Nam Trần Tuấn Khải đã có thơ Mừng anh khóa về đăng trên Tuần báo văn nghệ và nhiều tờ báo khác với một niềm vui phơi phới. Sau năm 1975, Tuyển tập thơ văn Trần Tuấn Khải ( Nxb Văn học) là của một tác giả sống ở Sài Gòn cũ được xuát hiện đầu tiên tại Hà Nội với lời giới thiệu của Xuân Diệu thắm đượm sự trân quí của một thi tài lớp sau trước một thi tài lớp trước. Bản thân tôi, năm 1976, nhân dịp vào thỉnh giảng ở Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến trụ sở Hội Văn nghệ thành phó hỏi dịa chỉ để tìm đến nhà xin diện kiến Á Nam tiên sinh cả một buổi sáng. Ra về với một ấn tượng: đây là một bậc thi bá, một nhân cách, một cuộc đời sống trọn vẹn với chính nghĩa vốn có gốc gác Nho phong, Nho cốt mà với tôi là điều hấp dẫn nhất khi nghĩ đến chân giá trị của một người. Một dịp khác vào Sài Gòn, tôi đến thắp hương cho Tiên sinh và trò chuyện với ái nữ của tiên sinh là chị Nhung cũng là một nhà thơ, lúc này đã chuyển nhà ra sống ở Thủ Đức.. Nhớ lại, năm 1962 tại Hà Nội, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV khi tuyển thơ của Á Nam có sự ngộ nhận mà ghi rằng với Á Nam Trần Tuấn Khải, chỉ đáng quí ở giai đoạn trước, chứ sau 1927 đã hư hỏng chẳng có gì đáng quí nữa. Đúng là một sự hồ đồ đáng tiếc của một thời.. Cải quan định luận. Năm 1983, Á Nam qua đời, nhiều báo chí trong đó có báo Nhân dân đã tôn vinh Tiên sinh là một nhân sĩ trọn đời yêu nước sống thanh bạch thuần hậu. một hồn thơ lớn. Tại viện Văn học cũng đã có cuộc tọa đàm về Á Nam Trần Tuấn Khải. Đến nay thì các sách văn học sử, giáo trình đại học ít nhiều đều đã dành cho Á Nam những lời tôn vinh xứng đáng.
Một ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX
Á Nam Trần Tuấn Khải đã để lại một văn nghiệp gồm:
– Thơ: Duyên nợ phù sinh Tập I tập II ( 1921, 19 23, còn có tên là Kim sinh lụy), Bút quan hoài ( I,II , 1924), Hồn tự lập ( I, II),, Với sơn hà ( Tạp I: 1936. Tập II : 1949)
– Tiểu thuyết: Gương bể dâu , Hồn hoa ( 1925), Thiên Thai lão hiệp ( 1936)
– Kịch : Mảnh gương đời
– Dịch thuật: Thủy Hử ( 1925), Đông Chu liệt quốc , Hồng lâu mộng ( 1934)
Một văn nghiệp lúc nhặt lúc khoan hơn sáu mươi năm và cũng đa dạng như thế, nhưng cái mà làm nên một tên tuổi lớn trên văn đàn, không gì khác là thơ ca, mà chủ yếu là thuộc giai đoạn từ năm 1921 là năm có thi phẩm đầu tay Duyên nợ phù sinh tới năm 1949 là năm có thi phẩm Với sơn hà tập II. Trong đó nổi danh nhất là vào những năm 20 của thế kỷ XX.
Nói đến thành tựu thơ ca Á Nam Trần Tuấn Khải, dễ thường thấy nổi lên hai điểm nổi bật sau đây:
- Á Nam Trần Tuấn Khải đến với thơ ca với một quan điểm nghệ thuật:
Đời không duyên nợ thà không sống
Văn có non sông mới có hồn
Từ quan điểm nghệ thuật này mà hầu như thi tài thi hứng thi tình thi cảm thi tứ suốt cà đời thơ của Á Nam chỉ xoay quanh một chủ đề là tấm lòng với non sông đất nước. Ấy thế mà vẫn không lặp , không nhàm, không để người đọc phải chán. Điều đó, chứng tỏ cái kho tình kho cảm của tác giả với giang sơn đất nước là phì nhiêu, đầy đặn, mặc sức cho tác giả tuôn ra bao nhiêu cũng không cạn. Điều đó cũng chứng tỏ thi tứ thi từ thi ảnh của tác giả cũng là bề thế, phong phú đủ sức chuyển tải thi tình thi cảm .
Trên văn đàn công khai đương thời, không ít thi nhân cũng nặng tình non nước. Đó là Sương Nguyệt Anh, Hoàng Tăng Bí, Đoàn Như Khuê, Sầm Phố, Bang Nhãn, Đạm Phương, Phạm Tất Đắc, Hoàng Ngọc Phách…Họ đều có thơ về non nước nhưng nhìn chung nguồn cảm hứng đều chóng vơi cạn. Ngay như Tản Đà là ngôi sao thơ sáng nhất trên thi đàn công khai lúc này thì nguồn cảm hứng “ non non nước nước chưa nguôi lời thề” cũng chỉ là một bộ phận trong thế giới thơ đồ sộ của thi nhân và nếu so sánh bộ phận đó với hồn thơ non nước của Á Nam thì cũng không dồi dào bằng, nhất là ở sức lay động lan tỏa ảnh hưởng trong dân gian.
- Á Nam Trần Tuấn Khải bước chân vào văn đàn ở giai đoạn giao thời của văn học dân tộc đang quá độ từ phạm trù văn học trung đại mang dấu ấn khu vực sang phạm trù văn học hiện đại mang tính toàn cầu thế giới.. Lúc này, cái cũ qua đi nhưng chưa qua hẳn. Cái mới chớm có nhưng chưa đủ định hình. Về thơ ca, định hình thì phải đợi đến khi có phong trào Thơ mới 1932- 1945.. Trong bước quá độ này, có khuynh hướng đưa thơ ca về tắm mát trong dòng suối dân ca ngàn đời của dân tộc. Tản Đà là vậy. Á Nam càng là vậy. Trong thế giới thơ ca của Á Nam, vẫn có thơ Đường luật , thơ song thất lục bát, lục bát, văn tế…Nhưng phần nổi trội nhất là viết bằng nhiều thể loại dân ca. Chính ở bộ phận này mà thơ của Á Nam có sức lan tỏa trong dân gian một cách rộng rãi hiếm có mà ngay thơ của nhà thơ núi Tản sông Đà cũng không có được như thế. Có hiện tượng, một số câu phong dao của Á Nam ví như câu : Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương thì sau này nhiều sách vẫn cho dó là ca dao của dân gian .
3 Đến đây, xin mời quí vị thưởng thức một đôi vần thơ của Á Nam mà với số đông trong chúng ta hôm nay đã là chuyện muôn năm cũ
Hai chữ nước nhà: ( Bút quan hoài . Tập I. 1924): là lời một người cha đã phải lưu vong ra nước ngoài mang theo nỗi đau mất nước dặn con đừng quên nhục mất nước, hãy nhớ đến truyền thống anh hùng của dân tộc mà quyết tâm cứu lại nước nhà. Bài thơ viết theo thể song thát lục bát. Mở đầu là những câu
Chốn ải Bắc mây sầu ám đạm
Cõi giời Nam gió thảm mưa sầu
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái trông phong cảnh như khêu bất bình.
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dặm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi ! Con nhớ lấy lời cha khuyên,
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy nghìn năm suy thịnh đổi thay
Giời Nam riêng một cõi này
Anh hùng liệt nữ xưa nay thiếu gì.
Than vận nước gặp khi biến đổi
Để quân Minh thừa hội xâm lăng…
Kết thúc bài thơ là:
Lời cha dặn khắc xương ghi dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với thượng thiên
Quyết đem tâm huyết mà đền cao sâu
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà… …. … …Cha dù đất khách gửi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi hai chữ nước nhà.
Gánh nước đêm : là qua hình ảnh một cô gái gánh nước ban đêm để bày tỏ nỗi niềm vất vả của những người đang vất vả lo toan trọng trách cứu nước mà chưa vào đâu , chỉ mong có thêm người cứu nước, Bài thơ viết theo thể loại dân ca với câu ngắn câu dài tự do theo mạch cảm xúc tuôn chảy. Đây là một bài thơ ít ỏi câu chữ mà sâu nặng tâm can. Nó hấp dẫn người đọc ở ý thơ, tình thơ, hình thơ. Âm thanh và nhịp điệu của thơ như đang nhún lên nhún xuống theo độ nhún của gánh nước nặng trên vai của cô gái. :
Em bước chân ra
Con đường xa tít
Non sông mù mịt
Bên vai kĩu kịt
Gánh nặng chị trở ra về
Ngảnh cổ trông sông rộng trời khuya
Vì chưng nước cạn, ,gánh nặng em dám kêu ai
Nghĩ tiếc công cho bà Nữ Oa đội đá vá trời
Con dã tràng lấp bể biết ngày nào xong
Bước đêm khuya thân gái dặm trường
Nước non gánh nặng cái đức ông chồng hay hãy có hay.
Bài hát anh khóa: ( Duyên nợ phù sinh Tập I. 1921). Khóa đây không phải là thợ khóa kiếm ăn bằng nghề làm chữa khóa. Khóa đây là khóa sinh tức là những nho sinh đã trúng kỳ sát hạch để có tư cách đi thi hương trong chế độ thi của Hán học ngày trước. Bài hát anh khóa được viết theo thể loại dân ca chuyên dùng cho nghề hát xẩm của những người mù kiếm sống. Bài hát là câu chuyện một người vợ sau khi tiễn chồng xuống tàu đi xa để rồi vò võ một mình và nhớ thương chồng da diết trong đạo thủy chung. Người chồng đi xa đây chính là những chí sĩ bỏ nhà xuất dương tìm đường cứu nước trong những năm đầu thế kỷ XX. Như đã nói, đây là bài thơ nổi tiếng nhất , có sức lan tỏa nhất trong mọi tầng lớp của người dân đất Việt ở thời mất nước bấy giờ. Nói đến Á Nam Trần Tuấn Khải, không ai không nói đến Bài hát anh khóa.
Bài hát gồm hai đoạn: Đoạn I: Tiễn chân .Đoạn II: Mừng anh khóa
Đây là phần đầu của Đoạn I:.
Anh khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh
Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương
Anh khóa ơi ! Cái bước công danh ngoắt ngoeo đủ trăm đường
Anh đi một bước tấm gan vàng em sẻ làm hai
Kìa người ta bè bạn vui cười
Đôi ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau
Anh khóa ơi ! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu
Đường trần em sấp sửa gánh sầu từ đây …
… Anh khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng
Em trở về vò võ phòng không một mình
Vời trông theo tàu ngoắt khúc sông quanh
Sông bao nhiêu nước giọt lệ tình em bấy nhiêu.
Và đây là lược trích Đoạn II:
Anh khóa ơi! Lúc đêm thâu ngồi tựa vườn điều
Một mình em giở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm
Đọc đến câu: “ Đã nguyền đôi chữ đồng tâm”
Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu
Anh khóa ơi! Kể từ khi em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
Lời phân ly em chửa cạn mà con tàu nó đã quay đi
Một mình em vơ vẩn bước ra về
Vời trông mây nước trăm bề em những ngổn ngang
Anh khóa ơi! Ở trên đời chi lắm kẻ giàu sang
Sao anh không luồn cúi để huênh hoang cho nó qua đời
Can chi mà nay ngược lại mai xuôi
Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh
Anh khóa ơi ! Cái kiếp nam nhi gánh vác đã đành
Như em là phận gái dễ xuân xanh được mấy lần
Mới ngày nào đào hạnh vẫn cười xuân
Mà quyên kêu ve gọi lần lần cảnh đã sang đông
…Anh khóa ơi ! cuộc phân ly con Tạo khéo trêu ngươi
Non cao bể rộng,nợ đời em trả biết bao xong
Nhớ đến câu “ xuất giá theo chồng”
Dẫu trăm cay nghìn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san.
… Anh khóa ơi ! Đường Bắc Nam bao xiết nỗi ai hoài
Giọt sầu pha lệ viết mấy lời tỏ dạ chờ mong
Nước non xa muôn dặm vẫy vùng
Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai
Này hỡi anh khóa em ơi!
Anh khóa xuất dương tìm đường cứu nước. Nay với ngày 30 tháng Tư năm 1975, thế là anh khóa đã về.trong Đại thắng . Á Nam viết bài Mừng anh khóa về. Chính tác giả đã cho biết hoàn cảnh sáng tác cụ thể của bài thơ này như sau: “ Nhân vừa đây hai bạn làng văn từ Hà Nội vào Nam có nhã ý ghé thăm tôi trong khi đương nằm giường bệnh. Bạn vui cười hỏi: “ Nay anh khóa đã về, hỏi bà khóa đã hả lòng chưa?” Nghe câu hỏi bất giác cảm động trong tâm nên sau khi tiễn bạn , tôi viết vội mấy vần tiếp theo ba bài trước cũng gọi là đáp lại tấm lòng ưu ái của bạn và cũng gọi là đáp lại nỗi lòng cảm trước mừng sau để các bạn làng văn cùng rõ”
Đây là đoạn đầu của bài thơ::
Anh khóa ơi! Nhớ từ khi em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
Mấy mươi năm đằng đẵng em những ôm sầu trông đợi tin anh
Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh
Nỡ đem quân gia vũ khí đập nát tan tành Tổ quốc chúng ta
Anh khóa ơi! Cũng vì giang sơn mà anh phải lặn lội xông pha
Phất cờ cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu năm
Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên
Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước này
Anh khóa ơi! Nhờ công lao nên mới có ngày nay
Khác nào giấc chiêm bao chợt tỉnh , thấy ngay cái cảnh huy hoàng.
Thưa quí vị ! Kế ra thì tôi đã có thể dừng bút ở đây. Nhưng nghĩ rằng tham gia tổ chức cuộc hội thảo khoa học này lại có một phần vai trò của Hội thơ Đường luật Việt Nam, nên tôi muốn mời quí vị nghe thêm một bài thơ Đường luật của Á Nam mà với tôi cũng là bài thơ đậm hồn Đường thi trong phạm vi thơ Đường luật trên văn đàn công khai đương thời của Á Nam[được in trong trong Duyên Nợ Phù Sinh tập 1 với tên gọi: Nhớ ai
Vơ vẩn nằm buồn nghĩ nhớ ai
Nhớ ai xa cách một phương trời
Bóng giăng như vẽ tình non nước
Trận gió chưa phai tiếng nói cười
Lưng thúng giang sơn vai gánh lẻ
Mười năm Nam Bắc dạ sầu đôi
Ai ơi sao chẳng tìm nhau tá
Mà đỡ cho nhau gánh nợ đời
( Duyên nợ phù sinh. Tập I{
X
X X
Để kết lại bài viết, là người đã có cơ duyên từng được giảng dạy và tuyển chọn thơ của Á Nam tiên sinh để đưa vào sách Hợp tuyển, giới thiệu thơ của Tiên sinh trong một công trình văn học sử và hướng dẫn học viên làm luận văn về Tiên sinh trong hơn nửa thế kỷ qua, trước đã vậy mà sau càng vậy. tôi càng khắc sâu trong tâm tưởng của mình: Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhân cách lớn, suốt đời chỉ sống với chính nghĩa cảm mà từ đó là một ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca Việt Nam ta ở nửa đầu thế kỷ XX.
Thăng Long – Đông Đô- Hà Nội
Mậu Tuất – Trọng hạ. 6—2018